ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Chú trọng hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản
Việt Nam đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, đang bứt phá, trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển, tiến bộ về giáo dục - đào tạo với mục tiêu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội được Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên đặc biệt. Ngành Giáo dục Việt Nam không ngừng tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm các quốc gia phát triển trên thế giới để đổi mới toàn diện giáo dục đại học trong đó có Nhật Bản.

Kể từ khi 2 nước Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, hợp tác về giáo dục - đào tạo được xây dựng, vun đắp và đạt những kết quả rất tốt đẹp. Chính phủ Nhật Bản đã giúp xây dựng 256 trường tiểu học, dành nhiều viện trợ không hoàn lại để nâng cao năng lực giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cho một số trường đại học cũng như cấp học bổng cho hàng vạn sinh viên Việt Nam...
Hiện nay Bộ GD&KH Nhật Bản chính thức thành lập và có kế hoạch tiếp nhận khoảng 300.000 sinh viên quốc tế tới học tập tại Nhật từ 2008 đến 2020 với mục đích quốc tế hóa các trường ĐH, mỗi năm, mỗi trường sẽ tuyển sinh khoảng 3000-8000 sinh viên quốc tế do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ về tài chính. Hiện tại, ở Việt Nam, ĐH Kyoto đã hợp tác với ĐHQGHN mở văn phòng hợp tác để thúc đẩy chương trình này.
Nhật Bản mong muốn ngày càng có nhiều trường ĐH Việt Nam cử sinh viên sang Nhật Bản và chuyến thăm này có thể mở ra giao lưu hai chiều, tức là các trường Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận sinh viên Nhật Bản sang học tập với kinh phí do Chính phủ Nhật Bản đài thọ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã phát biểu trong buổi đón tiếp Bộ trưởng Bộ GD - Văn hóa - Thể thao - KH&CN Nhật Bản hồi đầu năm 2012 rằng, việc tiếp tục tăng cường trao đổi giữa hai bên để học tập giáo dục Nhật Bản rất bổ ích cho Việt Nam. Việt Nam đã và đang thúc đẩy các trường ĐH trong hệ thống tăng cường hợp tác quốc tế với các ĐH nước ngoài, trong đó Nhật Bản được ưu tiên hàng đầu. Việt Nam cũng mong muốn các trường ĐH có chất lượng tốt của Nhật tham gia hoạt động đào tạo, xây dựng cơ sở đào tạo của mình trên đất nước Việt Nam.
Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức năm 2009, hai bên đã thống nhất chọn ĐHQGHN làm đối tác mở Văn phòng hợp tác. Ngày 17/9/2010, Văn phòng hợp tác ĐHQGHN - Đại học Kyoto (VKCO) đã chính thức khai trương, bắt đầu đảm đương vai trò đại diện cho các trường đại học Nhật Bản và cầu nối trong giáo dục giữa Việt Nam với Nhật Bản. Hiện đã có hơn 100 trường đại học của Việt Nam có các chương trình hợp tác với các trường đại học của Nhật Bản như ĐHQGHN, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,..
ĐHQGHN là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về việc thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác với các trường đại học nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. ĐHQGHN hiện nay đang là đối tác của 20 trường đại học, 4 quỹ học bổng và 1 Viện Khoa học Công nghệ của Nhật Bản. Điều này đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng của ĐHQGHN trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản nói riêng và đây kết quả hợp tác song phương đầy ý nghĩa giữa 2 nước trong thời gian qua.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã hỗ trợ ĐHQGHN nói riêng và các trường Đại học khác của Việt Nam nói chung thông qua nhiều khoản học bổng cùng các hỗ trợ khác như: học bổng Mitsubishi, học bổng Yamada, học bổng Toshiba, học bổng ShinnyEn, học bổng của chính phủ Nhật Bản – MEXT,…
Mới đây, trong buổi hội thảo giới thiệu về Giáo dục Nhật Bản với đề án G30 được tổ chức vào ngày 15/9/2012, VKCO – văn phòng hợp tác giữa ĐHQGHN và Đại học Kyoto đã cung cấp cho hơn 200 học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh tham gia những thông tin mới nhất về những cơ hội học tập và nghiên cứu hoàn toàn mới tại Nhật Bản. Những cơ hội mới được đưa đến cho sinh viên khẳng định sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ Nhật Bản nói chung và các trường đại học hàng đầu Nhật Bản nói riêng nhằm thu hút và tạo điều kiện tối đa cho sinh viên quốc tế tới học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản.
Một trong những mục tiêu quan trọng và căn bản nhất trong giai đoạn hiện nay đó là phải thúc đẩy nền giáo dục trong đó có giáo dục đại học hội nhập quốc tế theo hướng vươn tới tầm quốc tế. Do đó, ĐHQGHN không chỉ chú trọng trong việc giảng dạy kiến thức mà còn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tăng cường hợp tác, mở rộng hợp tác với các quốc gia trên thế giới trong đó có Nhật Bản luôn được ĐHQGHN chú trọng với mong muốn thắt chặt hơn sự giao lưu hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, góp phần vào sự phát triển chung.

 Phương Thảo - Bản tin số 259
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :