ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Đào tạo theo tín chỉ - Ghi nhận và suy ngẫm
Gần đây Bộ GD&ĐT quyết định chuyển toàn bộ hệ thống đào tạo đại học ở nước ta thành đào tạo theo tín chỉ. Nhiều đoàn đại biểu các cấp, từ cấp Bộ cho tới cấp các đại học, các khoa… được cử đi tham quan từ một vài ngày cho tới 1-2 tuần tại một số đại học (thường là có thứ hạng không cao) ở Mỹ...

Hội nghị triển khai đào tạo theo tín chỉ Trường ĐHKHTN được tổ chức ngày 22/8/2007. Hội nghị lần này khẳng định lại và thống nhất trong toàn trường về kế hoạch sẽ triển khai áp dụng các yếu tố tích cực của đào tạo theo tín chỉ vào công tác đào tạo của trường, trong đó nhấn mạnh 2 nội dung chính, gồm đổi mới phương pháp giảng dạy học tập; đổi mới phuơng pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, đồng thời quán triệt các đơn vị đào tạo và các giảng viên hoàn chỉnh đề cương môn học theo phương thức đào tạo tín chỉ, sửa đổi, bổ sung và chuẩn hoá công tác quản lý đào tạo và quản lý sinh viên cho phù hợp với đào tạo theo học chế tín chỉ. Trong các báo cáo, tham luận được trình bày tại hội nghị, báo cáo của GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng đã đặc biệt thu hút được sự quan tâm của các vị đại biểu. Bản tin ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này.

Gần đây Bộ GD&ĐT quyết định chuyển toàn bộ hệ thống đào tạo đại học ở nước ta thành đào tạo theo tín chỉ. Nhiều đoàn đại biểu các cấp, từ cấp Bộ cho tới cấp các đại học, các khoa… được cử đi tham quan từ một vài ngày cho tới 1-2 tuần tại một số đại học (thường là có thứ hạng không cao) ở Mỹ. Khi về nước, nhiều vị đã có những phát biểu, nhận định về hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Vì thời gian tham quan quá ngắn, lại không trực tiếp tham gia giảng dạy, nên không có gì ngạc nhiên là các vị này thường đưa ra những thông tin không rõ ràng, nhiều khi trái ngược nhau. Chuyện này khiến người nghe nhớ đến cảnh thầy bói xem voi. Trong bài viết này, tôi được trao trách nhiệm thuật lại những điều tôi biết về hệ thống đào tạo theo tín chỉ của Mỹ. Những hiểu biết của tôi được đúc rút từ 5 lần làm việc tại Mỹ, chủ yếu là giảng dạy, song song với hợp tác nghiên cứu, trong đó có 3 lần trọn vẹn cả năm học, và 2 lần tròn một học kỳ, tại một số đại học có tiếng của Mỹ, như ĐH California (Berkeley), ĐH Johns Hopkins (Baltimore), ĐH Wayne State (Detroit), ĐH Washington (Seattle). Tôi cũng kết hợp kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp với những quan sát tại một số đại học khác mà tôi được mời tới làm báo cáo khoa học, như ĐH MIT, ĐH Chicago, ĐH Illinois (Chicago), ĐH Michigan, ĐH Rochester... Từ lâu, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Vì sao hệ thống đại học của Mỹ có thể đào tạo các sinh viên có trình độ ở đầu vào nói chung không cao, thành những chuyên gia giỏi chỉ trong vòng 4 năm (đối với cử nhân) hoặc 8 năm (đối với tiến sĩ). Tôi sẽ trao đổi trên tinh thần mà Khổng Tử đã nói: “Tri dĩ vi tri, bất tri dĩ vi bất tri, thị tri”, tạm dịch là: “Biết thì nhận là biết, không biết nhận là không biết, thế mới thực là biết”. Tôi cũng sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi và thảo luận trên mọi khía cạnh của hệ đào tạo theo tín chỉ, trong chừng mực mà hiểu biết của tôi cho phép.

Sinh viên bắt đầu một học kỳ như thế nào?

Ở Mỹ, bắt đầu một học kỳ mỗi sinh viên tự quyết định các môn mà mình sẽ theo học trong học kỳ đó, nhằm thu được một số tín chỉ nhất định. Nếu học ít môn quá, thì thời gian học sẽ kéo dài, tăng phí tổn, và khó được nhận học bổng. (Học bổng được quyết định trên cơ sở số tín chỉ và kết quả của các tín chỉ mà sinh viên thu được trong học kỳ trước.) Nếu học nhiều môn quá thì sinh viên không đủ sức lực và thời gian. Tất nhiên, mỗi môn học đều có đòi hỏi tiên quyết về những môn sinh viên phải học trước đó. Trong mỗi học kỳ, mỗi môn học đều được giảng bởi nhiều giáo sư khác nhau, ở nhiều lớp khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau. Sinh viên được quyền đăng ký vào học ở một trong các lớp này, chủ yếu dựa trên sự phù hợp về thời gian của họ với thời gian biểu của lớp học. Nhớ rằng nhiều sinh viên vừa đi làm (full time hoặc part time) vừa đi học. Số sinh viên của mỗi lớp học thường được giữ cho không vượt quá 40 hoặc 50 người (tùy đại học). Vì thế, nếu đăng ký muộn, sinh viên có thể không được xếp vào lớp mà anh ta mong muốn. Sinh viên được quyền học thử trong khoảng 1-2 tuần (tùy từng đại học), sau thời gian thử đó, sinh viên có thể xin đổi lớp (để có thời gian biểu phù hợp hơn, hoặc để được học một giáo sư mà người đó thích), hoặc xin thôi học môn này mà vẫn được hoàn lại học phí. Việc xin đổi lớp phải được sự đồng ý của giáo sư dạy ở lớp mà sinh viên muốn chuyển tới, và phải được giáo vụ chuẩn y.

Tóm lại, trong đào tạo theo tín chỉ, không có khái niệm hai sinh viên học cùng một lớp, chỉ có hai sinh viên học cùng một môn học. Các khái niệm lớp trưởng và giáo viên chủ nhiệm cũng do đó mà trở nên vô nghĩa.

Giáo sư nhận một môn học với những ràng buộc và hỗ trợ gì?

Mỗi môn học đều có đề cương (syllabus) do Khoa quy định và được đưa lên mạng từ trước. Đề cương này nêu rõ: Học theo sách nào, học những chương nào, những tiết nào bắt buộc, những tiết nào tùy chọn, mỗi chương và mỗi tiết chiếm thời lượng xấp xỉ bao nhiêu… Trên thực tế, nếu làm đúng như đề cương đòi hỏi, thì bài giảng của các giáo sư khác nhau cũng không khác nhau nhiều, và chất lượng của môn học đã được đảm bảo chắc chắn. Khoa cử một giáo sư có nhiều kinh nghiệm làm điều phối viên cho mỗi môn học. Nhiệm vụ của người này là trả lời những thắc mắc của các giáo sư ít kinh nghiệm hơn, thống nhất quan điểm của các giáo sư cùng dạy môn này, và nhắc nhở mọi người về thời gian các kỳ thi giữa và cuối kỳ. Họ thường làm tất cả những trao đổi này qua email, chứ không cần họp hành.

Khi nhận phân công giảng dạy một môn học, mỗi giáo sư được thông báo thông qua mạng thời gian và địa điểm dạy, thời gian và địa điểm thi hết môn. Giáo vụ của cả đại học lập ra lịch thi theo nguyên tắc rất công nghiệp, kiểu như sau: tất cả những môn (trong toàn trường) học vào lúc T giờ các ngày thứ A và thứ B đều thi vào ngày X lúc Y giờ.

Mỗi giáo sư được giao một trợ lý, làm việc chấm bài tập về nhà cho môn học mà mình dạy. Người này thường là sinh viên giỏi của năm trên, được đại học thuê làm một phần thời gian. Nhiệm vụ của người này là chấm bài tập và lên điểm. Cuối học kỳ giáo sư đánh giá chất lượng công việc của người trợ lý. Trên cơ sở đó, Khoa sẽ quyết định có tiếp tục thuê người này nữa hay thôi.

Đề cương (syllabus) môn học của giáo sư bao gồm những thông tin gì?

Trước khi môn học bắt đầu, giáo sư phải soạn một đề cương (syllabus) chi tiết, phát bản in của nó cho mỗi sinh viên trong buổi học đầu tiên và đưa nó lên trên mạng. Nội dung của đề cương ngoài những quy định chung của đại học (chẳng hạn như nội dung của môn học, sách tham khảo chính, thời gian và địa điểm kỳ thi hết môn…) là những quy định riêng của giáo sư đó đối với sinh viên.

Điểm của môn học được quyết định dựa trên điểm bài tập về nhà, điểm của hai kỳ thi giữa học kỳ, và điểm kỳ thi hết môn. Giáo sư được quyền quyết định tỷ lệ phần trăm của những điểm thành phần nói trên trong điểm của môn học. Thời điểm thi của các kỳ thi giữa học kỳ do giáo sư tự quyết định và thường được thông báo ngay từ đầu học kỳ, trong syllabus của giáo sư.

Giáo sư phải bố trí cho mỗi lớp mình dạy mỗi tuần khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần 1 giờ, cái gọi là “thời gian văn phòng”. Đó là lúc mà giáo sư có nghĩa vụ phải ở phòng làm việc của mình, để cho sinh viên có thể tới hỏi bài. Mỗi giáo sư ở Mỹ đều có phòng làm việc riêng, nên chuyện này không có gì phiền phức. Sinh viên cũng có thể liên hệ với giáo sư qua email hoặc điện thoại để hẹn giờ hỏi bài riêng, nếu họ bận đột xuất vào “thời gian văn phòng”.

Giáo sư thông báo địa chỉ trang web cá nhân, nơi sinh viên nhận bài tập và những lời dặn mỗi tuần, thông báo thời gian nhận và trả bài tập về nhà hàng tuần.

Tất cả những thông tin trên đây đều được viết rõ ràng và chi tiết trong đề cương môn học của riêng giáo sư và được đưa lên mạng từ đầu học kỳ.

Việc dạy và học tiến hành thế nào?

Một số đại học của Mỹ chia một năm thành 4 học kỳ, gọi là semester hay quarter, mỗi học kỳ 3 tháng (bao gồm 10 tuần học, 2 tuần thi, chấm thi và lên điểm, 1 tuần nghỉ chuyển tiếp, tổng cộng 13 tuần). Sinh viên có thể học 3 hoặc 4 học kỳ một năm. Một số đại học khác lại chia một năm thành 3 học kỳ, gọi là semester, mỗi học kỳ 4 tháng (bao gồm 14 tuần học, 2 tuần thi, chấm thi và lên điểm, 1 tuần nghỉ chuyển tiếp, tổng cộng 17 tuần). Sinh viên có thể học 2 hoặc 3 học kỳ một năm.

Trên nguyên tắc, người ta khuyến khích giáo sư đối thoại với sinh viên trong lúc giảng bài, nhưng việc giảng bài trên lớp tại Mỹ về cơ bản không khác với việc giảng bài tại Việt Nam (ít nhất là về môn Toán). Điểm khác căn bản có thể là ở chỗ sinh viên Mỹ không thích nói quá nhiều về lý thuyết, họ quan tâm và đòi hỏi bài giảng lý giải ý nghĩa và ứng dụng thực tế của vấn đề. Họ cũng chú trọng các kỹ năng thực hành. Họ có thể bình tĩnh khi chưa thấu đáo ý nghĩa lý thuyết của vấn đề, nhưng nếu họ không làm được bài tập thì họ sẽ kéo đến rất đông trong giờ văn phòng của giáo sư.

Hàng tuần sinh viên nhận bài tập được giao trên mạng. Bài tập có thể gồm 2 loại, một loại dành cho luyện tập và không phải nộp, một loại khác sinh viên phải nộp lại cho giáo sư vào thời điểm đã hẹn của tuần tiếp theo. Giáo sư chuyển các bài tập vào hòm thư của mình để người trợ lý tới lấy, chấm bài, lên điểm và chuyển lại vào hòm thư cho giáo sư.

Thư viện sẽ là nơi chiếm nhiều thời gian nhất của sinh viên. Ảnh: Bùi Tuấn

Việc thường xuyên có mặt tại lớp không phải một nghĩa vụ của sinh viên. Do đó, việc điểm danh sinh viên đi học tự nó trở nên vô nghĩa.

Giáo sư có thể giao một vài vấn đề cho sinh viên tự đọc. Tuy nhiên, ít nhất là đối với môn Toán, những vấn đề này thường là không cốt yếu và không cần dùng tới trong phần còn lại của giáo trình.

Tôi không hề thấy giờ tự học của sinh viên được ghi trong chương trình của đại học. Sinh viên ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào cũng phải tự học. Nhưng việc tự học của sinh viên không phải là một bộ phận của chương trình giảng dạy của đại học. Đáng tiếc là ở ĐHQGHN người ta đang định xếp giờ tự học của sinh viên thành một bộ phận của giờ học chính thức.

Việc thi và chấm thi được tiến hành thế nào?

Giáo sư tự ra đề, tự coi thi và tự chấm thi tất cả các lần thi giữa kỳ và hết môn. Phòng thi không cần tới 2 người coi. Bài thi không cần dọc phách. Cũng có đại học quy định kỳ thi hết môn đối với các môn học ở năm học đầu do một hội đồng của khoa ra đề chung. Khi đó, điều kiện cần để hoàn thành môn học này là sinh viên phải đạt ít nhất 50% số điểm của kỳ thi hết môn. Điều kiện đủ thì do giáo sư tự quyết định.

Tất cả các bài thi đều là tự luận, không thấy dùng hình thức thi trắc nghiệm.

Điểm của môn học được quyết định thế nào?

Như trên đã nói, mỗi giáo sư được quyền tự quyết định tỷ trọng của điểm bài tập về nhà, điểm của hai kỳ thi giữa học kỳ và điểm kỳ thi hết môn trong điểm của môn học. Chẳng hạn, tôi đã cho bài tập về nhà 50 điểm, mỗi trong 2 kỳ thi giữa học kỳ 100 điểm, kỳ thi hết môn 150 điểm, trong tổng số 400 điểm của môn học. Giáo sư cũng có quyền cho phép hoặc không cho phép sinh viên được làm lại bài thi giữa kỳ và nộp cho giáo sư, nhằm ghi thêm điểm. Chẳng hạn, tôi cho phép sinh viên làm như thế để ghi thêm tối đa là 1/3 số điểm mà sinh viên đó bị trừ trong lần thi giữa kỳ chính thức. Tôi nhận thấy rằng làm như thế sinh viên tự nhận ra sai lầm mà họ có thể đã mắc phải trong kỳ thi tốt hơn là để họ theo dõi đáp án của tôi.

Một số đại học ghi điểm cuối cùng của môn học bằng 11 bậc, dùng các chữ cái A, B, C, D, kèm theo có thể các dấu cộng hoặc trừ (nhưng không có A+).

Một số đại học khác ghi điểm cuối cùng của môn học bằng 41 bậc, từ 0.0 tới 4.0. Việc chuyển thế nào từ điểm cuối cùng (bằng số thông thường) của môn học (chẳng hạn 355/400 điểm) sang thang ghi điểm này cũng do giáo sư tự quyết định.

Giáo sư tự lên điểm và gửi bảng điểm cho giáo vụ của đại học một cách trực tiếp, hoặc qua hệ thống thư tín trong đại học, đôi khi cũng có thể gửi qua thư ký của khoa. Nếu còn lưỡng lự trong việc có nên đánh trượt hay không một sinh viên, giáo sư có thể thông báo trong bảng điểm nộp cho giáo vụ rằng trường hợp này chưa hoàn tất. Sau đó, giáo sư có quyền đòi hỏi sinh viên ấy làm một số bài tập bổ sung, hoặc viết thu hoạch về một vấn đề liên quan đến môn học, trên cơ sở đó mà quyết định điểm môn học cho sinh viên này, rồi thông báo kết quả cho giáo vụ. Nếu bị đánh trượt, sinh viên sẽ phải học lại cả môn, không có chuyện thi lại.

Điểm là bí mật cá nhân của mỗi sinh viên. Điểm của mỗi sinh viên được giáo vụ chuyển vào chương mục riêng của sinh viên đó trong hệ thống internet của đại học. Giáo sư có thể thông báo điểm cho từng sinh viên, nhưng không được báo điểm của người này cho người khác.

Sinh viên đánh giá giảng dạy.

Cuối học kỳ, trước kỳ thi hết môn, mỗi sinh viên được phát một mẫu “đánh giá giảng dạy”. Sinh viên được nhận xét về những điều bổ ích hay chưa bổ ích của môn học, ưu điểm và nhược điểm của môn học, ưu điểm và nhược điểm của người giảng dạy. Giáo sư không được can thiệp vào đánh giá này. Đây là một hình thức xả “stress” mà các đại học Mỹ dành cho sinh viên. Đại học cũng có thể, trong một chừng mực nhất định, dựa trên những đánh giá của sinh viên để thay đổi một phần nội dung môn học, khiến cho nó dễ được thu nhận hơn. Một số đại học thông báo lại cho giáo sư bản tổng hợp những đánh giá của sinh viên đối với bài giảng của giáo sư này.

Suy ngẫm và đánh giá

Người Mỹ vận hành nền giáo dục đại học như một ngành công nghiệp không khói. Mỗi đại học của Mỹ có quy mô rất lớn, thường lớn hơn nhiều so với ĐHQG Hà Nội. Chẳng hạn, năm học 2006-2007, ĐH Washington (Seattle) có 40.000 sinh viên, gồm đủ các chuyên ngành: Khoa học, Công nghệ, Kinh tế, Luật, Y, Dược, Kiến trúc, Âm nhạc, Hội họa… ĐHKHTN - ĐHQGHN chỉ tương ứng với một Faculty, một School hay một College của họ. Ta hãy thử phân tích vì sao quy mô các đại học Mỹ thường lớn đến như vậy.

Câu trả lời có thể là thế này chăng: Đào tạo theo tín chỉ chắc chắn sẽ dẫn tới bãi bỏ kỳ thi vào đại học, nhằm duy trì một số lượng sinh viên rất lớn. Thật vậy, nếu mỗi môn học không có nhiều sinh viên theo học, và vẫn chỉ tổ chức được 1-2 lớp, thì sinh viên không có gì để chọn. Do đó, những người theo học cùng một ngành thì chỉ có khả năng chọn cùng một lớp như nhau. Vì thế, tiếng là đào tạo theo tín chỉ, thực ra vẫn không khác gì đào tạo theo niên chế. Đó thực sự là một trở ngại lớn trước mắt chúng ta.

Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra là: Nếu bỏ kỳ thi vào đại học thì chất lượng đào tạo đại học ở nước ta vốn đã thấp kém sẽ còn đi đến đâu? Câu trả lời rất đơn giản: Chất lượng đào tạo thấp kém không phải vấn đề chỉ do ngành giáo dục gây ra, cũng không phải chủ yếu do ngành giáo dục. Đây là một vấn đề có nguyên nhân xã hội sâu xa hơn nhiều: vấn đề xã hội dùng người như thế nào, có đúng với khả năng của người đó hay không. Xưa nay xã hội dùng người như thế nào thì việc học tập định hình theo như thế. Nếu các nghề nghiệp tốt phần nhiều dành cho con ông cháu cha, hoặc kẻ có tiền đút lót, không cần biết có đủ năng lực hay không, miễn là có một mảnh bằng, thì nạn “học giả” đương nhiên sẽ tràn lan. Nếu trái lại, mọi vị trí đều chọn người có đủ năng lực, bằng cấp chỉ là một điều kiện tối thiểu, có bằng cấp mà không đủ năng lực thì không ai dùng, khi đó mọi người sẽ tự khắc đua nhau học thật. Xem ra, “nói không với tiêu cực trong giáo dục” chỉ là chữa phần ngọn, thay đổi cách dùng người của xã hội mới là trị bệnh từ gốc.

Theo quan điểm của tôi, việc tổ chức thi trắc nghiệm chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Tôi có hỏi một số đồng nghiệp Mỹ về chuyện thi trắc nghiệm và được họ cho biết: từ bé họ chưa bao giờ gặp một kỳ thi trắc nghiệm ở bất kỳ cấp học nào. Tôi hỏi: vậy thi trắc nghiệm được sử dụng ở đâu và trong những trường hợp nào ở nước Mỹ? Họ đáp: thi trắc nghiệm chỉ được sử dụng ở những trình độ và đẳng cấp rất thấp. Tôi kinh hoàng nghĩ về tình trạng thi trắc nghiệm đang được áp dụng tràn lan ở nước ta, với lập luận rằng ở Mỹ họ làm như thế. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, do cách học để thi trắc nghiệm, chúng ta sẽ đào tạo ra hàng loạt những cử nhân, có khi cả tiến sĩ nữa, không thể tự viết bất kỳ một câu văn hoặc một lời giải đơn giản nào. Khi mà thi trắc nghiệm đã thất bại thì (cũng như việc cải cách chữ viết trước đây) sẽ không một ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Vì thế, tôi khuyên các nhà chép sử, hãy ghi chép kỹ ngay từ bây giờ những ai tự xưng là cha đẻ của thi trắc nghiệm ở Việt Nam, hoặc hết lòng cổ súy cho nó. Những ghi chép như vậy hẳn là sẽ bổ ích nay mai. Dù sao, tôi hy vọng rằng đào tạo theo tín chỉ sẽ không bị gắn với thi trắc nghiệm.

Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, việc dạy của các giáo sư sẽ không phải thay đổi nhiều, nhưng công việc quản lý hành chính sẽ thay đổi căn bản, theo hướng nặng lên rất nhiều. Nó đòi hỏi phải có một đội ngũ quản lý và nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp. ở Mỹ những người quản lý và nhân viên hành chính đều được đào tạo rất bài bản, khác với ở Việt Nam ta, bất kỳ con ông cháu cha nào cũng đều làm được việc này. Ta có đủ can đảm và sức lực để thay đổi hệ thống quản lý và nhân viên hành chính hay không?

Giáo dục theo kiểu gì thì cũng cần đội ngũ giáo sư giỏi. Đó là yếu tố mấu chốt quyết định thành bại của nền giáo dục. Các đại học Mỹ đòi hỏi sinh viên đầu vào không cao. Kỳ thi SAT thật ra rất dễ, chỉ nhằm xếp sinh viên vào đúng đại học có trình độ phù hợp, chứ không phải một cuộc thải loại. Trên thực tế, mọi người Mỹ đã học xong bậc phổ thông, có nhu cầu học đại học và có khả năng đóng học phí, đều được nhận vào học ở một đại học phù hợp với mình. Sinh viên Mỹ những năm đầu hầu hết còn bỡ ngỡ chẳng hạn với việc khảo sát và vẽ đồ thị hàm số. Nhưng chỉ sau 4 năm học, họ đã trở thành những chuyên gia vững vàng. Điều này có được chủ yếu là nhờ nước Mỹ có một đội ngũ giáo sư rất giỏi, rất chuyên nghiệp. Các giáo sư Mỹ được trả lương cao, tương xứng với lao động của họ. Chúng ta có trả được lương đủ sống cho các giáo sư hay không?

Ở trên đã nói tới “thời gian văn phòng”, là lúc giáo sư có nghĩa vụ phải ở phòng làm việc của mình, để sinh viên có thể tới hỏi bài. Mỗi giáo sư ở Mỹ đều có phòng làm việc riêng. ở nước ta không giáo sư nào có phòng làm việc riêng, trừ các giáo sư làm quan. Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, ta có đủ sức cấp cho mỗi giáo sư một phòng làm việc không? Nếu ta chỉ học những cái có thể học được, và bỏ qua những cái ta không muốn học, thì trên thực tế ta không học gì cả. Người Nhật học cái gì cũng bắt đầu bằng việc sao chép y nguyên, khi nào thực sự làm chủ được đối tượng đó thì họ mới bàn tới chuyện cải biến. Người Việt chúng ta thường làm hỏng việc vì học cái gì cũng không đến nơi đến chốn, “chưa học làm thầy đã đòi ăn bớt”, và ngộ nhận cái sự láu cá ấy của mình là trí thông minh.

 Nguyễn Hữu Việt Hưng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, ra tháng 8/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :