ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Chính trị học cần thiết đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008 này, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN sẽ tiến hành tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Chính trị học. Theo đánh giá của dư luận thì đây là một ngành học mới, có nhiều triển vọng và đặc biệt trong tương lai, nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực này sẽ rất lớn. Xung quanh vấn đề này, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Uỷ viên thường trực Hội đồng khoa học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những chuyên gia đầu ngành về Chính trị học đã có cuộc trao đổi với Bản tin ĐHQGHN.

Là một nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về Chính trị học, Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của Chính trị học trong đời sống xã hội?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Bốn lĩnh vực trong đời sống, bao gồm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, nói như Hồ Chí Minh, là quan trọng ngang nhau, không được xem nhẹ một lĩnh vực nào. Chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi nói đến chính trị là nói đến vấn đề quyền lực, quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Lênin từng nói: “Người ta cần đến kinh tế để khỏi chết đói, cần đến chính trị để khỏi tự giết chính mình. Nếu không hiểu biết về chính trị thì không thể có hành động tự giác về thực thi quyền lực của chính mình...”

Nói một cách vắn tắt, Chính trị học là khoa học nghiên cứu về chính trị. Từ chính trị đến Chính trị học là một quá trình. Chính trị học nghiên cứu về chính trị trên nhiều lát cắt: nghiên cứu chính trị từ phương diện con người chính trị thì cần phải nghiên cứu ý thức chính trị, niềm tin chính trị, hành vi chính trị của cá nhân. Chính trị còn nghiên cứu các quan hệ; các quá trình, xu hướng vận động của chính trị, mô hình thể chế, chiến lược, chính sách và công nghệ chính trị... Có thể nói, Chính trị học là triết học của chính trị, chú trọng nghiên cứu lý thuyết chính trị, cung cấp những hiểu biết cơ bản, có hệ thống các nguyên lý, các quy luật của chính trị để từ đó ứng dụng vào hoạt động chính trị trong những điều kiện cụ thể.

Chính trị học cần thiết đối với cả xã hội và mỗi cá nhân. Thứ nhất, sống trong một xã hội chính trị (tức là các xã hội có giai cấp và Nhà nước),  người ta không thể không hiểu biết về lĩnh vực này, để trở thành những con người chính trị, có ý thức chủ động, tự giác và sáng tạo. Thứ hai, cần đến chính trị để hình thành nên thể chế, xây dựng nên thiết chế nhằm quản lý xã hội, đem lại lợi ích cho giai cấp và dân tộc. Thứ ba, chính trị còn cần thiết để giải quyết những vấn đề quan hệ quốc tế.

Nhưng có nhiều ý kiến vẫn lý luận rằng: Tôi chỉ làm chuyên môn thôi, không liên quan đến chính trị?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Nói như vậy là không đúng, bởi trong xã hội chính trị, người ta không bao giờ có thể sống và hoạt động mà tách rời khỏi chính trị. Trên thực tế, chính trị lôi cuốn tất cả mọi người vào cuộc. Người trí thức càng không nên đứng trong tháp ngà tri thức, như vẫn thường nghĩ một cách chủ quan và ảo tưởng, mà cần chủ động tham gia vào đời sống chính trị. Ông cha xưa từng nói, quốc gia lâm nguy, sĩ phu hữu trách. Nguyễn Trãi từng truyền dạy: Trải biến cố nhiều thì trí lự sâu, lo công việc xa thì thành công lạ. Mác, A ngghen, Lênin, Hồ Chí Minh đều là là những nhà trí thức lỗi lạc, nhưng đồng thời cũng là các nhà chính trị kiệt xuất đó thôi. Chính vì vậy mà cần hiểu câu nói của Lênin: “Người mù chữ sẽ đứng ngoài chính trị” cho đúng. Lênin không cho rằng, người mù chữ thì không cần đến chính trị, mà phải hiểu, nếu không có học vấn, học thức thì sẽ chỉ có thể hành động chính trị một cách mù quáng mà thôi.

Lâu nay vẫn tồn tại một quan niệm, học chính trị là học những gì rất khô khan, giáo điều. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Đó là lỗi ở người hành Đạo chứ không phải lỗi ở Đạo. Bản thân chính trị không hề khô khan, bởi nó luôn gắn chặt với thực tiễn, mà thực tiễn thì luôn phong phú, sinh động. Muốn truyền đạt tri thức về chính trị một cách hấp dẫn, sinh động thì những người nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền về chính trị phải có sự rèn luyện công phu về tri thức, tư tưởng, phương pháp và bản lĩnh, phải có cả trí tuệ sâu sắc và cái tâm trong sáng của mình. Anh không có niềm tin về những điều mình nói thì anh không thể thuyết phục được người nghe và truyền niềm tin vào người khác. Vì rất nhiều lý do lịch sử, đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy các môn chính trị còn có những hạn chế. Cũng chính bởi vậy, nhu cầu xã hội về đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực được trang bị hệ thống tri thức về Chính trị học là vô cùng bức thiết hiện nay.

Vậy với sinh viên  được đào tạo về Chính trị học, họ có thể làm những công việc gì sau khi ra trường?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc rất nhạy cảm về chính trị. Ông cha ta đã để lại nhiều triết lý an dân trị quốc. Nhưng nghiên cứu chính trị với tư cách là một ngành khoa học thì gần đây, từ Đổi mới mới được chú trọng. Công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua đã làm hình thành và phát triển ngành Chính trị học ở Việt Nam. Đó là mảnh đất đầy triển vọng, là cánh đồng mà người nghiên cứu có thể dành tâm lực và trí lực cả đời mà thâm canh và gặt hái. Cần phải đào tạo ra những chuyên gia Chính trị học trẻ, có tư duy hiện đại, khoa học. Họ có thể trở thành những nhà giáo giảng dạy Chính trị học trong hệ thống trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, ở cả trường phổ thông. Làm công tác nghiên cứu trong các cơ quan lý luận - chính trị. Làm công tác Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể... Ngoài ra, có thể làm trong các cơ quan báo chí, ngoại giao, các doanh nghiệp... với tư cách là người phân tích và bình luận chính trị. Như vậy, đào tạo sinh viên chuyên ngành Chính trị học ở bậc đại học và sau đại học với tư cách đào tạo chuyên gia là chúng ta đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao, làm giàu thêm những tinh hoa cho xã hội ta, một xã hội đang từng bước trở thành xã hội hiện đại.

Cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi. Chúc ông luôn mạnh khỏe và cống hiến được nhiều hơn nữa cho lĩnh vực cả cuộc đời ông theo đuổi!

 Nguyệt Hằng (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :