ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Ở trong nước học chương trình quốc tế
Trong rất nhiều phương án giải quyết bài toán “cải cách đại học”, việc liên kết đào tạo quốc tế hiện được xem như là cách mới mẻ và hấp dẫn. Bên cạnh sức cuốn hút vẫn còn không ít băn khoăn mà các chương trình đào tạo này cần được hoàn thiện để phù hợp hơn với điều kiện và nhu cầu của sinh viên Việt Nam.

Xu thế “đa ngành - đa trường”

Thực hiện nhiệm vụ liên kết đào tạo đại học với các trường đại học uy tín trên thế giới, hiện nay Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đã thiết lập quan hệ đào tạo với khoảng 30 trường đại học như: Queensland, Edith Cowan, Charles Sturt (Australia), East London, Birmingham (Anh), HELP (Malaysia), TGTU, MESI (Nga), Paris 11, Lyon 2, Nantes (Pháp), Kinh tế - Tài chính Trung ương Bắc Kinh, Sư phạm Nam Kinh, Giao thông Trùng Khánh, Trung Y dược Quảng Châu (Trung Quốc), Thompson Rivers (Canada), Wisconsin, Bemidji (Mỹ)... Các chương trình đào tạo tại đây thường xuyên có các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và giảng viên cao cấp từ các trường đối tác nước ngoài sang giảng dạy và tổ chức thi cử theo các thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo giữa hai bên.

Hiện nay, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN cũng liên kết với ĐH Troy (Mỹ) tuyển sinh đào tạo cử nhân ngành khoa học máy tính; liên kết với ĐH New South Wales (Australia) tuyển sinh đào tạo liên thông cử nhân ngành kỹ nghệ máy tính, kỹ nghệ điện, kỹ nghệ viễn thông và kỹ nghệ cơ điện tử. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự tính sẽ tuyển sinh đào tạo 500 sinh viên ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, cơ khí, công nghệ hóa học, quản trị kinh doanh, thương mại và quản trị… trong khuôn khổ hợp tác với các trường ĐH của Đức, Nhật, Pháp, Nga, Australia, New Zealand, Mỹ... Xu hướng này còn nằm trong chủ trương mở rộng của một số trường khác, như ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội hay Viện ĐH Mở Hà Nội.

Học “tại chỗ” nhận bằng quốc tế

Rất nhiều chương trình đào tạo quốc tế hiện nay xét tuyển căn cứ vào quá trình học tập và rèn luyện ở bậc phổ thông. Các chương trình này hầu hết đều được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, nên việc xét tuyển cũng yêu cầu sinh viên phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định. Tuy nhiên, một số chương trình cũng tạo điều kiện cho các sinh viên có trình độ ngoại ngữ thấp hơn vẫn có thể học bằng cách đào tạo ngoại ngữ trước khi nhập học hoặc sau khi nhập học sẽ được đào tạo tăng cường để theo kịp chương trình.

Điều hấp dẫn đối với rất nhiều sinh viên chính là môi trường học tập hiện đại với các phương tiện thực hành tiên tiến. Tuy học phí đào tạo của các chương trình này được đánh giá là khá cao, nhưng sinh viên vẫn có cơ hội nhận học bổng khi đạt học lực khá giỏi. “Bác sĩ Nha khoa” tại Khoa Quốc tế, ĐHQGHN theo quy trình và chuẩn đào tạo của Đại học Nantes hiện là chương trình đào tạo bác sĩ Nha khoa duy nhất tại Việt Nam được cấp bằng của Pháp. Theo TS. Trần Anh Hào - Trưởng Phòng Đào tạo Khoa Quốc tế thì chương trình này phát triển nhằm tạo bước đột phá trong chất lượng đào tạo của Khoa và góp phần khôi phục lại ngành Y - Dược trong khuôn khổ của Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN. Triển khai theo mô hình 3 năm đầu và một năm cuối tại Việt Nam, năm thứ 4 và thứ 5 sinh viên sẽ được học và thực tập lâm sàng trong các bệnh viện, các trung tâm đào tạo bác sĩ nha khoa khác nhau trên toàn nước Pháp. Nhờ có sự viện trợ của phía trường đối tác, các sinh viên của chương trình sẽ được hưởng mức học phí ưu đãi trong giai đoạn học tập tại Việt Nam (3.000 euro/năm - tuy đây vẫn là mức học phí cao so với trong nước, nhưng so với việc đi du học, thì lại “rất được”).

Đâu là những trở ngại?

Trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay, hiếm cơ sở đào tạo nào không có ít nhất một chương trình đào tạo quốc tế với tiêu chí tuyển dụng là xét tuyển. Nhưng cái khó nhất là phải lựa chọn được chương trình nào thích hợp về cả chất lượng đào tạo, quản lý cũng như tài chính trong cả rừng các khóa học quốc tế. Ví dụ tại Mỹ, việc mở trường đại học vô cùng đơn giản, có tới 4.000 trường đại học, cao đẳng. Nhiều chương trình đào tạo ở Việt Nam còn đang trong thời kỳ “ăn no” chứ chưa chọn lọc vị trí và danh tiếng của các trường đối tác. Việc lựa chọn ngành đào tạo là vô cùng quan trọng vì mỗi trường ở phương Tây thường chỉ mạnh ở một vài lĩnh vực, chứ không quá đa ngành như nhiều người vẫn tưởng.

Trao đổi về hình thức đào tạo quốc tế, TSKH. Nguyễn Trọng Do, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, ĐHQGHN cho rằng đây chính là quá trình hội nhập tốt nhất với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng phải tìm được nhiều nguồn học bổng hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam và việc liên kết phải được kiểm định nghiêm khắc về chất lượng đào tạo. “Khoa Quốc tế hiện chỉ có khoảng 50 - 60% các em vào trường hoàn thành và được cấp bằng, toàn bộ việc đánh giá chất lượng do các trường đại học đối tác nước ngoài của chúng tôi kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đặc biệt là các cơ quan và doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao năng lực của các sinh viên Việt Nam qua đào tạo quốc tế. Ngoài vốn kiến thức chuyên ngành tốt do học trong những chương trình tiên tiến, các em còn thông thạo ngoại ngữ và có tinh thần tự lập rất cao”.

 Hải Thanh - Tạp chí NC giáo dục. Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :