ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Dạy đức, luyện tài cho người trẻ
Nếu bạn là người chịu theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây, hẳn bạn sẽ giật mình trước hiện tượng một bộ phận không nhỏ giới trẻ của chúng ta đang bị sa sút về phẩm chất đạo đức tạo nên những mối lo cho toàn xã hội. Đừng để cho những phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc ta trở thành xa lạ với giới trẻ nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay - đó là thông điệp làm đau đầu tất cả những ai tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà...

Chí cao, đức dày

Phải chăng nhà trường chưa góp phần hình thành căn bản các phẩm chất đạo đức của con người thời đại mới: năng động, có hoài bão, có ý chí và nghị lực tiến công chiếm lĩnh các tri thức khoa học, hiện đại. Một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên không thấy day dứt trước cái dốt, cái nghèo của dân tộc và gia đình, bản thân để nỗ lực vươn lên... mà lại nảy sinh nhiều thói xấu, tính ác trước đây chưa hề có: trò chửi thầy, hành hung trả thù thầy, bạn; quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, đua đòi ăn chơi trác táng, học dối trá (và dối trá) ngay từ đầu cấp tiểu học đến các cấp cao hơn, thậm chí thầy đi học cũng gian lận thi cử.

Đó là sự suy đồi đạo lý và nhân cách sư phạm. Một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo quen gọi học sinh bằng các đại từ nhân xưng như “mày, hắn, thằng nọ, con kia”; không chịu hiểu rằng một tiếng gọi thân yêu “trò, em, con” của thầy sẽ đi theo trò suốt cả cuộc đời. Vì vậy, đức dục phải là cơ sở mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt quá trình giáo dục với mục đích hình thành những con người Việt Nam mới, có đủ các phẩm chất làm người cần thiết - con người văn hóa để bước vào thế kỷ XXI. Các phẩm chất đó có thể nêu tóm tắt thành năm đức: hiếu - nhân - nghĩa - trung - dũng. Hiếu là đức tính hàng đầu của con người, nhân là đức của mọi đức, là nết trời, nghĩa và trung là đức cần thiết làm người trong xã hội, dũng là đức biểu hiện - như quả cây - của 4 đức trên.

Dũng cần hiểu một cách rộng hơn cái dũng thông thường: có dũng khí học tập chiếm lĩnh tri thức khoa học; dũng khí vượt khó khăn tiến lên trên đường đời; dũng khí dám sửa chữa sai lầm để tự hoàn thiện; dũng khí từ chối danh lợi bất chính để bảo vệ phẩm giá, nhân cách; dũng khí chống lại cái xấu, cái ác, cái hủ lậu bảo thủ; dũng khí góp phần đưa đất nước tiến lên giàu mạnh và bảo vệ quốc thể, và cả cái dũng khí cứu người hoạn nạn... (Lễ là đức tự nhiên có của người con hiếu, người học trò có nghĩa, người dân trung thành với tổ quốc, dân tộc. Liêm là hệ quả của hiếu, dũng, nhân. Tín cũng vậy). Tóm lại, mục đích hướng tới của đức dục là đào tạo nên những con người đức dày, chí cao. Nghĩa là sự nghiệp giáo dục cần đặt mục tiêu kép thứ nhất: đức - chí dục.

Trí minh - kỹ tinh

Trí dục vừa phải khắc phục tình trạng quá thiên về lý thuyết ở các bậc học, dạy nghề quá thiên về thực hành, biến người học thành người máy, mà coi nhẹ lý thuyết, lý luận. Cả hai tình trạng này đều đang tồn tại. Hệ quả là người học chỉ có kiến thức chuyên môn hẹp - nhưng chưa chắc sâu - và không có kiến thức liên ngành, kiến thức văn hóa tổng hợp, nhất là kiến thức xã hội ở nhiều sinh viên đại học. Việc thực hành có tính bắt chước, làm giảm tư duy sáng tạo và cảm hứng sáng tạo là cội nguồn của mọi phát minh, sáng chế sau này. Do đó, phương châm của trí dục và cũng là phương pháp giáo dục trí tuệ được kế tục và phát triển phù hợp theo từng cấp học: giáo dục kiến thức văn hóa (cơ bản, nâng cao, chuyên sâu, mở rộng, tổng hợp) và kiến thức khoa học (cơ bản, tổng hợp, nâng cao, chuyên ngành và liên ngành) đồng thời với giáo dục kỹ năng (thao tác đơn giản, cơ bản, chuyên sâu phức tạp, đa chức năng sáng tạo) để tạo ra những con người trí minh - kỹ tinh ở mức độ có thể và ngày càng cao.

Đạt được như vậy mục tiêu trí dục mới dần hoàn thiện, mục đích giáo dục mới đạt gần đến mức lý tưởng đào tạo con người hoàn thiện cả về văn hóa, khoa học kỹ thuật. Do đó, nên chăng sự nghiệp giáo dục cần đặt mục tiêu kép thứ hai: trí - kỹ dục.

Tâm tráng - thể cường

Trước đây thể dục thuần túy rèn luyện thân thể bằng các bài tập thể dục và một vài môn thể thao lứa tuổi học trò, nhằm mục đích giữ gìn và nâng cao sức mạnh thể chất. Vì thế tạo ra các kết quả phiến diện. Không lạ gì nhiều vận động viên thể thao đỉnh cao nhưng học vấn thấp hoặc có những hành vi kém văn hóa trong thi đấu. Hiếm có vận động viên đỉnh cao có học vấn cao là một sự thật đáng buồn.

Vì vậy, cơ sở và là mục tiêu kép thứ ba của giáo dục nên là tâm - thể dục. Nếu biết khai thác vốn cổ võ học - đạo học Trung Hoa và Việt Nam thì tâm - thể dục là cơ sở vững chắc, mục tiêu khả đắc. Dĩ nhiên phải từng bước và bắt đầu từ cấp tiểu học. Trong thực tế lịch sử và hiện tại, nhiều thầy giáo Việt Nam vừa có đức lại tài kiêm văn võ khi họ học tập các môn võ phương Đông, bởi vì võ học phương Đông chú trọng tu tâm trong suốt quá trình học võ thuật.

Một con người có sức khỏe theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới trong tuyên bố Alma Ata là một con người có được cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Vì vậy, tâm tráng - thể cường là phương châm của tâm - thể dục; cơ sở và là mục tiêu kép thứ ba của sự nghiệp giáo dục Việt Nam bước vào thế kỷ XXI.

 Phạm Xuân Phụng - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :