ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
“Quốc tế hóa mạnh mẽ giáo dục đại học...”
Gần đây, hiện tượng các trường đại học “mọc lên như nấm” đã khiến không ít người hoài nghi chất lượng đào tạo của những cơ sở này. Trong cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi, GS. Nguyễn Đăng Hưng (ĐH Liège, Bỉ) nhấn mạnh, muốn tồn tại trong hệ thống giáo dục toàn cầu, các trường đại học buộc phải quốc tế hóa đào tạo.

Xin ông cho biết chúng ta phải làm gì để hội nhập với “thị trường” giáo dục toàn cầu?

Xuất khẩu, đặc biệt về “thặng dư” tri thức trong nước còn thấp. Người Việt Nam có truyền thống hiếu học và đó là tiềm lực để hội nhập vào nền kinh tế tri thức. Nhưng thực tế điều này lại chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, việc cần thiết là xây dựng được hệ thống trường đại học chất lượng cao để thu hút và giữ chân tài năng trẻ vì đó là “vốn liếng” giá trị nhất để chúng ta chuyển sang nền kinh tế tri thức. Theo tôi, chỉ có cách xây dựng được hệ thống các trường đại học chất lượng quốc tế để cạnh tranh với các trường ÐH khác trên thế giới thì mới có thể “trụ” được trong cơ chế mở của mậu dịch tự do. Ðó thực sự là một thách thức lớn.

Vậy mô hình đào tạo nào có thể giữ chân được người tài trẻ?

Mô hình đào tạo chất lượng quốc tế tại chỗ có nhiều lợi ích. Thứ nhất, tiết kiệm tài chính. Thứ hai, hạn chế 100% chảy máu chất xám. Thứ ba, khuyến khích các đề tài khoa học liên quan đến thực tế mà đất nước đang cần, phục vụ trực tiếp vào sản xuất, kinh tế và cả… nhà trường. Áp dụng những kết quả khoa học và chương trình tính toán hiện đại, kỹ năng mới của các nước phát triển cho việc dạy học và nghiên cứu trong nước. Ðó phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục đào tạo, công nghệ và kinh tế.

Yếu tố nào được xem là quan trọng nhất để dần quốc tế hóa đào tạo tại chỗ?

Chúng ta phải có những nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm để định hướng nghiên cứu và đào tạo, họ sẽ là “hoa tiêu”. Những nhà khoa học này sẽ “bắt bệnh” lĩnh vực nghiên cứu cụ thể phù hợp với đặc thù trong nước: thế giới nghiên cứu đến đâu, thuận lợi và khó khăn khi triển khai kết quả nghiên cứu khoa học trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam

Những “hoa tiêu” này cụ thể là ai?

Trong trường hợp này, theo tôi, các chuyên gia Việt kiều có năng lực được xem là giải pháp tối ưu. Bởi vì những chuyên gia này không có nhiều thời gian cho nên cách tốt nhất là thu hút những Việt kiều có trình độ nhưng sắp về hưu. Nếu chúng ta muốn đi tắt thì lợi điểm nhất của Việt Nam là tận dụng lực lượng tri thức Việt kiều đông đảo. Chúng ta phải có chính sách hợp lý để thu hút nguồn chất xám này. Bên cạnh đó, chúng ta có thể mời các giáo sư quốc tế cao cấp. Bằng việc gửi du học sinh cho các giáo sư quốc tế cao cấp hướng dẫn sẽ tránh tình trạng tiêu tốn tiền Nhà nước vì gửi tới những nơi chất lượng kém. Ðây là điều kiện cần để chúng ta quốc tế hóa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là đào tạo tiến sỹ, đào tạo thầy, đào tạo những trường trọng điểm.

Ông vừa nói đến quốc tế hóa trong việc đào tạo tiến sỹ, vậy cụ thể như thế nào?

Các luận án tiến sỹ ít nhất phải có mặt một giáo sư quốc tế trong hội đồng chấm luận án. Nếu người chấm luận án đó không về nước được thì cũng phải thẩm định được bằng cách gửi luận văn qua internet sau đó giáo sư quốc tế này gửi thẩm định về. Bên cạnh đó phải có ít nhất hai giáo sư tham gia hội đồng chấm luận án không phải ở trường của nghiên cứu sinh để bảo đảm tính khách quan. Ðồng thời, luận án đó phải được công bố trước và sau khi trình để mọi người cho ý kiến.

Xin cảm ơn ông!

 Đức Phường (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 215, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :