ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Tầm cỡ quốc tế hay đẳng cấp quốc tế
Xếp hạng chỉ là một hệ quả của một quá trình hoạt động, làm việc và chỉ có tính tương đối. Theo chúng tôi, mục tiêu nên đặt ra là cần phải có một trường được công nhận trên trường quốc tế (internationally recognized) hoặc cao hơn là đạt đẳng cấp quốc tế (world class).

Nói đến một đơn vị trường đại học chúng ta chỉ có các đối tượng: cấu trúc hạ tầng, giảng viên và sinh viên. Còn nói đến tầm vóc quốc tế thì cấu trúc hạ tầng phải đạt tầm vóc quốc tế, đội ngũ giảng dạy phải đạt tầm vóc quốc tế, và sinh viên địa phương phải có lối học như sinh viên quốc tế.

Cơ sở hạ tầng đại học quốc tế

Một trường đại học có tầm vóc quốc tế thường là một môi trường đậm tính khoa bảng, nơi mà mọi sinh hoạt phục vụ học tập và giảng dạy phải là một quy trình kín. Nơi đầu tiên cần nói đến của một trường đại học phải là thư viện, đó là kho tàng tri thức, là bộ mặt của trường đại học. Thư viện cần phải có cấu trúc sao cho phù hợp với cơ số sinh viên của trường, nơi có một môi trường thân thiện, thuận lợi cho sinh viên, nghiên cứu viên tìm tư liệu để học tập và nghiên cứu. Sách tham khảo: Cần phải đầy đủ và cập nhật. Bố trí theo cách thức sao cho sinh viên có thể tự động tìm kiếm sách mình cần tìm. Nhân viên thủ thư chỉ là người hướng dẫn khi cần thiết và giải quyết các thủ tục mượn sách cũng như tìm kiếm liên hệ mượn sách nơi khác khi có yêu cầu.

Ngoài sách đóng quyển có trong thư viện của trường thì việc liên kết với các trường khác để có thể gia tăng cơ số sách theo hình thức trao đổi chéo, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc.

Một bộ phận trong thư viện mới, mà gần như đóng một vai trò rường cột, đó là thư viện điện tử. Thư viện điện tử của một trường đại học phải thuê bao các thư viện điện tử quốc tế lớn để có thể truy cập được gần như đầy đủ các tài liệu lưu trữ trên mạng phục vụ các ngành liên quan đến mục đích đào tạo của trường, học tập của sinh viên và nghiên cứu. Do đó dịch vụ phần cứng và phần mềm cũng cần phải đủ mạnh để có thể đáp ứng được việc truy nhập và truy xuất thông tin nhanh chóng. Thủ thư cũng có nhiệm vụ đáp ứng tìm kiếm các tư liệu điện tử không có trong hệ thống thuê bao của trường một khi có yêu cầu.

Phần cấu trúc và không gian của thư viện trường đại học cần phải có đủ chỗ rộng rãi, riêng tư để sinh viên có thể học tại thư viện. Phòng lab thư viện cũng phải có một cơ số máy tính nhất định để sinh viên và nhân viên sử dụng. Phần đầu tư xây dựng cơ bản cho một trường đại học mang tầm vóc quốc tế là một yếu tố quan trọng khác, chúng tôi không bàn sâu ở đây.

Giảng viên mang tầm vóc quốc tế

Ðể có một trường mang tầm vóc quốc tế thì đội ngũ giáo sư, giảng viên của trường đại học đó phải đủ tầm vóc quốc tế. Có nghĩa là giáo sư giảng dạy tại trường phải là những giáo sư có uy tín trên trường quốc tế về chuyên ngành của mình, tập trung ở những điểm: được đồng nghiệp quốc tế cùng ngành công nhận, có bề dày nghiên cứu về chuyên ngành của mình, có công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế theo đúng yêu cầu của một vị giáo sư quốc tế, có thành tích về xin tài trợ nghiên cứu, có kinh nghiệm lãnh đạo nhóm nghiên cứu quốc tế và có kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh quốc tế. Nếu xét về những yếu tố này, trong thời điểm xuất phát hiện nay, chúng ta không có cơ sở nào để tự tin phát biểu được rằng, trong vòng 13 năm nữa, chúng ta sẽ có được một đội ngũ giáo sư đại học có tầm vóc quốc tế.

Tình trạng này cũng tương tự như các trường đại học khác trên thế giới. Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, các trường có chủ trương thuê các giáo sư có tầm vóc quốc tế về để lãnh đạo chuyên môn của từng chuyên ngành. Riêng Trung Quốc, đã có chính sách đãi ngộ các vị giáo sư và nhà nghiên cứu người Trung Quốc ở hải ngoại có tầm vóc quốc tế, về làm việc và hưởng lương theo tiêu chuẩn quốc tế. Ðây cũng là một bài học cần thiết đối với ngành giáo dục Việt Nam. Do đó, hệ quả kéo theo là giá chi trả cho một giáo sư quốc tế là việc phải tính đến.

Cần phải có một lực lượng sinh viên nội địa đạt trình độ đầu vào ngang cấp quốc tế. Chúng ta cần phải thấy rõ rằng môi trường sinh viên là một yếu tố quan trọng. Ða số các sinh viên Việt Nam đi du học theo dạng học bổng ở các nước ngoài đạt được thành tích cao. Ðiều đó có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Yếu tố chủ quan là chính các sinh viên đó vốn đã là các sinh viên ưu tú của Việt Nam, họ đã có tố chất để thích nghi nhanh và bắt kịp với cách học và nghiên cứu của sinh viên quốc tế. Yếu tố khách quan là họ là những thành tố đơn lẻ trong một môi trường sinh viên quốc tế, cho nên họ có đủ cơ hội để học hỏi những sinh viên quốc tế xung quanh mình. Nó giống như người học tiếng Anh, thì sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu được sống trong môi trường nói tiếng Anh mẹ đẻ. Ngược lại, tương tự như vậy, nếu sinh viên đó chỉ học đại học trong nước, thì họ cũng sẽ không thoát ra được môi trường giáo dục ở trong nước. Yêu cầu của đội ngũ sinh viên đầu vào như vậy cần chuẩn bị bao nhiêu lâu? Có lẽ thời gian sẽ đúng bằng từ lớp mầm non đến khi họ vào đại học nếu nền giáo dục Việt Nam cải tổ ngay từ bây giờ và đúng hướng.

Một số các thí dụ: Yêu cầu cho một sinh viên quốc tế là họ phải có tính tự học, độc lập, chủ động. Ðiều này không phải chỉ ra yêu cầu, hô khẩu hiệu mà làm ngay được. Họ phải được rèn luyện và đào tạo đức tính này ngay khi bước vào trường mầm non. Không thể nào có được một sinh viên có tính làm việc độc lập, tự học và sáng tạo, một khi học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 12, hàng ngày phải ngồi vào lớp trật tự theo bàn. Trên bảng thầy giáo thao thao bất tuyệt giảng bài, dưới lớp học trò cắm cổ thi nhau chép. Ðến buổi trả bài như vẹt. Tất cả kiến thức là từ thầy trao truyền, được chữ nào, học trò học bài thuộc lòng thì nhớ từng đó, để đối phó với bài kiểm tra, bài thi chứ không phải để hiểu biết. Trong khi đó, học sinh tiểu học ở Úc chẳng hạn, đến trường hầu như chẳng có sách vở gì, tất cả các bài học do giáo viên thiết kế, về nhà không có bài tập ở nhà; bài tập thì dễ. Thế mà khi đến ngưỡng đại học, sinh viên của họ hoàn toàn có một tư duy và cách học hết sức năng động, độc lập. Vấn đề chỉ là ở phương thức giáo dục của chúng ta đã quá lạc hậu và kìm hãm tính độc lập suy nghĩ của sinh viên ngay từ tuổi ấu thơ. Một khi chúng ta có được đội ngũ sinh viên nội địa có tầm vóc quốc tế, thì chúng ta mới tạo được một môi trường học đường có tầm cỡ quốc tế, khi đó chúng ta mới thu hút được sinh viên quốc tế đến để học.

Một yêu cầu khác mà chúng tôi nghĩ rằng một trường có tham vọng để lọt vào trường có đẳng cấp quốc tế, thì ngôn ngữ giảng dạy chính của trường phải là tiếng Anh. Sẽ không có một trường có đẳng cấp quốc tế nếu sinh viên trường đó không có khả năng giao dịch quốc tế! Chúng tôi không kỳ thị tiếng mẹ đẻ, nhưng chúng ta cần phải sử dụng ngôn ngữ quốc tế trong chuyên ngành của mình. Giáo trình đại học chỉ để đợi các giáo sư, giảng viên đi dịch lại sách nước ngoài (mà chưa chắc đã chính xác), đợi in ấn thì kiến thức đã lạc hậu. Sinh viên đại học là tự học, tự nghiên cứu, chứ không phải đến trường để nghe truyền đạt. Giáo sư và giảng viên ở trường đại học chỉ là người chỉ đường, chứ không phải cầm tay chỉ việc. Có cơ sở hạ tầng, đội ngũ giảng dạy, sinh viên có tầm vóc quốc tế thôi chưa đủ. Một trường đại học nếu muốn vươn lên đẳng cấp quốc tế thì trường đó phải mạnh về nghiên cứu khoa học có tầm vóc quốc tế. “Giấy thông hành” cho điểm này là thông qua các sản phẩm nghiên cứu khoa học là dự án nghiên cứu có tầm vóc và được đăng tải trên các tập san chuyên ngành quốc tế và có hiệu quả quan trọng đến lợi ích của cộng đồng, là các sản phẩm công nghệ - thành quả từ các nghiên cứu ứng dụng đáp ứng được nhu cầu của khoa học kỹ thuật hiện đại. Nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế thôi chưa đủ, mà giá trị ứng dụng của các nghiên cứu đó phải ở tầm vóc có ảnh hưởng đến cộng đồng khoa học của quốc tế, thì uy tín của trường đại học đó mới được nâng tầm.

Một trường đại học có tầm vóc quốc tế còn phải là một trường đào tạo được nhiều nhân tài và sau đó họ là những người có một tầm ảnh hưởng đến chuyên ngành của họ trên trường quốc tế. Dựa vào những cống hiến của các cựu sinh viên, uy tín của trường đại học đó sẽ được nâng lên. Ðể đạt được những điều này ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu cho một trường đại học rất lớn. Ở nước ngoài, ngoài ngân sách của chính phủ, các nghiên cứu viên của trường đại học còn phải dốc sức đi xin tài trợ từ các quỹ tài trợ nghiên cứu quốc gia, của các công ty mạnh thường quân, mà ở nước ngoài họ đều có dành ra một quỹ hỗ trợ nghiên cứu. Ðiều này không thể có ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cho nên ngân sách nghiên cứu hầu như phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ. Thế nhưng ngân sách đòi hỏi cho các nghiên cứu có tầm vóc quốc tế là rất lớn và ngân sách này đòi hỏi phải lâu dài để giữ vững vị trí của trường.

Với những chi tiết vắn tắt nêu trên, quá trình phấn đấu của một trường đại học để đạt được tầm vóc quốc tế là một quá trình gian nan, dài hạn và như là một cuộc đầu tư đầy rủi ro và nhà đầu tư phải theo đuổi mục đích cho đến cùng. Trở thành trường đẳng cấp quốc tế là quả chín thu hoạch được sau một quá trình của gieo giống trồng cây. Quả chín đó là do người tiêu dùng thẩm định và đánh giá. Cho đến nay, các trường vươn lên đẳng cấp quốc tế hầu như không có trường nào có độ tuổi dưới 30 - 40 năm, mà tại điểm xuất phát họ đã có đủ nhân - tài - vật - lực. Cho nên một tiêu chí phấn đấu vươn đến xây dựng một đại học có tầm cỡ quốc tế sẽ thiết thực hơn.

 TS. Nguyễn Đình Nguyên - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :