ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
Cơn ác mộng giữa thực tại
Biến đổi khí hậu đã trở thành kẻ hủy diệt thứ năm đối với con người sau chiến tranh, đói nghèo, dịch hạch và…cái chết. Và không ai khác, nạn nhân đầu tiên trong thế giới nghèo phải gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu chính là phụ nữ và trẻ em. Biến đổi khí hậu đang xóa tan cơ hội cho những công dân nghèo quyền được học con chữ, được bang giao trong thế giới xa lộ thông tin. Thiên tai và nghèo đói đang cướp đi tư liệu sản xuất của người nghèo khiến cuộc sống của phần dân số này ngày càng trở nên cùng cực, và những người nghèo chỉ là sự thế thân của một thế giới đang…mê ngủ.

Thảm họa chỉ là... khúc dạo đầu

Chỉ sau 2 ngày, tiểu bang Louisiana, kinh hoàng nhất là 80% thành phố New Orleans, ngập chìm trong biển nước, hơn 1.600 người chết, 1.000 người mất tích, gần một triệu người rơi vào cảnh không nhà cửa, thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ USD. Nước Mỹ sẽ phải mất hàng chục năm mới khắc phục được hết và đưa New Orleans trở lại với hiện trạng phát triển trước đây. Ðó là hậu quả nặng nề mà siêu cường này phải nếm trải sau thảm họa của con bão Katrina tàn phá phía đông nam nước Mỹ năm 2005. Ðây là cơn bão khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ và gây hậu quả nặng nề nhất kể từ sau cơn bão Camille. Trước đó, mùa hè năm 2004, miền nam nước Mỹ, chủ yếu là bang Florida, cũng đã phải hứng chịu 4 cơn bão tàn khốc khác.

Bên kia bờ Ðại Tây Dương lại diễn ra bức tranh tương phản khi mùa hè năm 2007, cộng đồng EU phải hứng chịu một đợt nóng bất thường, có nơi như Hy Lạp nhiệt độ lên đến 45oC, làm gần 100 người chết. Ðến giờ người dân EU vẫn chưa hết bàng hoàng bởi đợt nóng lịch sử này và thường gọi nó là “đợt nóng tử thần”. Trước đó, năm 2006, một đợt nóng tử thần khác cũng cướp đi sinh mạng của hơn 70 người tại Pháp.

Còn cách đó 1/4 vòng Trái đất, mới đầu năm 2009, đợt hạn hán lớn nhất 5 thập kỷ qua khiến 4,5 triệu nông dân Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu nước sạch trầm trọng, đe dọa mùa màng… khiến một phần không nhỏ dân số khốn đốn chống chọi với nghèo đói. Somalia cũng phải hứng chịu cảnh tượng tương tự khi ngay những tháng đầu năm 2009, đợt hạn hán lớn nhất kể từ 10 năm qua đã đẩy gần 1/2 dân số nước này rơi vào thảm cảnh của nạn đói…

Ðó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hậu quả khôn lường mà nhân loại phải gánh chịu do biến đổi khí hậu. Những nghiên cứu mới đây nhất cho thấy, số lượng các cơn bão xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ ngày càng hung bạo hơn, thời tiết diễn biến không theo quy luật; bên cạnh tình trạng ngập lụt ở một số khu vực trên thế giới thì nhiều nơi khác phải đối mặt với hạn hán, tình trạng sa mạc hóa thu hẹp diện tích đất canh tác. Các chuyên gia nhận định, do sa mạc hóa, những vùng đất khô hạn chịu hạn hán ở châu Phi, vùng cận Sahara, có thể mở rộng thêm 60-90 triệu hecta vào 2060, gây thiệt hại khoảng 26 tỷ USD. Còn theo nghiên cứu của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, chỉ trong 2 thập kỷ qua, số thiên tai đã tăng lên gấp 4 lần. Còn trong báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, biến đổi khí hậu sẽ đẩy hơn 1 tỷ dân số thế giới vào cảnh đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu. Hàng năm, có khoảng 3,5 triệu trẻ em trên thế giới chết vì nghèo đói.

Thập kỷ qua, biến đổi khí hậu đã tước đoạt cơ hội phát triển con người của hàng triệu công dân trên thế giới. Báo cáo của FAO cho thấy, châu Phi sẽ mất đi 30% tổng sản lượng lương thực vào năm 2030, trong khi khu vực Bắc Á sẽ giảm 10%.

Thuật ngữ tỵ nạn khí hậu đã trở thành khái niệm quen thuộc trong các cuộc thương thảo bàn tròn liên chính phủ. Phát triển bền vững có nguy cơ bị phá vỡ bởi những diễn biến không theo quy luật của thời tiết. Ða dạng sinh học bị de dọa khi hàng trăm loài động thực vật đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ khỏi hành tinh.

Giàu làm nhưng nghèo chịu

Hơn 10 năm qua, số lượng các công trình nghiên cứu những tác động và nguyên nhân của biến đổi khí hậu đã vượt xa các lĩnh vực nghiên cứu khác. Một trong những thách thức lớn nhất của biến đổi khí hậu là ấm lên toàn cầu, mà nguyên nhân chính là do con người. Theo một nghiên cứu, những hành động của con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thay đổi khí hậu trong suốt 50 năm qua.

Toàn bộ bánh xe kinh tế thế giới đang lăn bánh trên con đường cácbon. Những nền kinh tế lớn là những "rốn" phát thải khí nhà kính chủ yếu. Mỹ đang đứng ở vị trí số một về phát thải CO2 (chiếm 25% tổng phát thải CO2 toàn cầu). Ðứng sau ông trùm Mỹ là Trung Quốc, và đứng ở vị trí thứ 3 là Ấn Ðộ. Nguồn nhiên liệu hóa thạch sẵn có, lại dồi dào và khá rẻ khiến những nguồn năng lượng sạch đòi hỏi công nghệ cao và đắt đỏ ít có cơ hội được chấp nhận, nhất là trong những nền kinh tế mới nổi, khiến lượng phát thải không chỉ CO2 mà còn nhiều khí nhà kính khác tăng lên một cách nhanh chóng. Trong 20 năm qua, con người đã đốt cháy hàng tỷ tấn nhiên liệu hóa thạch.

Nghị định thư Kyoto đã đi được quá 2/3 quãng đường nhưng dường như việc thực thi những thỏa ước còn phập phùng, manh mún. Vì lo sợ sẽ tổn hại tới nền kinh tế mà nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, đã chần chừ, thậm chí né tránh khi đặt bút ký vào Nghị định thư Kyoto. Sắp đến thời hạn hết hiệu lực (năm 2012), nhưng việc buộc những nước công nghiệp như Mỹ, EU, Nhật…phải cắt giảm 5,2% phát thải công nghiệp so với 1990 dường như chưa đạt được mong muốn.

Bên cạnh đó, ngay cả bản thân Nghị định thư này cũng còn nhiều bất cập và kẽ hở để nhiều nước tìm cách lách luật, đặc biệt là trong vấn đề chuyển đổi sử dụng đất. Ngay cả Cơ chế Phát triển sạch (CDM) giới hạn 1% về tỷ trọng tín dụng cácbon qua sử dụng đất và lâm nghiệp cũng có vẻ như không phát huy hiệu quả khi việc phá rừng đang diễn ra một cách táo tợn ở nhiều quốc gia. Những thảm rừng nguyên sinh vốn được xem là kho chứa cácbon nhưng đáng tiếc, theo UNDP, diện tích rừng bị chặt phá đã làm tăng khoảng 1/5 tổng lượng cácbon toàn cầu. Theo một nghiên cứu, việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch giải phóng khoảng 66% tổng lượng phát thải khí nhà kính có sự tham gia của con người, trong khi các hoạt động canh tác nông nghiệp chiếm khoảng 20%, còn thay đổi sử dụng đất là 14%.

Tuy nhiên, phát thải khí nhà kính không hoàn toàn do bàn tay con người. Ngoài một số khí như CO2, HFC, CFC phần lớn là sản phẩm của các hoạt động công nghiệp thì NO2, CH4, Halocácbon trong tự nhiên cũng tham gia vào hiệu ứng nhà kính. Ðặc biệt, khi các núi băng ở hai cực Trái đất bắt đầu tan chảy thì một lượng lớn khí CH4 được giải phóng. Khí bụi do các hoạt động công nghiệp cũng góp phần làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, những hạt bụi li ti bên cạnh việc làm cho các đám mây sáng hơn, do đó phản chiếu ánh sáng mặt trời mạnh hơn làm giảm sự ấm lên của Trái đất thì chúng cũng góp phần làm tăng khả năng hấp thụ nhiệt của băng tuyết.

Kịch bản không mong muốn

Các kịch bản khí hậu đưa ra một số tiên đoán khác nhau về tương lai của toàn bộ hệ thống khí hậu. Tuy nhiên, tất cả đều khẳng định rằng, nhiệt độ Trái đất đang tăng và sự tăng nhiệt độ này còn tiếp tục trong thế kỷ tới.

Trong báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2007 đã đưa ra một số dữ liệu quan sát, trong đó nhận định, 11 năm qua nhiệt độ toàn cầu đạt trị số cao nhất kể từ những ghi nhận tin cậy bắt đầu từ năm 1850. Một số kết quả quan sát chỉ ra rằng, nhiệt độ Trái đất đã ấm lên 0,6 ± 0,2oC trong khoảng thời gian từ năm 1901 – 2000. Nhưng từ năm 1956 – 2005 nhiệt độ Trái đất tăng lên 0,74 ± 0,15oC. Như vậy, nhiệt độ trung bình của Trái đất không chỉ tăng mà còn tăng mạnh mẽ hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, quá trình ấm lên trên đất liền diễn ra nhanh hơn trên đại dương.

Một loạt các hệ lụy do sự ấm lên của Trái đất sẽ không phân biệt sắc tộc hay lãnh thổ của bất cứ công dân nào trên hành tinh này. Khi Trái đất ấm lên sẽ làm tăng mực nước biển. Dưới con mắt của các nhà khí hậu học thì biển cả không hài hòa. Các nhà khoa học đã ước lượng rằng, hơn 80% lượng nhiệt bổ sung cho toàn hệ thống khí hậu Trái đất được đại dương hấp thụ. Khi đại dương nóng lên sẽ làm cho nước giãn nở, và sự giãn nở nhiệt này là nguyên nhân chủ yếu khiến mực nước biển tăng. Theo IPCC, nếu nhiệt độ nước biển tăng từ 1,5 – 4,5oC sẽ làm cho mực nước biển dâng cao 15 – 90cm. Trung bình, hàng năm, mực nước biển dâng cao 0.4cm

Bên cạnh đó, khi Trái đất ấm lên sẽ làm tan chảy các núi băng ở Bắc Băng Dương và Nam Cực. Những quan sát từ vệ tinh đã chỉ cho thấy, diện tích băng ở Bắc Cực đã giảm xuống một cách đáng lo ngại: 2,7 ± 0,6% trong một thập kỷ tính theo mức trung bình hàng năm và 7,4 ± 2,4% trong một thập kỷ đối với mùa hè. Thậm chí, theo kết quả tiên đoán bởi mô hình khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Mỹ, đến năm 2040, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè. Các quan sát hiện nay qua vệ tinh cũng cho thấy, diện tích các vịnh băng ở Bắc Cực thu hẹp nhanh chóng qua từng năm. Lượng nước được giải phóng khi băng tan cũng góp phần đáng kể đối với sự tăng lên của mực nước biển.

Trong thông điệp nhân Ngày môi trường thế giới 2007, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh, “Bằng chứng đáng lo ngại nhất về sự biến đổi khí hậu là ở hai cực của Trái đất. Bắc cực đang nóng lên nhanh gấp hai lần so với mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của vùng cực. Khi mực nước biển dâng lên, cư dân ở những hòn đảo nằm thấp và các thành phố duyên hải trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với nạn ngập lụt”. Thông điệp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đều căn cứ vào những nghiên cứu tin cậy nhất được tiến hành từ trước tới nay. Các mô hình khí hậu tiên đoán, mực nước biển sẽ tăng từ 90 - 880 mm trong thế kỷ tới. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Ðại học Copenhagen (Hà Lan) lại cho rằng, mực nước biển dâng cao hơn các tiên đoán trước đây, cụ thể là sẽ dâng cao 1m trong 100 năm tới.

Ðối với kịch bản mực nước biển dâng cao 5 m, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam mất 16% diện tích, 35% dân số bị ảnh hưởng. Việt Nam được nhận định là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Còn trong Báo cáo phát triển con người của UNDP cho biết, nếu nhiệt độ Trái đất tăng hơn 2oC, những núi băng ở Hymalaya, vốn là nguồn cung cấp nước và lương thực cho hơn 2 tỷ người, sẽ tan biến; 22 triệu người Việt Nam phải di dời, 45% diện tích đất nông nghiệp ở ÐBSCL bị phá hủy khi mực nước biển tiếp tục dâng cao. Khi mực nước biển dâng cao, một số đảo quốc như Fiji, Saint Lucia, Kiribatu, Tuvalu…sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.

Do biến đổi khí hậu, số loài đang dần biến mẩt khỏi hành tinh, kèm theo đó là thảm họa sinh thái đe dọa đến an ninh và an toàn đa dạng sinh học. Việc thay đổi thành phần hóa học, các dòng đại dương cũng sẽ làm cho quá trình điều tiết cân bằng CO2 trong khí quyển dịch chuyển theo chiều hướng bất lợi. Chỉ trong vài năm trở lại đây, việc thay đổi nhiệt độ và axit hóa nước biển, do đại dương và những sinh vật phù du hấp thụ một lượng lớn CO2 đã giết chết nhiều rặng san hô, vốn là chỗ dựa cuộc sống của nhiều loài sinh vật biển và cả con người. Tính đến hết năm 2008, khoảng 1/5 diện tích san hô trên toàn thế giới đã biến mất. Tại Hội nghị Thế giới về Ðại dương vừa diễn ra ngày 13/5/2009 tại Indonesia, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới (WWF) đã lên tiếng cảnh báo, nếu không cắt giảm khí nhà kính từ 25 – 40% trước năm 2020, nhiệt độ đại dương sẽ tăng nhanh, hủy hoại phần lớn hệ sinh thái ở đó, một nửa lượng cá sinh sống trong đó, hơn 100 triệu người phải tìm kế mưu sinh khác. Cũng tại hội nghị này, các nhà khoa học đã lên tiếng phải có những hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn để bảo vệ tam giác san hô, vốn là khu vực chiếm khoảng 30% diện tích san hô trên toàn thế giới.

Những thảm họa khí hậu không chỉ dừng ở đó khi đói nghèo, dịch bệnh, mưa axit, ô nhiễm hoành hành mọi nơi, mọi lúc không chừa nước giàu hay nghèo. Cơ cấu mùa thay đổi, thời tiết diễn biến phức tạp khiến nhiều đại dịch mới bùng phát. Một nghiên cứu cho thấy, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3o – 5oC, trung bình mỗi năm trên thế giới sẽ có khoảng từ 50 – 80 triệu người rơi vào tình trạng nguy kịch của bệnh sốt rét. WHO cảnh báo, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mỗi năm có khoảng 100.000 người chết do tác động của ấm lên toàn cầu và khoảng 800.000 người chết do ô nhiễm. Chỉ tính riêng năm 2000 đã có khoảng 150.000 người chết do ấm lên toàn cầu. Cũng theo tổ chức này, số người chết do ấm lên toàn cầu sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 30 năm tới.

Đoạn kết trong một thế giới phân cách

Hậu quả của sự thay đổi khí hậu không phân đều trách nhiệm, mà ở đây giàu làm nhưng… nghèo chịu. Những nước giàu chịu trách nhiệm phần lớn vào sự thay đổi khí hậu, nhưng những hậu quả của nó lại chủ yếu gieo rắc xuống một bộ phận lớn cư dân nghèo. Trong khi những nước giàu với đầy đủ tiềm lực tài chính và khoa học công nghệ giúp bảo vệ công dân của nước họ khỏi những thảm họa thiên nhiên thì ngược lại, những nước nghèo dường như bất lực. Do vậy, tất cả những người có liên đới phải cùng ngồi lại với nhau để đưa ra những cam kết và hành động cụ thể. Tuy nhiên, tại hội nghị về biến đổ́i khí hậu tại Bali (Indonesia) năm 2007 thì ngay cả EU và Mỹ đều có những bất đồng khi Mỹ phản đối đề nghị của EU buộc các nước giàu phải giảm khí thải từ 25 – 40% trước năm 2020. Còn tại hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 33, ngoài 8 nước thành viên còn có sự tham gia của 5 quốc gia khác là Trung Quốc, Braxin, Ấn Ðộ, Mêhicô và Nam Phi đã kiên quyết đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 50% đến năm 2050.

Trong Hội nghị thượng đỉnh các thành phố lớn C40 về biến đổi khí hậu lần thứ 3 vừa diễn ra từ ngày 18 - 21/5/2009 ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lên tiếng cảnh báo, Trái đất sẽ đối mặt với tình huống chết người nếu khí nhà kính không giảm xuống còn 80% vào năm 2050.

Việc đẩy mạnh thương mại cácbon thông qua hạn ngạch cap-and-trade và qua những hỗ trợ từ tác dự án bồi thường trong CDM sẽ giúp phần

nào sự chung tay của toàn nhân loại. Tuy nhiên, thị trường cácbon vẫn còn manh mún mặc dù đã có sự mở rộng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào 2012 thì việc thiết lập một hiệp định mới thay thế, với những yêu cầu và chế tài đầy đủ là một động thái quan trọng trong việc tiến tới thực hiện các mục tiêu tương lai. Những nước giàu phải chung tay hỗ trợ nước nghèo trong việc giải quyết những hậu quả của biến đổi khí hậu về cả mặt tài chính và công nghệ.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ và đầu tư kinh phí để nghiên cứu tạo ra những nguồn năng lượng, công nghệ sạch thân thiện môi trường cũng là một cách để giảm thiểu khí nhà kính. Gần đây, Mỹ, Nhật và một số nước EU đã đẩy mạnh hàng loạt các nghiên cứu về nhiên liệu xanh, xe hơi...

 Đức Phường - Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :