Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Đo đếm giá trị tinh thần

>>> Bản tin số 257

>>> Đo đếm giá trị tinh thần (pdf)

Người Tây duy lý

Ở các nước phương Tây phát triển, người ta coi giá trị tinh thần của con người như một sản phẩm của vật chất (não bộ) có thể đo đếm được, họ cho rằng các giá trị này phải được mã hoá thành các con số định lượng. Quả thật “người Tây duy lý” nên cái gì họ cũng đo đếm, kể cả những thứ trừu tượng như tinh thần con người.

Việc đo lường trí tuệ con người bắt đầu từ khi nào còn là một vấn đề đang tranh cãi. Có người cho rằng việc sử dụng trắc nghiệm trí tuệ đã có từ năm 2200 TCN. Tuy nhiên, đến mãi thế kỉ 19, việc trắc nghiệm các năng lực mới trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học. Charles Darwin – tác giả cuốn sách Sự di truyền các tài năng gây nhiều tranh cãi. Francis Galton (1822 – 1911) đã đề xuất những tư tưởng trắc nghiệm đầu tiên và ông đã thành lập Phòng thực nghiệm nhân trắc vào năm 1884 ở London. Khái niệm trắc nghiệm tâm trí được sử dụng rộng rãi khi Mc.K.Cattell trình bày trong cuốn sách Các trắc nghiệm và đo lường tâm trí vào những năm 1890 tại Newwork. Trong cuốn sách Mc.K.Cattell đã đưa ra mẫu 50 trắc nghiệm và được sử dụng hơn nửa thế kỉ .

Việc sử dụng trắc nghiệm được phát triển rộng rãi trên thế giới kể từ sau năm 1905, khi nhà tâm lý học Pháp Alfred Binet (1857 – 1911) cộng tác với bác sĩ tâm thần Theodore Simon (1873 – 1961) thực hiện các nghiên cứu về năng lực trí tuệ ở trẻ em từ 3- 15 tuổi. Quá trình thực nghiệm với các quy tắc thống kê nghiêm ngặt, ông đã xây dựng nên trắc nghiệm trí tuệ Binet – Simon với 50 bài tập dùng cho trẻ từ 3 – 11 tuổi. Đây là một trắc nghiệm được chuẩn hóa đầu tiên với nhiệm vụ thử nghiệm óc phán đoán và sự thông hiểu (hai ông cho đây là 2 thành phần quan trọng nhất trong trí thông minh). Đến 1908, trắc nghiệm trí tuệ Binet – Simon được xuất bản lần 2 với số bài nhiều hơn và được mở rộng cho đến 13 tuổi, đến năm 1911, trắc nghiệm đã xuất bản lần thứ 3 và mở rộng cho độ tuổi 15. Một loạt trắc nghiệm do H.Munsterberg (1863 – 1916) xây dựng năm 1910 dùng trong công tác tuyển chọn nghề nghiệp cũng đã góp phần đáng kể vào việc phát triển rộng rãi trắc nghiệm.

Năm 1912, nhà tâm lý học Đức Wilhelm Stern (1817 – 1938) đã đưa ra khái niệm Hệ số thông minh (Intelligence Quotient), viết tắt là IQ và xem nó như là chỉ số phát triển trí tuệ, đặc trưng cho một đứa trẻ nào đó:

Hệ số này chỉ ra sự vượt lên trước hay chậm lại của tuổi trí khôn (MA) so với tuổi thời gian (CA).  Khái niệm tuổi trí khôn thể hiện việc phát triển đi lên của trẻ, trẻ càng lớn thì càng có thể  làm việc, giải quyết những vấn đề khó khăn hơn, học được các khái niệm và ý tưởng khó hơn.

Năm 1939, David Wechsler (1896-1981) (giáo sư lâm sàng của đại học y khoa NewYork đưa ra thang Wechsler Bellevue dùng cho người lớn (The Wechsler Bellevue Scale). Năm 1949, ông đưa ra WISC cho trẻ từ 5 đến 15 tuổi (the Wechsler Intelligence Scale for children). Đến năm 1955, ông đưa ra WAIS là loại thang đo được biến đổi dành cho người từ 16 tuổi trở nên ( the Wechsler Adult Intelligence Scale). Trắc nghiệm WAIS là mẫu đầu tiên của một quan điểm nghiên cứu mới đối với vấn đề đo lường trí tuệ. D.Wechsler không chấp nhận giải thích truyền thống về trình độ trí tuệ (IQ) qua mối tương quan giữa các chỉ số của tuổi khôn (MA) và tuổi thời gian (CA) như W.Stern, A.Binet và những người kế tục đã làm. Với tương quan ấy thì có sự phụ thuộc theo đường thẳng giữa tuổi trí khôn và tuổi thời gian. Trong khi đó, sự phát triển trí tuệ diễn ra một cách không đồng đều trong suốt đời người. Wechsler cho rằng một đại lượng như vậy không phải là chỉ số thông minh. Ông định nghĩa IQ bằng công thức:

(theo công thức trên, X là điểm trắc nghiệm, là điểm số trắc nghiệm trung bình trong cùng một độ tuổi, SD là độ lệch chuẩn).

Như vậy, cứ mỗi điểm trắc nghiệm sẽ có một trị số IQ tương đương và ông gọi đây là điểm IQ chuẩn (Standard Score IQ) hay IQ khuynh số (Deviation IQ). Khi định nghĩa IQ như vậy, thì phân phối của các trị số IQ sẽ trực tiếp liên hệ với đường cong lý tưởng (đường cong Gauss). Căn cứ vào đường cong ấy ta có thể biết ngay được tỉ lệ phần trăm người có IQ cao hơn hoặc thấp hơn, hoặc ở khoảng giữa bất kì trị số IQ nào. IQ là một giá trị bằng con số phản ánh phạm vi mà một điểm số của cá nhân trong một trắc nghiệm trí tuệ đã đạt được so với giá trị trung bình cho những người khác cùng độ tuổi. Hiện nay nhiều người đã chấp nhận định nghĩa này. Ngày nay đã có tới 2100 các trắc nghiệm về trí tuệ khác nhau (và khoảng 500 trắc nghiệm về nhân cách) đã được xuất bản (Wayen Weiten, 1992).

Trong một thời gian dài người ta dùng thước IQ để tìm kiếm người tài vì tin rằng người có IQ cao sẽ có xác suất thành công cao hơn người khác. Tuy vậy một số nghiên cứu khoa học lại cho thấy chỉ 25% số người thành công là có chỉ số IQ cao hơn trung bình. Nghĩa là chỉ số IQ không giải thích được sự thành công vượt trội của 75% số người còn lại. Kết quả nghiên cứu đã loại yếu tố về năng lực chuyên môn. Cuối cùng những người nghiên cứu khẳng định rằng chỉ số EQ mới là yếu tố quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của mỗi chúng ta. Vậy EQ là gì ?

Daniel Goleman (1995), đã đưa ra khái niệm mới đó là chỉ số xúc cảm (EQ - Emotional Quotient) như một yếu tố cơ bản dẫn đến thành công. Sự phát hiện này giải thích tại sao một số người IQ thấp nhưng có sự nhạy cảm cao nên thành công hơn những người có chỉ số IQ cao. Để thành công Daniel Goleman đã đề xuất con người phải có những năng lực xúc cảm cá nhân gồm: năng lực tự nhận biết bản thân,  năng lực tự điều chỉnh, năng lực tạo động lực; và những năng lực thông minh xúc cảm xã hội gồm: năng lực thấu cảm với người khác và năng lực giao tiếp xã hội. 

Tuy nhiên trong thực tế lại có khá nhiều người không hẳn thông minh, hay được giáo dục tốt, đồng thời thiếu hiểu biết xã hội, mà lại thành công trong khi nhiều người khác thất bại, điều này lại được lý giải bởi AQ. Paul Stoltz (1997) lần đầu tiên đưa ra khái niệm (AQ-Adversity Quotient) trong cuốn sách "Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities" (AQ: Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội). Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn.

Không chỉ có 3 chỉ số kể trên, ngày nay các nhà thần kinh học còn đưa ra các phép đo các dạng năng lực trí tuệ khác như chỉ số xã hội (Social Quotient), chỉ số tò mò (Curiosity Quotient), chỉ số đam mê (Passion Quotient),... Đi xa hơn người Trung Hoa còn dùng cả kỹ thuật nhân trắc hình thái để tìm kiếm tài năng như đo kích thước vòng đầu để chọn những trẻ đầu tròn, vì qua khảo sát hang chục ngàn người thành đạt trong xã hội họ đã đi đến khái quát “những kẻ đầu tròn thường thông minh”. Quả là những ý tưởng độc đáo và rất trực quan duy lý. Người ta duy lý là vậy còn chúng  ta?

Người Việt duy tình?

Ngược dòng thời gian tìm về quá khứ, khi bàn đến các giá trị tinh thần của dân tộc, cha ông chúng ta cũng đã từng có những nghiên cứu về sự thông minh của người Việt Nam trên khắp đất nước. Từ những năm đầu của thế kỷ trước, nhà sử học Trần Trọng Kim (1919) đã nhận xét: "Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả tính xấu lẫn tính tốt. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức, lấy sự nhân, lễ, nghĩa, trí tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt và hay bài bác, nhạo chế", (Việt Nam sử lược).

Đến năm 1938, học giả Đào Duy Anh lại khẳng định “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, những xưa nay ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giầu trí nghệ thuật hơn là trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động,… não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hoá thì rất tài” (Việt Nam văn hoá sử cương).

Như vậy có thể thấy từ đầu thế kỷ trước các học giả đều khẳng định người Việt chúng ta thông minh, được cái “nhớ lâu”, ít “sáng tạo” mà hay “bắt chước”. Gần đây hơn , nhà nghiên cứu văn hoá GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng “Về đặc điểm tính cách, người Tây là duy lý, người Tàu là duy ý chí còn người Việt là duy tình. Chữ tình, nói theo chữ của GS Thêm, là lối sống giàu tình cảm, trọng tình nghĩa của người Việt”. Nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn cho hay “duy tình không là một niềm tự hào vì sự kém duy lý (vận dụng đến cùng trí tuệ) và kém duy ý chí (sự thôi thúc của tham vọng) đều góp phần kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Kém lý trí dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình rút lại là đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, nhất là trong xã hội hiện đại”.

Xem ra cái sự đánh giá trí tuệ con người ở nước ta vẫn còn nhiều cảm tính và mang nặng tính chủ quan lại còn chịu ảnh hưởng của tư duy đậm màu sắc tình cảm. Ngay trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh có giáo viên còn cộng điểm “ngoan”, thậm chí các trường đại học đang có thêm điểm “chuyên cần” trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên, có lẽ để chống lại việc trốn học của họ trong thời “tín chỉ”. Nếu chúng ta mãi nhìn nhận cách đánh giá con người bằng triết lý duy tình, bằng sự “thông cảm”, có những nhà quản lý còn nhận xét khả năng làm việc của nhân viên theo kiểu “trông có vẻ được đấy” hay mạnh dạn hơn “hơi ngu tí nhưng được cái ngoan”. Đánh giá năng lực trí tuệ mà cảm tính như vậy không những không chọn được người tài năng thực sự mà còn gây thất thoát tài năng, có thể coi đó là sự tham nhũng trí tuệ, hậu quả của nó có thể còn nguy hiểm hơn sự tham nhũng về thời gian và tiền bạc.

Trắc nghiệm năng lực trí tuệ ở Việt Nam

 Không ít các chuyên gia từ nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài đến Việt Nam đã dùng kiểm tra trí tuệ để tuyển học sinh giỏi của chúng ta và qua đó họ đã và đang mang đi khá nhiều “chất xám” qua con đường du học. Như vậy có thể thấy việc đo lường trí tuệ thực sự có ý nghĩa trong việc lựa chọn nhân tài mà người nước ngoài sử dụng rất hiệu quả. Tại sao chúng ta không áp dụng? Có người cho rằng không nên bắt chước họ vì nền giáo dục của chúng ta còn thấp, hay chúng ta chưa có điều kiện thực hiện, chưa có nghiên cứu chuyên sâu nên nếu chỉ Việt hoá các phép đo của họ thì sợ “lợi bất cập hại”. 

Xin thưa, chúng ta đã nghiên cứu phép đo lường trí tuệ từ những năm sáu mươi của thế kỷ 20, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên phạm vi khắp đất nước, với nhiều nhóm đối tượng thực nghiệm khác nhau mà tiêu biểu là nghiên cứu “Trình độ trí tuệ của học sinh trung học” của GS. Trần Trọng Thuỷ từ cuối thế kỷ trước với các khảo sát được thực hiện trên hàng ngàn học sinh ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Hoà Bình và Thanh Hoá. Từ những năm 1990 đến nay, nhóm chuyên gia nghiên cứu về trắc nghiệm trí tuệ do GS.TSKH Tạ Thuý Lan, một nhà thần kinh học đầu ngành của Việt Nam lãnh đạo đã thực hiện hàng chục nghiên cứu trên nhóm khách thể là hàng ngàn học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền đất nước đến nay đã khẳng định tính khả thi của các phép đo trí tuệ như các chỉ số: chú ý (R), thông minh (IQ), xúc cảm (EQ), cảm xúc (CAH), trí nhớ thị giác, trí nhớ thính giác,….  Như vậy tính cho đến nay chúng ta đã có ít nhất là hơn nửa thế kỷ để nghiên cứu mà vẫn chưa thể đưa được vào thực tiễn?

Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, một sở sở nghiên cứu năng lực trí tuệ chuyên sâu hợp tác với tổ chức PEAK Learning, inc Hoa kỳ đã có những nghiên cứu thích ứng trắc nghiệm trí tuệ trên người Việt Nam. Một trong những nghiên cứu gần đây Trung tâm đã kết hợp với Vụ Giáo dục Trung học và Chương trình Phát triển giáo dục trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện khảo sát IQ, EQ và AQ trên hàng ngàn học sinh các trường THCS chất lượng cao và trường THPT chuyên có thành tích cao tại Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hoá, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Kết quả cho thấy các chỉ số nghiên cứu rất có ý nghĩa, sự thích ứng bộ công cụ trắc nghiệm trí tuệ với học sinh Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Qua điều tra học sinh, giáo viên các trường tham gia khảo sát và các cán bộ quản lý của 62 trường chuyên, đại diện lãnh đạo của 62 Sở Giáo dục và Đào tạo tham gia tập huấn Bộ công cụ, hầu hết đều khẳng định việc sử dụng bộ công cụ trắc nghiệm năng lực trí tuệ học sinh là cần thiết và có tác dụng phân loại nhằm lựa chọn học sinh tham gia các đội tuyển hay tuyển sinh vào trường chuyên chính xác hơn.

Trắc nghiệm năng lực trí tuệ và vấn đề lựa chọn học sinh giỏi

“Học sinh giỏi” là gì? có mấy ai quan tâm đến khái niệm này? và trong thực tế cũng không mấy người định nghĩa được đầy đủ về nó. Cơ quan Giáo dục Hoa Kỳ miêu tả khái niệm “Học sinh giỏi là những học sinh có khả năng thể hiện xuất sắc hoặc năng lực nổi trội trong các lĩnh vực trí tuệ, sự sáng tạo, khả năng lãnh đạo, nghệ thuật, hoặc các lĩnh vực lý thuyết chuyên biệt. Những học sinh này thể hiện tài năng đặc biệt của mình từ tất cả các bình diện xã hội, văn hoá, kinh tế,…” Như vậy học sinh giỏi không đơn thuần chỉ là học giỏi, bởi nếu chỉ học giỏi mà không thích ứng được với cuộc sống thì học giỏi không mấy ý nghĩa. Vậy làm thế nào để xác định được học sinh giỏi theo đúng nghĩa, từ lâu các nhà khoa học đã đi tìm nhiều “thước để đo”.

Hệ thống trường chuyên THPT của nước ta từ lâu mặc nhiên được thừa nhận là những cái nôi để ươm mầm tài năng cho đất nước, tại đây học sinh có những điều kiện học tập tốt nhất, các thầy dạy có chuyên môn tốt nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ với trường tốt, thầy giỏi chưa chắc đã dẫn đến thành công trong việc đào tạo người tài, thực tế cho thấy có khá nhiều thầy cô giáo có thâm niên giảng dạy môn chuyên đã phải than rằng: “học sinh có giải hay không còn phụ thuộc vào lứa học trò”. Điều đó cho thấy việc tuyển chọn để có “lứa” học trò giỏi không hề đơn giản.

Đo năng lực trí tuệ học sinh bằng bộ công cụ trắc nghiệm chính là một trong những biện pháp giúp cho các trường chuyên, các cơ sở giáo dục chất lượng cao có thể tìm kiếm các tài năng chính xác hơn và hơn thế nữa từ đó có các định hướng phù hợp nhất nhằm duy trì và phát huy tài năng của học sinh theo đúng sở trường của học sinh. Kết quả trắc nghiệm còn giúp cho các trường có thêm thông tin về trí tuệ của học sinh kết hợp với thông tin từ kết quả làm bài thi truyền thống nhằm tuyển sinh vào trường chuyên hay các lớp chất lượng cao, các đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia hiệu quả hơn. Chính vì thế dù đã chậm so với thế giới nhưng không vì thế mà chúng ta không làm bởi mục đích lớn lao là tìm được những cá nhân thực tài cho đất nước.

 

 PGS.TS Mai Văn Hưng - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :