Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Công tác NCKH của nữ cán bộ ĐHQGHN một chặng đường nhìn lại
ĐHQGHN là một cơ sở đào tạo tập trung đông đảo đội ngũ các nhà khoa học nói chung, các nhà khoa học nữ nói riêng. Đó là những nữ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực...

Là một trung tâm đào tạo chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực của cả nước, trong chiến lược phát triển của mình, ĐHQGHN đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), coi đó là yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chức năng tập hợp, vận động và động viên đoàn viên công đoàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ĐHQGHN, trong suốt 10 năm qua, Công đoàn ĐHQGHN đã tổ chức và triển khai có hiệu quả rất nhiều hoạt động. Một trong những hoạt động tiêu biểu, đặc thù nhất, không thể không kể đến đó là hoạt động NCKH của cán bộ nói chung, nữ cán bộ nói riêng.

ĐHQGHN là một cơ sở đào tạo tập trung đông đảo đội ngũ các nhà khoa học nói chung, các nhà khoa học nữ nói riêng. Đó là những nữ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực. Phát huy thế mạnh truyền thống có từ lâu đời của ĐH Đông Dương, ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong 10 năm qua, đội ngũ này đã thực sự góp phần không nhỏ vào thành tích hoạt động NCKH chung của ĐHQGHN.

Để tiến tới một đại học nghiên cứu, đuổi kịp trình độ các đại học tiên tiến trong khu vực và quốc tế, chất lượng đào tạo luôn là vấn đề sống còn của ĐHQGHN. Không thể tạo nên một chất lượng đào tạo cao nếu không gắn kết một cách chặt chẽ giữa giảng dạy, học tập với NCKH. Vì vậy, ngoài việc đảm nhiệm một khối lượng giảng dạy lớn (nhiều nữ cán bộ có số giờ giảng dạy gấp 2, 3 lần quy định), đội ngũ nữ cán bộ còn dành nhiều thời gian, trí tuệ và tâm sức cho công tác NCKH. Công tác NCKH của nữ cán bộ thể hiện tập trung ở một số mảng việc chính sau đây: chủ trì và tham gia đề tài NCKH các cấp; công bố các bài trên một số tờ báo và tạp chí chuyên ngành; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước; viết sách, biên soạn giáo trình, bài giảng; hướng dẫn luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp, báo cáo khoa học cho nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên… Qua báo cáo của các đơn vị, chúng tôi đã tập hợp được một kết quả như sau:

Số đề tài đã nghiệm thu của cán bộ nữ gồm: 2 đề tài hợp tác quốc tế, 131 đề tài cấp nhà nước, 256 đề tài cấp ĐHQG, 422 đề tài cấp cơ sở. Những đề tài này do 583 cán bộ nữ chủ trì và 664 cán bộ nữ tham gia. Riêng năm học 2004-2005, có 117 đề tài đã nghiệm thu, trong đó có 23 đề tài cấp nhà nước, 30 đề tài cấp ĐHQG, 64 đề tài cấp cơ sở. Hầu hết các đề tài này khi nghiệm thu đều được Hội đồng đánh giá cao, (khoảng 95% xếp loại tốt và khoảng 5% xếp loại khá). Có nhiều dự án sản xuất thử - thử nghiệm cấp ĐHQG hoặc cấp Nhà nước đã được ứng dụng vào thực tiễn đời sống và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, như dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền, màng lọc vi trùng và màng tiền lọc 2000-2001” của PGS.TS Lê Viết Kim Ba - Khoa Hóa học (ĐHKHTN), giải thưởng Kovalepxkaia năm 1990; đề tài “Nghiên cứu và dự án sản xuất thử - thử nghiệm về các chủng nấm có tác dụng dinh dưỡng và chữa bệnh cao” của PGS.TS Nguyễn Thị Chính - Khoa Sinh học (ĐHKHTN); đề tài và dự án “Sản xuất thử - thử nghiệm về nghiên cứu một số chất có hoạt tính sinh dược học từ thảo mộc và ứng dụng chúng vào mục đích làm thuốc chữa bệnh” của TS. Đào Kim Nhung - Khoa Sinh học (ĐHKHTN); đề tài “Phân vi sinh” của PGS.TS Nguyễn Thanh Hiền - Khoa Sinh học (ĐHKHTN); tại trường ĐHKHXH&NV, ĐH Ngoại ngữ, Khoa Kinh tế, Khoa Luật, Khoa Sư phạm…, một số nữ cán bộ đã chủ trì và tham gia các đề tài NCKH, NCCB cấp ĐHQG, cấp Nhà nước và hợp tác quốc tế về nhiều lĩnh vực như: Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ học, Báo chí, Xã hội học, Kinh tế học, Luật học, Giáo dục học,… được đánh giá cao. Hiện có hàng trăm đề tài NCKH các cấp đang được triển khai, với 519 cán bộ nữ chủ trì và 568 cán bộ nữ tham gia.

*

10 năm qua, nữ cán bộ ĐHQGHN đã viết và xuất bản được 108 đầu sách tham khảo, chuyên đề, chuyên luận; công bố hơn 1.631 bài trên các báo và tạp chí chuyên ngành (riêng năm học 2004-2005, nữ cán bộ ĐHQGHN đã viết và xuất bản được 59 đầu sách, công bố 522 bài báo chuyên ngành). Có thể nói, đây là những tư liệu vô cùng quý giá, được chắt chiu từ những tri thức tích lũy và sự trải nghiệm trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ nữ, giúp sinh viên tham khảo, mở rộng kiến thức chuyên ngành.

Ngoài những ngành học, môn học truyền thống đã có giáo trình, bài giảng, 10 năm qua, còn rất nhiều ngành học mới, môn học mới ra đời do nhu cầu cấp thiết của thực tiễn xã hội, chưa có giáo trình, bài giảng. Vì vậy, một trong những giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tránh tình trạng học chay của sinh viên, là việc động viên đội ngũ giảng viên nói chung, nữ giảng viên nói riêng biên soạn giáo trình, bài giảng. 10 năm qua, nữ cán bộ đã biên soạn được trên 100 giáo trình, hơn 90 bài giảng (riêng năm học 2004-2005, nữ cán bộ ĐHQGHN đã biên soạn được 41 giáo trình và 45 bài giảng). Những giáo trình, bài giảng này đã được nghiệm thu và đánh giá tốt, giải quyết kịp thời tài liệu tham khảo cho sinh viên.

Các chị còn tham gia hướng dẫn 51 luận án tiến sĩ, trên 200 luận văn thạc sĩ, trên 3.000 khóa luận tốt nghiệp và trên 2.000 báo cáo khoa học sinh viên. Riêng năm học 2004-2005, nữ cán bộ ĐHQGHN đã hướng dẫn 26 luận án tiến sĩ, 72 luận văn thạc sĩ, 894 khóa luận tốt nghiệp và trên 100 báo cáo khoa học sinh viên. Đề tài do các chị hướng dẫn, nhìn chung được đánh giá cao. Sau khi bảo vệ, một số luận án, luận văn của nghiên cứu sinh, học viên cao học đã được in thành sách. Không ít báo cáo khoa học sinh viên do các chị hướng dẫn đã được giải thưởng NCKH cấp trường, cấp Bộ, cấp ĐHQG.

Với tư cách là nhà khoa học, là giảng viên, là cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu của ĐHQGHN, 10 năm qua, hàng trăm lượt nữ cán bộ đã khắc phục khó khăn, tích cực chủ động, năng động tìm kiếm và bằng nhiều cách thức, con đường khác nhau để trực tiếp tham gia, hoặc gửi bài tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước, ở các cấp độ khác nhau: cấp ngành, liên ngành, cấp quốc gia, quốc tế…

Để động viên, khích lệ nữ cán bộ NCKH và tạo cơ hội cho nữ cán bộ, đặc biệt là nữ cán bộ trẻ có cơ hội báo cáo kết quả và trao đổi kinh nghiệm trong NCKH, định kỳ hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10, Công đoàn ĐHQGHN đều đặn tổ chức hội nghị khoa học nữ. Mỗi một hội nghị, đều được ghi nhận bằng một tập kỷ yếu. Tính đến nay, sau 10 năm thành lập, đã có 10 tập kỷ yếu, với tổng số trên 500 báo cáo khoa học. Đây thực sự là một hoạt động tiêu biểu, đặc thù của Công đoàn ĐHQGHN nói chung, của nữ công Công đoàn ĐHQGHN nói riêng.

Đối với các Công đoàn cơ sở, Công đoàn trực thuộc của ĐHQGHN, hoạt động này cũng được đặc biệt chú trọng. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, hiệu quả cao, để lại những dấu ấn sâu đậm, như Hội nghị “Vai trò phụ nữ trong lịch sử” (Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV), “Phụ nữ khoa Luật với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học” (Công đoàn Khoa Luật), “Nữ cán bộ Trường ĐHKHTN chủ động tham gia tiến trình hội nhập” (Công đoàn Trường ĐHKHTN), “Hội nghị khoa học nữ Trường ĐHNN” (Công đoàn Trường ĐHNN)…

Để có được những kết quả trên, đối với nữ cán bộ, điều đó thật không đơn giản. Ngoài bộn bề công việc cơ quan, nữ cán bộ còn phải thu xếp biết bao công việc gia đình… để không ngừng học tập, cập nhật tri thức, nâng cao trình độ. Mỗi năm, hàng trăm lượt nữ cán bộ đã theo học các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và đã đạt được những thành tích thật đáng trân trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm qua đã có: 94 cán bộ nữ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 195 cán bộ nữ bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Với tất cả những cố gắng đó, 10 năm qua, hơn 20 chị đã được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong hàm giáo sư, phó giáo sư (riêng năm 2005, đã có 8 nữ cán bộ ĐHQGHN được phong hàm phó giáo sư).

Về các giải thưởng khoa học: chị Hoàng Thị Châu - ĐHKHXH&NV được nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ năm 2005; chị Lê Viết Kim Ba - Khoa Hóa học (1990); chị Phạm Thị Trân Châu - Khoa Sinh học và tập thể nữ Bộ môn Hóa hữu cơ (1995) (ĐHKHTN) được nhận Giải thưởng Kovalepxkaia; chị Nguyễn Thị Chính được nhận giải 3 Giải thưởng sáng tạo VIFOTEC (2002). Hơn 20 chị và một số tập thể nữ thuộc các trường thành viên, các khoa trực thuộc đã được Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN tặng bằng khen và giấy khen về thành tích NCKH… Ngoài ra, nhiều chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Từ thực trạng trên, chúng tôi có một vài nhận xét như sau: Chiếm một tỷ lệ khá lớn về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, bằng những kết quả trong giảng dạy, NCKH, nữ cán bộ ĐHQGHN đã khẳng định vai trò, vị thế của mình, đóng góp một phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ĐHQGHN.

Nhìn chung, nữ cán bộ ĐHQGHN đã ý thức đúng vai trò, vị trí của công tác NCKH trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó xác định rõ thái độ, trách nhiệm của mình trong công tác NCKH. Đề tài NCKH mà nữ cán bộ lựa chọn, triển khai, nhìn chung đi đúng định hướng NCKH mà ĐHQGHN đã xác định và quán triệt. Đề tài NCKH các cấp do nữ cán bộ ĐHQGHN chủ trì hoặc tham gia, các giáo trình, bài giảng của nữ cán bộ ĐHQGHN biên soạn, các bài báo của nữ cán bộ ĐHQGHN viết, đăng tải trên nhiều báo, tạp chí, tập san chuyên ngành..., nhìn chung được đồng nghiệp và sinh viên đánh giá tốt, không thua kém cán bộ nam. Những khó khăn, gian khổ, vất vả mà nữ cán bộ phải vượt qua, để đạt được một thành công trong công tác NCKH, gấp nhiều lần so với nam giới. Các chị đã tự gồng lên, vượt lên chính mình, thầm lặng hy sinh, thu xếp “việc nước”, việc nhà để đi thực địa, điều tra số liệu, khảo sát thực tế, thai nghén đề tài và để đề tài, giáo trình, bài giảng được nghiệm thu đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Ngoài những ưu điểm cơ bản trên, hoạt động NCKH của nữ cán bộ ĐHQGHN cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: công tác NCKH được tổ chức triển khai, thực hiện chưa đồng đều ở các đơn vị, ở các nữ cán bộ trong toàn ĐHQGHN. Dường như nó tập trung chủ yếu ở một số đơn vị đào tạo, ở một số đối tượng nhất định. Những đối tượng đó, thường là những nữ cán bộ nhạy bén, năng động, có thâm niên trong giảng dạy, có kinh nghiệm trong NCKH. Một số nữ giảng viên, hoặc phải đảm nhiệm quá nhiều giờ giảng ở những môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành thuộc các bậc học (đại học, sau đại học), hoặc phải kiêm nhiệm công tác quản lý, nên ít thời gian đầu tư, tập trung cho NCKH. Một số nữ giảng viên, chủ yếu là nữ giảng viên trẻ, vừa do yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn, vừa do yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ viên chức của nhà trường, phải ưu tiên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học nên cũng chưa đầu tư thoả đáng thời gian, tâm sức cho công tác NCKH. Và còn một thực tế nữa là một số cán bộ nữ chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác NCKH, chưa thực sự coi NCKH là một trong những vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Căn cứ theo kết luận của Đảng ủy ĐHQGHN về đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ xã hội, để công tác NCKH ngày càng được thực hiện và triển khai sâu rộng, có hiệu quả hơn trong nữ cán bộ ĐHQGHN, từ thực tế trên, chúng tôi thấy có mấy vấn đề cần lưu ý sau:

- Các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và đoàn thể ở ĐHQGHN nói chung, trong các cơ sở đào tạo trực thuộc nói riêng, cần có cơ chế thích hợp, quan tâm, ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nữ cán bộ được nhận đề tài NCKH các cấp, được đi trao đổi khoa học, được dự hội nghị khoa học trong và ngoài nước.

- Động viên, khuyến khích nữ cán bộ NCKH. Coi NCKH là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua đối với cán bộ nói chung, nữ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu nói riêng. Đa dạng hóa và có chế độ động viên, khen thưởng thích hợp, thoả đáng đối với nữ cán bộ đạt thành tích cao trong NCKH, bảo vệ trước thời hạn và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ.

- Duy trì việc in kỷ yếu, công bố những kết quả NCKH của nữ cán bộ hàng năm, như 10 năm nay đã làm. Thực sự coi đây là một truyền thống quý báu của nữ cán bộ ĐHQGHN, của hoạt động nữ công Công đoàn ĐHQGHN.

- Bản thân mỗi một nữ cán bộ cũng cần ý thức đúng trách nhiệm của mình trong công tác NCKH. Muốn bài giảng có chất lượng, không thể không tiến hành NCKH, vì vậy, nữ cán bộ cần thu xếp hài hoà giữa công việc gia đình và công việc cơ quan, để có thời gian, tâm sức dành cho NCKH.

Mặc dầu còn một vài hạn chế nhất định, nhưng phải khẳng định rằng, công tác NCKH của nữ cán bộ ĐHQGHN 10 năm qua thật to lớn, thật đáng trân trọng. Bằng những kết quả đó, nữ cán bộ đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích chung của ĐHQGHN.

 Tô Hiền (Trưởng Ban nữ công - Công đoàn ĐHQGHN) - Photo: Bui Tuan - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :