Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc
Hơn mấy thập niên gần đây, Trung Quốc đã liên tục tiến hành cải cách thể chế Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ (KHCN) nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ đất nước, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và thu được nhiều thành tựu đáng kể.

Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc

Hơn mấy thập niên gần đây, Trung Quốc đã liên tục tiến hành cải cách thể chế Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ (KHCN) nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ đất nước, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và thu được nhiều thành tựu đáng kể. Có được những thành công đó là nhờ vào việc quốc gia này đã có chính sách cải cách thể chế Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ theo một quy mô lớn và đi vào chiều sâu, cụ thể thực hiện được 6 nhiệm vụ chính sau đây:

1. Cải cách quản lý kế hoạch, coi trọng cơ chế điều tiết của thị trường.

Nhà nước chủ trương cải tiến quản lý kế hoạch theo hướng giảm dần tỷ lệ giao kế hoạch mang tính pháp lệnh, mở rộng phạm vi kế hoạch mang tính chỉ đạo, từng bước xoá bỏ phân cắt manh mún, thực hiện biện pháp quản lý nhiệm vụ theo chế độ chào hàng, hợp đồng và trách nhiệm.

2. Tiến hành cải cách đối với cơ quan nghiên cứu khoa học, bao gồm đồng bộ các khâu liên quan nhiều đến chất lượng đầu ra, hiệu quả thực tế:

- Cải cách thể chế quản lý cơ quan nghiên cứu khoa học.

- Cải cách theo chiều sâu chế độ cấp phát theo hướng gắn với kết quả đầu ra, hiệu quả kinh tế cao; cấp đúng đối tượng, đúng quy trình, không rơi vãi thất thoát, kiểm tra, kiểm toán minh bạch.

- Thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu tổ chức khoa học và công nghệ gọn nhẹ, liên thông, hợp lý, nhận đề tài theo hợp đồng khả thi, hữu ích.

3. Khuyến khích, thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất dịch vụ; đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát minh, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào các đơn vị.

Việc chuyển giao công nghệ, mua sắm thiết bị được chế tài bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng gắn trách nhiệm cá nhân, đơn vị thực hiện vào các quy định cụ thể. Đối với nhập thiết bị nước ngoài, nếu thiếu trách nhiệm, tư lợi, nhập sai thiết bị (cũ hoặc không phù hợp) có thể bị truy cứu trách nhiệm và xử phạt nặng...

4. Cải cách thể chế quản lý nhà nước về KHCN ở nông thôn theo chiều sâu.

Nông thôn Trung Quốc là địa bàn rộng lớn, dân số đông, thị trường chủ yếu, là đối tượng chính để KHCN phục vụ, phát huy, do đó ngoài các chính sách chung cho quốc gia, Nhà nước có nhiều chính sách riêng nhằm đưa KHCN về nông thôn, về cơ sở để làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Các ứng dụng về giống cây và con, phân bón, công nghệ sinh học... đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, làm cho nông thôn Trung Quốc đô thị hóa nhanh hơn, gắn kết với sự phát triển chung.  

5. Cải cách thể chế quản lý cán bộ KHCN mạnh mẽ, phù hợp với nền kinh tế tri thức, hội nhập với thế giới.

Nhà nước có chính sách cụ thể tôn vinh nhà khoa học giỏi, coi trọng hiệu quả, chất lượng thực sự của hoạt động khoa học, chú ý cán bộ trẻ. Các đãi ngộ về vật chất, lương, phụ cấp, danh hiệu, phần thưởng tinh thần... đều được chú trọng cải tiến theo hướng thiết thực, công bằng, hiệ đại. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện liên tục, rộng khắp; cán bộ khoa học được tạo điều kiện để học tập, trau dồi kiến thức, cạnh tranh lành mạnh, giao lưu rộng rãi cả trong nước và quốc tế. Về mặt ngân, sách, nhà nước đã tăng nhiều cả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, ứng dụng triển khai và cả trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; ngay từ khâu giáo dục phổ thông.

6. Xây dựng hệ thống điều chỉnh vĩ mô nhằm đáp ứng sự năng động, tăng cường tốc độ của sự tiến bộ KHCN.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 10 CHND Trung Hoa (tháng 3/2003) đã thông qua báo cáo của chính phủ, tiếp tục nhấn mạnh các chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới tập trung vào những nội dung mà có thể quan hệ gián tiếp đến hoặc trực tiếp đến vấn đề của bài viết. Đó là:       

1)       Nỗ lực mở rộng nhu cầu tiêu dùng, cải thiện môi trường tiêu dùng;

2)       Thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển toàn diện; xây dựng thể chế an ninh an toàn chất lượng nông sản và hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông nghiệp;

3)       Thúc đẩy công nghiệp hóa kiểu mới, điều chỉnh cơ cấu sản nghiệp, phát triển miền Tây trên quy mô lớn. Lấy tin học hóa lôi kéo công nghiệp hóa, đào thải các cơ sở sản xuất lạc hậu, chú ý dịch vụ hiện đại (quan tâm dịch vụ cấp xã) và du lịch;

4)       Cải cách kinh tế sâu hơn và mở rộng hơn với bên ngoài, thực hiện chiến lược đa nguyên hóa thị trường, tạo ra và ủng hộ các mặt hàng, thương hiệu nổi tiếng trong nước;

5)       Hoàn thiện công tác mở rộng việc làm và bảo hiểm xã hội với phương châm “Người lao động tự lựa chọn, thị trường điều tiết, chính quyền thúc đẩy”;

6)       Tăng cường pháp chế dân chủ XHCN và xây dựng văn minh tinh thần;

7)       Đổi mới, hoàn thiện công tác xây dựng bản thân chính phủ;

8)       Nghiêm chỉnh thực hiện chiến lược dùng khoa học kỹ thuật (KHKT), giáo dục (GD) để chấn hưng đất nước và chiến lược phát triển bền vững liên tục: Tăng đầu tư cho các lĩnh vực này, nắm chắc việc xây dựng và quá trình thực thi kế hoạch phát triển KHKT, GD trung hạn, dài hạn. Thúc đẩy xây dựng hệ thống sáng tạo mới quốc gia; thiết thực hóa, gắn kết với thực tiễn công tác nghiên cứu cơ bản, KHKT cao, tăng tính sáng tạo và cạnh tranh của của KHKT trên thị trường.

     Hiện nay, đường lối lớn của lãnh đạo Trung Quốc vẫn là: Giải phóng tư tưởng, tiến cùng thời đại; Phát huy mọi lực luợng, tiềm năng của dân tộc để phục hưng dân tộc Trung Hoa; Tiếp thêm sức sống mới, sức trẻ cho lãnh đạo. Họ nhấn mạnh yếu tố “Phát triển” coi đó là nguyên tắc cốt lõi, là nhiệm vụ hàng đầu, là nguyên lý chi phối của mọi hoạt động.   

Nhằm phát kinh te - xã hội, Trung Quốc đồng thời chú trọng cách mạng khoa học - kỹ thuật để chấn hưng đất nước, đồng thời chú ý phát triển, xây dựng quy mô lớn các công trình thiết bị cơ sở hạ tầng hiện đại, để giải quyết việc làm, từ đó kích thích tiêu dùng, tạo ra những nhu cầu mới của xã hội, đòi hỏi KHCN phải giải quyết. Cùng với nhiều biện pháp bổ trợ, trước hết đối với cách mạng KHKT, Trung Quốc tích cực đổi mới chính sách, thể chế quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, tạo nên môi trường mới, nhận thức mới, phương thức hoạt động mới, cách đánh giá mới, do đó bản thân khoa học - công nghệ phát triển, gắn với thị trường, với kinh tế -xã hội và đời sống thực tiễn... 

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Nếu liên hệ với nước ta, có thể thấy thời gian qua Việt Nam cũng đã tiến hành một số cải cách, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về KHCN, đem lại kết quả tốt. Nhìn chung, có thể thấy nổi lên một số điểm mới mẻ sau đây:

- Mở rộng lưu thông sản phẩm nghiên cứu KHCN thông qua việc cho phép ký kết hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.

- Giải phóng lực lượng lao động KHCN thông qua việc cho phép cán bộ KHCN được làm công tác kiêm nhiệm.

- Tiến hành phân cấp trong quản lý KHCN.

- Đa dạng hoá thành phần tham gia hoạt động KHCN.

- Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN.

Thực tế cho thấy xoá bỏ cơ chế cũ là đòi hỏi bức xúc và là quá trình phức tạp nhưng đó là đòi hỏi khách quan, cần phải xây dựng lộ trình đổi mới, thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở đổi mới cơ chế hoạt động KHCN mới có thể tiến hành có hiệu quả việc thay đổi cơ cấu của hệ thống KHCN và nâng cao trình độ KHCN. Nhiều chuyên gia cho rằng: Đối tượng đổi mới là các quan hệ tập trung mang tính chất quan liêu và quan hệ bao cấp mang tính chất “xin - cho”, nặng về quan hệ- hình thức, không tính kỹ hiệu quả kinh tế - xã hội từng thống trị trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp, nghĩa là có yếu tố, hoạt động từng phù hợp với thời gian trước nhưng hiện nay đã lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. So với những gì từng tồn tại của hệ thống quản lý nhà nước về KHCN ở Việt Nam thì đổi mới là cuộc cách mạng căn bản và toàn diện trên các mặt: Kế hoạch hoá, cơ chế giao nhiệm vụ, cơ chế cấp phát tài chính, thành phần tham giá hoạt động KHCN, phương thức đánh giá kết quả nghiên cứu, phân cấp quản lý.

Đất nước ta đang có nhiều bước chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực. Chắc chắn, việc đổi mới thể chế Quản lý nhà nước về KHCN sẽ có những kết quả tốt, kích thích mạnh mẽ được hoạt động KHCN và những chuyên gia, trí thức, những người lao động trong môi trường này phát huy được sức mạnh của KHCN, làm cho Việt Nam cất cánh được trong thế kỷ này.

Lê Thanh Bình

 Lê Thanh Bình - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :