Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Mảnh hồn làng thuở nào!
Làng quê, nguồn cội của sự sống, nơi con người sinh ra và lớn lên, nó luôn tồn tại trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Trong thế kỷ XXI, khi mà ngọn gió đô thị hóa sẽ quyết liệt hơn quét qua những xóm làng Việt Nam thì hơn ai hết, chúng ta khát khao một cuộc sống văn minh đúng nghĩa cho làng quê của mình.

Chắc không có ai vì quá yêu làng quê mình mà mong muốn mãi tồn tại cảnh “cái cày, con trâu đi trước, con người đi sau”. Và cũng không ai muốn sống mãi trong những ngôi nhà rơm rạ u tối, đói khát để những ngày giáp hạt, vợ chồng, cha con, anh em phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Còn nhớ ngày rời ngôi làng nhỏ bé, lam lũ của mình để về thành phố học, lúc đó, tôi nghĩ sẽ không trở về làng nữa. Ký ức về làng ám ảnh tôi khi ấy là bức tranh đói nghèo, với tiếng côn trùng rền rĩ trong những đêm nhợt nhạt, buồn bã ánh đèn dầu dọc theo những con đường lầy lội đầy phân bò, phân trâu và rạ rơm hoai mục. Vậy mà khi bước vào cái tuổi tam thập, trong ký ức tôi bắt đầu xuất hiện hình ảnh những cánh đồng sực nức mùi lúa chín, những đầm sen tỏa hương ngào ngạt, những đêm trăng huyền ảo, những câu chuyện thì thầm suốt đêm của người già, những đêm hội và cả dáng những cô thôn nữ uyển chuyển, nõn nà...

Ðến tuổi tứ tuần, sau cả một chặng đời phiêu bạt khắp nơi thì ký ức tôi dần hình thành một biến động lớn. Biến động ấy sinh ra bởi kinh nghiệm sống và nhận thức từ thực tiễn. Và lúc ấy, tôi khát khao trở về làng mình hơn bao giờ hết. Khát khao ấy mỗi ngày một lớn mạnh trong tôi. Nó làm tôi hạnh phúc bởi tôi có một làng quê và làm tôi sợ hãi nếu tôi đánh mất làng quê ấy. Có lẽ phải đi, phải sống với rất nhiều sự thật của đời sống sô bồ suốt mấy chục năm thì tôi mới có được may mắn nhận ra những điều thiêng liêng ấy.

Vậy là tuần nào, tôi cũng rời thành phố để về làng. Vẫn con đường kia, vẫn dòng sông kia, vẫn cánh đồng kia, vẫn những người thôn quê kia... nhưng sao là lạ. Một nỗi sợ hãi mơ hồ hiện ra từ những gì đập vào mắt tôi. Làng tôi, hay nói đúng hơn là những làng quê của chúng ta, đang đổi thay. Nhưng sự đổi thay mà chúng ta đang nhìn thấy lại chứa đựng nhiều bất trắc hơn là nỗi vui mừng. Tôi đã từng viết về những ngôi nhà ở chốn thôn quê. Tôi đã nói rằng đến một ngày nào đó trong một tương lai gần, những công dân mới dù bây giờ chưa sinh ra của các làng quê sẽ phá đi tất cả những ngôi nhà chúng ta đã và đang xây trong khoảng mười năm trở lại đây và đang tiếp tục xây như thế để dựng lên những ngôi nhà mới. Ðó là những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng lợp mái ngói đỏ đầy phong vị nông thôn truyền thống Việt Nam. Việc xây lại những ngôi nhà của những công dân mới đó không phải là một sở thích thời thượng mà là một nhận thức của văn hóa. Những ngôi nhà lợp ngói đỏ chốn thôn quê chỉ là một cách nói của tôi về một trong những vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc nông thôn và phong vị văn hóa của các làng quê Việt Nam truyền thống...

Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng viết những câu thơ rất hay về cái hàng rào ở làng quê. Trước Nguyễn Bính và bao nhà thơ khác, ca dao dân ca đã từng nói đến. Tôi viết đến điều này không phải là sự hoài cổ. Tôi đang nói đến sự phá vỡ tinh thần của làng quê chúng ta. Chúng ta thật khó có thể biện minh cho những bức tường xây có gắn mảnh chai sắc ở trên. Chống trộm ư? Nếu thế thì sao trước kia ông cha ta không làm thế mặc dù họ có thể làm thế? Nhiều người giải thích: Trộm cắp mỗi ngày một nhiều. Tôi nghĩ trộm cắp không tăng lên. Nhưng sự ích kỷ thì tăng lên rõ rệt và tính cộng đồng “bầu ơi thương lấy bí cùng” giảm đi rõ rệt. Ðừng nghĩ một người giàu mua một số điện thoại với giá một hoặc hai tỷ đồng trong một buổi truyền hình nhân đạo trực tiếp là lòng nhân ái của người Việt thời nay lớn hơn người Việt ngày xưa. Chúng ta cần bình tĩnh và xem lại mọi việc một cách tỉnh táo và công bằng nhất. Hành động sống “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” như một đạo lý và như một đức hạnh của những người thôn quê đang ngày càng trở thành câu chuyện cổ tích. Những hàng rào làm bằng hoa dâm bụt, cây duối, trúc, mùng tơi, cúc tần, cây găng, tầm xuân, dứa dại, dâm bụt đỏ, dâu tằm, xương rồng… giờ đây chỉ hiện về trong ký ức của chúng ta. Bây giờ tường xây cao cắm mảnh chai sắc, quây dây thép gai và cả dây điện trần. Có bao nhiêu người đã mang thương tật và đã chết bởi những hàng rào này. Tại sao những hàng rào đẹp, yên bình và góp phần tạo sự trong sạch cho môi trường lại không còn nữa? Những hàng rào đó biến mất cùng với lòng tin và sự chia sẻ của con người với con người. Lòng tốt không tự nhiên mất đi và sự vô cảm không tự nhiên sinh ra...

Tôi chợt nghĩ về lòng tin của người với người và thói ích kỷ. Chỉ cách đây chừng vài chục năm, chúng ta không ngờ chúng ta phải nói về những điều giản dị mà thiêng liêng và những vẻ đẹp quá rõ ràng chốn thôn quê với một tâm trạng hoài cổ và nuối tiếc như bây giờ. Về rất nhiều làng quê hôm nay, chúng ta có cảm giác như chỉ là việc di chuyển từ một đô thị “ngạt thở” này đến một “đô thị” ngạt thở khác có diện tích nhỏ hơn. Ðầu năm nay, một người bạn gốc Hà Nội còn rất trẻ rủ tôi đi xem Chèo. Lời mời ấy làm tôi chợt cay cay sống mũi. Nó đánh thức ký ức tôi về những đêm Chèo xưa ở đình làng. Nhưng quan trọng hơn là lời mời ấy gửi đi một thông điệp: Cái đẹp của văn hoá có thể bị lãng quên hay bị vùi lấp trong một thời gian nào đó nhưng không bao giờ bị tiêu diệt. Có lẽ mấy chục năm nay rồi không có một đoàn Chèo nào về sân đình làng tôi biểu diễn. Vì bây giờ, chính người thôn quê - những người từng làm mê mẩn lòng người bằng những đêm Chèo sân đình như thế lại đang quên nó. Tôi đã đi qua nhiều miền quê trên thế giới như Mỹ, Ailen, Pakistan, Úc, Ấn Ðộ... và tôi nhận thấy rằng từ những miền quê còn ngèo đói đến những miền quê giàu có đều có một điểm chung. Ðó là bản sắc văn hoá của những miền quê ấy vẫn được lưu giữ và tôn vinh. Những vẻ đẹp ấy không những không bao giờ lỗi thời mà mãi mãi sống động và thẳm sâu. Những vẻ đẹp đó đã dẫn dắt con người không lạc lối và là nguồn lượng chính làm cho một con người hay một quốc gia lớn mạnh. Làng tôi bây giờ ở đâu? Biết bao nhiêu người đã đứng lặng và cất lên câu hỏi đó. Làng ở đây chính là hồn vía, là văn hoá chứ không đơn thuần chỉ là cây đa, bến đò, mái nhà tranh, hay bếp tro, bếp trấu...

Hôm nay, nhận được cuộc điện thoại của một người bạn trẻ bên ÐHQGHN mời viết bài về chủ đề “Văn hóa nông thôn truyền thống trong xã hội hôm nay” cho số báo đặc biệt chào mừng Hội nghị Quốc tế lần thứ III về Việt Nam học, tôi đã lặng người đi khá lâu để suy nghĩ. Tất cả những lớp lang văn hóa làng quê Việt đã từng in nếp trong ký ức của tôi bỗng dưng trỗi dậy và những dòng suy tư tản mạn này hy vọng sẽ tìm được sự đồng cảm từ phía độc giả.

Hà Nội, tháng 11/2008

 >> Tạ Duy Anh >> Ảnh: Minh Trí - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :