Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Tạ Trọng Hiệp - "Người xa lạ", “môn sinh” xuất sắc của GS. Hoàng Xuân Hãn
Ông đã dành trọn vẹn cả cuộc đời để cống hiến cho ngành Hán Nôm, ngành Văn hoá học, ngành Lịch sử, ngành Thư tịch học và trên hết đó là lĩnh vực Việt Nam học.

Nhắc đến ông là người ta nhắc đến một trí thức Tây học, cả cuộc đời sống xa quê hương nhưng luôn nặng lòng hướng về Tổ quốc. Ông là Tạ Trọng Hiệp, một người Việt Nam định cư ở Paris, sống trong âm thầm, làm việc trong âm thầm và ra đi lặng lẽ. Không được nhiều người biết đến như các học giả Ðào Duy Anh hay Hoàng Xuân Hãn... nhưng ông đã tự tạo lập được cho mình một chỗ đứng riêng trong địa hạt nghiên cứu về Việt Nam học...

Tạ Trọng Hiệp sinh ngày 18/10/1933 tại làng Thụy Khuê (làng Giấy), cạnh Hồ Tây, Hà Nội; từ trần hồi 21 giờ ngày 25/10/1996, vì bệnh ung thư, tại bệnh viện Kremlin Bicêtre, ngoại ô thủ đô Paris, năm ấy ông 63 tuổi. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức, quê cha ở Hưng Yên, quê mẹ ở Nam Ðịnh. Cha ông là Tạ Ðình Bính, một trong 2 chủ bút của Hà Thành Ngọ Báo và mẹ là bà Phùng Thị Vị, đã từng là cây viết của Hà Thành Ngọ Báo dưới bút hiệu Mỹ Chân những năm 1930. Tạ Trọng Hiệp cùng với anh là Tạ Mạnh Thường đã thấm nhuần không khí văn học trong sách vở gia đình. Vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ xa nhau từ lúc ông mới 6 tuổi. Cha vào Sài Gòn và mất tại đây vào khoảng từ năm 1941 - 1945. Năm 1940, mẹ ông tái giá với một sĩ quan người Pháp và sinh hạ được 2 người con gái là Madeleine và Eliane. Thời gian này, 2 anh em Tạ Trọng Hiệp và Tạ Mạnh Thường phải vào ở nội trú ở trường phổ thông, ngoại ô Hà Nội, dành cho các học sinh bán mồ côi trong vòng hơn 4 năm. Quãng đời thơ ấu này đã để lại dấu ấn nặng nề trong đời Tạ Trọng Hiệp và có lẽ đó là lý do khiến sau này, trên các hồ sơ chính thức, ông tự nhận là trẻ mồ côi từ nhỏ, được người cô nuôi dưỡng.

Sau những năm học tiểu học ở trường phổ thông và bắt đầu học trung học ở trường tư thục Gia Long, Hà Nội; tháng 11/1944, cha dượng phải đổi vào Ðà Nẵng. Tạ Trọng Hiệp theo gia đình vào Huế, rồi ra Ðà Nẵng. Ở đây, ông học tiếp một năm ở trường trung học công và bắt đầu tiếp xúc với chữ Hán. Sau đó ông quyết định không đến trường nữa và tự học lấy một mình. Thời gian này ông đã bắt đầu tích lũy sách vở. Năm 1948, gia đình vào Sài Gòn rồi năm 1949, cả nhà ông sang Pháp. Tạ Trọng Hiệp ở lại Sài Gòn làm việc để tự học. Năm 1951, được mẹ gửi vé tàu về, ông sang Pháp. Tại Pháp, ông vừa đi học, vừa đi làm. Ông học hàn thụ ở Ecole Universelle, thi tú tài, rồi theo học ở đại học Sorbonne, đồng thời học chữ Hán ở Trường Ngôn ngữ Ðông phương (Ecole Nationale des Langues Orientales). Năm 1953, sau khi đến thụ giáo GS. Hoàng Xuân Hãn trong vòng một năm, Tạ Trọng Hiệp đã được dẫn vào con đường nghiên cứu Hán Nôm.

Ngày 30/10/1954, Tạ Trọng Hiệp kết hôn với Micheline Guillot, sinh đuợc 2 con trai là Tạ Huy Tuân (18/2/1955) và Tạ Huy Kim (22/12/1962). Vợ chồng ông chia tay ngày 24/6/1987. Năm 1956 - 1957, sau khi học xong cử nhân văn chương, ông học thêm ngôn ngữ học, lịch sử văn hóa Trung Quốc, lịch sử tôn giáo và ngữ âm học. Ngoài ra từ năm 1957, ông còn học thêm ở Trường Cao học Thực hành (Ecole Pratique des Hautes Etudes) trực thuộc Sorbonne, với giáo sư Maurice Durand. Chính giáo sư Durand đã giới thiệu ông vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) từ cuối năm 1958, về ngành Ngôn ngữ và Văn minh Ðông Phương mà ông phụ trách về Lịch sử và Ngôn ngữ Việt Nam. Năm 1970, Ðại học Paris VII muốn mở một ban Việt học mà Tạ Trọng Hiệp là người sáng lập. Ban đầu trường ở đường Censier, sau chuyển sang đường Jussieu và ông là giáo sư Hán Nôm cho tới ngày mất. Ông còn là thành viên của Société Asiatique (Hội Á Châu).

Tủ sách của Tạ Trọng Hiệp cũng là một di sản văn hóa lớn lao cho giới nghiên cứu văn học. Sau khi ông mất, người con lớn là Tạ Huy Tuân lo việc bảo quản, đã gói ghém toàn bộ thư viện đem về Foucarmont, Normandie (Pháp). Tạ Trọng Hiệp làm việc âm thầm và những công trình của ông thể hiện phần lớn như những báo cáo cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp. Ông là vai chính trong việc phát hiện bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Nội các Quan bản, còn giữ được trong tủ sách của giáo sư Demiéville. Ông cũng phát hiện những đoạn Lê Quý Ðôn chép lại sách Trung Quốc mà không đề rõ xuất xứ và đặt vấn đề khảo sát lại Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn. Ông đã tham gia đắc lực vào việc hình thành Thư Mục Di Sản Hán Nôm từ đời Lý Trần đến ngày nay. Ông đã dịch và chú giải Hải Trình Chí Lược của Phan Huy Chú, cùng với Claudine Salmon và Phan Huy Lê. Dịch và chú giải cùng với Claudine Salmon, một số bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát chưa được mọi người biết đến. Nhiều công trình nghiên cứu còn đang dang dở dưới dạng bản thảo chưa in, trong đó có chương trình Tuyển Tập Văn Bia Bi Ký Việt Nam từ thời Lý Trần đến ngày nay. Ðây là chương trình cộng tác giữa Viện Viễn Ðông Bác Cổ và Viện Hán Nôm Hà Nội. Các công trình nghiên cứu của Tạ Trọng Hiệp về Văn bản học và Thư tịch học, không chỉ riêng ở việc phát hiện các bản văn, mà còn ở chính phần chú giải, hiệu đính, người đọc mới cảm thấy sự học rộng của ông. Tính cách khoa học, trật tự làm việc nghiêm túc và cẩn trọng đến độ chi ly, toàn bích.

Lúc sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn về Phan Khôi, Tạ Trọng Hiệp đã gọi Phan Khôi là “người xa lạ”. Theo ông, mặc dù đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của báo chí và văn hoá nước nhà, nhưng Phan Khôi vẫn không có được vị trí xứng đáng cần phải có. Ngày nay, dư luận trong và ngoài nước cũng đã nói đến Phan Khôi nhiều hơn, nhìn nhận đúng hơn về vai trò và nhưng đóng góp của nhân vật này. Nhưng đối với Tạ Trọng Hiệp, một học giả lớn, một trong những người tiên phong nghiên cứu về Phan Khôi, thì dường như tên tuổi của ông mới chỉ được biết đến rất hạn chế trong giới học thuật chuyên sâu...

 >> P.H (tổng hợp) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :