Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Mở rộng thủ đô Hà Nội về phía Tây: Lời giải bài toán bảo tồn & phát triển bền vững
Quy hoạch phát triển và mở rộng thủ đô Hà Nội thỏa mãn bài bảo tồn và bền vững đang trở thành tâm điểm và thách thức đối với cả ba “nhà”: Quản lý, Quy hoạch và Khoa học. Trong cuộc trao đổi ngắn đầu năm với Bản tin ĐHQGHN, chuyên gia cao cấp về phát triển bền vững, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN - đã soi rọi vấn đề dưới góc nhìn khoa học.

Được biết GS là một trong những thành viên tham gia đề án tái thiết bền vững đô thị Hà Nội, xin GS cho biết vài nét về đề án này?

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2002, chúng tôi đã phối hợp với các nhà khoa học ĐH Tokyo (Nhật Bản) hoàn thành đề án khoa học cấp nước bền vững cho thủ đô Hà Nội, trong đó đề xuất việc khai thác nước ngầm ở mức hợp lý (nằm trong khả năng tự hồi phục tự nhiên của hệ thống nước ngầm) và kết hợp với sử dụng nguồn nước sông Đà để đáp ứng nhu cầu. Năm 2003, đề xuất này đã được thành phố Hà Nội kết hợp với VINACONEX triển khai. Khi đưa ra đề xuất này nhiều người đã phản ứng vì cho rằng, thành phố đang có những dự án nước ngoài đầu tư khai thác nước ngầm trong khi các nhà khoa học của ĐHQGHN và ĐH Tokyo lại đề xuất sử dụng nước mặt. Từ năm 2004 - 2008, ĐHQGHN kết hợp với Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải hợp tác với ĐH Tokyo triển khai đề án "Tái thiết bền vững thủ đô Hà Nội". Cuối cùng, đến năm 2005, những kết quả quan trọng của đề án được thể hiện trong 36 đề xuất chiến lược của thủ đô Hà Nội với nội dung cốt lõi nhằm trả lời câu hỏi phát triển bền vững thủ đô Hà Nội về phía nào.

GS vừa nói đến phát triển thủ đô, nhưng có vẻ như nhiều người không phân biệt thật rõ giữa phát triển thủ đô và phát triển thành phố?

Chúng ta phải phân biệt giữa hai khái niệm “na ná” này. Thủ đô phải được hiểu là trung tâm hành chính, chính trị và kinh tế tri thức, khoa học... chứ không phải là thành phố công nghiệp. Thủ đô không nên gắn với công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp gây ô nhiễm. Còn vùng thủ đô có thể bao gồm cả khu công nghiệp và các trung tâm kinh tế khác. Vì vậy, trước hết phải hiểu rõ chức năng của thủ đô để xác định vị trí quy hoạch phát triển bền vững. Nếu muốn thủ đô phát triển bền vững thì phải đặt nó trong một vùng rộng lớn hơn bền vững.

Với quan niệm thủ đô theo đúng nghĩa, theo GS, mô hình phát triển nào được xem là bền vững ?

Để làm được việc này đòi hỏi phải nghiên cứu liên ngành. Bằng việc nghiên cứu toàn diện điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, tai biến, lịch sử, sinh thái, môi trường…, chúng tôi đã đề xuất thủ đô Hà Nội nên có hai phân khu: phân khu thủ đô lịch sử (historical capital) và phân khu thủ đô hành chính mới (administrative capital). Thủ đô lịch sử bao gồm các khu vực nội thành với mục đích chứa đựng, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Hà Nội có tới 113 hồ, 11 con sông nên thế giới gọi Hà Nội là thủ đô của sông hồ. Với phân khu thủ đô này, càng cổ kính càng gần với cảnh quan sông hồ tự nhiên nguyên sơ ban đầu bao nhiêu thì giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên sẽ càng lớn bấy nhiêu. Đối với thủ đô hành chính thì ngược lại, đây phải là một thủ đô hiện đại, tạo nên sự tương phản với thủ đô lịch sử, cổ kính. Nhiều thủ đô hiện đại thế giới đều phát triển theo hướng này.

Nhưng hiện nay chúng ta đang có 3 xu hướng quy hoạch mở rộng thủ đô: Phương án 1 phát triển hướng tâm - lấy trung tâm Hà Nội hiện nay làm trung tâm; Phương án 2 lấy sông Hồng làm trung tâm; Phương án 3 lấy sông Đáy làm trung tâm. Xét dưới góc độ khoa học, theo GS, phương án nào đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững?

Nhìn ngược lại lịch sử, trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi, Hà Nội có trên 300 lần vỡ đê, và đã có nhiều lần tàn phá nội thành. Hay các ghi chép lịch sử từ thế kỷ 12 cho thấy, Hà Nội đã có nhiều biểu hiện của động đất như sự kiện tháp bút ở điện Càn Khôn bị gẫy đôi… Những kết quả nghiên cứu mới cũng cho thấy Hà Nội nằm trên đai động đất đứt gẫy sông Hồng. Bên cạnh đó, sông Hồng cũng tiềm ẩn những đe dọa về xói lở, lũ lụt. Hầu hết kinh nghiệm các nước không đặt trong lòng thủ đô những con sông hung dữ như vậy làm tâm. Do vậy, chúng ta nên chọn con sông hiền hoà hơn là sông Đáy, bởi dòng sông này hoàn toàn điều tiết được thông qua hệ thống đập hiện có. Trừ mùa lũ, sông Đáy liên thông với sông Hồng bằng dòng chảy tự nhiên hiền hoà, tạo nên cảnh thiên nhiên thơ mộng.

Thế còn xét dưới góc độ địa hình, địa mạo?

Các nhà quy hoạch thường chọn những vùng nền móng vững chắc xây dựng thủ đô hành chính, để xây dựng nhà cao tầng, metro, hệ thống thoát nước và đặc biệt là đối với Hà Nội phải tính đến vùng có động đất. Nếu chúng ta mở rộng Hà Nội về phía tây có thể thỏa mãn các yêu cầu về địa chất, địa hình và địa mạo. Xét về mặt nền móng công trình, nếu xây dựng 1 kilômét metro tàu điện ngầm hiện nay ở Hà Nội nền móng yếu, thậm chí phải đi qua đáy sông Hồng, sẽ tốn kém hơn 5 đến 10 lần so với những vùng gò đồi cao phía tây với nền móng chắc hơn. Ngoài ra, đối với địa hình Hà Nội hiện nay phổ biển ở độ cao từ 6 - 12 mét. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan, nếu mực nước biển dâng cao 1 mét do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến độ cao 10 mét ở khu vực đồng bằng. Trong thực tế Việt Nam đã có kịch bản mực nước biển dâng cao 0,5 mét và 1 mét, còn thế giới đã có kịch bản mực nước biển dâng cao 5 mét. Như vậy, với kịch bản 1 mét, toàn bộ hệ thống hành chính của Hà Nội nằm ở độ cao thấp hiện nay sẽ bị ảnh hưởng.

Mục tiêu của chúng ta là quy hoạch thủ đô theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững, bên cạnh việc xây dựng một trung tâm hành chính và tài chính mạnh thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể là một thách thức lớn. GS có thể cho biết mô hình nào có thể giải quyết được thách thức này?

Nếu phát triển thủ đô theo mô hình vòng tròn xoáy, lấy khu vực nội thành hiện nay làm trung tâm, sẽ trở thành một thách thức cho việc bảo tồn các khu phố cổ do “sức ép” từ các khu vực phía ngoài. Nhưng nếu chúng ta “giãn” thủ đô về phía tây, mật độ dân số, giao thông và nhiều sức ép khác về xã hội, kinh tế vào khu phố cổ sẽ giảm rõ rệt. Bởi vậy mô hình này vẫn được các các nhà khoa học đánh giá là hướng đi đúng, là lời giải cho bài toán quy hoạch thủ đô theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững.

Nhưng “kiểu” đô thị hóa đang diễn ra hiện nay có vẻ như đang phá vỡ điều đó?

Với mô hình hai phân khu, thủ đô hành chính sẽ diễn ra đô thị hóa cao độ trong khi thủ đô lịch sử thì cần phải được bảo tồn vì đó chính là “linh hồn” của thủ đô, giữa hai phân khu này là hệ thống sinh thái, có thể điểm suyết một vài công trình đặc sắc truyền thống để tạo điểm nhấn đô thị, đồng thời cân đối hài hoà và trở thành nét tương giao của sự tương phản cổ kính và hiện đại, chứ không phải là đô thị hoá triệt để từ cũ đến mới hoàn toàn. Hiện nay, hàng loạt các khu đô thị mới được xây dựng với tốc độ chóng mặt, thiết kế như vậy là không bền vững. “Bê tông hoá” toàn bộ từ Hà Nội “cũ” đến Hà Nội “mới” là không đúng.

Xin cảm ơn GS!

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Chuyên gia cao cấp về phát triển bền vững, là một trong những người tham gia xây dựng hướng nghiên cứu địa chất môi trường ở Việt Nam; Xây dựng và phát triển hướng đánh giá và dự báo các tai biến, đánh giá mức độ tổn thương do các yếu tố tự nhiên xã hội, kể cả biến đổi khí hậu; Quy hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên, lãnh thổ và lãnh hải theo hướng phát triển bền vững, trong đó có đô thị.

* Công trình nghiên cứu đã được in thành cuốn sách “Tái thiết bền vững đô thị - Dưới cách tiếp cận của Châu Á” do NXB The University of Tokyo Press.


 

 Đức Phường (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :