Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Vụ gian lận khoa học lớn nhất trong lịch sử y khoa Mĩ
Giáo sư Scott S. Reuben, 50 tuổi, là một chuyên gia và giám đốc bộ môn gây mê của Trung tâm Y khoa Baystate (bang Illinois, Mĩ), và trường Y thuộc Đại học Tufts. Ông là một “ngôi sao” trong chuyên ngành gây mê, với những công trình nghiên cứu giảm đau sau phẫu thuật.

Ông đã công bố 72 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san y khoa hàng đầu trong ngành gây mê như Anesthesiology, Anesthesia and Analgesia, Journal of Clinical Anesthesia… Do đó, không ngạc nhiên khi thấy những công trình nghiên cứu này gây tiếng vang và ảnh hưởng đến chuyên ngành gây mê ở Mĩ.

Một trong những lĩnh vực nghiên cứu ông theo đuổi và có ảnh hưởng lớn là “trường phái điều trị đa phương” bằng cách sử dụng nhiều thuốc chống đau để giảm tối đa những phẫu thuật mang tính xâm phạm. Từ năm 2000, bằng các nghiên cứu với các số liệu ngụy tạo của mình, ông đã thuyết phục các bác sĩ giải phẫu chấn thương chỉnh hình sử dụng các thuốc như Celebrex, Vioxx, và Bextra để giảm đau (thay vì sử dụng NSAIDS như trước đó). Ông còn cho rằng phối hợp các thuốc trên và thuốc can thiệp hệ thần kinh (neuropathic agents) có hiệu quả cao hơn thuốc mô phỏng theo thuốc phiện (opioids). Có người cho rằng nhờ những nghiên cứu của Reuben mà những thuốc giảm đau như Celebrex, Vioxx có thị trường hàng tỉ USD mỗi năm.

Giới khoa học xem đây là một trường hợp gian lận khoa học lớn nhất trong lịch sử y khoa Mĩ. Thật vậy, hiếm thấy trong lịch sử y khoa có một nhà khoa học nào ngụy tạo số liệu trong một thời gian dài như thế, và nhờ những ngụy tạo đó mà “leo” đến chức giáo sư y khoa! Chẳng những ngụy tạo dữ liệu, giáo sư Reuben còn ngụy tạo cả… tác giả. Theo GS. Evan Ekman (chuyên gia phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ở Columbia) cho biết tên của ông xuất hiện trong 2 bài báo của Reuben, nhưng ông Ekman chẳng biết gì cả! Thật là hi hữu!

Còn nhớ trước đây, vào năm 2004, TS. Hwang woo-suk tuyên bố rằng ông đã thành công tạo ra dòng tế bào gốc từ phôi thai nhân bản, đem lại biết bao hi vọng cho bệnh nhân nan y, nhưng đến cuối năm 2005, qua nhiều tháng điều tra chúng ta biết rằng ông chỉ ngụy tạo dữ liệu! Năm ngoái, cũng ở Hàn Quốc, GS. Kim Tae kook cũng bị phát giác là ngụy tạo dữ liệu và phân tích dữ liệu trong hai công trình công bố trên tập san Science vào năm 2005 và Nature Chemical Biology vào năm 2006.

Giả tạo dữ liệu là một vi phạm nghiêm trọng về đạo đức khoa học, bởi vì nó làm sức mẻ niềm tin giữa các nhà khoa học với nhau, và giữa công chúng và nhà khoa học. Trong khi làm nghiên cứu, nhà khoa học thu thập dữ liệu, xử lí dữ liệu theo những phương pháp chuẩn mà cộng đồng khoa học chấp nhận, và công bố những kết quả phân tích đó trong một bài báo khoa học. Khi nộp bài báo khoa học cho một tập san, không ai có quyền chất vấn dữ liệu đó giả tạo hay không (vì làm như thế là một xúc phạm lớn), do sự tín nhiệm giữa các nhà khoa học với nhau. Trong thực tế, cũng có nhà khoa học sai sót trong quá trình thu thập và xử lí dữ liệu, nhưng đó là những sai sót mang tính bất cẩn, vô ý thức. Còn giả tạo số liệu theo giả thuyết của mình đặt ra không phải là sai sót, mà là một tội phạm. Tội phạm mà GS. Reuben phạm phải còn nghiêm trọng hơn, vì uy tín của ông và những ảnh hưởng mà nghiên cứu của ông gây ra trong chuyên ngành. Quan trọng hơn là những ảnh hưởng này liên quan đến bệnh nhân, và do đó, ông phạm thêm một tội khác: vi phạm y đức. Ðiều này chẳng khác nào cố ý điều trị bệnh nhân bằng một liệu pháp kém hiệu quả chỉ để thỏa mãn ý muốn và giả thuyết cá nhân. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy những người phạm tội trong khoa học đều bị xử phạt nặng.

 Nguyễn Văn Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 217, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :