Hình ảnh
Trang chủ   >  Hình ảnh  >    >  
Chỉ số h đánh giá khả năng sáng tạo của các nhà khoa học
Nhà vật lý Jorge Hirsch ở Đại học California, San Diego đã đưa ra một tiêu chí mới dùng để đánh giá khả năng sáng tạo của các nhà khoa học - chỉ số h. Tiêu chí này liên kết chặt chẽ số lượng các công trình được công bố với chất lượng của các công trình đó. Cách đánh giá này đã được cộng đồng nghiên cứu về quản lý khoa học và công nghệ và chính giới nghiên cứu khoa học đánh giá rất cao.

Chúng ta đã quen biết với cách đánh giá trình độ một nhà nghiên cứu dựa trên số lượng công trình ông ta đã công bố và số lần các công trình được các tác giả khác nói đến (dẫn chứng). Ở trình độ quốc tế, người ta chỉ kể những công trình công bố ở các tạp chí quốc tế là những tạp chí nằm trong danh mục theo dõi của Viện Thông tin Khoa học (ISI) ở Philadelphia, một sự lựa chọn khá nghiêm ngặt. Còn số lần được dẫn chứng của mỗi công trình thì ISI đã có một bộ máy để làm việc này với kết quả in trên tạp chí "Science Citation Index" do ISI xuất bản.

Chỉ tiêu h mà Hirsch đưa ra là số lớn nhất các công trình công bố mà một tác giả có được đồng thời, cũng với con số ấy, số lần được dẫn chứng đối với mỗi công trình trong tổng số công trình được tính cho chỉ số h. Thí dụ, một tác giả đạt chỉ số h bằng 50 có nghĩa là ông ta có 50 công trình được công bố mà mỗi công trình trong số này đã được dẫn chứng ít nhất cũng 50 lần. Một tác giả khác có số công trình công bố nhiều hơn, thí dụ 80, nhưng mỗi công trình được dẫn chứng chỉ là 30 (một số công trình có thể được dẫn chứng nhiều hơn nhưng số lượng những công trình này không nhiều hơn 30) thì chỉ số h của ông ta chỉ là 30, nghĩa là thấp hơn nhà nghiên cứu có chỉ số h bằng 50 trong thí dụ trước. Một thí dụ khác là một nhà nghiên cứu có 40 công trình công bố mà mỗi công trình đều được dẫn chứng ít nhất là 40 thì chỉ số h của ông ta là 40, nghĩa là cao hơn nhà nghiên cứu trong thí dụ đầu. Một nhà nghiên cứu khác có 10 công trình được công bố và công trình nào cũng được dẫn chứng rất nhiều lần, thí dụ 100 lần, nhưng vì số công trình công bố của ông ta tất cả chỉ là 10 cho nên chỉ số h mà ông ta đạt được là 10.

Hirsch đã tính chỉ số h đối với một số nhà khoa học cụ thể, xin kể ra như sau:


Chỉ số h

Nhà khoa học

110

Ed Witten, ở Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, người đã nhìn thấy 5 lý thuyết dây được mọi người xem là khác nhau thực ra chỉ là 5 dạng của cùng một lý thuyết - lý thuyết M. Ông đã được tặng huy chương Fields ("giải Nobel về toán học") năm 1990.

94

Marvin Cohen, ở Đại học California, Berkeley, nhà lý thuyết chất ngưng tụ (condensed matter).

91

Philip Anderson, ở Đại học Princeton, nhà lý thuyết chất ngưng tụ, giải Nobel năm 1977.

86

Manuel Cardona, ở Viện Max Planck về Nghiên cứu chất rắn. Có các công trình về chất siêu dẫn.

79

Pierre - Gilles de Gennes, ở ESPCI, Paris, nhà lý thuyết chất ngưng tụ, giải Nobel năm 1991.

68

Frank Wilczek, ở Viện Công  nghệ Massachusetts, giải Nobel năm 2004 do các nghiên cứu về lực mạnh.

66

David Gross, ở Viện Vật  lý lý thuyết Kavli, Santa Barbara, giải Nobel năm 2004 cùng với Wilczek.

 

 Đặng Mộng Lân - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :