Trang chủ   >   >    >  
Nghiên cứu và triển khai E-learning ở Viện Công nghệ Thông tin - ĐHQGHN
Triển khai E-learning trong đào tạo là một hướng đi mới, thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều của các tổ chức giáo dục đào tạo, các đơn vị nghiên cứu triển khai công nghệ thông tin, đặc biệt là sự quan tâm của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Vì vậy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đinh Dũng, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin - một đơn vị thuộc ĐHQGHN đang nghiên cứu, triển khai và góp phần đưa E-learning vào thực tế cuộc sống ở Việt Nam.

PV: Xin Giáo sư cho biết đôi điều về việc nghiên cứu và triển khai E-learning tại Viện Công nghệ thông tin - ĐHQGHN? Mức độ khả thi và hiệu quả và của việc triển khai E-learning ở Viện Công nghệ thông tin - ĐHQGHN?

GS. TSKH Đinh Dũng (GS. Đ.D): Trong những năm gần đây, E-learning thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều của các tổ chức giáo dục đào tạo, các đơn vị nghiên cứu triển khai công nghệ thông tin, đặc biệt là sự quan tâm của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Có thể xem E-learning như một phương thức dạy học mới, bổ sung và hỗ trợ cho các phương thức đào tạo truyền thống, tạo ra thêm cơ hội được học cho đông đảo tầng lớp xã hội và đặc biệt góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì thế việc triển khai E-learning ở Việt Nam nói chung và ở ĐHQGHN nói riêng là rất cần thiết.

GS. Đinh Dũng

Lãnh đạo ĐHQGHN rất quan tâm đến phát triển và ứng dụng E-learning trong đào tạo. Nghiên cứu và phát triển E-learning là là một trong những hoạt động khoa học và công nghệ trọng tâm của Viện Công nghệ Thông tin - ĐHQGHN. Viện đã thực hiện Đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN mang tên “Thiết kế và triển khai thử nghiệm dạy và học điện tử trên mạng”, mã số QGTĐ 02.01. Đề tài được bắt đầu từ cuối năm 2002, hoàn thành vào cuối năm 2004 và đã được nghiệm thu cấp cơ sở vào đầu năm 2005.

Viện Công nghệ Thông tin đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm hai hệ thống thi trắc nghiệm trực tuyến dựa vào công nghệ nguồn mở và công nghệ Microsoft nhằm phục vụ cho việc thi sát hạch các kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin trong các khoá học của Viện đồng thời có thể áp dụng cho một số môn học khác được dạy trong các trường đại học. Viện đã thực hiện thi trắc nghiệm cho hơn 1000 thí sinh của Trung tâm Tin học PT trực thuộc Viện và hơn 200 thí sinh của Chương trình Đào tạo thuộc Đề án 112 CP để lấy chứng chỉ của Viện. Bên cạnh đó, Viện Công nghệ Thông tin còn đóng vai trò là trung tâm uỷ nhiệm của Chương trình đào tạo và sát hạch chứng chỉ tin học văn phòng quốc tế (ICDL - International Computer Driving Licence) nhằm tổ chức thi sát hạch trực tuyến tại website.enlight.net để lấy chứng chỉ quốc tế về công nghệ thông tin.

Đồng thời, chúng tôi cũng đang cấp tốc hoàn thiện một chương trình hỗ trợ đào tạo tin học cho Đề án 112 CP về tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, nhằm tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển thống thông tin thông suốt từ Trung ương đến địa phương dựa vào công nghệ thông tin. Chương trình này hướng tới hai mục tiêu: Thứ nhất là: Xây dựng bộ giáo trình chuẩn cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản cho công chức, viên chức là người sử dụng máy tính trong các cơ quan các bộ và các chính quyền từ trung ương đến địa phương, đối tượng lớn nhất và quan trọng nhất của Đề án 112; Thứ hai là: Xây dựng được các giáo trình điện tử (E-course) với nội dung theo bộ giáo trình trên nhưng cung cấp đầy đủ, chính xác và trực quan các kỹ năng thực hành cho học viên. Giúp cho các học viên không chỉ học được ở trên lớp mà có thể học ở bất kỳ chỗ nào có máy tính và bất kỳ thời gian nào. Không những thế chương trình còn cung cấp các bài tập thực hành, các câu hỏi trắc nghiệm và hệ thống tự động chấm điểm giúp cho học viên có thể đánh giá được mức độ tiếp thu kiến thức của mình trong quá trình học tập. Khoảng 15/5 năm nay, bộ giáo trình điện tử này của Viện sẽ được công bố rộng rãi cho người sử dụng.

Ngoài ra, Viện Công nghệ Thông tin - ĐHQGHN cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Đào tạo Từ xa, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN xây dựng một hệ thống hỗ trợ đào tạo từ xa.

PV: Thưa Giáo sư, như Giáo sư vừa nói E-learning là một phương thức đào tạo mới, vậy so với phương thức đào tạo truyền thống thì E-learning có điểm gì giống và khác nhau?

GS. Đ.D: Như chúng ta đã biết, trong phương pháp dạy học truyền thống, thầy tiếp xúc trực tiếp với trò. Thầy đóng vai trò chủ động - trò thường bị động. Hơn nữa, chỉ khi thầy và trò tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhau thì khả năng nắm bắt kiến thức, thu nhận thông tin từ phía trò mới có thể tăng lên.

 Trong khi đó E-learning có thể làm biến đổi cách học cũng như vai trò của học viên. Người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo, có thể học mọi lúc, mọi nơi, miễn rằng nơi đó có phương tiện trợ giúp việc học. Trong E-learning, người học có thể học theo thời gian biểu cá nhân, với nhịp độ tuỳ theo khả năng và có thể chọn các nội dung học, do đó nó sẽ mở rộng đối tượng đào tạo rất nhiều. Tuy không thể hoàn toàn thay thế được phương thức đào tạo truyền thống, E-learning cho phép giải quyết định một vấn đề nan giải trong lĩnh vực giáo dục thế giới: đó là nhu cầu đào tạo của người lao động và sinh viên tăng lên quá tải so với khả năng của các cơ sở đào tạo.

E-learning sẽ có sức lôi cuốn rất nhiều người học kể cả những người trước đây chưa bao giờ bị hấp dẫn bởi lối giáo dục kiểu cũ và nó rất phù hợp với hoàn cảnh của những người đang đi làm nhưng vẫn muốn nâng cao trình độ. Các chương trình đào tạo từ xa trên thế giới hiện nay đã đạt đến trình độ phong phú về giao diện, sử dụng rất nhiều hiệu ứng đa phương tiện như âm thanh, hình ảnh, hình ảnh động ba chiều, kỹ xảo hoạt hình… có độ tương tác cao giữa người sử dụng và chương trình, đàm thoại trực tiếp qua mạng. Điều này đem đến cho học viên sự thú vị, say mê trong quá trình tiếp thu kiến thức cũng như hiệu quả trong học tập.

E-learning cho phép học viên làm chủ hoàn toàn quá trình học của bản thân, từ thời gian, lượng kiến thức cần học cũng như thứ tự học các bài, đặc biệt là cho phép tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, tự do trao đổi mới những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể hoặc đòi hỏi chi phí quá cao.

PV: Giáo sư có cho rằng: với nhiều điểm ưu việt như vậy E-learning sẽ dần thay thế dạy học truyền thống?

GS. Đ.D: Không! Tôi không cho là như vậy. Như trên đã nhấn mạnh, phương thức đào tạo truyền thống mãi vẫn sẽ là phương thức chủ yếu và phổ biến. Mô hình đào tạo trực tuyến không phải phù hợp với tất cả mọi người, nó chỉ phù hợp với những người học trưởng thành, thực sự có nhu cầu và tự giác học. Hơn nữa, không phải bất kỳ nội dung học nào cũng dễ dàng chuyển đổi sang E-learning. Rất nhiều môn học mà nội dung có tính kỹ năng và quy trình, thay đổi nhanh, yêu cầu cập nhật kịp thời sẽ là những nội dung thích hợp của E-learning. E-learning không phù hợp lắm với các kỹ năng trong các môn như múa, nhạc, họa…

Theo tôi, với những ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống và dạy học bằng E-learning, chúng ta cần kết hợp tốt hai phương pháp này để có được một hiệu quả đào tạo tốt hơn. Đó là vấn đề chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ở nhà trường cũng như ngoài xã hội, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng triển khai E-learning chủ yếu là nhằm mục tiêu phục vụ giáo dục đào tạo, do vậy không nên đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu. Giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?

GS. Đ.D: Tôi cho rằng việc triển khai E-learning bao hàm cả hai mục tiêu: mục tiêu phục vụ giáo dục đào tạo và mục tiêu hiệu quả kinh tế. Vấn đề ở đây là tuỳ theo hình thức giáo dục đào tạo mà đặt mục tiêu nào lên hàng đầu. Ví như, đối với một trung tâm đào tạo từ xa, việc triển khai E-learning sẽ hướng tới cả hai mục tiêu, nhưng mục tiêu hiệu quả kinh tế sẽ là trước hết; song đối với một cơ sở đào tạo, nhà trường sẽ đặt mục tiêu sử dụng E-learning để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo lên hàng đầu. Đó cũng chính là vấn đề mà hiện nay các trường đại học cần hướng tới.

PV: Thưa Giáo sư, để thực hiện đề tài trọng điểm trên và một số chương trình khác về E-learning, Viện Công nghệ Thông tin đã có những hoạt động cụ thể gì? Giáo sư có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển E-learning?

GS. Đ.D: Đề tài trọng điểm về E-learning nêu trên được thực hiện với sự hợp tác của Khoa Toán - Cơ- Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN trong việc xây dựng và triển khai thử nghiệm Giáo trình điện tử “Thống kê ứng dụng”. Kết quả thi trắc nghiệm trực tuyến của khóa học điện tử này đã được Trường ĐHKHTN công nhận là kết quả chính thức như một khóa học và kỳ thi truyền thống. Viện cũng thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN nơi đang triển khai web site môn học và chuẩn bị xây dựng một hệ thống E-learning để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, chúng tôi có quan hệ gắn bó với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các công ty phần mềm Tinh Vân và Tân Thế kỷ (NSC) là những tổ chức nghiên cứu và phát triển E-learning.

Ngày 9/3 vừa qua, Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN đã kết hợp với Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu và triển khai E-learning”. Chúng tôi hy vọng Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác và phát triển E-learning ở Việt Nam, đặc biệt là trong các trường đại học.

Tại Việt Nam, E-learning còn quá mới mẻ, mới chỉ nhận được sự quan tâm ban đầu. Tính pháp lý của E-learning cũng là một vấn đề cần giải quyết. Ngoài ra những yếu kém về mặt hạ tầng truyền thông và kỹ thuật công nghệ thông tin, những e ngại về mặt tâm lý là những trở ngại không nhỏ đến việc phát triển E-learning. Phần khó khăn nhất để tiếp cận công nghệ đào tạo mới này là khâu tổ chức thực hiện và thay đổi nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, các thầy giáo và những người tham gia đào tạo…

PV: Thưa Giáo sư, để giải quyết những vướng mắc trước mắt Viện đã có những giải pháp gì? Phương hướng hoạt động của Viện trong thời gian tới như thế nào ạ?

GS. Đ.D: Nhà nước và các tổ chức đào tạo cần thật sự quan tâm và phát triển E-learning để nâng cao chất lượng giáo dục và đưa cơ hội được đào tạo đến với nhiều người hơn nữa. Việc triển khai E-learning yêu cầu một sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài mới mang lại kết quả mong muốn.

Phương châm hoạt động của Viện Công nghệ Thông tin - ĐHQGHN trong lĩnh vực E-learning là thiết thực, hiệu quả và không cầu toàn, hoàn thiện từng bước. Trước mắt, Viện đang tập trung ứng dụng kết quả của đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN “Thiết kế và triển khai thử nghiệm dạy và học điện tử trên mạng” vào việc xây dựng các giáo trình điện tử cho các môn học về kiến thức và kỹ năng Công nghệ Thông tin để phục vụ Đề án 112 và các môn Tin học cơ bản của các ngành xã hội nhân văn và ngoại ngữ trong ĐHQGHN; xây dựng một hệ thống thi trắc nghiệm đạt chuẩn quốc tế để phục vụ các kỳ thi lấy chứng chỉ của Viện; xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật một hệ thống E-learning cho Trung tâm Đào tạo Từ xa, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Làm tốt những nhiệm vụ này là trực tiếp góp phần vào việc nghiên cứu và triển khai E-learning, nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy ở ĐHQGHN.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

 Lưu Mai Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 169, tháng 3/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: