Trang chủ   >   >    >  
Trường Đại học Công nghệ với công tác thi đua - khen thưởng (Trích báo cáo tại Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm Trường ĐH Công nghệ)
Trường Đại học Công nghệ được thành lập và phát triển, công tác thi đua - khen thưởng được chú trọng hơn và đã có được một số bước tiến đáng kể. Phù hợp với thực tế: Trường Đại học Công nghệ là sự chuyển tiếp, kế thừa của Khoa Công nghệ.

Thi đua - khen thưởng là mặt công tác rất có ý nghĩa trong việc phát huy tiềm năng của mọi tổ chức, cá nhân của một tổ chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao phó. Luật Thi đua - Khen thưởng đã được Nhà nước ban hành thể hiện tầm vóc quốc gia của hoạt động quan trọng này trong việc chuyển hóa truyền thống yêu nước, độc lập dân tộc của dân tộc ta thành các giải pháp hữu hiệu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trải qua 5 năm hoạt động, với hoàn cảnh có biến động nhanh về cơ cấu - tổ chức, nhưng công tác thi đua - khen thưởng của Khoa Công nghệ (9/1999 - 8/2004) và Trường Đại học Công nghệ (9/2004 đến nay) vẫn được quan tâm một cách thường xuyên. Công tác thi đua - khen thưởng đã đóng góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Khoa Công nghệ (trước đây) và Trường Đại học Công nghệ (hiện nay). Trường Đại học Công nghệ được thành lập và phát triển, công tác thi đua - khen thưởng được chú trọng hơn và đã có được một số bước tiến đáng kể. Phù hợp với thực tế: Trường Đại học Công nghệ là sự chuyển tiếp, kế thừa của Khoa Công nghệ.

I. Kết quả thực hiện công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2000-2005

Nhiệm vụ chuẩn bị các tiền đề cần thiết cho việc ra đời Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) đòi hỏi tinh thần lao động miệt mài, sự cố gắng không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn của đội ngũ cán bộ viên chức của Nhà trường trong 5 năm vừa qua. Khi đối sánh giữa số lượng cán bộ không quá 60 người của hai Khoa Công nghệ thông tin và Công nghệ Điện tử - Viễn thông trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại thời điểm hợp nhất với khối lượng kết quả về đào tạo, về nghiên cứu khoa học, về xây dựng lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất, về mở rộng và phát huy hiệu quả mối quan hệ đối tác trong - ngoài nước trong 5 năm vừa qua, Trường ĐHCN có được một cái nhìn toàn diện các đóng góp rất đáng trân trọng của từng cán bộ, từng bộ môn, từng đơn vị trong Nhà trường. Thêm nữa, thành tích nói trên càng được trân trọng hơn trong hoàn cảnh đơn vị chập chững các bước đi ban đầu của mô hình khoa trực thuộc vào cuối năm 1999 và bỡ ngỡ các bước đi chuyển cấp từ Khoa Công nghệ lên Trường ĐHCN vào năm 2004. Trong cái nhìn toàn diện như vậy, có thể thấy rằng hoạt động thi đua - khen thưởng trong Nhà trường tuy chỉ đóng một vai trò khiêm nhường song cũng đã góp phần không nhỏ vào các thành công đáng trân trọng nói trên.

1. Công tác chính trị tư tưởng

Nhất quán chủ trương phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ, lực lượng sinh viên vào công cuộc xây dựng một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học - triển khai công nghệ mạnh, nhà trường đã tiến hành kịp thời các hình thức động viên, khích lệ và đề nghị các hình thức khen thưởng đối với cán bộ và sinh viên có thành tích.

Nếp sinh hoạt công khai, dân chủ trong mọi hoạt động của Nhà trường như xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, phân bổ kinh phí, phân bổ và sử dụng phúc lợi, quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ, tuyển dụng cán bộ cơ hữu, xét đề nghị và cấp học bổng…, đặc biệt là công tác đăng ký và bình xét thi đua - khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp và thực sự đã có tác dụng. Việc tổ chức kỷ niệm thành lập các khoa, đơn vị trực thuộc đã được quan tâm nhằm hình thành truyền thống của các khoa, đơn vị trực thuộc, tiến tới hình thành và vun đắp truyền thống của Nhà trường. Tên gọi "Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN” đang dần trở thành niềm tự hào của cán bộ và sinh viên trong trường.

Công tác thi đua - khen thưởng trong cả nước và trong ĐHQGHN đã được nâng lên ở cấp độ cao hơn thông qua việc ban thành các văn bản pháp luật và quy định liên quan tại thời điểm thành lập Trường ĐHCN và Nhà trường đã thực hiện các cải tiến đáng kể đối với mảng công tác này. Nhận thức của cán bộ và sinh viên trong nhà trường về công tác thi đua - khen thưởng đã được nâng lên một bước. Việc phát động và đăng ký thi đua được tổ chức chu đáo hơn, công tác sơ kết, tổng kết đã dần đi vào nề nếp. Kết quả đánh giá thi đua - khen thưởng thực sự đã tạo thêm niềm tin về tương lai nhà trường, sự phấn khởi trong công tác và học tập. Do đó, thành tích năm học 2004-2005 có bước tăng trưởng vượt bậc so với các năm học trước.

Đồng thời với sự phát triển của công tác thi đua - khen thưởng, công tác phát triển Đảng trong nhà trường cũng đã có bước tiến nhất định. Năm 2004 toàn trường đã kết nạp được 8 đảng viên mới. Khó khăn của thời kỳ ban đầu xây dựng bộ máy tổ chức các cấp (Đảng, Chính quyền, Công đoàn, Đoàn thanh niên) có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi dưỡng, đánh giá các đối tượng phát triển Đảng trong thời gian qua. Với một khí thế mới, Đại hội các Chi bộ năm 2005 đã quyết tâm đưa công tác phát triển Đảng lên bước phát triển mới.

2. Công tác tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ

Công tác tổ chức - cán bộ được Nhà trường xác định là một công tác quan trọng, đặc biệt trong tình hình thiếu hụt về đội ngũ giảng viên trình độ cao hiện nay. Nhà trường luôn xác định đây là công tác đóng vai trò then chốt trong công cuộc phát triển. Một trong những nội dung nổi bật của công tác này là tuyển dụng các tiến sĩ làm giảng viên, nhận sinh viên giỏi làm thực tập sinh khoa học, chuẩn bị bổ sung đội ngũ giảng viên. Thành tích trong thời gian học tập tại trường là một trong các yếu tố quan trọng để tuyển dụng thực tập sinh khoa học và tuyển dụng giảng viên từ thực tập sinh khoa học sau khi tốt nghiệp sau đại học.

Trong 5 năm qua, Nhà trường đã có 3 giảng viên được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhiều giảng viên đã được tặng huân chương, bằng khen của các cấp.

Thành tích thi đua - khen thưởng cũng là một trong những tiêu chí được Nhà trường quan tâm trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận, đề bạt chức danh lãnh đạo các đơn vị.

3. Công tác đào tạo

Thực tế, công tác đào tạo các ngành công nghệ cao là một vấn đề rất mới không chỉ đối với ĐHQGHN mà còn đối với toàn bộ ngành giáo dục đại học nước ta. Nhà trường cũng như mỗi đơn vị và giảng viên đã từng bước kiên trì tiến hành cải tiến nội dung giáo trình, bài giảng và phương thức dạy - học nhằm hiện thực hóa từng bước định hướng đào tạo ngành công nghệ cao trên nền khoa học cơ bản mạnh. Mỗi khoa, mỗi bộ môn và mỗi giảng viên đều đưa nội dung cải tiến vào thực tiễn dạy - học, đảm bảo hàng năm đều mang các yếu tố cải tiến, nâng cao chất lượng. Tinh thần thi đua giữa các đơn vị và các thầy, cô giáo trong việc cải tiến nội dung và phương thức dạy - học như một điều đương nhiên; và điều này đã khắc phục thiếu sót là Nhà trường chưa triển khai các hình thức thi đua phù hợp và kịp thời đối với mảng công tác này. Kết quả là, kiến thức và kỹ năng làm việc của sinh viên ra trường năm sau hơn hẳn năm trước, khẳng định chất lượng đào tạo của Nhà trường ngày càng được nâng cao. Vì vậy, Trường ĐHCN bước đầu trở thành một địa chỉ đào tạo công nghệ cao đáng tin cậy trong xã hội.

Chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học của nhiều sinh viên được nâng lên đáng kể, tỷ lệ gương mặt trẻ tiêu biểu trên tổng số sinh viên luôn ở mức cao và tăng dần hàng năm (năm 2004 có 57 sinh viên đạt danh hiệu gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN với 9 gương mặt xuất sắc), 1 giải nhất và 1 giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN (cấp Bộ), giải nhất kỳ thi Vật lý sinh viên toàn quốc, hạng tư cuộc thi quốc tế AGAME -2004 lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore,... Sinh viên Nguyễn Lê Huy được tham dự Đại hội thi đua thành phố Hà Nội. Thành tích vang dội của đoàn sinh viên tham dự kỳ thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc, Đội tuyển ROBOTCON K47ĐB lọt vào vòng chung kết cuộc thi đã góp phần xác lập và nâng cao vị thế của Trường ĐHCN.

4. Công tác nghiên cứu khoa học - triển khai công nghệ

ý nghĩa quan trọng của việc kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được đội ngũ cán bộ của Nhà trường nhất trí cao vì vậy việc đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án triển khai trong trường đã trở thành rộng rãi. 1 đề tài trọng điểm, hàng chục đề tài cấp ĐHQGHN, 12 đề tài nghiên cứu cơ bản hoặc đã nghiệm thu, hoặc qua kiểm tra tiến độ đã được đánh giá là có kết quả tốt.

Các hoạt động học thuật (tổ chức seminar khoa học bộ môn - liên bộ môn, tham dự các hội thảo quốc gia - quốc tế, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học ...) đã trở nên sôi động. Số lượng các bài đăng tạp chí, báo cáo khoa học hội thảo đã tăng vượt bậc so với năm trước. Một số sản phẩm công nghệ ứng dụng, đào tạo của các đơn vị, cán bộ trong trường đã được xã hội tiếp nhận và đánh giá tốt (phần mềm quản lý công văn Net.Office …).

Việc phối hợp nghiên cứu khoa học - triển khai công nghệ với các đơn vị nghiên cứu và sản xuất trong nước (Viện CNTT-ĐHQGHN, các viện thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, Tổng Công ty Điện tử - Tin học Việt Nam, Sở Bưu chính Viễn thông Hà Nội, Công ty V-LG, Công ty Global CyberSoft...) đã được chú trọng hơn và được nâng lên cấp độ mới. Điều này, một mặt, đã thực sự mở rộng môi trường cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu, và mặt khác, cũng góp phần nâng thêm vị thế của Trường ĐHCN trong xã hội. Tuy không phát động phong trào thi đua về công tác phối hợp với các đơn vị đối tác, song trên thực tế, mỗi khoa, mỗi đơn vị trực thuộc đã tiến hành cách đi riêng và bước đầu đã có tác dụng.

5. Công tác hợp tác trong nước và quốc tế

Hợp tác quốc tế được Nhà trường và các khoa đặc biệt chú trọng và đã đề xuất và tiến hành nhiều giải pháp phù hợp, vì vậy, liên kết quốc tế trong 5 năm qua vừa được mở rộng về phạm vi đối tác, vừa được nâng cao về trình độ liên kết. Các Khoa, đơn vị trực thuộc đã chủ động trong việc tìm kiếm đối tác, tích cực triển khai các nhiệm vụ được ghi trong các thỏa thuận ký kết nhằm phát huy tốt nguồn lực từ liên kết hợp tác quốc tế vào sự phát triển Nhà trường. Hàng chục nghiên cứu sinh, học viên cao học đang nghiên cứu, công tác tại các cơ sở đào tạo - nghiên cứu tiên tiến ở nước ngoài (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản: 7 người, Đại học Korea: 3 người, Đại học Quốc gia Singapore: 4 người...) là một phần kết quả của công tác hợp tác liên kết quốc tế.

Các khoa đã chủ động phát huy sáng kiến huy động đội ngũ các nhà khoa học nước ngoài, Việt Kiều tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy như Khoa Điện tử - Viễn thông mời các GS. Huỳnh Hữu Tuệ, Nguyễn Đình Thông; Khoa Công nghệ Thông tin mời các giáo sư: Hồ Tú Bảo, Susumu Horiguchi, Đặng Văn Hưng, Vương Sơn...

6. Công tác quản lý

Đồng thời với việc hoàn chỉnh bộ máy tổ chức, công tác hành chính đã được cải tiến rõ rệt. Việc xây dựng, bảo quản hồ sơ, công văn đã bước đầu được cải tiến. Việc chuẩn bị và tổ chức giao ban, hội họp cũng như việc lập kế hoạch công tác của trường đã nề nếp hơn.

Thông tin hai chiều giữa trường, khoa, đơn vị trực thuộc, cán bộ và sinh viên đã có tiến bộ đáng kể, vì vậy các chủ trương của nhà trường đã gần gũi hơn với từng cán bộ, góp phần tăng thêm sự nhất trí trong đơn vị.

Việc tin học hóa đã được triển khai một bước (quản lý đào tạo đại học, quản lý công văn, quản lý sinh viên…), tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống phương tiện đại học số hóa, việc tăng cường xây dựng hệ thống quy định quy trình công tác quản lý và hệ thống các phần mềm tin học tương ứng là rất cần thiết.

*

Trong hơn 5 năm qua Trường ĐHCN đã được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2004; 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 4 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 7 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 lượt tập thể và 13 lượt cá nhân được tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN; 3 cá nhân được tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ" và Huy chương danh dự của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 2 cá nhân được tặng Bằng khen giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu cấp ĐHQGHN.

Trong hoạt động Công đoàn, Công đoàn Nhà trường được nhận 2 Bằng khen của Công đoàn ĐHQGHN, 2 cá nhân Bằng khen của Công đoàn ĐHQGHN.

Trong công tác Đoàn, Đoàn thanh niên Nhà trường được nhận 7 Bằng khen của Trung ương Đoàn và 7 Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội do đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc trong công tác của khối trường học các năm học 2000-2001, 2001-2002, 2002-2003, 2003-2004, 5 năm (2000-2005) và thành tích sinh viên tình nguyện hè các năm 2003, 2004; 4 lần được Đoàn thanh niên ĐHQGHN công nhận là đơn vị xuất sắc khối ĐHQGHN các năm học 2001-2002, 2002-2003, 2003-2004, 5 năm (2000-2005); được tặng 3 giấy khen của Đoàn thanh niên ĐHQGHN. Có 9 lượt tập thể và 14 lượt cá nhân được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn; 10 lượt tập thể và 30 lượt cá nhân được tặng Bằng khen, Giấy khen Thành đoàn Hà Nội; 19 lượt tập thể và 39 lượt cá nhân được tặng Bằng khen và Giấy khen của Đoàn thanh niên ĐHQGHN; 4 lượt cá nhân được tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN; 9 lượt tập thể và 110 lượt cá nhân được tặng Giấy khen của Nhà trường; 4 lượt tập thể được nhận giấy khen của UBND huyện Hương Sơn (Nghệ An), thị xã Sơn Tây (Hà Tây), UBND phường Yên Phụ (Hà Nội).

Tính theo năm học, có 3 lượt tập thể được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; 4 lượt cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ĐHQGHN; 22 lượt cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 9 lượt cá nhân được tặng danh hiệu Cán bộ giảng dạy giỏi cấp ĐHQGHN và 40 lượt cá nhân được tặng danh hiệu Cán bộ giảng dạy giỏi cấp cơ sở.

II. Phương hướng công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2006-2010

Phương hướng công tác của Trường ĐHCN giai đoạn 2006-2010 là vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo các chủ trương của Đảng và Nhà nước, của ĐHQGHN nhằm khai thác và phát huy mọi nguồn lực (chủ quan và khách quan) tạo ra một số bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, để xây dựng nền tảng vững chắc cho mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến trong Trường ĐHCN. Khẩu hiệu hành động “chất lượng cao - hiện đại - hiệu quả” xuyên suốt trong hoạt động chuyên môn và nghiệp vụ của mọi bộ phận, tổ chức và cá nhân, trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong việc cung cấp sản phẩm đào tạo và khoa học công nghệ chất lượng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo phương hướng công tác trên đây, nhiệm vụ công tác thi đua - khen thưởng của Trường ĐHCN trong 5 năm 2006 - 2010 là:

1- Tiếp tục triển khai hoạt động với hình thức phong phú nhằm tăng cường nhận thức về công tác thi đua - khen thưởng sâu rộng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong trường. Kết hợp các hoạt động thi đua với quá trình xây dựng các đặc trưng và truyền thống của mỗi đơn vị và nhà trường.

2- Tăng cường năng lực bộ phận chuyên trách công tác thi đua - khen thưởng trong trường nhằm tham mưu cho Ban giám hiệu tổ chức các hoạt động thi đua toàn diện và kịp thời.

3- Nâng cao chất lượng thực hiện việc đăng ký thi đua, sơ kết và tổng kết, xét duyệt khen thưởng nhằm tăng cường vai trò của công tác quan trọng này trong việc chuyển hóa tiềm năng của đội ngũ cán bộ và sinh viên thành hoạt động chất lượng cao trong nhà trường.

4- Gắn kết nội dung thi đua - khen thưởng thành một thành phần của các chương trình hành động, các kế hoạch ngắn hạn và trung hạn của Nhà trường về xây dựng đội ngũ cán bộ, về nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và về mọi mặt công tác khác.

 Trường ĐHCN - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: