Trang chủ   >   >    >  
Để giữ mãi màu xanh áo lính...
Trong những năm tháng chiến tranh, Trường Đại học Tổng hợp, tiền thân của Trường ĐHKHXH&NV đã cung cấp 1.300 cán bộ, sinh viên cho mặt trận. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều người trở về Trường tiếp tục công việc học tập, giảng dạy đóng góp cho sự phát triển của Trường ngày hôm nay.

Hiện nay, Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV có 8 chi hội, 87 hội viên, trong đó có 74 đồng chí là đảng viên, 1 GS, 10 PGS, 2 TSKH, 35 TS, 12 ThS.

Đội ngũ cựu chiến binh trong trường rất đông đảo, ban đầu đã có 80 người, đa số làm công tác giảng dạy, quản lý. Nhiều hội viên giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt của trường và của các đơn vị. Những người cựu chiến binh thực sự là một lực lượng quan trọng, hùng hậu có những đóng góp to lớn cho trường.

Hoạt động trong môi trường nghiên cứu, giảng dạy các ngành khoa học xã hội nhân văn, hàng ngày tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch sử mà bản thân mình là nhân chứng sống một thời; ý thức về trách nhiệm của người thầy, cô giáo trong việc truyền thụ nhưng tri thức khoa học lịch sử xã hội ấy, tinh thần thời đại ấy cho thế hệ trẻ đã đặt ra cho nhiều cựu chiến binh những câu hỏi: phải làm gì để những công việc hôm nay của mình hữu ích hơn, làm gì để phát huy được tinh thần người lính trên cương vị mới, trong thời đại mới này ? Từ đó, nhu cầu thành lập một tổ chức của những người cựu chiến binh ngày càng thôi thúc. Hội sẽ là nơi đề ra những phương hướng chung cho hoạt động của cựu chiến binh, là nơi tập hợp lực lượng cựu chiến binh thống nhất trong một mục tiêu chung là phục vụ đất nước, xã hội, phục vụ nhà trường, là nơi tiếp tục bồi dưỡng phẩm chất người lính, động viên, giúp đỡ họ trong công việc và cuộc sống.

Phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV đã ra đời và tiến hành Đại hội nhiệm kỳ I vào ngày 17/1/2002. Hội cũng là một trong 9 chi hội đầu tiên được thành lập trong các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và trực thuộc Thành Hội Cựu chiến binh Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đối với Trường ĐHKHXH&NV. Từ đây có thêm một tổ chức - lực lượng chính trị xã hội quan trọng ủng hộ, giúp đỡ Đảng uỷ và Nhà trường trong mọi hoạt động chung.

Nhận thức Hội Cựu chiến binh là một tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho ý chí, quyền lợi chính đáng và hợp pháp của cựu chiến binh, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội luôn bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Thành hội và của Đảng uỷ Nhà trường, tích cực vận động hội viên tham gia đầy đủ các sinh hoạt chính trị và quán triệt các nghị quyết của Đảng. 100% hội viên đều được quán triệt Nghị quyết TW6 lần 2, Nghị quyết TW9, nghị quyết Đảng bộ trường lần thứ XXIV. Qua đó, mỗi hội viên nâng cao được nhận thức chính trị, kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ thù, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, góp phần giữ vững phẩm chất cách mạng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng trường được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác Hội. Hiện nhiều hội viên đang giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt của trường và của đơn vị: 1 đồng chí là Phó Hiệu trưởng, 1 đồng chí là Phó Bí thư Đảng uỷ, 2 đồng chí nhiều năm từng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Công đoàn trường; 16 đồng chí là Trưởng, Phó khoa và Bộ môn trực thuộc; 11 đồng chí là Trưởng, Phó các phòng, ban; 8 đồng chí là Bí thư chi bộ… Vì thế, tổ chức hội không chỉ có điều kiện tham gia đóng góp, xây dựng các nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng uỷ, Nhà trường mà một bộ phận các đồng chí hội viên còn là những người lãnh đạo ra quyết sách hoặc trực tiếp triển khai các hoạt động ấy. Có thể nói rằng sự vững mạnh của tổ chức Đảng, của nhà trường thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, trong đó có nhiều đồng chí là cựu chiến binh.

Một nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cựu chiến binh là phải thực hiện tốt công việc chuyên môn được giao. ở cương vị là cán bộ giảng dạy, các đồng chí cựu chiến binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia biên soạn nhiều giáo trình, bài giảng, đóng góp cho việc cải tiến chương trình học, phương pháp dạy, tích cực thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học theo định hướng chung của Nhà trường. Một số đồng chí còn tham gia nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử và dư địa chí các tỉnh, tham gia các đề tài cấp Nhà nước cùng các cơ quan khác. Các đồng chí cựu chiến binh là một bộ phận đáng kể trong nguồn nhân lực khoa học của Nhà trường. Đã có 6 đồng chí bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 8 đồng chí bảo vệ luận văn thạc sĩ, 1 đồng chí được phong học hàm Giáo sư, 9 đồng chí được phong học hàm Phó giáo sư, 8 đồng chí tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị.

Hội đã được nhận bằng khen của UBND thành phố năm 2004, bằng khen của Thành Hội năm 2002, 2003. Bằng khen của Thành Hội cho Chi bộ cựu chiến binh Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài năm 2004 và 2 cá nhân tiêu biểu. Hội có 1 đồng chí được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 10 đồng chí được tặng Bằng khen của Thủ tướng; 7 đồng chí đạt danh hiệu CSTĐ cấp ĐHQGHN, 15 đồng chí đạt danh hiệu CBDG cấp ĐHQGHN; 2 đồng chí được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 7 đồng chí được tặng Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, 3 đồng chí được tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động Hà Nội, 19 đồng chí được tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, 2 đồng chí được tặng Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…

Là cựu chiến binh đã từng một thời tham gia chiến đấu, nay lại là những người thầy trong môi trường đại học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, một trách nhiệm đặt ra là Hội Cựu chiến binh phải góp phần giáo dục tinh thần, lý tưởng sống nhân văn cho thế hệ trẻ. Hội phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tuyên truyền giáo dục phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội khác. Hội cũng phối hợp với Khoa Văn học, Khoa Giáo dục Quốc phòng, Bộ môn Khoa học Quản lý, Truyền hình Quân đội, Thư viện Quân đội tổ chức thành công nhiều buổi giao lưu giữa các thầy cô giáo cựu chiến binh, các văn nghệ sĩ quân đội vào các dịp 30-4, 27-7, 22-12 hàng năm. Hội cũng phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong trường thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, hầu hết gia đình các đồng chí cựu chiến binh đều chấp hành tốt chính sách, pháp luật Nhà nước, tham gia tích cực các công tác tại địa phương cư trú, con cái chăm ngoan, học giỏi, gia đình hoà thuận và đều được công nhận là gia đình văn hoá.

Hội cũng đã tổ chức 2 chuyến đi cho cho hơn 90 lượt chị em cựu chiến binh về thăm ngã ba Đồng Lộc, địa đạo Vĩnh Mốc, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đường 9, Thành cổ Quảng Trị, chiến trường Tà Cơn, Khe Sanh năm 2003, thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm 2004. Các chuyến đi đáp ứng nguyện vọng và để lại trong lòng cựu chiến binh những xúc động và tình cảm gắn bó với đất nước, quê hương, tình nghĩa đồng chí, đồng bào.

Hội cũng đã đăng cai tổ chức thành công hai hội nghị của Thành Hội: Toạ đàm xây dựng tiêu chí cựu chiến binh Thủ đô văn minh - thanh lịch và Hội nghị sơ kết công tác hội cuối năm 2003 khối các Hội trực thuộc.

Hội đã vận động quyên góp ủng hộ về vật chất cho Quỹ xoá đói giảm nghèo của Thành Hội Hà Nội và Hội Cựu chiến binh Điện Biên; xây dựng Nhà văn hoá Điện Biên, tham gia quyên góp ủng hộ Quỹ Xoá đói giảm nghèo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động mỗi cán bộ một ngày lương; ủng hộ xây dựng trường học nơi trường sơ tán tại Đại Từ, Thái Nguyên, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, mua công trái giáo dục, góp kinh phí xây dựng và thờ cúng các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang đến thăm.

Từ nay đến hết năm 2007, Trường ĐHKHXH&NV tập trung thực hiện những nhiệm vụ cơ bản có tính chiến lược: tổ chức Đại hội Đảng cấp cơ sở tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đảng bộ trường lần thứ XXV, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương, 50 năm Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyển hướng tổ chức đào tạo từ hệ thống niên chế sang hệ thống tín chỉ; thực hiện 6 chương trình hướng tới chuẩn hoá các mặt công tác của trường đến năm 2010… Vì thế, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ của Hội là kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chính trị của nhà trường với Hội cấp trên để quán triệt và cụ thể hoá thành nhiệm vụ và chương trình công tác của hội. Một số chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2005 - 2007 là: 100% hội viên là đảng viên đạt danh hiệu đảng viên đủ tư cách và hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% hội viên tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan; 100% hội viên là cán bộ giảng dạy tham gia NCKH và hoàn thành đề tài đúng hạn, không để tồn đọng các hợp đồng NCKH, biên soạn chương trình, giáo trình, bài giảng; 100 hội viên đạt danh hiệu lao động giỏi; 20% hội viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và cán bộ giảng dạy giỏi cấp cơ sở.

Nhân dịp Đại hội Hội Cựu chiến binh nhiệm kỳ II ngày 18/6/2005 vừa qua, Hội đã xuất bản một cuốn sách nhan đề “Còn lại với thời gian" bao gồm các sáng tác và di cảo văn học của các liệt sĩ cùng các bài viết về liệt sĩ và cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV. Sách gồm 2 phần: Phần 1 là các sưu tầm ảnh, tên và các sáng tác của các liệt sĩ nguyên là cán bộ và sinh viên của trường đã anh dũng hy sinh ở các chiến trường cùng các bài viết kỷ niệm về các liệt sĩ. Phần 2 là sáng tác của các cựu chiến binh và các viết về cựu chiến binh nhà trường.

Cuốn sách là cả một sự cố gắng lớn của Hội trong việc tập hợp những tư liệu có giá trị và hết sức cảm động về cuộc đời sống, chiến đấu và làm thơ, viết văn của những tên tuổi liệt sĩ đã trở thành niềm tự hào chung của Nhà trường như: Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Vũ Dũng, Đặng Luận, Nguyễn Văn Long, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Hồng, Nguyễn Văn Long… Bên cạnh đó còn là những cảm xúc, suy ngẫm về cuộc đời, về chiến tranh qua những sáng tác của các thầy cô giáo - cựu chiến binh của trường, những tấm gương cựu chiến binh có những đóng góp cho Nhà trường… "Dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi hiểu rằng cuốn sách này còn rất nhiều thiết sót. Còn có nhiều sáng tác của các liệt sĩ mà chúng tôi không có điều kiện để thu thập cho đủ - Ông Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nhà trường phát biểu trong Đại hội - Đó là một sự day dứt trong lòng những người làm sách khi chưa làm trọn phần việc của mình. Xin tạ lỗi với các anh linh các liệt sĩ của trường mà chúng tôi chưa xác định được tên tuổi và cũng xin tạ lỗi vì những gì chưa làm được ấy". Dẫu vậy, "Còn lại với thời gian" vẫn là một cuốn sách tư liệu quý giá trong hành trang không chỉ của những người cựu chiến binh mà còn với tất cả những ai yêu mến và tâm huyết với lịch sử và truyền thống của Nhà trường. Nếu trong những năm chiến tranh, màu xanh trên vai những người lính mang theo sức mạnh và niềm tin của cả một dân tộc trong khát vọng hoà bình, độc lập thì nay màu xanh ấy vẫn tiếp tục được giữ gìn, phát huy qua những đóng góp quan trọng của Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu cùng toàn thể cán bộ viên chức, sinh viên Nhà trường trong mục tiêu xây dựng Nhà trường vững mạnh và phát triển trong tương lai.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn một vài cựu chiến binh của Trường ĐHKHXH&NV. Chúng ta hãy lắng nghe xem họ nói gì.

TS. Đinh Trung Kiên

- TS. Đinh Trung Kiên: Tôi tự hào là một người cựu chiến binh. Và tôi rất vui mừng trước sự ra đời và lớn mạnh của Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV - một tổ chức của những người lính trở về sau chiến tranh nay công tác tại Trường. Trong các buổi gặp mặt, hội họp, khi được khoác trên người bộ quần áo lính, tôi có cảm giác thân thiết như được gặp gỡ lại các đồng đội xưa nhưng trên cương vị mới. Hội Cựu chiến binh đã cho chúng tôi có một tiếng nói nhất định và nhắc nhở chúng tôi phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình. Trách nhiệm trước hết với chính mình, với đồng đội, với xã hội, nhà trường và đặc biệt với thế hệ trẻ.

Mặt khác, khi được sinh hoạt trong một tập thể như vậy, chúng tôi có điều kiện chia sẻ, giãi bày nhiều điều trong cuộc sống như những người đồng chí, đồng đội của nhau, cũng là để sống có trách nhiệm với nhau hơn. Và khi cần, khi Đảng, Nhà nước kêu gọi, chúng tôi vẫn sẽ là lực lượng nòng cốt, tiên phong sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Dù sức khoẻ không còn, dù già yếu nhưng trí tuệ, tinh thần xả thân của người lính thì hãy còn vẹn nguyên.

Trong thời gian tới, Hội cần tiếp tục động viên, giúp đỡ các cựu chiến binh. Mỗi cựu chiến binh cần góp sức, tìm cách hiến kế để hoạt động của Hội sôi động hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường này, mỗi hội viên phải tìm cách làm giàu cho bản thân một cách chính đáng, rồi giúp đỡ, san sẻ với các đồng đội còn gặp khó khăn, nhân rộng thêm các điển hình tốt. Điều này là hoàn toàn khả thi. Người cựu chiến binh hôm nay không thể chỉ ngẫm nghĩ mãi về quá khứ, mà từ quá khứ phải tìm ra con đường tốt đẹp hướng tới tương lai.

Ông Vũ Thanh Tùng

- Ông Vũ Thanh Tùng: Khác với các Hội Cựu chiến binh khác, Hội Cựu chiến binh ở các trường đại học nói chung và Trường ĐHKHXH&NV nói riêng có đặc thù là các hội viên vẫn đang ở vị trí công tác nhất định, do đó họ phải hoàn thành công việc chính trước rồi mới tham gia hoạt động của Hội. Chúng tôi xác định là nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh sẽ rất uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ chung của Nhà trường trong từng giai đoạn. Hầu hết các hội viên là cán bộ giảng dạy nên nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu là giảng dạy, làm công tác NCKH, tham gia viết giáo trình, tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy… nên trước hết Hội phải động viên các anh chị em nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đó. Nhìn chung, các hội viên Hội Cựu chiến binh trường ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác, xứng đáng là đầu tàu gương mẫu cho các anh chị em cán bộ khác. Hội Cựu chiến binh đã có những đóng góp tốt, là cánh tay phải đắc lực cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong chiến lược xây dựng và phát triển Nhà trường trong thời gian qua.

Bà Trần Thị Nương

- Bà Trần Thị Nương: Chiến tranh là một quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời mỗi người lính. Chúng tôi đã sống một quãng đời thật đẹp, với lý tưởng hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước. Tuổi trẻ của chúng tôi trưởng thành trong chiến đấu. Chiến tranh đã hình thành nên cá tính, phong cách, quan niệm sống riêng của một lớp người trẻ từng là lính. Hội Cựu chiến binh là nơi giúp chúng tôi nhớ lại một thời kỳ sống đẹp, gặp gỡ những lứa bạn cùng thời, có chung những suy nghĩ, lối sống đó. Trong lúc hiện nay có nhiều quan điểm sống thực dụng, ích kỷ quá thì một chút những kỷ niệm nhỏ bé ấy giúp chúng tôi giữ được niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống này.

TS. Vũ Quang Hiển

- TS. Vũ Quang Hiển: Nhiều hội khác, việc tham gia đôi khi chỉ là hình thức nhưng Hội Cựu chiến binh thì đặc biệt không có tình trạng đó. Mỗi lần giao lưu, gặp gỡ, được khoác lại trên mình bộ quân phục, tự hào và phấn khởi lắm chứ. Mọi người luôn có mặt đông đủ, tay bắt mặt mừng, không khí lúc nào cũng sôi động. Các cuộc gặp gỡ luôn thân mật, tình cảm chứ không hình thức, khuôn sáo. Điều đáng quý nhất là Hội Cựu chiến binh đã giúp chúng tôi phát huy được lòng tự hào nói chung của thế hệ mình về một thời kỳ oanh liệt. Rồi việc chăm lo, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong đời sống gia đình, dù chỉ là những việc nhỏ thôi như thăm nom anh em lúc ốm đau, hay chúc mừng khi bảo vệ thành công luận án... cũng có tác dụng động viên nhất định.

Hội đã làm rất tốt các hoạt động giao lưu nhân các ngày lễ lớn, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ, các hoạt động hướng về nguồn như tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Trong nhiệm kỳ tới, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động trên ở nhiều quy mô khác nhau, ở cả quy mô khoa, bộ môn chứ không nhất thiết chỉ ở quy mô trường, Hội nên hướng vào việc tổ chức các buổi giao lưu nhưng có tính chất là trao đổi kinh nghiệm trong công việc, chuyên môn giữa các hội viên, hay tư vấn học tập cho sinh viên. Hội Cựu chiến binh thực chất là một sản phẩm đặc biệt của lịch sử, của đất nước, sẽ còn được duy trì chừng nào nó còn có tác dụng tốt đối với sự phát triển của xã hội. Tôi mong rằng sẽ không có chiến tranh nữa, và cũng thực lòng không mong Hội Cựu chiến binh ngày càng phát triển to hơn nữa trong tương lai, chỉ mong nó càng ngày càng nhỏ hẹp đi và sau này có thể đổi tên thành Hội Cựu binh (hội của những người đã từng tham gia quân ngũ), chứ không còn là Hội Cựu chiến binh (hội của những người đã từng tham gia chiến trận) nữa.

 Lê Thanh Hà (Thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: