Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Tết Việt trong mắt lưu sinh viên quốc tế
Sinh viên “Tây” cũng hồ hởi chờ Tết Nguyên đán chẳng kém gì mấy cô cậu người Việt. Dịp ấy họ cũng theo bạn bè đi chúc Tết, đi du xuân hái lộc và cả đi chùa.

Chúng tôi vẫn thường vui miệng đùa nhau rằng: Nơi có nhiều cách đón Tết Nguyên đán nhất trên đất nước này có lẽ là ở khu ký túc xá dành cho lưu sinh viên nước ngoài nằm bên đường Đại Cồ Việt. Tại “hợp chủng quốc” nhỏ bé ấy có những người bạn thật dễ thương đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau trên thế giới, họ đang theo học một trường đại học nào đó ở Hà Nội và chính họ đã góp một phần làm nên những sắc thái phong phú, đa dạng của tục lệ đón Tết cổ truyền Việt Nam...

Sinh viên “Tây” cũng hồ hởi chờ Tết Nguyên đán chẳng kém gì mấy cô cậu người Việt. Dịp ấy họ cũng theo bạn bè đi chúc Tết, đi du xuân hái lộc và cả đi chùa. Đêm giao thừa, sau bữa liên hoan miễn phí do Ban quản lý ký túc xá tổ chức cho những người “ở lại”, tự họ sẽ tạo ra các “chiêu” đón tết phong phú. “Nhẹ” thì bằng một món đặc sản được gửi sang Việt Nam từ quê nhà, chai sâm-banh, “nặng” thì hò hát oang oang, ly cốc leng keng từ phút giao thừa cho đến sáng mồng Một...

Cô nữ sinh Mông Cổ có cái tên rất đẹp B.Gantuya, người đã sống ở Hà Nội gần 6 năm, hiện đang học ở Trường Đại học Ngoại thương rất vui vẻ kể lại kỷ niệm của những Tết Nguyên đán được đến nhà các bạn Việt Nam ăn cỗ tất niên, đón giao thừa và đi chúc tết mọi người. Năm nay, B.Gantuya đã nhận được 5 lời mời đến nhà ăn Tết của những người bạn Việt. Cô bảo rằng, cô sẽ “cố gắng” để được dự Tết ở càng nhiều gia đình càng tốt bởi sau này rời Hà Nội rồi sẽ khó mà được sống lại không khí thiêng liêng ấy. ấn tượng sâu sắc nhất của cô thiếu nữ “phương Bắc” ấy là “Tết ở Việt Nam có rất nhiều loại thịt, nhiều món ăn, ăn rất ngon, trong khi ở quê hương Mông Cổ của mình chỉ có thịt bò và thịt cừu”... Cô bạn cùng phòng, cùng quê với B.Gantuya thì nhiệt tình đem mời chúng tôi món sữa cừu khô (đặc sản của Mông Cổ): “Đất nước mình vào những ngày cuối năm lạnh lắm, mùa xuân mà nhiệt độ luôn dưới 0 độ C. Có lẽ vì thế mà người dân thủ đô Ulanbato vào Tết chỉ tập trung đến nhà thờ, không đi chơi đông vui ngoài đường như ở Hà Nội...”.

Cùng ca vang chào năm mới!

Sien Lêva (sinh viên người Canađa) hiện đang học ở Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) bồi hồi kể: “Tết Nguyên đán trước, lúc đang đợi đón giao thừa cùng các bạn Việt Nam thì mấy anh chị Trung Quốc nổi hứng đòi đi thắp hương ở Chùa Trấn Quốc và hái lộc. Chúng tôi đi suốt cả đêm hôm ấy, 8 giờ sáng ngày mồng Một mới về đến ký túc xá. Mặt mày ai cũng hốc hác, áo quần ướt đẫm sương nhưng mà vui lắm vì cả đoàn đã “hái” hay “giật” lộc được một cây mía và một cành đào...”.

Tha thướt, hiền lành và quyến rũ nhất trong khu ký túc xá “hợp chủng quốc sinh viên” có lẽ là mấy cô thiếu nữ Nga và Ba Lan. Natalia cô sinh viên năm thứ 3 của Khoa Tiếng Việt, vén mái tóc bạch kim, hướng đôi mắt long lanh như hai giọt nước của dòng sông Nheva về phía tôi, chăm chú kể: “Mùa xuân ở Hà Nội đẹp và thân thiện lạ lùng. Trời rét căm căm nhưng nét mặt ai cũng như cười. Phải đến năm thứ hai ở đây, tôi mới cảm nhận được không khí Tết Việt Nam...”. Natalia đặc biệt thích món nem và phở Hà Nội. Cô kể về cái lần đầu tiên được mời bóc bánh chưng, mới chỉ bóc được mấy lớp lá, cô đã hoảng hồn vì nhựa gạo dính cả lên đầu và kéo ngược mái tóc dài xuống bánh. Rồi cả chuyện về những cô bạn đến từ đất nước Bắc Âu - Thụy Sĩ từng tái mét mặt ngồi nhìn quả trứng vịt lộn và món rươi do các bạn Việt Nam thết đãi... Còn Alan Smith, người Pháp, một học viên cao học của Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) thì tâm sự: “Đây là cái Tết thứ 3 tôi ăn ở Việt Nam. Nhớ lắm cái Tết năm đầu mới đặt chân đến mảnh đất Hà Nội lạ lẫm này. Không hiểu duyên phận thế nào mà tôi phê ngay một nàng sinh viên Việt học ở Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV. Cho đến giờ, tình trạng của tôi vẫn là yêu một phía thế nhưng tôi còn giữ mãi tờ 500 đồng cô ấy mừng tuổi tết năm con gà. Lần về nước, mẹ tôi bảo hãy cố giữ lấy để làm bùa Việt Nam...”.

Bên cạnh những sinh viên đến từ Châu Âu, Châu Mỹ, tại khu ký túc xá dành cho sinh viên quốc tế còn có rất đông sinh viên Châu á, vậy nên văn hoá đón Tết Nguyên đán ở đây có thêm nhiều nét đặc sắc. Noor Mustarap, một sinh viên Iraq đón chúng tôi vào một căn phòng được trang trí khá lạ mắt, đúng theo phong cách của người Hồi giáo. Anh cười: “Đạo Hồi cấm uống rượu nhưng cứ vào những dịp vui như Tết Nguyên đán ở đây là thể nào mình cũng nhâm nhi tí chút. Tết ở Việt Nam vừa vui, vừa bổ ích vì mình học được rất nhiều về nét đẹp văn hoá của các bạn...”. Những ngày cuối năm này, ngoài thời gian học, anh sinh viên Khoa Tiếng việt này cũng đang lên kế hoạch để đi mua hoa đào, mua quà Tết tặng thầy, tặng bạn...

Bỏ lại phía sau bao nỗi niềm của những người sống xa quê hương, những người bạn quốc tế, những sinh viên nước ngoài vẫn háo hức đổ ra đường phố cùng người Việt Nam đón Tết. Chính những người bạn trẻ trung, hồn nhiên ấy đã tạo nên những sắc thái mới cho không gian Tết Hà Nội. Nhìn ánh mắt, nụ cười trên gương mặt rạng rỡ của những con người mang những quốc tịch và màu da khác nhau, chúng tôi có một niềm tin chắc chắn rằng: Không gian Hà Nội và không khí Tết Nguyên đán Việt Nam mãi sẽ là một phần kỷ niệm khó phai trong họ...

 Ngọc Hoàn - Minh Hợi - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :