Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Tản bút: Bão về giữa mùa na chín
Quê ngoại nằm chênh vênh bên roi biển, đất phì nhiêu nên quanh năm xanh mỡ màng hoa trái. Quê ngoại trồng nhiều na và cái vị ngọt bùi đến lịm giọng của na chín đã mê hoặc tâm hồn con từ thuở thiếu thời. Hè nào cũng vậy, hễ nghỉ học là con đòi về với ngoại, đâu giản đơn chỉ để được ăn na chín mà quan trọng hơn, con muốn được ở cạnh ngoại và vườn na những khi bão về...

Con trở về bên roi cát mùa mưa

Ngoại trằn trọc những đêm nghe biển động

Ngấn mắt già nua xếp chồng bao cơ cực

Na lại chín rồi và bão sắp đi qua!

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ tháng bảy, tháng tám về là người dân quê ngoại tôi lại sống trong nỗi nơm nớp lo sợ. Miền quê ấy của tôi quanh năm suốt tháng chống chọi với cái nắng cháy người, chống chọi với cái gió Tây rát bỏng và khủng khiếp hơn nữa là chống chọi với những cơn bão liên tiếp đổ bộ từ biển vào. Ngoại tôi và các cô, các bác vẫn quen gọi mùa này là mùa bão. Mùa bão chẳng người lớn nào vui, chẳng chờ đón, chỉ biết trước mà vẫn buồn, lòng mỗi người lại chùng xuống mỗi khi mưa bão ập về còn lũ trẻ chúng tôi tuy sợ mùa bão nhưng lại thấp thỏm chờ mùa na chín. Nhà ngoại cách biển không xa lắm, chắc chưa đến 1 cây số. Hậu quả của mỗi trận bão thì khủng khiếp lắm. Cũng may căn nhà tranh của nhà ngoại đã được các cậu chằng chống tốt nên không việc gì. Cây cối trong vườn thì khỏi cần nói cũng biết như thế nào rồi.

Na vẫn chín giữa mùa bão nổi! - Ảnh: Minh Trường

Mỗi khi bão nổi, tôi thấy ngoại nén tiếng thở dài. Ngoại xót cho vườn na mà ngoại đã cất công chăm bẵm suốt ngày tháng, bây giờ chỉ một trận bão đã bị tàn phá hết. Ngày ấy, những cây na cỏ không nhiều thịt, nhiều cùi như na dai nhưng thơm và ngọt một cách lạ lùng. Tôi thích cái hương thơm của na cỏ ngày ấy. Mùa na năm ấy nhiều quả lắm. Na đang giữa vụ quả chín rộ. Ngoại trồng na không phải để buôn bán mà để cho con cháu ăn và biếu hàng xóm mỗi nhà một vài quả. Vậy mà năm nay, mùa na đã tới, tôi như thấy thiếu thiếu một cái gì đó da diết mà không thể nào nhớ nổi được. Phải chăng tôi quá vô tâm! Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, bầu trời bao giờ cũng mang một màu u ám đến rợn người. Nước biển đục ngầu một màu. Sóng vỗ mạnh hơn những ngày thường. Ngư dân thường gọi là biển động.

Biển động, đánh bắt cá cũng khó hơn. Mỗi lần ngoại đi chợ hay mua cá trích, cá thèn, loại cá này thường rẻ nhất. Ngoại mua về đem kho muối, kho mắm moi thật mặn, cả nhà ăn đến một tuần. Với gia cảnh nhà ngoại tôi thì có được bữa cá kho mặn với mắm moi đã là sang trọng lắm. Những hôm biển động mấy bà cháu tôi chỉ ăn cơm mắm cho qua ngày. Vậy nhưng thấy đầm ấm biết bao.

Con về thăm mảnh vườn xưa - Còng lưng dáng ngoại nắng mưa bốn mùa

Những ngày tiếp theo bão đổ bộ vào. Ban đầu là tiếng gió rít, tiếng mưa phả, tiếng cây gãy, tiếng người người hô hoán. Tất cả hoà quyện lại thành một âm thanh hỗn tạp. Mỗi trận bão qua, quê ngoại tôi lại tan hoang, nhiều nhà bị sập, nhiều nhà bị lốc mái tranh. Nhiều khi con người cố xây, cố làm tất cả vì cuộc sống mưu sinh nhưng thiên nhiên ác nghiệt lại lấy đi hết. Tôi thương nhất là những vườn na sau bão với cành lá xác xơ, khẳng khiu, nhiều cây còn bật gốc và bị lăng tít ra phía biển. Những trận bão cứ thế trôi qua và những mùa na vẫn chín như những quy ước tất yếu của cuộc đời không khác được. Tất cả chúng tôi mỗi lần về bên ngoại, sau những mùa bão lại thấy mình lớn lên còn ngoại thì hằn thêm nhiều hơn những vết nhăn chịu đựng.

Năm nay, tôi về quê ngoại muộn hơn, cơn bão số 4 vừa mới đi qua, căn nhà của ngoại đã bị bão cuốn đi. Hàng xóm láng giềng và các cậu đang chung tay giúp ngoại xây một ngôi nhà mới. Giữa cái nắng khô người, ngoại đang cặm cụi trồng lại vườn na, nhưng không phải na cỏ như trước đây mà một vườn na dai bởi biết đâu na dai chịu bão khỏe hơn na cỏ. Cầm trên tay trái na chín ngoại phần, tôi thấy sống mũi mình cay cay: “Ngoại ơi! Bao giờ quê ngoại, bão mới không về mùa na chín...?”.

Quê ngoại, ngày sau bão

 Hường Nguyễn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :