Sinh viên
Trang chủ   >  Sinh viên  >    >  
Chỉ bằng cử nhân, chưa đủ!
“Nhận tấm bằng tốt nghiệp loại khá vài tháng nay vậy mà khi cầm hồ sơ đi xin việc, em đã gặp rất nhiều khó khăn và hiện giờ vẫn thất nghiệp. Không hiểu sao tất cả các nhà tuyển dụng đều đòi hỏi em phải có kinh nghiệm làm việc. Với một sinh viên mới tốt nghiệp thì yêu cầu này chẳng khác nào đánh đố...” - Lê Yên, tân cử nhân Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN chia sẻ...

Nỗi trăn trở đó của Lê Yên cũng là tâm sự chung của rất nhiều tân cử nhân khi vừa rời giảng đường, cầm hồ sơ ra nhập vào thị trường việc làm. Người đi xin việc có lý do để giải thích cho những gì mình thiếu còn các nhà tuyển dụng cũng có những cái lý riêng của họ. Đơn vị nào cũng muốn kiểm tra xem các ứng viên ngoài việc học kiến thức tại trường có từng được thử thách ngoài đời hay không, như từng đi thử việc để học hỏi kinh nghiệm, đi làm thêm kiếm sống, tham gia các hoạt động xã hội... Ai cũng nhận ra rằng, tất cả cơ hội cọ xát đó sẽ giúp thanh niên trưởng thành hơn, rèn luyện được kĩ năng sống cũng như khả năng giao tiếp, ứng xử, sự tự tin, tính quyết đoán, tính tự lập… Tuy nhiên, không phải bất cứ bạn trẻ nào khi còn ngồi trên ghế giảng đường cũng ý thức được điều này. Qua quá trình phỏng vấn trực tiếp các nhóm sinh viên đại diện cho các ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi có thể tạm quy về 4 nhóm quan niệm bao gồm:

Tương lai là chuyện xa vời, chưa nghĩ đến: Đa số các bạn thuộc nhóm quan niệm này đều có một phương châm sống là “quên hết hôm qua và ngày mai để sống cho hôm nay”, đến đâu lo đến đó. Số lượng các bạn sinh viên thuộc nhóm quan niệm này không nhiều và đa phần họ sống khá tách biệt với tập thể, xa lạ với chính cả những hoạt động phong trào trong lớp, trong trường.

Tương lai của ta không thể do ta quyết định: Số lượng các bạn sinh viên nằm trong nhóm này không ít, đa phần họ đều mơ hồ về tương lai, thụ động chờ đợi người khác sắp đặt hoặc mong vào sự quyết định từ phía ngoài xã hội. Chẳng hạn có không ít bạn trẻ mặc dù đã nhận ra năng khiếu và sở thích của mình nhưng khi bị người lớn áp đặt phải đi theo một lĩnh vực nào đó thì lại lẳng lặng nghe theo mà không có bất cứ một sự phản ứng gì. Hậu quả là bạn trẻ đó đã thi trượt tới 2 lần đại học và khi đỗ rồi thì lại cảm thấy thất vọng tràn trề về nghề mình đang theo. Lại có trường hợp một nữ sinh năm nhất Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV khi được hỏi, sau này em định làm gì thì hồn nhiên trả lời rằng “em chưa biết, còn tùy vào số”. Hóa ra quan niệm “giày dép còn có số nữa là con người” đã ăn sâu vào trong nhận thức của nữ sinh nọ.

Học giỏi sẽ có tương lai tươi sáng: Đây là nhóm quan niệm chiếm số lượng phổ biến trong giới sinh viên. Họ tập trung cao độ vào việc học chính khóa và học thêm. Họ cho rằng mọi hoạt động từ văn nghệ, thể thao sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động cộng đồng… là vô bổ, mất thì giờ. Với nhóm này, điểm cao là mục đích của việc học, là đảm bảo cho một tương lai tốt. Trong số này nhiều người học rất giỏi, giỏi cả ngoại ngữ lẫn vi tính, tốt nghiệp loại giỏi. Vậy nhưng khi chúng tôi trù chuyện với một thầy giáo làm lãnh đạo lâu năm ở một trường đại học danh tiếng lại được nghe một trăn trở đó là: “Nếu thống kê một cách chính xác thì những sinh viên có học lực giỏi nhất của chúng tôi khi tốt nghiệp không phải là các em thành đạt nhất. Hình như các em còn thiếu thiếu cái gì đó để làm nên sự nghiệp lớn”...

Để có tương lai, ngoài bằng cử nhân cần nhiều thứ khác: Con số sinh viên thuộc nhóm này cũng khá đông đảo tuy nhiên ít bạn nhận rõ những “thứ khác” đó là gì để chuẩn bị ngay từ lúc còn ngồi trên giảng đường. Một thực tế đặt ra đó là đa phần các nhà trường chua có những hình thức tư vấn hiệu quả để “tiếp sức” cho sinh viên. Và đương nhiên khi ấy thì “mệnh sinh viên nào sinh viên ấy” tự phát chuẩn bị thứ mình cho là còn thiếu: người thì đi làm thêm để kiếm kinh nghiệm lại có thêm tiền, người thì lo mở rộng giao thiệp để có nhiều mối quan hệ xã hội nhằm sau này có nhiều mối làm ăn, người thì tham gia các hoạt động đội nhóm để có thói quen làm việc nhóm, một số bạn còn tập hợp nhau lại để mở một cơ sở buôn bán nhỏ...

Tạo ra được những cơ hội để sinh viên trao đổi với nhau những suy nghĩ và chuẩn bị định hướng về tương lai, để những người có kinh nghiệm sống hoặc đã thành đạt chia sẻ với các bạn về những trải nghiệm bản thân, gợi ý những hướng chuẩn bị cho tương lai ngay từ lúc còn ngồi trên giảng đường là một việc làm cần thiết. Đừng để các bạn trẻ cảm thấy mình hình như đang “thiếu thiếu một cái gì đó” khi bước vào đời...

 Ngôn Phi - Văn Trương - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 222, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :