Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Đường đến giảng đường của nữ sinh mồ côi
Bố và em trai mất từ năm 2002 trong một vụ tai nạn giao thông, không đầy một năm sau vì bệnh tật mẹ cũng qua đời Thiếu thốn tình thương của cha mẹ nhưng Trương Thị Tuyền (sinh năm 1994) vẫn vươn lên học giỏi và trở thành tân sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN.

Trong chưa đầy một năm, Trương Thị Tuyền ở thôn Quần Ngọc, xã Trung Hòa (Yên Mỹ, Hưng Yên) phải hai lần chít khăn tang của cả cha và mẹ, lúc ấy em chỉ biết buồn và sợ hãi. Quê nội ở Bắc Giang và bố mẹ sống cách xa nhau nên Tuyền sống cùng mẹ ở quê ngoại ở Hưng Yên. Năm 2003, mẹ em đổ bệnh nặng mấy tháng trời và bỏ Tuyền mà đi. Chưa đầy 10 tuổi, Tuyền bỗng thành cô bé mồ côi chỉ biết dựa vào sự cưu mang, đùm bọc của bà ngoại và cậu cả. Không để cháu thiệt thòi, bà ngoại và cậu mợ dù vất vả, khó khăn vẫn cho Tuyền được đến trường. Ngoài thời gian học, Tuyền thường giúp bà và cậu mợ lo cơm nước, làm việc đồng áng.
Do tuổi cao, sức yếu, năm 2011, bà ngoại qua đời, Tuyền lại mất đi một vòng tay yêu thương. Năm 2012, nhờ 30 triệu đồng hỗ trợ của chính quyền cùng bác ruột ở Phú Thọ và anh em bên ngoại góp sức, Tuyền đã xây được căn nhà tình thương trên nền đất của bà ngoại cho hai mẹ con em từ trước. Từ đó, Tuyền trở thành chủ hộ của căn nhà với duy nhất một nhân khẩu.
Ra ở riêng, Tuyền làm hơn 1 sào ruộng do bà ngoại em để lại. Đến mùa cấy, tự tay Tuyền gặt và nhờ xe bò của cậu cả ra chở lúa về. Để cải thiện cuộc sống, ngoài khoản trợ cấp 180 nghìn đồng/tháng và bên ngoại giúp đỡ, Tuyền có nuôi thêm được mấy chục con gà, vịt. Dù đang học lớp 12 nhưng ngoài giờ lên lớp, Tuyền còn ra chợ buôn rau để bán kiếm tiền mua con cá, miếng thịt cải thiện bữa ăn và dành dụm mua sách vở. Không có thời gian rảnh rỗi và mới học qua tin học ở trường nên chưa bao giờ Tuyền tiếp cận được Internet. Nuôi ước mơ đại học, tối đến, hôm nào em cũng học từ 1-2 giờ sáng. Nói đến đây, Tuyền rơi nước mắt: “Nhiều đêm một mình trong căn nhà quạnh quẽ, nỗi nhớ mẹ cha lại ùa về và em lại khóc nhưng mình kém may mắn thì phải cố gắng thôi chứ biết làm sao được”.
Khó khăn, vất vả, thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ là vậy nhưng suốt 12 năm học, Tuyền luôn là học sinh tiên tiến. Học đều các môn nhưng Tuyền rất đam mê môn Lịch sử. Theo em, học Sử không những để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của nhân loại mà qua đó biết được thêm nhiều về những giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của cha ông.
Không phụ lòng mong mỏi của anh em họ hàng và bà con chòm xóm, Tuyền đã thi đỗ và trở thành sinh viên của lớp K57, Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. “Ban đầu, em định thi ngành Lịch sử để theo đuổi niềm đam mê nhưng sau khi được thầy cô, bạn bè tư vấn, em chọn Khoa Đông phương học với hy vọng khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội xin việc hơn”, Tuyền bộc bạch.
Ngày nhập học, Tuyền chỉ mặc một chiếc áo trắng đã ngã màu mặc từ hồi cấp 3 cùng đôi dép tông đã mòn hết đế. Hành trang Tuyền nhập học chỉ là một chiếc cặp đựng sách vở và mấy bộ quần áo mang theo. Tuyền thuộc diện mồ côi nên được duyệt ở ký túc xá Mễ Trì. Để tiết kiệm chi tiêu, em thường đi bộ đến trường chứ không dám làm vé tháng xe buýt. “Lên đây học, nhà cửa đành nhờ cậu mợ trông nom. Khi nhập học, em được bác ruột đóng tiền và hứa chu cấp cho tiền ăn học hàng tháng nhưng gia đình bác cũng không khá giả gì, nên không biết sẽ lo cho em được đến đâu. Em đang kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống mà giờ thời gian học không ổn định nên vẫn chưa tìm được việc gì cho phù hợp”.

 Hồ Duy - Bản tin số 260 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :