Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Ký túc xá sau không giờ
Sau 0 giờ... nhịp sống sinh viên bắt đầu rộn rập. Tiếng điện thoại mỗi phòng liên tục đổ chuông với những cuộc trao đổi truy bài, những cuộc nấu cháo điện thoại chống stress, buồn ngủ... Mùa hè, mùa thi với những đêm trắng bắt đầu khởi động...

Mễ Trì được đánh giá là cư xá tốt, điều kiện an toàn và đảm bảo nhất trong hệ thống Ký túc xá Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Và chúng tôi - những sinh viên với thâm niên gần 3 năm "bám" ký túc xá nhiều lúc bỗng thảng thốt giật mình bởi nhận ra không còn nhiều thời gian được sống tại đây nữa. Tự nhiên rối rít nhớ, cuống cuồng muốn thu lại tất cả kỷ niệm đẹp nhất, những vui buồn bè bạn, học tập, những gương mặt quen thân. Chỉ có cuộc sống sinh viên, chúng tôi mới có những đêm trắng mệt nhoài bên bài vở nhưng hết sức vui vẻ. Và cũng chỉ sinh viên chúng tôi mới thấu cảm giác nhớ đến ngẩn người của các cựu sinh viên khóa trước ký ức về nhịp sống sau 0 giờ ký túc xá.

1. Reng... reng... Alo! Chào một ngày mới

Nếu không là cư dân ký túc xá bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bình minh mỗi sớm của chúng tôi là sau 8h. Và nếu là cư dân chính gốc của Metri Hostel bạn lại càng thấy việc 2-3h sáng mà các phòng vẫn rầm rì to nhỏ, vẫn sáng ánh điện là "chuyện thường ngày ở huyện".

Tháng 6 mùa thi, hầu như tất cả dãy nhà C1, C2 và B1 đều nằm trong guồng quay đấy. Các em năm thứ nhất thì hiền lành ngoan ngoãn, lo lắng học ngày học đêm. Các anh chị năm cuối thì bộn bề với khóa luận thực tập... thâm quầng mắt. Riêng các chàng và nàng năm thứ 2, 3... càng phải "tăng tốc" bởi suốt cả kỳ còn mải mê "chinh chiến" với làm thêm, với tình yêu tình báo, với các hoạt động ngoại khóa... Tất cả đều có động lực, có mục tiêu, và có lý do để... mở chiến dịch... thức ôn thi.

Từ khi ký túc xá trang bị cho mỗi phòng 1 điện thoại thì thực sự, trăm thứ đều “đại tiện”. Từ B1, C1 và C2 cứ gọi là telephone suốt ngày với hàng ngàn việc không tên, hàng vạn cái cớ để trao đổi, hỏi thăm, bài vở... Cứ sau 0 giờ, khi đồng hồ điểm một ngày mới bắt đầu, một số phòng lại reng... reng... Các anh chàng nghịch ngợm B1 bắt đầu tấn công vào khu vực C có khi chỉ: "Tớ chúc bạn ngủ ngon nhé!". Hoặc có khi: "Mai em thi à? Ngủ đi, đừng học nữa”. Trang - cô nàng năm nhất Khoa Báo chí liên tục nhận điện thoại từ một chàng B1 nào đó mà chưa hề được “biết mặt đặt tên". Lúc nào, chàng ta cũng nắm rõ lịch thi, rõ những sở thích của cô nàng: “Tớ không biết. Thỉnh thoảng tớ lại nghe lời thăm hỏi hôm qua em thi tốt không nè? Em nghe bản nhạc này nhé! Hay là chúc em ngủ ngon... Nhiều lúc đang học hành căng thẳng, ghé tai nghe và buôn 3 - 5 phút cũng thấy vui vui, thoải mái lạ...".

Hoặc nhiều lúc, đôi bạn Tử Kỳ - Bá Nha (một nàng ở C1, nàng ở C2) quá 11h một cuộc "nấu cháo" với những vui buồn nhỏ to về trường lớp, về cô bạn này anh chàng nọ, về việc thi cử, ôn tập ra sao... Còn Đức (P406, C1) thỉnh thoảng lại alô xuống lôi bạn ấy lên tầng hai: "Ê! Lên đây ăn đêm rồi học tiếp nè!". Những kiểu hỏi bài nhau dò đề cương học, tài liệu... thành những cuộc đối thoại phổ biến, làm "nóng" cả dây điện thoại. Nếu bạn là Ban quản lý, là một người hiếu kỳ, muốn xem sinh hoạt sinh viên sau 0 giờ như thế nào, hãy ngồi trực tổng đài và lắng nghe. Bạn sẽ thấy một cuộc sống tấp nập, đầy dư âm, những vui buồn, những tâm tình rủ rỉ... Sinh viên là thế, sôi nổi, nhiệt tình và khai thác tối đa những điều kiện mình có. Chính chiếc điện thoại nhanh chóng trở thành "nhịp cầu nối những bờ vui, sẻ bớt nỗi buồn, chia đều căng thẳng” cho mỗi chúng tôi...

2. Đi tìm lời đáp cho: ai, làm gì, ở đâu... tại ký túc xá

Có thể nói, sau 0 giờ chính là lúc "học vào" nhất. Tại các phòng, từ 10 đến 12 người, tất cả đều chúi đầu vào các bàn học cá nhân. Hy hữu lắm mới tìm ra một vài người "học tập - ăn ngủ đúng giờ giấc”, còn lại được xem là "quên điều độ...”. Bởi thực tế, nếu không dùng thời gian ấy thì quả không thể yên tâm vào phòng thi được. Ban ngày, buổi tối cũng học. Thư viện vẫn đông nghẹt người, giảng đường vẫn thiếu chỗ, ở ghế đá ký túc xá vẫn bao người ghi ghi - chép chép... Đại học là tự học. Mỗi một môn học ít nhất cũng vài quyển giáo trình, dăm tài liệu tham khảo. Ngoài việc đọc, nghiên cứu các vấn đề liên quan trong những tài liệu dày cộp ở thư viện thì phải nắm bắt được các vấn đề cơ bản trong giáo trình. Mà muốn vậy thời gian hợp lý nhất không lúc nào khác ngoài sau 0 giờ. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều có thái độ học tập và nghiên cứu đúng đắn, say sưa như thế, nhưng nói phần đa đều như vậy là điều chắc chắn.

1 giờ 20 phút - phòng 214 C1 cửa mở toang, gió lồng lộng, sàn nhà sạch tinh. Giường trên vẫn an vị tại mỗi bàn với những cặp mắt dán chặt sách vở, đầu gắn chặt bộ tai nghe. Riêng ở mấy giường dưới, tất cả đều "hạ thổ" xuống nền nhà và lẩm nhẩm. Một bầu không khí im lìm, chỉ có tiếng sột soạt của giấy tờ, tiếng vù vù của quạt điện... Ghé sang mấy phòng bên cạnh bắt đầu rục rịch, loảng xoảng cốc chén, bát đũa. “Có thực mới vực được đạo”. Mọi người bắt đầu chiến dịch “bồi bổ sức khỏe” với nước tăng lực, với bột đậu, sữa tươi và mì tôm chiên. Hương vị ngào ngạt toả ra át cả hành lang nào là của Hảo hảo chua cay, Mì gà chanh rồi Mì bò rau thơm... thôi thì đủ kiểu. Ăn rồi uống với trà đặc, cafe... hy vọng tỉnh táo để tiếp tục “chiến đấu” cùng bài vở.

Vô tình "nhảy dù" vào khu ký túc xá nam giờ ấy ta có thể đối diện với rất nhiều anh chàng họ "trần"... Người thì lăn ra học với chiếc kính dày cộm, kẻ thì tranh thủ "giải lao" với "ùm chát" của Halflife... Đây đó, một vài chàng lãng tử tay ôm đàn nghêu ngao đủ âm điệu, đủ loại nhạc: nhạc trẻ, nhạc vàng rồi lại xoay sang hát xẩm... Trăng thanh gió mát, ánh đèn bập bùng theo giọng ca lúc trầm, lúc bổng, lúc cao, lúc thấp... như đang hút hồn một ai đó.

3. Và... khi ta ở, Mễ Trì là nơi ở - Khi ta đi, cư xá hóa tâm hồn

Không chỉ mùa thi mà gần như suốt 10 tháng trong năm sống ở ký túc xá là khoảng thời gian "lệch lịch" đồng hồ sinh học của sinh viên nội trú. Để rồi chỉ vài ngày nghỉ lễ hay ngày Tết, thậm chí mấy tháng hè... có nhiều lúc thần cả người vì nhớ ký túc xá. Cả năm gắn bó với phòng, với từng vật dụng cá nhân nho nhỏ, mỗi người là một thế giới riêng, trong một tập thể ồn ào, sôi nổi nhưng thống nhất. Sau mỗi chuyến đi xa, mỗi đợt thực tế dài ngày hay thậm chí về nhà bạn chơi thôi cũng đã thấy sốt ruột muốn đi thật nhanh để về với thế giới riêng mà chung ấy của chúng mình. Một cái gì đấy không hẳn níu chặt nhưng cứ nhẹ nhàng len lỏi, khó gọi thành tên. Nó nghiễm nhiên đi vào suy nghĩ, tình cảm, như níu giữ tâm hồn mình. Ký túc xá với bao buồn vui thời sinh viên cứ thế in dấu không thể nào quên. Xin mượn lời của Linh - 1 sinh viên K46 sắp ra trường nói thay cho lời kết: "Giờ mình mới hiểu cái cảm giác sắp chia xa. Thấy cái gì cũng thân quen, cũng có hồn đến lạ. Quả thực: Khi ta đi cư xá hóa tâm hồn”.

 Nguyễn Thuận Huế - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :