Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Hè của những người trẻ
Nghỉ hè, trong khi mọi người lục tục về quê hưởng thụ cuộc sống bình yên trong vòng tay bố mẹ thì rất nhiều người lại chọn cho mình một mùa hè không yên ả. Họ muốn được quăng mình vào thực tế, được học mà không cần bảng đen, phấn trắng và giảng đường...

Những người trẻ không chịu bình yên

Thi môn cuối cùng xong buổi sáng, buổi chiều Mai Lan (ĐH Ngoại ngữ HN) lên luôn một kế hoạch cho công việc ở lại làm thêm hè. Trong khi bạn bè tất bật dọn đồ về nhà thì Mai Lan ngồi hì hụi tìm những địa chỉ việc làm trên báo Sinh viên Việt Nam và bắt đầu công cuộc "rải hồ sơ xin việc". Tôi hỏi sao phải vất vả thế làm gì cô bạn cười và bảo: Ăn bám mãi bố mẹ sao được, với lại chỉ có dịp này là có nhiều thời gian một chút, phải tranh thủ xem mình đã học được những gì chứ!...". Với trình độ năm cuối chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh nên Mai Lan dễ dàng tìm cho mình công việc đứng lớp tại các trung tâm ngoại ngữ. Cô kể: Năm nào cô cũng ở lại dịp hè vừa để làm thêm kiếm tiền mua sách vừa có dịp thực hành tiếng. Công việc dạy học ở các trung tâm đem lại cho cô nhiều lợi thế mà các bạn cùng lớp không thể có được. Đó là sự tự tin trong giao tiếp với người nước ngoài, thêm nữa khả năng sư phạm của cô cũng tăng lên rất nhiều.

Cũng ở lại dịp hè nhưng nhóm bạn Hùng - Kiên - Tuấn - Hương - Hoa lại chọn cho mình một mùa hè đầy tình thương với các em nhỏ đường phố. Không tham gia tổ chức xã hội nào, các bạn tự đi quyên góp quần áo, sách vở và mở lớp dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ bán hàng dạo quanh bờ hồ. Không chỉ dạy các em thứ ngôn ngữ "kiếm cơm" mà họ còn dạy các em cả văn hoá bán hàng cho khách du lịch, nhất là đối với khách nước ngoài. Không ít lần nhóm bị tụi đầu gấu chặn đường đánh vì tội dám “cảm hoá” tụi đệ tử của chúng khiến chúng mất đi cái “uy” đại ca. Nhưng nhờ sự kiên trì, cố gắng làm bạn và thuyết phục của nhóm nên các "đại ca" này dần cải tà quy chính. Đến bây giờ thì chính chúng lại trở thành cánh tay đắc lực cho hoạt động của nhóm bạn. Suốt ngày lượn ở ngoài đường nhìn mặt ai cũng đen bóng lại "nhưng mà vui vì thấy mình làm được cái gì đó có ích" (lời của Kiên).

Quán triệt tinh thần: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn" nên giới trẻ ngày nay rất chăm đi du lịch. Những ngày lễ tết là dịp tuyệt vời để họ thoả chí tang bồng phiêu bạt giang hồ. Hè đến, ai có xe thì còn gì thú vị hơn cái việc khoác ba lô trèo lên "con chiến" của mình mà vi vu khắp nơi. Còn nếu không có xe thì cũng không có nghĩa là sẽ ở nhà. Mấy trăm nghìn nhét túi, nhảy lên tàu (đã có vé giảm giá rồi) hoặc lên ôtô theo bạn về nhà là cách mà nhiều người thường áp dụng.

Để chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt "bụi" 100% của mình hè năm thứ 3 này, T. Chiến (ĐH Văn hoá HN) đã phải chuẩn bị từ năm thứ nhất. Hè nào cậu cũng tranh thủ ở lại làm thêm, được bao nhiêu về đưa cả cho mẹ giữ hộ. Cậu còn thiết lập cả một hệ thống bạn bè từ Bắc vào Nam qua mạng Internet, vừa giảm thiểu chi phí cho chuyến đi, lại vừa được dân bản xứ dẫn đến mọi ngõ ngách ở các vùng miền. Thỉnh thoảng lại nhận được e-mail của cậu ta gửi về từ một vùng đất xa lắc với những tấm ảnh thay cho bao lời nói. Lúc nào gọi điện cũng thấy cậu ta trầm trồ: Đất nước mình quả thật là đẹp...!

Với những tri thức không phải từ lớp học

Phần lớn những người bám trụ mùa hè đều khẳng định rằng họ ở lại không vì mục đích kiếm tiền. 9 tháng ngồi trên giảng đường là thời gian quá nhiều để họ học trên sách vở, chỉ có duy nhất những ngày hè họ mới có dịp đem những gì mình đã học ra vừa thực hành, vừa tích thêm kiến thức từ thực tế.

Vân (ĐHKHXH&NV) được bạn bè thán phục khi tên của cô liên tục có mặt dưới những bài báo. Đó là kết quả của cả một mùa hè suốt ngày sáng đi tối về thu thập tư liệu, thâm nhập đời sống thực tế. Có những “mánh khoé” nghề nghiệp mà có khi cả đời học trên lớp cũng không ai dạy. Vân kể: Có lần đi phỏng vấn một gương mặt đình đám của một tờ báo điện tử, nhưng sau vài câu hỏi thì buổi phỏng vấn trở thành buổi truyền nghề của người được phỏng vấn với người phỏng vấn. Đó là dịp mà không phải ai cũng có được...

Nhóm bạn Hùng - Kiên - Tuấn - Hương - Hoa đã trở thành những người anh, người chị, những người bạn của các em nhỏ lang thang. Hương nói: "Đọc sách báo thấy nói nhiều đến hoàn cảnh của các em, nhưng đến khi tụi mình gần như cùng sống, cùng sinh hoạt mới thấy hết được cái sự thiếu thốn khổ cực của chúng. Từ đó càng thấm thía hơn về đất nước mình còn quá nghèo và còn nhiều người quá khổ. Tự nhiên mỗi đứa cảm thấy cần phải sống tích cực hơn...”. Đó là những lời nói chân thành mà không phải bất cứ người trẻ tuổi nào cũng thấu hiểu hết. Nếu không đặt mình gần gũi hơn với cuộc sống thì hẳn là sẽ còn nhiều vụ đua xe tập thể hay những vụ “lắc” đình đám mà thật đau lòng thay, họ toàn người trẻ tuổi.

Với T. Chiến, những gì cậu trải qua mùa hè năm nay hẳn sẽ thành một dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời: Được trực tiếp đặt chân lên con đường Trường Sơn lịch sử, được ăn cơm lam, uống rượu cần, ngủ nhà sàn với bà con dân tộc miền núi, hay đi soi chuột đồng trong những đêm trăng sáng trên thửa ruộng vùng đồng bằng sông Cửu Long... Hơn thế nữa đó còn là nguồn tư liệu thực tế quý giá cho bài khoá luận năm cuối sắp tới của cậu.

Nghỉ hè là dịp để nghỉ ngơi, nhưng không đồng nghĩa với chỉ ăn và chơi. Hoà mình cùng với cuộc sống thực tế là cách mà rất nhiều người trẻ lựa chọn, để rồi đầu năm học bạn bè gặp lại tíu tít trêu nhau: "Nghỉ hè an toàn và lành mạnh chứ?"...

 Tố Nga - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :