Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Sinh viên và hiệu ứng xăng tăng giá
Xe máy từ lâu đã trở thành phương tiện đi lại vô cùng hữu ích với sinh viên. Nhưng giờ đây nhiều “chú” đã phải đắp chiếu nằm ở nhà với lý do vô cùng “hiện thực”: không có tiền đổ xăng!

Xăng tăng giá, sinh viên… méo mặt

Từ khi xăng bắt đầu tăng từ 7.500đ/lít đến 8.800đ/lít, cánh sinh viên đã tính đến việc xin thêm "trợ cấp" bởi mọi thứ cũng leo thang cùng giá xăng. Tưởng chỉ đến mức đó là xong ai dè giá xăng lại tiếp tục tăng lên đến 10.000đ/lít, các “con dân” chỉ biết kêu trời.

Xe máy từ lâu đã trở thành phương tiện đi lại vô cùng hữu ích với sinh viên. Nhưng giờ đây nhiều “chú” đã phải đắp chiếu nằm ở nhà với lý do vô cùng "hiện thực": không có tiền đổ xăng!

Hùng (ĐHKTQD) cho biết: bình thường cậu được “trợ cấp” 800.000đ/tháng, cộng thêm với 300.000đ một “cua” dạy thêm nữa, tổng cộng là 1,1 triệu. Với ngần ấy tiền trừ đi tiền nhà và tiền ăn hàng tháng cậu chỉ còn 400.000đ để đổ xăng và tiêu vặt. "Vậy mà bây giờ xăng tăng giá thế này thì còn được đồng nào để tiêu nữa hả trời?" Nhìn cậu ta thiểu não ngồi lẩm nhẩm tính toán chi tiêu hàng tháng mà thấy thương thay cho cậu.

Xăng tăng giá kéo theo giá sinh hoạt cũng đội nón đi lên. Với các cán bộ viên chức nhà nước thì giá sinh hoạt tăng nhưng lương cũng được tăng theo do vậy tầm ảnh hưởng không “nặng” bằng giới sinh viên. Khoản "trợ cấp" cố định từ hồi rau muống còn 500đ một mớ so với giá cả bây giờ đã trở nên quá "hẻo". Cái gì cũng đắt đỏ và điều đó được giải thích rằng “xăng tăng giá nên chi phí vận chuyển cao", cho dù việc mớ rau được bà bán hàng gánh từ trong làng ra chẳng liên quan gì đến xăng cả. Rồi thì lại thấy cô chủ nhà lò dò đến thông báo: "Từ tháng sau tiền nhà tăng lên, điện, nước cũng tăng theo các con ạ”. Cả lũ nhao lên phản đối, được giải thích gọn lỏn: “Giá sinh hoạt tăng rồi. Cô cũng không muốn đâu, nhưng không tăng tiền lên thì các em nhà cô sống bằng gì?"

Và những hệ quả tất yếu

Dạo một vòng quanh bãi gửi xe của một số trường thấy lượng xe máy dường như vơi hẳn. Buổi chiều quanh Bờ Hồ dường như cũng ít hơn các nhóm lượn lờ. Đương nhiên là có nhiều lý do để giải thích điều đó, nhưng chắc chắn có một phần lý do không nhỏ của việc xăng tăng giá.

Hoa (ĐH Mở) hí hửng được bố mẹ “tậu” cho “con” Mio maximo mới coong. Vừa đem xuống được 2 tháng Hoa đã phải ngậm ngùi đem về nhà vì "không kham nổi tiền xăng".

Đã lâu rồi bạn bè ít khi thấy Khánh la cà đến chơi. Họ ngơ ngác hỏi nhau xem cậu ta có ốm đau gì không. Kéo đến nhà xem thế nào cả lũ thấy cậu ta quần đùi nằm đọc sách - quả là một hiện tượng lạ với một tên một ngày không ra khỏi nhà đủ 8 tiếng thì cảm giác như bị chặt chân. Khánh cười hề hề giải thích cho cái sự không bình thường ấy: "Tiết kiệm là quốc sách. Cái thời đổ 30.000đ không đầy bình xăng thì đi lắm chỉ có nước vác xe lên vai mà chạy thôi". Xem ra với Khánh xăng tăng giá không hẳn là không tốt.

Giải pháp ở nhà như Khánh chỉ là một trong vô vàn giải pháp mà cánh sinh viên áp dụng cho thời buổi "gạo châu, củi quế" này. Những tên trước đây trọ khá xa trường học vì cậy có "xế" thì nay lục đục chuyển phắt về cạnh trường. “Để đi bộ cho nó tiện, bây giờ xe chỉ để đi làm thêm hoặc công việc thôi” - Phương (ĐHKHXH&NV) giải thích.

Khi xe đạp chỉ được sử dụng như một phương tiện để nhớ về kỷ niệm và xe máy chỉ được dùng một cách hết sức dè dặt, thì xe bus lên ngôi. Những tuyến xe bus trước kia vốn đã không rộng rãi gì thì bây giờ lại càng chật chội hơn. Ai cũng cố tận dụng cái phương tiện công cộng "gọn nhẹ" này để thay cho con "xế nổ" trước kia. Thành thử, bây giờ người người xe đi xe bus, nhà nhà đi xe bus. Đến nỗi, đứa bạn tôi khẳng định chắc như đinh đóng cột: Nếu nhà nước tăng giá xăng lên 15 nghìn đồng/lít thì chắc chắn nước ta đạt 100% sinh viên đi học bằng xe bus. Vậy cũng tốt.

Kết

Chưa bao giờ người ta thấy cảnh đám sinh viên kêu than nhiều như vậy. Bạn bè cứ gặp nhau câu đầu tiên bao giờ cũng là: "Khiếp! Xăng đắt dã man!". Kêu như vậy nhưng cuối cùng việc đi vẫn cứ phải đi. Chỉ có điều vừa đi vừa tính xem tháng này phải bớt khoản nào để bù vào tiền xăng.

Tóm lại là chính phủ thì cứ việc điều chỉnh giá xăng cho phù hợp với tình hình kinh tế thế giới, còn sinh viên thì cứ việc lay lắt với hệ quả của việc tăng giá đó.

 M.K.T - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :