Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Sâu đục khoét làng
Ngôi làng với bề dày lịch sử hơn 3 năm này đã xảy ra rất nhiều chuyện nhưng có một số chuyện không được hay ho cho lắm. Đó là chuyện về những con sâu chuyên đục khoét. Cùng với những con sâu ấy, trộm cắp đã trở thành chuyện “thường ngày ở làng”...

Ngay giữa lòng thủ đô có một làng đặc biệt mang tên "Làng sinh viên Hacinco". Đây là khu nhà chung cư ở đường Hồng Liên (phường Nhân Chính) xây riêng cho sinh viên thuê. Đến từ nhiều trường, nhiều tỉnh khác nhau, họ về đây cùng sống chung như một gia đình thực sự trong một căn phòng từ 4 - 12 người.

Những con sâu làm rầu...

H chuyển vào phòng từ sau Tết. Những ngày đầu đến phòng thấy ai cũng gần gũi thân mật, H đã khấp khởi mừng. Cả phòng yêu thương, coi nhau như chị em, có gì vui buồn đều cùng chia sẻ. Sự tin tưởng gần như đạt đến độ tuyệt đối. Mỗi người một ngăn tủ, chẳng ai buồn khóa. Phòng mình với nhau cả mà! Thế nhưng, chính sự tin tưởng ấy lại phải trả giá. Tiền học phí nửa năm học của H không cánh mà bay. Sau một hồi phân tích, H kết luận: chỉ có thể là người trong phòng lấy. Cả phòng tán loạn cả lên, người này nghi ngờ người kia. Phòng quyết định họp. 900.000 chứ không phải là một món tiền nhỏ mà có thể bỏ qua được. Phương án số 1 sẽ dành cho tinh thần tự nguyện. Mọi người im lặng, không ai nhận cả. Chỉ còn một cách là lục soát. Tiền của H có đánh dấu nên sau một hồi điều tra, mọi người đã tìm ra thủ phạm. T tím tái mặt mày khi những tờ tiền chưa kịp tiêu thụ rơi từ trong sách ra. Cả phòng ngớ người, hóa ra không phải mọi người đều thành thật và đáng tin cậy. Trông T hiền lành, giản dị, thế mà...

ở nhà A, dân ăn cắp tinh vi và chuyên nghiệp hơn khi tính đến cả việc xóa dấu vết hiện trường và tạo chứng cứ giả. Cả phòng M hôm ấy đi vắng hết, nhưng đến khi về nhà thì chiếc ví và cái điện thoại bỏ quên ở nhà của M cũng bị bốc hơi. Việc điều tra của phòng tưởng như đi vào ngõ cụt... May mắn thay, sáng hôm sau, tiếng chuông hẹn giờ quen thuộc của chiếc điện thoại “mất tích” đã reo, nhưng không phải ở giường chủ nhân của nó mà trong chăn của cô bạn A cùng phòng. Thế là hết đường chối cãi. Thì ra sáng hôm trước, Ai đã lẻn về phòng thực hiện ý đồ ăn cắp được vạch sẵn từ trước và lại nhẹ nhàng ra đi như chưa có chuyện gì xảy ra. A còn nhờ vào sự giúp đỡ của cô bạn thân (cũng là nhân chứng) phối hợp cực kỳ ăn ý. Khám phá ra câu chuyện, cả phòng sởn cả tóc gáy, hóa ra từ bấy đến nay, mình sống với một bậc anh chị trong nghề ăn cắp. Trước đây, M đã từng bị đuổi ra khỏi phòng cũng vì tội "táy máy tay chân" kiểu này.

Lục đục... chuyện phòng

Sau những vụ xì - căng - đan to nhỏ ấy, mọi chuyện thay đổi hẳn. Mọi người to nhỏ với nhau: “Trông nó tẩm ngẩm tầm ngầm thế thôi, nhưng biết thế nào được!”. Mọi người đều phải e dè, cẩn thận từng li từng tí một để giữ cho tài sản của mình không bị sứt mẻ. Không khí vui vẻ, thoải mái trong phòng không còn nữa. Thay vào đó là sự căng thẳng và nặng nề, đặc biệt khi những “con sâu” không chịu chuyển đi. Đóng cửa bảo nhau không xong, “chiến tranh lạnh” nội bộ để tạo sức ép buộc đối tượng chuyển đi cũng không được, cả phòng (dù không muốn) cũng đành phải giao lại cho bảo vệ xử lý. Điều đương nhiên là người có lỗi phải gói ghém ra đi vì cuộc sống tập thể không chấp nhận những cá nhân chuyên đi đục khoét như thế. Có phòng do quá nóng giận trước thái độ quá đáng của đối tượng nên đã tập họp lại và giải quyết bằng bạo lực. Những gì tốt đẹp mà cả phòng cất công xây dựng nên giờ đã tan thành mây khói. Khi được hỏi về cảm giác của mình, hầu hết những người bị mất tiền ban đầu đều cảm thấy tiếc, bực tức và sau đó là thất vọng về người bạn cùng phòng mà mình đã trót tin tưởng bấy lâu nay. Nhưng có lẽ khó khăn nhất là đối với những kẻ ăn cắp. Họ phải đối diện với sự lạnh nhạt của cả phòng bởi vì không ai muốn dung túng cho một người đã mang một vệt đen là “ăn cắp”. Họ xấu hổ. Day dứt. Cô đơn. Sống lặng lẽ như chiếc bóng trong phòng cho đến hết tháng để chuyển đi. Sau vụ ăn cắp bị vỡ lở, mọi người thấy T hay ngồi một mình trên chiếc ghế đá khuất sau rặng tre tối tăm. Đó là những lúc T trở về với chính mình, nhìn lại mình. T nuối tiếc, T ước gì thời gian quay trở lại... Nhưng điều đáng buồn là không phải người nào cũng nghĩ, cũng trăn trở được như T. Vẫn có những sinh viên ăn cắp mà không có một chút lương tâm, không hối tiếc, không nghĩ suy. Họ sống hồn nhiên như chưa có chuyện gì xảy ra cả. Đấy mới là cái gai trong mắt mọi người. Những kiểu người như thế có lẽ máu ăn trộm đã ngấm vào người họ. Tâm hồn bị sâu đục khoét từ trong ra và vô phương cứu chữa. Bộ phận này không nhiều nhưng cực kỳ nguy hiểm.

Cũng cần phải nói qua về động cơ, nguyên nhân của những vụ trộm cắp kiểu này. Một lý do phổ biến đó là do không kiềm chế được khi thấy tiền của người khác để sơ hở mà mình thì lại trong tình trạng túng thiếu. Lý do này trong một trường hợp nào đó có thể thông cảm được nhưng có một số sinh viên ăn cắp chỉ để trang trải cho cuộc sống phóng túng, thích chơi bời của mình. Với họ, bao nhiêu tiền cũng là không đủ. Bòn rút của gia đình chưa thỏa mãn, họ tìm đến bạn bè. Thế là mọi thủ đoạn được họ vận dụng một cách hiệu quả. Đây mới là hiện tượng đáng báo động trong giới sinh viên hiện nay. Nhiều sinh viên đang bị “tha hóa” với đầy đủ ý nghĩa của từ này.

Kết

Việc ăn cắp không chỉ diễn ra ở làng sinh viên mà còn phổ biến ở nhiều nơi khác như Ký túc xá hay các khu nhà trọ. Nó đã thực sự trở thành vấn đề bức xúc, nhức nhối đối với sinh viên. Nhiều sinh viên rất băn khoăn, e dè khi phải ở trọ cùng nhiều người. Những món tiền bị mất đối với sinh viên có thể lớn thật nhưng có thể tìm lại được, còn sự sứt mẻ trong tình bạn và niềm tin thì khó lòng hàn gắn. Những người như thế đang làm ảnh hưởng và mất đi ý nghĩa trong sáng của hai từ "sinh viên".

 Hiếu Giang - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :