Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Chàng A Tú
Cả lớp gọi hắn là A Tú, là “hotboy”, là hâm... và là một vài những cái tên khác nữa. Tất cả ánh mắt của mọi người đều đổ dồn tới hắn mỗi khi hắn tới lớp, cả lớp bàn tán xem hôm nay hắn mặc chiếc áo gì, chiếc quần gì, đôi giày gì... tất cả những gì có liên quan tới hắn hình như đều phải chịu chung số phận bị “xoi”.

 

Hắn là một trong số 6 “mì chính cánh”, những “bông hoa” hiếm hoi của một lớp có tới 86 cô nương đỏng đảnh, đỏm dáng nhất nhì Khoa Báo chí. Hắn vào lớp như một vật thể lạ rơi từ hành tinh khác đến trái đất. Bố mẹ hắn sinh ra hắn đã vậy, ai lại đi trách bố mẹ sao lại sinh ra mình xấu xí. Hắn ăn mặc kiểu quái gở của những gã dở hơi vẫn thường hay mặc chứ không phải cách ăn mặc của một sinh viên đại học. Hắn mặc chiếc áo kẻ ca rô cũ kỹ không biết màu trắng hay màu vàng hay một thứ màu gì khác nhàu nát, bẩn thỉu. Một chiếc quần vải xờn lông nhàu nhĩ, dường như chủ nhân của nó chưa một lần biết tới việc sử dụng bàn là hay mang nó đi thăm hỏi mấy quán giặt khô, là hơi. Một đôi giày thể thao sắp tuột đế, với chiếc cổ giày cao giống như những chàng cao bồi miền Nam Mỹ được vận với chiếc quần cộc trên mắt cá chân. Khoảng cách từ gấu quần xuống tới cổ của đôi giày khủng bố của hắn cũng cách nhau tới hàng chục centimét. Ngày nào đến lớp hắn cũng chỉ diện nhất bộ, hắn tỏ ra tự hào với cách ăn mặc có một không hai mà theo như hắn nói thì đó là cách ăn mặc “phá cách”, còn những bộ quần áo của hắn thì đó là hàng “độc” và hắn còn thách thức tất cả những ai trong lớp có ho he ý kiến về bộ quần áo của hắn: “Ai mua được bộ quần áo như của hắn thì hắn sẽ cho người ấy những gì mà người ấy thích, bất kể cái gì...”.

Hắn học không giỏi nhưng lại hay giơ tay phát biểu trong giờ học. Mỗi khi hắn đứng dậy phát biểu thì hắn lại trở thành tâm điểm cho cả lớp quay xuống chỗ hắn xì xào, bàn tán. Hắn đứng dậy cả lớp vỗ tay, một vài người quá khích còn hét lên bằng những từ mà sinh viên đại học như chúng tôi cũng không được phép dùng nhất là lúc khi có mặt của giảng viên trong lớp. Không ai biết hắn trả lời những gì chỉ biết rằng sau khi hắn trả lời xong một vài thành viên “đề nghị cả lớp vỗ tay khen bạn Tú nào”. Giảng viên tưởng cả lớp yêu quý bạn nên chỉ cười, chỉ có hắn lúc nào vẻ mặt cũng lộ vẻ bất cần đời. Cả lớp không ai nói chuyện với hắn. Một vài người nào đó dũng cảm nói cùng hắn thì đều nhận được ánh mắt kèm theo một nụ “cười khẩy” nhạo báng của mọi người. Ai cũng né tránh khi phải ngồi cùng hắn, hắn ngồi bàn nào là bàn đó mọi người chạy như chạy loạn, rốt cục mình hắn ngồi một bàn lúc nào cũng vậy, ngày nào cũng vậy. Thầy giao làm bài tập nhóm, ai cũng sợ hắn ở cùng nhóm với mình, hắn hăng hái làm việc, hắn nhiệt tình tham gia trong các phong trào của lớp nhưng những việc làm của hắn chỉ làm trò cười cho mọi người. Không ai công nhận những đóng góp, những thành tích mà hắn đã làm được, hắn không nản chí, hắn không thay đổi, hắn vẫn là hắn như ngày nào.

Mọi người đồn hắn đã có vợ con ở quê, cả lớp lại được một phen bàn tán. Những nàng “VIP” trong lớp trêu trọc nhau “từ nay mất người yêu rồi, Tú chê mình rồi...”, cả nhóm lại phá lên cười. Họ dựng lên những câu chuyện thêu dệt là gặp Tú cùng vợ đi chơi công viên khi vợ hắn lên Hà Nội thăm chồng, rồi vợ hắn cao hơn hắn một cái đầu. Có người còn chắc chắn là đã theo hắn về quê để tận mắt nhìn thấy vợ con hắn... Hắn cười, hắn bảo hắn đã có vợ, vợ hắn xinh hơn tất cả những đứa con gái lớp này. Tất cả đám con gái lớp này chỉ có thể xách dép cho vợ hắn. Đám con gái tức lắm còn bọn con trai thì được phen tha hồ mừng thầm vì có kẻ giúp mình thoả lòng mong đợi. Một cuộc cách mạng mới lại bùng nổ, đám con gái “tẩy chay” hắn, hắn cười, hắn thích chí và hắn vẫn làm những việc hắn thích.

Một tuần nay hắn không tới lớp, mấy ngày đầu đám con gái thấy thật thích thú, vui vẻ vì không phải nhìn thấy cái mặt đáng ghét của hắn. Ngày thứ tư, mọi người bắt đầu hỏi thăm nhau về hắn, mới đầu là những cô nàng có tiếng là “dũng cảm” sau đến là cả một nhóm và rồi ai cũng tò mò muốn biết vì sao hắn nghỉ lâu vậy? Có người còn đùa cợt cho rằng vợ hắn “sinh con”, một cuộc họp cán bộ lớp diễn ra và tôi phải đảm nhiệm trọng trách khó khăn là tới nhà hắn thăm dò để về báo cáo lại cho lớp. Hắn không có nhà, mọi người bảo hắn phải đi làm kéo xe bò đất thuê để lấy tiền nuôi mẹ đang chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Bạch Mai. Mấy ngày nay trời trở lạnh, mẹ hắn lại mắc thêm bệnh lao phổi nên hắn phải nghỉ học để ở bệnh viện chăm sóc mẹ. Nhà hắn chỉ còn hai mẹ con, nhà nghèo nhưng ước mơ học đại học luôn cháy bỏng trong hắn. Tôi không gặp hắn, nhưng hôm sau tại bệnh viện Bạch Mai mọi người đều ngạc nhiên khi có tới 92 con người đã tới thăm một bệnh nhân của viện, điều mà từ trước tới nay ít xảy ra ở bệnh viện này. Những giọt nước mắt...

 Nguyễn Thị Ngọc - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :