Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Hạnh phúc là khi ta chia niềm vui cho mọi người
Hơn chục năm trở lại đây, đã thành thông lệ, cứ mỗi độ hè về là phong trào tình nguyện của thanh niên, học sinh, sinh viên lại được dấy lên sôi nổi suốt từ Nam tới Bắc.

Chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện của các năm luôn được tổ chức rầm rộ, đội ngũ chiến sĩ tình nguyện đông đảo với hàng loạt các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng được triển khai trên hầu khắp các địa bàn từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến các vùng núi cao, suối sâu, biên giới, hải đảo và những kết quả thu được sau mỗi mùa chiến dịch cũng thật đáng để tuổi trẻ chúng ta tự hào. Vậy nhưng bên cạnh những cá nhân tích cực vẫn còn không ít bạn trẻ hiểu chưa đúng về cụm từ “tình nguyện”. Bài viết nhỏ này chính là những suy tư, trăn trở của tôi muốn sẻ chia, trao đổi với bạn đọc...

Tặng những niềm vui tới mọi người

Tình nguyện là gì hả mẹ? Mà các chị lại thích đi. Tình nguyện là gì hả mẹ? Mai sau con cũng lên đường!” - Có lẽ không ít bạn trong chúng ta sẽ bối rối khi phải trả lời những câu hỏi “ngây thơ” kiểu này. Đôi lúc chúng ta hiểu đơn giản tình nguyện là tự nguyện nhưng thực ra tự nguyện chỉ là một yếu tố nhỏ trong “tình nguyện”. Tự nguyện là tinh thần tự giác tham gia một việc gì đó mang tính chất cá nhân nhiều hơn. Dựa trên tinh thần tự nguyện chúng ta làm những việc có ích cho người khác, cho cộng đồng, đó mới là tình nguyện. “Tình nguyện” được hiểu đầy đủ là một hoạt động không đặt ra lợi ích vật chất, không mang lợi ích cá nhân, được làm với tinh thần tự nguyện và đem lại lợi ích cho cộng đồng. 

Đẹp thay hai tiếng “tình nguyện” nhưng thật buồn khi thực tế trong sinh viên chúng ta vẫn có nhiều bạn hiểu chưa đúng mà thậm chí còn “đo đạc” bằng một cái giá cho tinh thần tình nguyện. Họ cho rằng mình đã bỏ công sức thì phải được “trả công”, phải có “thù lao” cho những việc đã làm. Và với suy nghĩ đó, họ đi “tình nguyện” mà hoàn toàn không phải vì mục đích thực của tình nguyện. Họ tham gia tình nguyện theo phong trào, để được vui chơi, được xả hơi, được đi du lịch và được ăn miễn phí. Có những hoạt động tình nguyện khi kết thúc còn được “bồi dưỡng” vì chương trình có nhà tài trợ... Nếu làm tình nguyện vì những suy nghĩ đó thì đâu còn là “tình nguyện” theo đúng ý nghĩa và bản chất của nó.

Làm tình nguyện bạn sẽ nhận được gì? Nếu có ai hỏi tôi như vậy thì tôi sẽ trả lời ngay rằng, chẳng được gì cả cho riêng mình nếu nhìn dưới góc độ vật chất. Nhưng lại “được” rất nhiều nếu ta biết “nhận ra” nó. Làm tình nguyện là vì người khác, vì những người cần sự giúp đỡ, mà những người đó thường là những số phận kém may mắn, là những đứa trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn. Tiếp xúc với họ, giúp đỡ họ dù chỉ là những việc rất nhỏ, bạn sẽ thấy mình có ích. Bên họ bạn mới nhận ra rằng, những trở ngại và khó khăn trong cuộc sống mà bạn vẫn thường than vãn chẳng thấm tháp gì so với những mất mát, khó khăn mà những người thiệt thòi đang từng ngày phải gánh chịu. Bạn vẫn còn hạnh phúc và may mắn hơn họ rất nhiều, điều mà không phải lúc nào bạn cũng nhận ra. Và bạn cũng “học” được nhiều điều không có trong những giáo trình trên giảng đường nhưng lại rất có ích cho bạn trên bước đường lập nghiệp. “Vỡ ra” những điều này còn đáng quý hơn rất nhiều so với số tiền bồi dưỡng đi lại, ăn nghỉ mà bạn có thể được bù đắp sau mỗi chuyến đi xa.

Song, nói đi cũng cần nói lại, vẫn biết là ý nghĩa của tình nguyện không nằm ở giá trị vật chất, nhưng nếu không có “tiền đi lại” thì sẽ rất khó khăn cho sinh viên. Điều này cần tháo gỡ theo hai hướng, một là Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên xin nhà trường kinh phí hỗ trợ hoạt động; hai là chúng ta tự tìm nguồn tài trợ, coi đây là một phần của kế hoạch tình nguyện. Đã có ý kiến sinh viên cho rằng, hoạt động tình nguyện là “lao động công ích”. Nhưng khái niệm “lao động công ích” không có nghĩa là mấy chục ngàn, mà hơn thế đó là một hình thức để mọi công dân thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng. Hình thức lao động ấy có thể không mang lại hiệu suất cao, nhưng đó là việc cần thiết để con người có ý thức nhiều hơn về lao động, về cuộc sống cần sự sẻ chia.

Không có việc gì nhỏ. Chỉ sợ ta không làm!

Không ít ý kiến cho rằng đã là tình nguyện thì phải làm những “việc lớn”, đi về những vùng xa xôi chứ không “bõ công” làm những việc nhỏ. Đồng ý rằng, thanh niên luôn thích đi xa, đến những vùng gặp khó khăn bạn sẽ cảm thấy vui hơn với môi trường mới, được sống với bà con ở đó sẽ thấy nhiều điều thú vị. Nhưng ngay tại thành phố cũng có rất nhiều nơi cần chúng ta. Vì người thiệt thòi ở đâu cũng có. Vả chăng không phải thấy vui thì mới đi tình nguyện. Hãy bắt đầu tình nguyện từ những việc nhỏ quanh ta, rồi bạn sẽ thấy ý nghĩa to lớn của nó! 

Những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng càng ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, đó là một tín hiệu đáng mừng nhưng không phải tất cả sinh viên đều cảm nhận được hết ý nghĩa của nó. Vậy nên việc nâng cao chất lượng các hoạt động cũng như tổ chức các buổi nói chuyện với sinh viên về tinh thần tình nguyện, công tác xã hội là điều cần thiết.

Nếu cứ mãi hỏi hạnh phúc là gì thì bạn sẽ không tìm được câu trả lời. Hạnh phúc của mình là làm cho người khác được hạnh phúc - đó là phương châm của tinh thần tình nguyện. Hãy đi, hãy làm, hãy sống hết mình rồi bạn sẽ thấu hiểu điều ấy. Bạn đang có trong tay những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, những năm tháng của tuổi trẻ để nghe tinh thần tình nguyện trong tim.

 Đoàn Kim Ngọc - Học viện Thanh thiếu niên TƯ - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :