Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Ký ức xanh sau mùa phượng đỏ
Ngày cả đội lên đường, phượng nở đỏ một vùng trời rưng rức nắng, rộn rã tiếng ve ngân. Còn hôm nay, bản nhạc ve đã lắng và nắng đã nhạt dần trên những mái phố cong vênh để con đường đưa những sinh viên tình nguyện từ “mặt trận” về lại giảng đường đại học như dài hơn và xa hơn bởi hình như trong suy nghĩ, mỗi người đều miên man theo những nỗi niềm riêng. Họ chưa ra khỏi “chiến dịch xanh” và những ký ức về những ngày “tay trong tay hát bài ca tình nguyện” cứ theo nhau lớp lớp ùa về tựa những cơn gió mát lúc giao mùa...

1- “Nơi cả đội “đóng quân” là một mái nhà lá đơn sơ với khoảng sân nhỏ có mái lá che để chúng tôi quây quần văn nghệ vào những buổi chiều khi mọi việc đã hoàn tất. Lần đầu tiên lên đến địa đầu Tổ quốc cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là khói lam chiều quấn quýt trên triền đồi. Lần đầu tiên tôi được dự phiên chợ vùng cao dẫu đã nhuốm ít nhiều hơi hướng thành thị nhưng vẫn thấp thoáng sắc áo của các cô gái người Tày, người Nùng... Chúng tôi đã phải trải qua những ngày vất vả và khổ sở vì thiếu nước. Có khi tất cả phải nhắm mắt dùng nước suối để đánh răng, rửa mặt mặc dù biết ở đoạn bên trên có một đàn trâu đang tắm... Tôi nhớ các em, nhớ lũ nhóc lần đầu tiên cho tôi biết cảm giác được đứng trên bục giảng dẫu tôi đã ấp ủ giấc mơ làm cô giáo từ ngày còn nhỏ. Tôi đã đứng đó để nhìn thấy sự ham học ánh lên từ những đôi mắt trong veo biết nói.

 

Các em rất thích học tiếng Anh. Hạnh phúc biết bao khi những ngày cuối ở đây, tôi nghe thấy tiếng các em lanh lảnh hát những bài hát tiếng Anh học được ở lớp. Tiếng hát trong vút vượt khỏi cái ngút ngàn mây núi... Tôi đã ở đó để lắng nghe tâm sự của cậu bé Huế thích đến trường nhưng em còn phải chăn bò. Cái dáng nhỏ bé trong manh áo đã rách tả tơi, lũn cũn sau 4 con bò trên triền đồi còn ám ảnh tôi mãi đến hôm nay. Càng thương hơn khi em bị ướt lướt thướt lúc tranh thủ đi kiếm cho chúng tôi một bao quả bứa. Khi ấy tôi giận lắm cơn mưa bất chợt của núi rừng. Buổi tối hôm liên hoan chia tay, em rút trong túi cho tôi một que kem 500 đồng vì buổi chiều tôi vừa nói khoái nhất và nhớ nhất món kem ở đây. Chuyến đi làm tôi lớn lên rất nhiều. Nói cho cùng, ta lớn lên không phải khi biết tự chăm sóc cho bản thân mình mà là lúc ta biết lo lắng và chăm sóc cho những người xung quanh. Đêm đầu tiên trở lại thủ đô, tôi lặng đi trong bản nhạc “Hà Giang quê hương tôi”, lặng đi trong nỗi nhớ miên man về mảnh đất dường như đã thành một góc tâm hồn mình, chống chếnh trong một đêm khó ngủ...”. (Trần Thị Phương Thảo - K51 Sư phạm Ngữ văn, Khoa Sư phạm, ĐHQGHN)

 

2- “Trong mùa hè tình nguyện đó, mỗi ngày chúng tôi phải đi bộ hơn 20 km đến từng thôn bản để làm việc, hàng ngày phải kiếm củi, 3 ngày phải đi chợ phiên một lần giúp các bạn gái vác đồ về cho hơn 20 người ăn. Cơm ăn chỉ có lạc rang và muối vừng, chúng tôi ăn bằng bát ô tô mà vừa cúi xuống ngẩng lên đã thấy cái nồi toàn cháy vì ai cũng ăn khỏe cả. Nhà tắm che bằng lá cọ rất tuềnh toàng, có khi đang tắm, gió lay rụng cành lá cọ đúng lúc một cô bạn gái đi qua... Đi tình nguyện, những lúc nhớ nhà, nhớ quê rủ nhau ra ngồi tâm sự, hiểu nhau hơn, đến khi kết thúc chiến dịch thì toàn đội đã thành thân thiết...”. (Nguyễn Phan Quang - Phó bí thư Đoàn Khoa Quốc tế, ĐHQGHN)

 

 

3- “Lùi dần phía sau những toà nhà cao ngất, những con đường bê tông kiên cố của thị thành, chúng tôi đã đến với núi rừng Hòa Bình. Hai mươi ngày trong suốt chiến dịch hè là những ngày đáng nhớ với những kỷ niệm vui. Thật khó có thể quên tiếng “còi mồm” quen thuộc và nụ cười vui của nàng Đội trưởng, khó có thể quên cảm giác của chị em khi nghe chàng Duy cất tiếng hát, khó có thể quên những sự cố xảy ra với chuyện “cắm cờ” hay trong những lần đi tuyên truyền, khó có thể quên nét mặt “ngớ ngẩn” của một chàng trai bản khi hỏi giùm vợ về sức khỏe sinh sản và cách phòng tránh thai. Và cũng nhiều kỷ niệm đã trở thành giai thoại mà chúng tôi nhớ mãi. Những giây phút ấy là lúc tôi cảm nhận được cái nắm tay của người bạn dắt tôi qua suối, phải nắm thật chặt để giữ cho nhau không bị ngã và còn để nói lên nhiều điều hơn thế. Những phút giây ấy là những lời thăm hỏi động viên khi có người bị ốm, bát cháo bạn đưa có hương mùi tía tô bạn xin được khi đi tuyên truyền - tôi biết và cảm nhận được sự yêu thương. Những giây phút ấy là lúc các bạn nam phải đội trời mưa, chống gậy đi tìm những thành viên của đội bị lạc giữa trời mưa và đêm tối. Hạnh phúc lại vỡ oà khi những người bạn an toàn trở về, cả đội bật khóc như những đứa trẻ và mọi người càng gắn bó với nhau hơn. Mùa hè đi qua với biết bao kỉ niệm. Những con đường, những tháng ngày đi qua sẽ không bao giờ phai trong tâm trí mỗi chúng tôi, nằm sâu trong kí ức với những tình cảm thiêng liêng - kỉ niệm của những ngày được hoà màu xanh tình nguyện vào màu xanh của núi rừng và cuộc sống...” (Ngân Thương - K52 Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)

 

 

4- “Đó là lần đầu tiên mình đón một sinh nhật xa nhà, trong một hoàn cảnh cũng thật đặc biệt: đang tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện ở một xã miền núi giáp biên thuộc tỉnh Cao Bằng. Đêm qua, nằm nghĩ đã tủi thân. Vậy là mình phải đón tuổi mới ở đây - ở một nơi mọi thứ đều thiếu thốn nhất, nghèo nàn nhất, lạc hậu nhất. Cả ngày hôm nay, mình đi lao động phối hợp cùng thanh niên địa phương dọn vệ sinh môi trường. Nắng nóng rát người. Chiếc cuốc nặng chịch làm cho tay mình rớm máu. Con bé tiểu thư ngày nào, vốn ở nhà vẫn được bố mẹ chiều chuộng, nay phải làm quen với vất vả, cũng thấy chạnh lòng, nhất là hôm nay là sinh nhật nữa... Ngồi thu mình trong góc nhà sàn, mình buồn khôn xiết. Ngày hôm nay, sinh nhật, không một cuộc điện thoại, không một tin nhắn chúc mừng (vì ở đây làm gì có sóng điện thoại). Thấy nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, nhớ những bó hoa rực rỡ, nhớ bánh ga tô...  Đang miên man suy nghĩ, bỗng giật mình bởi tiếng cười nói xôn xao. Quay lại, đã thấy mọi người lục tục kéo đến. Nhìn đến là cảm động: tay cầm đèn pin, quần xắn đến đầu gối, người nào người nấy ướt nhẹp. Mưa to thế cơ mà. Mọi người phải đi bộ rất xa mới đến nhà sàn chỗ đoàn mình ở. Anh Bí thư xã đoàn, tay cầm giỏ hoa lan rừng - thứ hoa ở nơi đây mà mình rất yêu thích, miệng toét cười giải thích: chiều nay anh đã phải trèo lên rất cao mới lấy được cho em đấy... Các em nhỏ ở trường học lúc chiều mình dựng nhà, đáng yêu biết mấy, đem đến hai tổ ong rừng mà chiều nay trong lúc đi phát bụi rậm đã bắt được. Thứ ong rừng non còn trong tổ này mà xào lên là ngon hết biết. Các bạn trong đoàn tình nguyện, chẳng biết chuẩn bị từ bao giờ một quả bóng bay, trong đó chứa đựng tất cả lời chúc tốt đẹp của mọi người. Mình lặng đi trong hạnh phúc... Sinh nhật tuổi 20, không bánh ga tô, không hoa hồng, không nhạc chúc mừng sinh nhật. Sinh nhật tuổi 20, không người thân bên cạnh. Sinh nhật tuổi 20, lần đầu tiên mình hiểu về tình đoàn kết, nỗi khốn khó và tấm lòng của người dân ở một trong những nơi nghèo nhất của Tổ quốc. Sinh nhật tuổi 20 trở nên là một là sinh nhật vui nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời...”. (Hạnh Hoa - K52 Sinh học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN ).

 Văn Trương (ghi) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :