Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Cán bộ Đoàn “cứng” sẽ trưởng thành từ phong trào tình nguyện
Cuối tháng 7/2008, PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh - nguyên Bí thư BCH Đoàn Thanh niên ĐHQGHN đã nhận quyết định bổ nhiệm làm Bí thư Trung ương Đoàn. Được rèn luyện, trưởng thành từ môi trường giáo dục của ĐHQGHN - cái nôi của rất nhiều các hoạt động phong trào Đoàn sôi nổi, hiệu quả, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đã chia sẻ với Bản tin ĐHQGHN những tâm sự, suy tư của mình trước khi đón nhận một nhiệm vụ công tác mới...

Rất nhiều người tò mò muốn tìm hiểu kỹ về anh, về mối quan hệ giữa một nhà khoa học với một cán bộ Đoàn?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi đã có một số năm lăn lộn trong giới khoa học, sẵn có một số mối quan hệ, quen biết nên tập hợp lực lượng trí thức trẻ khá thuận lợi đồng thời cũng có thể tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học để áp dụng vào hoạt động Đoàn. Tính khoa học, tư duy khoa học dù ở công việc nào, môi trường nào cũng cần thiết. Thực chất, làm nghiên cứu và làm Đoàn khác nhau rất nhiều. Nghiên cứu là công việc đòi hỏi tính khoa học; phải tập trung vào chuyên môn hẹp; đòi hỏi đào sâu suy nghĩ, không ngừng trang bị kiến thức; có thời gian nghiên cứu và tích lũy được kinh nghiệm từ thực tiễn. Nhưng, công tác Đoàn lại là hoạt động phong trào mang tính xã hội hóa cao; đòi hỏi phải thực hiện theo nghị quyết, chỉ đạo và đương nhiên đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng của thủ lĩnh Đoàn. Cán bộ Đoàn phải trăn trở về mục đích tổ chức phong trào, làm nào để phong trào có tính lan tỏa và tác động với tầng lớp thanh niên, để họ có thể phát huy tốt tiềm năng, có bản lĩnh vững vàng.

Anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Đòan ĐHQGHN

Trở thành Bí thư Trung ương Đoàn, tức là thành một thủ lĩnh Đoàn chuyên trách, theo anh được và mất những gì?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Khi tôi là Bí thư Đoàn ĐHQGHN, làm công tác kiêm nhiệm nên hoạt động Đoàn bổ trợ tốt cho chuyên môn. Nhưng tôi được phân công làm công tác Đoàn chuyên trách chuyên nghiệp sẽ không làm chủ được quỹ thời gian. Nhận nhiệm vụ mới, công việc sẽ nhiều hơn nhưng tôi hy vọng sẽ vẫn sắp xếp được thời gian để tham gia vào nhóm nghiên cứu, đóng góp ý tưởng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Công việc gì cũng yêu cầu phải được tổ chức có đầu có đuôi, huy động được nhiều người cùng tham gia đóng góp trí tuệ và sức lực. Còn cái mà tôi luôn thấy thiếu là thời gian (cười).

Nếu để chia sẻ với các bạn cán bộ Đoàn của ĐHQGHN thì anh sẽ nói gì?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Hoạt động Đoàn tích cực là phải xác định mục tiêu ý nghĩa giúp thanh niên rèn luyện tư tưởng bản lĩnh, kỹ năng tổ chức, thuyết trình và nhiều kỹ năng khác... Tôi rất mong thanh niên đến với hoạt động Đoàn để được rèn luyện trưởng thành. Đoàn là trường học đào tạo thanh niên trưởng thành hơn. Môi trường này không lập tức mà nhìn ra ngay lợi thế của nó, nhất là khi Đoàn viên có rất nhiều mối quan tâm trực tiếp khác. Nhưng nếu dành ra thời gian rảnh rỗi để đến gần hơn với Đoàn, đó là một việc nên làm.

Anh nghĩ sao về việc lựa chọn địa điểm tình nguyện cho các đội SVTN vào mỗi dịp hè?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Gần đây, năm nào tôi cũng chỉ đạo chiến dịch Mùa hè xanh của tuổi trẻ ĐHQGHN. Chọn địa bàn để sinh viên đi tình nguyện có ý nghĩa rất lớn. Thủ lĩnh Đoàn phải hiểu mục đích để triển khai chiến dịch cho hiệu quả, tự đặt ra câu hỏi đưa sinh viên đến đó với mục tiêu gì? Trước hết, hoạt động tình nguyện để rèn luyện Đoàn viên, đưa Đoàn viên từ trường học bước vào thực tế khó khăn, điều kiện thiếu thốn để họ phần nào cảm nhận được cuộc sống; rèn khả năng tự tổ chức, khả năng lên kế hoạch, tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn cho họ. Người có khả năng tổ chức, điều hành, quay lại trường học có phát huy cao hơn năng lực của mình và được bồi dưỡng thành cán bộ Đoàn “cứng”. Nhiều lứa cán bộ Đoàn trưởng thành qua hoạt động tình nguyện. Đồng thời, phải thể hiện tinh thần đoàn kết hòa đồng với địa phương, tận dụng nguồn lực của địa phương…

Trong mùa hè 2008 vừa qua, BCH Đoàn ĐHQGHN quyết định chọn huyện Thạch Thất là địa bàn hoạt động trọng điểm của 20 đội hình tình nguyện trải đều khắp 20 xã, thị trấn với hơn 600 chiến sĩ áo xanh, vậy lý do chính theo anh là gì?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Một số đội hình tình nguyện liên hệ trực tiếp đi vùng sâu vùng xa, những họ sẽ gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, tổ chức… Nhưng nếu xuất phát từ mục đích đi vào thực tế để giải quyết vấn đề thì đi Thạch Thất (Hà Nội) cũng không có gì khác tình nguyện tại tỉnh Sơn La. Bên cạnh đó, cơ sở mới của ĐHQGHN được đặt trên địa bàn Thạch Thất nên sẽ thật ý nghĩa nếu tại địa phương này, trong mùa hè với nhiều sự kiện quan trọng này có sự hiện diện của sinh viên ĐHQGHN...

Khi còn đương nhiệm vai trò Bí thư Đoàn ĐHQGHN có ý tưởng hoặc điều trăn trở gì mà anh chưa thực hiện được?

Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi cũng còn một số việc đang làm dang dở như: kế hoạch hỗ trợ kỹ năng việc làm mới bắt đầu, trang website của Đoàn Thanh niên ĐHQGHN, vận động Đoàn, tổ chức hoạt động Đoàn qua internet, hệ thống câu lạc bộ - phương thức sinh hoạt Đoàn hội tự nguyện hơn, sinh viên tự nhận thức và tự nguyện tham gia. Hoạt động Đoàn theo hướng mở là tiến tới thành lập câu lạc bộ mở. Mỗi khoa sẽ tổ chức một câu lạc bộ học thuật chỗ dựa cho hoạt động ngoại khóa. Hình thức tổ chức câu lạc bộ là không có bộ máy đi theo, tự sinh viên hoạt động, Đoàn có chức năng hỗ trợ và định hướng cho họ...

Xin cảm ơn anh. Chúc anh hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác mới!

 Lưu Thị Vân - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :