Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Rock tình nguyện
Nghe rock không phải là một cuộc dạo chơi, không chỉ là một trò giả trí mà với những người có tình cảm thật sự thì rock là sự kết tinh giữa những xúc cảm và những giai điệu để nâng tâm hồn lên một trường khác.

Mang tình yêu rock đó vào cuộc sống, những thành viên của nhóm tình nguyện Niềm tin quan niệm rằng: “Tình nguyện là quá trình cảm hoá và bạn phải có trách nhiệm với những gì mình cảm hoá, tình nguyện không phải là tặng một món quà rồi bạn mất tích mà tình nguyện là quá trình tìm hiểu, cảm thông, chia sẻ, giữ được lòng tin yêu và thành bạn”...

Rock - nguồn gốc của "Niềm tin"

Không phải cứ đập phá, lập dị, khác người... mới là rock, mà rock như tôi cảm thấy ở họ đó là những con người sống nội tâm, giàu cảm xúc. Tất cả các thành viên của nhóm tình nguyện Niềm tin đã đến với nhau tạo nên một gia đình mà ở đây chưa ai nghĩ đến chuyện mình sẽ nhận được gì, mà chỉ hết sức bù đắp cho những thành viên khác những gì mà họ đáng được hưởng. Ai cũng từng có lúc thấy cô đơn, thèm một bàn tay chia sẻ, những lúc đó họ cần có một niềm tin, niềm tin vào bản thân, vào con người, vào cuộc đời để tiếp tục sống và tiếp tục phấn đấu. Nhóm tình nguyện Niềm tin ra đời với mục đích chia sẻ, sẵn sàng chia sẻ, nâng đỡ tất cả những ai kém may mắn trong xã hội. Ban đầu, nhóm có tên là “Những người bạn”, về sau một số lần họp bàn, nhóm đã quyết định đổi tên thành tình nguyện Niềm tin dựa theo tên bài hát nổi tiếng của ban nhạc rock The Wall “niềm tin cho cát bụi”...

Rock"sSoul + Volunteer"sHeart = NiemTinVolunteerGroup

Những tâm hồn rock + trái tim tình nguyện = tình nguyện Niềm tin - đây là slogan của nhóm. hành lập ngày 16/10/2003 trên diễn đàn buctuong.com sau đó là rock.vn rồi ngherockonline.net, hiện nay nhóm đã gần 6 năm tuổi đời và hoạt động hoàn toàn trên tình thần tự nguyện của mỗi thành viên, cùng nhau làm việc, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia... Thành viên của nhóm ban đầu đa phần là các rockfan hoạt động trong diễn đàn rồi được mở rộng hơn tới nhiều đối tượng. Hiện nhóm có 40 thành viên chính thức và rất nhiều các cộng tác viên trong hầu hết các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Nhóm trưởng Đỗ Tuấn Anh cho biết: “Có những lúc khó khăn, tưởng như nhóm tan rã nhưng bằng tinh thần cuồng nhiệt của rock, trách nhiệm với các em nhỏ tật nguyền... nhóm lại vực dậy hoạt động...”. Địa bàn hoạt động của nhóm chủ yếu ở mảng giúp đỡ trẻ khuyết tật tại làng Hữu Nghị (Vân Canh, Hoài Đức), Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Ngọc Sơn, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm bảo trợ Xã hội 3 (Đại Mỗ, Từ Liêm)... Đến với các làng trẻ, các thành viên của nhóm sẽ tổ chức nhiều hoạt động như dạy học, đọc truyện, chơi thể thao với trẻ khiếm thị, chăm sóc trẻ sơ sinh, hướng dẫn các em đan, thêu... với phương châm giúp các em hoà nhập nhanh hơn với cộng đồng và bớt đi những mặc cảm trong cuộc sống. Nhóm hướng tới những nơi thật sự cần những tấm lòng tình nguyện. Hoạt động của nhóm không chỉ vào các dịp lễ tết mà trong suốt 5 năm qua được duy trì thường xuyên vào 2 ngày cuối tuần. Dù ngày nắng hay mưa các thành viên vẫn hăng hái đạp xe đến với các làng trẻ bởi “khi bạn đến với các em, với chúng bạn đã là một người rất quan trọng. Nếu bạn chỉ đến một lần và không quay trở lại bạn chỉ tạo nên một vết thương lòng cho chúng mà thôi, vô tình bạn đã đánh mất niềm tin của chúng vào con người và những người đến sau sẽ rất khó có thể tạo được một niềm tin nơi các em...” - Ngọc Anh, một thành viên của nhóm chia sẻ. Sau 5 năm, nhóm đã thực hiện một số chương trình đầy ý nghĩa với trẻ em khuyết tật như các chương trình Trung Thu, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Noel dành cho trẻ khuyết tật tại các trung tâm, trẻ lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội trong suốt những năm qua; Chương trình quyên góp băng catxet, đọc băng hè xây dựng thư viện Sách nói cho người khiếm thị; Chương trình quyên góp quần áo giúp đồng bào lũ lụt, trẻ em lang thang; Chương trình quyên góp giấy cứng cho người khiếm thị viết bài; Chương trình quyên góp sách báo cũ xây dựng thư viện cho trẻ em thiệt thòi… Hiện nay, nhóm đang tiến hành dự án “âm thanh yêu thương”, xây dựng thư viện sách nói online gần gũi, tiện dụng và phù hợp với người khiếm thị trên toàn quốc.

 Hương Giang - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :