Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Những nghịch lý trong nghiệm thu và chất lượng giáo trình
Xem qua một cuốn sách lý luận, nghe nói cuốn sách này là giáo trình của một ngành học, tôi đọc thấy: “Tất cả các thể loại [...] đều lấy con người làm đối tượng phản ánh, chính con người và những gì liên quan đến con người đều là đối tượng phục vụ của [...].” Sai quá! Sao lại chỉ lấy con người làm đối tượng phản ánh. Viết như thế người học có thể hiểu là nếu không phải con người thì không được phản ánh?

Nếu tôi viết văn, làm thơ, viết báo, làm sử... đều có mục đích phục vụ cho con người thì mới phải, còn đối tượng phản ánh có thể là những hiện tượng tự nhiên, những câu chuyện về động vật... chứ sao lại chỉ là con người? ở vế thứ hai của câu trên còn nghiêm trọng hơn: Nói con người là đối tượng phục vụ của mọi hoạt động thì được, nhưng những gì liên quan đến con người cũng là đối tượng phục vụ thì làm sao mà tin được? Chẳng lẽ tôi làm nghệ thuật là để phục vụ cho “những gì liên quan đến con người” như cái nhà, cái xe, con chó, con mèo...? Sau đó đúng 19 trang lại gặp một luận điểm khác: “[...] được coi là thể loại [...] duy nhất lấy con người làm đối tượng phản ánh”. Luận điểm này mâu thuẫn gay gắt với luận điểm trên. Vừa nói “Tất cả... lấy con người làm đối tượng phản ánh”, bây giờ thì “duy nhất”. Nhưng nếu tách riêng nó ra, không cho dây với luận điểm trên thì tự nó cũng là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu nói như vậy thì các thể loại khác không được phản ánh về con người? Đáng sợ thật!

Đọc rồi quên, hay cố quên đi thì cũng vậy thôi. Nhưng rồi một hôm, tình cờ được chứng kiến một cuộc nghiệm thu giáo trình. Thành phần Hội đồng bao gồm: Chủ tịch là trưởng khoa, đồng thời cũng là người cùng chuyên môn với tác giả viết giáo trình. Phản biện 1 là một nhà nghiên cứu lý luận thuộc chuyên ngành với tác giả giáo trình nhưng ở một cơ quan khác. Phản biện 2 là một nhà chuyên môn ở doanh nghiệp. Cả 3 người đó thuộc thành phần Hội đồng đều hợp lý. Nhưng còn có 3 người khác - những người có quyền quyết định số phận cuốn giáo trình - bao gồm thư ký và 2 uỷ viên đều là những người chẳng liên quan gì đến chuyên môn mà cuốn giáo trình này đang thực hiện. Trong khi đó thì một loạt các nhà chuyên môn gồm 5 - 7 người cùng chuyên ngành với tác giả viết giáo trình lại không được có mặt trong hội đồng nghiệm thu. Lại nghe nói ông chủ tịch hội đồng này có tính chuyên nghiệp. Ông ấy làm chủ tịch hội đồng nghiệm thu thuộc bất kể giáo trình hay đề tài nào. Lần này chỉ là sự trùng hợp tình cờ, nếu đó là giáo trình thuộc chuyên ngành khác thì ông ấy vẫn là chủ tịch hội đồng. Nghe nói có những nhà chuyên môn cự phách lại không được tham gia hội đồng chỉ vì “không hợp gu” hay thiếu một tấm bằng tầm cỡ.

Thế đấy, các nhà không chuyên môn thì tham gia thẩm định chất lượng giáo trình, các nhà chuyên môn xịn thì phải đứng ngoài cuộc. Phải chăng những luận điểm ngô nghê được nhắc đến trên đây với thành phần hội đồng nghiệm thu có mối quan hệ nhân quả? Giá như có một chủ trương để mọi thành viên trong tổ bộ môn được quyền thẩm định giáo trình từ khi mới làm đề cương cho đến khi in ấn, chắc chắn chất lượng giáo trình sẽ cao hơn!

Điều tôi viết trên đây là hoàn toàn chính xác. Chỉ vì không muốn mọi người ghét bỏ nên tôi cố giấu địa chỉ của cuốn giáo trình và hội đồng nghiệm thu. Âu cũng là lối sống mũ ni che tai của các thầy đồ mà! Nhưng nếu các nhà lãnh đạo muốn chất vấn thì tôi sẵn sàng tiếp kiến. Địa chỉ và tên thật của tôi đều có ở toà soạn.

 Hải Long - Bản tin ĐHQGHN số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: