Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Thực tập kiểu báo chí
Vui vẻ, bổ ích, hiệu quả và cả một chút nuối tiếc là cảm nhận chung của 75 sinh viên lớp Báo chí K47, trường ĐHKHXH&NV trong chuyến đi thực tập 7 ngày trên dải đất miền Trung ...

Đi để lớn

Với quan điểm, Báo chí là nghề có thể học được chứ dạy thì không, TS. Nguyễn Thị Minh Thái - Trưởng đoàn thực tập coi đây là cơ hội tốt để mỗi sinh viên học nghề. Vì vậy trong 7 ngày một lịch trình kín mít đã được lên trang và làm cho mỗi sinh viên "nghi ngờ" khả năng có thể thực hiện được của nó. 7 ngày đi với 9 điểm tham quan và 5 buổi giao lưu gặp gỡ với các nhà báo, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã làm dày thêm vốn kinh nghiệm ít ỏi của sinh viên Báo chí vốn chỉ được học lý thuyết trên giảng đường. Báo chí là một hành đòi hỏi thực hành cao, những buổi giao lưu gặp gỡ đầy sự chân thành cởi mở của các nhà báo cũng như mỗi cơ quan báo chí là một cơ hội có một không hai cho mỗi sinh viên. Trong các buổi giao lưu các nhà báo đã không ngần ngại truyền những "món" nghề. Chưa bao giờ sinh viên có thể hỏi tất cả những băn khoăn thắc mắc, những vấn đề mình quan tâm một cách thoải mái và được các nhà báo trả lời thẳng thắn và đưa ra những lời khuyên bằng những câu chuyện thực tế trong cuộc đời viết báo của họ. Nhà báo Trần Xuân Ngọc - Giám đốc cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại miền Trung trong buổi giao lưu với đoàn thực tập ngày 17/4 đã dành cho sinh viên những lời khuyên vàng. Những câu chuyện của nhà báo về mỗi lần viết bài điều tra thực sự đã làm sinh viên phải "mắt chữ O miệng chữ A" kinh ngạc. Theo nhà báo Xuân Ngọc thì đối với mỗi nhà báo điều quan trọng nhất là phải đưa ra những thông tin trung thực, không có kiểu ngồi nhà gọi điện hay nghe ngóng mà phải trực tiếp "sờ" được vào sự kiện, chứng kiến và đeo bám sự kiện. Trước khi nhà báo đặt bút viết phải suy nghĩ xem thông tin mình đưa ra có hiệu quả gì, nó có xâm phạm, ảnh hưởng đến Nhà nước, tổ chức hay cá nhân nào khác không. Mỗi bài báo, tác giả nên đưa nhiều dẫn chứng bằng văn bản, đưa ra nhiều số liệu để người đọc tự thấy bài báo có khả năng thuyết phục và không gây sự nghi ngờ cho độc giả. Còn riêng đối với những người chuyên về viết phóng sự điều tra như ông thì khi có trong tay 10 thông tin chỉ cung cấp 2 thông tin còn giữ để "phòng thân". Am hiểu pháp luật sẽ là một vũ khí không thể thiếu cho mỗi cây bút chuyên "moi móc" những vấn đề tiêu cực trong xã hội.

Sau mỗi buổi giao lưu, TS. Nguyễn Thị Minh Thái thấy sinh viên của mình như "lớn hơn": Đặt những câu hỏi có tính báo chí hơn, khi hỏi đã tự tin hơn... Như vậy, cách học này thực sự đã mang lại hiệu quả.

Người trèo đò trên sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Bùi Tuấn

Đi để yêu hơn dải đất miền Trung

Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị là những điểm dừng chân của đoàn thực tập trong đó Huế và Đà Nẵng là 2 điểm chính. 8 giờ sáng ngày 15/4 sau hành trình đi đêm đầy mệt mỏi, Huế hiện ra hiền hoà và thơ mộng làm cả đoàn phải thức tỉnh. Thời gian chưa nhiều để có thể hiểu hết về con người và một vùng đất, nhưng Huế đủ để lại một ấn tượng trong lòng mỗi người lần đầu đặt chân đến Huế, còn những người lần 2 như gặp lại một người bạn quen mà lạ. Buổi tối du thuyền trên dòng Hương Giang thơ mộng và nghe dân ca cổ truyền Huế lòng người chợt thanh thản lạ. Với dàn nhạc cụ gồm đàn Bầu, đàn Tranh, đàn Nhị, đàn Nguyệt và Sáo trúc cùng 3 ca sĩ trong tà áo dài Huế thướt tha làm thành một dàn nhạc làm say lòng du khách. Ai đã một lần nghe dân ca Huế trên sông sẽ không bao giờ quên hình ảnh về Huế: thanh bình, dịu dàng và mộng mơ.

Không chỉ có cảnh sắc Huế, con người Huế cũng thật đặc biệt. Không ồn ào như chốn Hà Thành, con người Huế rất lặng lẽ và có người còn nói là hơi "khinh khỉnh", nhưng ta dễ bị hút vào cái vẻ khinh khỉnh ấy. Giọng nói dễ thương và bản tính chân chất thực thà đã làm nên ấn tượng Huế trong tôi. Tôi còn nhớ mãi ánh mắt của một em bé trai chừng 5, 6 tuổi. Bé được một người thợ chụp ảnh nhờ trả lại 2.000 đồng tiền thừa cho tôi. Lúc đó gần 23 giờ đêm, một đứa bé trai lại gần tôi và nói lí nhí trong miệng mà tôi nghe không rõ: Có phải lúc nãy cô thừa tiền không ạ? Tôi nghe không rõ và nghĩ rằng đó là một đứa trẻ ăn xin nên giọng hơi lạnh lùng: Em cần gì? Lúc đó bé dí tiền vào tay tôi và đi, chỉ kịp nói một câu: Chú lúc nãy trả tiền lại cho cô. Tôi chưa kịp nói gì thì bé đã chạy đi xa.

Rời Huế trong nỗi nuối tiếc, chúng tôi vào Đà Nẵng. Con đèo Hải Vân nối liền 2 vùng đất thực sự tạo ra ấn tượng về sự hùng vĩ, kỳ diệu đối với những sinh viên lần đầu tiên đặt chân lên đây. “Thật không thể tin được”, kèm theo nhận xét đó là những tiếng reo, tiếng hò hét, những tiếng vỗ tay tăng theo từng đoạn dốc cua đã nói lên sự kinh ngạc trước vẻ đẹp của con đèo.

Tiếp tục chuyến hành trình, đặt chân đến Đà Nẵng đã 19 giờ ngày16/4. Một thành phố điện sáng trưng và những con đường rộng rãi, thoáng mát những căn nhà với kiểu kiến trúc đơn giản mà ấn tượng đã gây ra một niềm thích thú đối với chúng tôi. Tất cả như thấy được sức trẻ và sự vươn lên mạnh mẽ của thành phố.

Nếu như Đà Nẵng gây được ấn tượng ở sự sôi động, trẻ trung thì Hội An (Quảng Nam) lại để lại dấu ấn trong lòng chúng tôi bởi vẻ đẹp cổ kính. Cũng là thành phố của ánh sáng như Đà Nẵng, nhưng thay vì ánh điện ở Hội An là những ánh đèn lồng gợi nên sự cổ kính và mong muốn khám phá vẻ đẹp huyền bí của nó. Theo như ông Nguyễn Sự - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Hội An (người có công đầu đưa Hội An trở nên nổi tiếng như hôm nay) thì người Hội An đã làm nên linh hồn của phố cổ. Với diện tích đất 60 kilomet vuông với 2 vạn dân, trên 1000 di tích và 3 dãy phố cổ với 1068 ngôi nhà cổ đã khiến Hội An trở thành một quần thể di tích sống. Ông Nguyễn Sự cho biết: Mỗi năm Hội An thu hút trên 600.000 lượt khách. Hội An đã được cha ông ta đốt đuốc tìm ra thì nhiệm vụ của những người dân ở đây là giữ được lửa ở ngọn đuốc đó. Hội An không có bia ôm, massage, không có ăn xin, người dân hiền hoà mến khách, như cách ví von của ông, bạn chỉ cần ở lại 3 ngày thì người dân của cả thị xã sẽ biết bạn là ai, từ đâu đến. Điều đặc biệt ở đây là người dân đều biết nói tiếng Anh. Những yếu tố đó đủ để thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Điều đó giải thích tại sao ở Hội An chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, từ năm 2001 để thu hút khách du lịch, Hội An đã tổ chức Đêm phố cổ vào 14 âm lịch hàng tháng, theo quan niệm của dân 14 âm lịch là ngày đẹp nhất trong tháng để tái hiện lại Hội An của ngày xưa. Từ tháng 10/2004, ngoài ngày 14 còn tổ chức Đêm phố cổ vào các ngày thứ 4 và 7 trong tuần. Tham dự Đêm phố cổ, du khách có dịp sống lại Hội An xưa, người dân ở khu phố cổ mặc quần áo ngày xưa, cả thành phố tắt đèn điện và chỉ thắp đèn lồng và người dân hát các làn điệu dân ca...

Kiến trúc của Hội An cũng thật khác biệt. Nhìn vỏ thì giống Tàu nhưng ruột thì là của người Việt. Bên trong ngôi nhà có bàn thờ, câu đối hoành phi rất Việt. Đặc biệt là con mắt cửa ở mỗi ngôi nhà. Theo sự giải thích của ông Nguyễn Sự thì con mắt cửa đó biểu hiện triết lý âm dương của phương Đông. Nó đã Việt hoá toàn bộ ảnh hưởng của ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản ở vùng đất này. Con mắt cửa có tác dụng quan sát, theo dõi người chủ sau khi rời khỏi nhà và khi người chủ trở về con mắt đó theo dõi anh xem anh có còn là chính mình nữa hay không? Con mắt đó cũng níu giữ bước chân của du khách mỗi lần nghé thăm Hội An. Những điều đó đã làm nên Hội An thật đặc biệt và tạo ấn tượng khó phai trong lòng du khách, khiến mỗi du khách đã đến đều mong trở lại vùng đất này. Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1999 là hoàn toàn xứng đáng.

Huế, Đà Nẵng, Hội An đã trở thành những miền đất nhớ cho mỗi chúng tôi. Đi và thấy mình lớn hơn, thấy được vẻ đẹp của dải đất hình chữ S đã làm cho chuyến đi thực tập vốn được coi là những chuyến đi du lịch trong đời sinh viên trở nên "tập thực", làm thực và thực sự có ý nghĩa với mỗi người.

 

 Nguyễn Hà ( SV K47 Báo chí) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :