Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Công nghệ... 5 giây
Làm thế nào để cuộc gọi đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất với cước phí thấp nhất lại là chuyện rất đáng “trăn trở” của đám sinh viên. Và công nghệ 5 giây đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó...

Chúng tôi gọi đó là công nghệ mang tính nhân bản

Ngày xưa khi mạng Vinaphone và Mobiphone áp dụng chiêu thức 3 giây miễn phí thì giới sinh viên vô cùng sung sướng. Tuy vậy cái sự "sung sướng" đó suy cho cùng cũng khá là vất vả và khổ sở. Bởi vì trong 3 giây thì khó có thể nói được một câu dài.

Nhưng chuyện đó chỉ còn là... quá khứ. Kể từ khi mạng điện thoại Viettell ra đời đã thu hút được một số lượng lớn sinh viên chuyển qua dùng. Nguyên nhân chính là do cước cuộc gọi của Viettel rẻ hơn các mạng khác. Và đặc biệt Viettel tính block 6 giây, nhưng nếu chỉ 5 giây thì sẽ được miễn phí. Cũng từ đây giới sinh viên xuất hiện cụm từ "công nghệ 5 giây". Nó được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng Viettel.

T.H (K48 Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV) có thể ngồi cả buổi tối buôn chuyện với bạn bằng công nghệ 5 giây mà không một lần nào quá thời gian cả. Có lần tôi được chứng kiến cô nàng cãi nhau với bạn trai rồi lại làm lành, tất cả những câu nói nếu viết ra thì phải được tới 4 mặt giấy. Thế nhưng chúng được thực hiện chỉ bằng công nghệ 5 giây: “Em không thể chịu được cái kiểu đó của anh thêm một lần nào nữa". Cúp máy. “Thôi, hôm nay không cần anh tới đón nữa. Em tự về được rồi”. Cúp máy. Đến nước này thì tôi chỉ còn cách buông bút mà bái phục...

Do yêu cầu khắt khe về độ chính xác khi sử dụng công nghệ này nên ngày càng nổi lên những nhân tài trong việc căn chỉnh thời gian và độ dài câu văn. Anh em bạn bè nhắc đến Đ.N (ĐHKTQD) một cách kính nể khi kể về khả năng gọi điện thoại trong vòng 5 giây của cậu ta. Nhiều lần bạn bè cố tình câu giờ nhưng dường như não cậu ta hình thành chế độ ngắt mặc định nên cứ đúng 5 giây là cậu ta cúp máy. Chính xác đến không ngờ.

Lợi bất cập hại

Công nghệ 5 giây được giới sinh viên nhân bản và áp dụng triệt để trong mọi điều kiện, mọi trường hợp và mọi địa hình. Cũng từ đó khiến nhiều người phải than trời vì vấn đề văn hóa điện thoại.

Thử tưởng tượng một cảnh trên xe buýt: Một anh chàng ăn mặc bảnh bao, rút điện thoại trong túi ra nhấn số gọi. Được hai câu bỗng ngắt phụt máy, rồi lại tiếp tục cái chu trình như vậy nhiều lần nữa. Những người xung quanh lúc đầu ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Đến khi hiểu ra thì ai cũng cực kỳ khó chịu vì những âm thanh cứ tuôn ra từng tràng một như súng liên thanh, rồi lại ngắt... rồi lại tiếp tục... Quả thực là rất khó chịu.

Đối với những người xung quanh khó chịu đã đành. Ngay bản thân những người đó cũng không phải là không can hệ, vừa hại mình mà cũng hại cả người được gọi. Mỗi lần gọi, ngắt máy, rồi lại gọi như vậy thì đến những điện thoại “xịn” nhất cũng phải hỏng. Một chủ cửa hàng điện thoại di động cho biết: sử dụng như vậy tuổi thọ của pin giảm đi nhanh gấp 20 lần bình thường. Và đối với dòng Nokia rất có thể sẽ là nguyên nhân gây nổ điện thoại trong một vài trường hợp.

Kết

Có gan dùng điện thoại thì có gan... trả tiền. Điều đó tưởng như đã là một chân lý. Thế nhưng nó lại không được đám sinh viên ủng hộ cho lắm. Xét cho cùng thì sinh viên cũng vẫn còn nghèo. Mà dù có không nghèo thì việc dùng điện thoại "chùa" vẫn có cái hứng thú riêng của nó. Nhưng thiết nghĩ khi Viettel đã đưa ra cái cước phí 6 giây một block là đã tính đến đám sinh viên nhà ta lắm rồi. Vì vậy theo tôi chúng ta không nên phát triển cái công nghệ 5 giây kia như là một niềm tự hào của sinh viên Việt.

 Tố Nga - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :