Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Thư viện Mễ Trì, giữ chỗ kiểu bao cấp
Thư viện quả là một môi trường tối ưu để sinh viên học thi. Thuận hơn cả, là những bạn ở Ký túc xá Mễ Trì, họ chỉ đi vài bước chân là sang thư viện. Còn những sinh viên ngoại trú, cơ hội được học trong Thư viện Mễ Trì của họ ra sao? Ai đã làm khó họ khi họ muốn vào thư viện tìm một chỗ ngồi học, mặc dù chính sách của nhà trường đối với mọi sinh viên là như nhau?

Mùa ôn thi. Mới 7h sáng mà trước cửa thư viện Ký túc xá Mễ Trì đã đông nghẹt cả trăm sinh viên. Cái nắng oi bức không hề hấn gì với những sinh viên đi tìm chỗ học. Nhất loạt đều kiên nhẫn chờ đến giờ thư viện mở cửa. Chẳng bõ công chờ đợi, 7h30, đoàn người cũng ùa được vào bên trong. Nhưng chỉ cách nhau dăm phút, giữa người vào đầu tiên đến người vào sau cùng trong tốp người đó, đã có hẳn một sự cách biệt về quyền lợi.

Nếu bạn là người cuối cùng chen được vào, bạn sẽ khó mà kiếm được một chỗ ngồi. Thư viện hẹp quá? Không! Không phải là hết chỗ… Tôi tiến đến một bàn mới chỉ có một người ngồi, định gạt chỗ sách vở bày tràn lan trên bàn sang một bên. Bạn đó ngẩng lên thản nhiên nói: "Chỗ đó có người ngồi rồi". Chỗ tiếp theo, cũng: "Có người ngồi rồi". Chỗ tiếp theo, cũng vậy! Thấy tôi ngạc nhiên, bạn đó tiếp: "Tớ giữ chỗ cho bạn". Thì ra vậy! Những bạn trong ký túc xá, phần đông muốn có chỗ ngồi trong thư viện, nhưng không phải ai cũng muốn đến sớm để có chỗ. Họ chỉ cần cử một vài đại diện trong phòng lên sớm để giành chỗ. "Ngươi đại diện" có trách nhiệm mở thêm 2, 3, thậm chí 4 cuốn sách ngoài chỗ của mình, mỗi cuốn tương ứng với một người "đặt trước”, đặt trên phần bàn của từng người. Vậy là "một người lên sớm, cả phòng được ngồi".

Ngoài tôi - một sinh viên ngoại trú, ở cách ký túc 8 cây số, đến chờ lúc 6h40, nhiều bạn sinh viên cũng cất công đến thật sớm, và cũng phải ra về vì không kiếm được chỗ ngồi trong cảnh "chỗ thật, người ảo" thế này. Có bạn còn thương lượng với chủ nhân của… 4 chỗ ngồi, cho được ngồi tạm một chút, khoảng 1 tiếng sau, có người đến xin “Chỗ của tớ”, nên đành gấp sách ra về.

Thỉnh thoảng, tôi có nghe bố mẹ kể chuyện xếp hàng mua thực phẩm thời bao cấp, người ta đến thật sớm, đặt một viên gạch làm dấu đã có người giữ chỗ đó, rồi trở lại sau đó vài tiếng đồng hồ. Cũng vì chuyện "xí chỗ" này, mà có khi xảy ra xích mích, thậm chí cãi cọ, ẩu đả lẫn nhau. Chuyện ngày xửa ngày xưa ấy tưởng đã qua lâu rồi, thế mà tôi lại bắt gặp trong cách ứng xử của những sinh viên thế hệ 8x, @ ngày nay. Chuyện giữ chỗ kiểu bao cấp ấy, chẳng phải là một cách ứng xử bất hợp lý, lạc hậu sao? Nếu các bạn sinh viên muốn có chỗ ngồi, sao không tự mình đi sớm, xếp hàng và tìm lấy chỗ cho mình? Bằng không, hãy nhường phần ấy cho người khác đã từng cất công, cất sức chứ! Những “người đại diện” kia, sao lại tự nhận cái trách nhiệm thiên vị vậy? Họ giúp những người bạn cùng phòng lề mề và ỉ lại được hưởng đặc quyền, còn những người bạn chăm chỉ khác lại phải uổng cả công đi, công chờ và công về?

Phải chăng, cái mà chúng ta gọi là "cạnh tranh công bằng", hay "chơi đẹp" chính là bắt đầu từ những điều rất nhỏ nhặt này?

 Linh Thuỷ - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :