Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Hãy cảnh giác với những trung tâm gia sư
“Đến với trung tâm chúng tôi, bạn không mất lệ phí đăng ký” hoặc “bạn sẽ được hoàn trả lại 100% lệ phí nếu bạn không nhận được chỗ dạy như ý”… Chắc chắn tất cả các bạn sinh viên đều đã bắt gặp những tờ rơi như thế này, nhưng thực tế thì như thế nào…?

Trung tâm “mọc lên như nấm” và hoạt động rất chuyên nghiệp

Phố Hạ Đình với chiều dài hơn 1km có đến ba trung tâm gia sư đang hoạt động. Vào giờ tan tầm trung tâm nào cũng “nhộn nhạo” toàn sinh viên. Thế mới biết các trung tâm của ta hoạt động “hiệu quả” như thế nào…? Chủ các trung tâm không ai khác chính là sinh viên các trường đại học và cao đẳng, là những người năng động, có óc sáng tạo, có khả năng giao tiếp tốt. Một trung tâm thường có từ 4 - 10 nhân viên. Hàng ngày, các trung tâm này phát ra từ 2000 - 4000 tờ rơi và thu về từ 4 - 7 địa chỉ.

Trương Công Định (SV ĐHGTVT, chủ một trung tâm gia sư trên đường Khương Đình) cho biết: “Hàng tháng trừ tất tật các khoản chi phí mình có thể thu về từ 1,5 - 3 triệu đồng…”. Nhưng để có một sự “dư giả” về tài chính như vậy, họ cũng phải sử dụng không ít “thủ thuật”. Ngay từ khâu viết tờ rơi, nội dung quảng cáo, câu chữ đã được chú trọng đặc biệt với “Đến với trung tâm chúng tôi, bạn không mất lệ phí đăng ký” hoặc “Bạn sẽ được hoàn trả lại 100% lệ phí nếu bạn không nhận được chỗ dạy như ý”, “Trung tâm chúng tôi là trung tâm duy nhất ở Hà Nội đặt lợi ích của các bạn sinh viên lên hàng đầu”,…

Các bạn đến trung tâm gia sư, lệ phí vẫn phải nộp đầy đủ, thậm chí nếu không may, bạn vẫn bị “lừa đẹp”. Chủ một trung tâm gia sư ở phố Hạ Đình (SV ĐHKHXH&NV) cho biết: “Nói như vậy sẽ thu hút số lượng sinh viên đến với trung tâm, khi bị thắc mắc chỉ cần trả lời đây là chi phí đi lại thuê địa chỉ và lệ phí trả cho nhân viên…”.

“Mánh lới” nhà nghề

Nếu may mắn bạn sẽ gặp được một trung tâm gia sư tốt, một địa chỉ thật thì khoản lệ phí bạn bỏ ra không có gì để nói. Nhưng nếu chẳng may bạn gặp một trung tâm với vô số những “địa chỉ ảo” thì coi như tiền của bạn không cánh vẫn bay. Có những trung tâm sau khi tổ chức “cất một mẻ lớn” thì mất tích một cách khó hiểu nhưng số trung tâm này không nhiều, đa số các trung tâm gia sư duy trì hoạt động dựa trên những “kinh nghiệm nhà nghề”, những kinh nghiệm này được dân trong nghề gọi một cách hài hước là “mánh lới nghề nghiệp”.

Khi đưa bạn đến gia đình của phụ huynh, người của trung tâm gia sư sẽ giới thiệu, nào là: bạn học năm cuối ĐH Bách khoa, năm thứ 3 ĐH Sư phạm Hà Nội kèm thêm những thông tin như có kinh nghiệm dạy học nhiều năm, từng là học sinh giỏi, đạt giải quốc gia, đỗ vào đại học với điểm cao chót vót,… Và sau đó là chấm hết, trách nhiệm còn lại thuộc về bạn và gia đình học sinh.

Lúc địa chỉ có vấn đề, bạn quay lại trung tâm vì hợp đồng vẫn còn giá trị (thông thường hợp đồng có giá trị trong vòng hai tuần) thì được đón tiếp với thái độ khác hẳn với lúc đầu, bạn bị thờ ơ và bị nghe cáu gắt một cách vô cớ. Cuối cùng, điệp khúc bạn sẽ được nghe là: “Gia đình phụ huynh phản ánh với chúng tôi rằng bạn dạy không chất lượng. Tại sao bạn không khẳng định trình độ sư phạm của mình trước khi đi nhận địa chỉ…”. Và chốt lại: “Vì bạn không đọc kỹ hợp đồng, đó là lỗi của bạn và do đó chúng tôi không thể giải quyết …”.

Rất nhiều sinh viên đã phải thốt lên rằng bước vào trung tâm gia sư như bước vào “sòng bạc” vậy! Đặt tiền vào thì dễ, rút ra thì khó. Thuý Trang (SV ĐH Văn hoá) bức xúc: “Mình đã tận dụng mọi mối quan hệ để có một việc làm nhàn hạ và không mất nhiều thời gian nhưng không được, do đó mình không còn cách nào khác là bước vào trung tâm gia sư, mặc dù biết bước vào đấy khả năng mất tiền là rất cao nhưng mình vẫn hy vọng điều đó không xảy ra với mình…”. Sinh viên đặt niềm tin vào các trung tâm gia sư, sinh viên hy vọng và cuối cùng sinh viên cũng là người hứng chịu hậu quả. Bước vào trung tâm gia sư đồng nghĩa với việc bạn chơi trò chơi “được và mất”, nếu may mắn bạn sẽ được một chỗ dạy tốt, ổn định và lâu dài, còn nếu không may mắn bạn sẽ mất tất cả và phải làm lại từ đầu, lại đi tìm một sự may mắn mới.

Thuỷ (SV ĐHKHXH&NV) nhận được một địa chỉ dạy kèm ở Kim Giang, dạy Văn lớp 8 (cho 3 học sinh), một tuần hai buổi, mỗi buổi 60.000 đồng. Như vậy trước tiên, Thuỷ phải nộp cho trung tâm 240.000 đồng cộng thêm 10.000 đồng phí dịch vụ là 250.000 đồng. Theo thoả thuận Thuỷ dạy buổi chiều, từ 1 giờ đến 3 giờ. Đã không biết bao nhiêu lần Thuỷ đạp xe gần 4 cây số dưới cái nắng “như thiêu như đốt” của Hà Nội nhưng đến nơi thì: hôm học sinh đi vắng, hôm không đủ học sinh, hôm học sinh mệt,... Cả tháng trôi qua Thuỷ dạy được hai buổi, trong đó có một buổi học sinh đề nghị nghỉ sớm vì gia đình có việc. Cuối tháng phụ huynh kỳ kèo đòi giảm xuống 50.000 đồng/buổi và đưa cho Thuỷ một phong bì với 100.000 đồng cùng với lời tuyên bố nghỉ học với lý do học trò không tiến bộ. Thuỷ vừa mất sức, vừa mất tiền, vừa mất thời gian nhưng không biết kêu ai...

Loan (SV ĐH Ngoại ngữ) nhận dạy tiếng Anh cho một cậu học sinh lớp 12, khi đến dạy được hai hôm thì Loan phát hiện ra cậu học sinh của mình học vừa yếu, vừa lười, khác hẳn với những gì trung tâm đã giới thiệu, đã thế cậu ta lại hỗn láo, thường xuyên quát nạt Loan. Không thể chịu đựng, Loan bỏ dạy và quay trở lại trung tâm gia sư nọ yêu cầu đổi địa chỉ nhưng không được chấp nhận với lý do “tự ý cắt hợp đồng”.

Tùng (SV ĐH Xây dựng) chủ một trung tâm gia sư trên đường Khương Đình cho biết: “Nếu địa chỉ thực sự có vấn đề mình sẽ thay bằng địa chỉ khác nhưng nguyên tắc làm ăn của bọn mình là không trả lại lệ phí…”. Khi tôi hỏi: “Nếu sinh viên nhất quyết đòi lại lệ phí thì như thế nào…?”. Tùng cười và bảo: “Đối với những người không biết điều, bọn mình sẽ có biện pháp khác…”. Và tôi đã được trực tiếp chứng kiến cái mà Tùng gọi là “biện pháp khác” đối với những người “không biết điều” ấy. Xế chiều, khi đang trò chuyện với Tùng ở trung tâm thì 2 sinh viên nam ăn mặc giản dị bước vào. Hai cậu khẽ gật đầu chào tôi và mọi người trong trung tâm. Qua câu chuyện tôi được biết cậu là Nam, sinh viên năm thứ 2, ĐH Bách khoa. Cậu nhận dạy Toán lớp 12 cho một địa chỉ nhưng do là người miền Trung, giọng nói khó nghe nên sau một buổi học thử, gia đình học sinh đã không đồng ý để cậu tiếp tục dạy. Đã ba lần cậu đến trung tâm và đều được giải thích: “Đó không phải là việc của trung tâm, việc đó cậu phải tự thoả thuận với gia đình học sinh...”. Sau hai lần nói chuyện với phụ huynh nhưng vẫn không thể thuyết phục, cậu quay trở lại trung tâm mong muốn “vớt vát” lại phần nào. Lời qua tiếng lại, nguy cơ một cuộc to tiếng giữa Tùng và Nam có thể xảy ra. Tùng đứng ngay dậy, đập mạnh tay xuống bàn và chỉ ngay vào mặt Nam: “Biến ngay ra khỏi đây! Tôi cho cậu xuống sông Tô Lịch ngay bây giờ...”.

Thấy thái độ hùng hổ của Tùng và mọi người trong trung tâm, cùng ánh mắt soi mói của người đi đường, hai cậu sinh viên lủi thủi dắt xe đi thẳng. Mọi người trong trung tâm nhìn nhau cười đắc thắng và lại bình phẩm, bàn tán về chuyện vừa xảy ra. Khi tôi thắc mắc, Tùng giải thích với thái độ hằng học: “Tại nó làm hỏng địa chỉ, với lại ở đâu chả thế. Mình hiền quá bọn sinh viên bắt nạt ngay…”

Ai cũng biết, sinh viên còn dựa vào bố mẹ, tài chính có hạn, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Cùng là sinh viên với nhau, có lẽ chủ các trung tâm là người hiểu rõ điều này hơn ai hết, đáng lẽ họ phải thông cảm và hỗ trợ sinh viên, đằng này họ lại… Và cuối cùng mọi trục trặc sinh viên đều phải gánh chịu, mọi thiệt thòi đều đổ lên đầu những sinh viên xấu số và ngốc nghếch. Thiết nghĩ, giá như các trung tâm gia sư làm việc có lương tâm hơn, có trách nhiệm hơn và có thái độ đúng đắn hơn, thì mọi sinh viên khi bước chân vào trung tâm sẽ cảm thấy yên tâm biết nhường nào…

 Nguyễn Thị Minh Tâm - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :