Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
1001 lý do lên thư viện
Thư viện là một không gian lý tưởng cho sinh viên trong mùa thi. Hoạt động ôn thi tập thể lại có khí thế, không buồn ngủ. Một số sinh viên “nghiện” thư viện đến mức “Ăn trên thư viện, ngủ trên thư viện”.

“Ối! Đau quá!” “Đừng chen nữa!” “Đừng đẩy nữa nào!” “Cái dép của tớ đâu rồi?”… “Và may quá!” “Cậu có làm sao không? Tay chảy máu kìa!”. “Ôi! Ngạt thở. Cuối cùng thì cũng có chỗ ngồi. Ra ngoài cho hoàn hồn đã!”... Đó là những tín hiệu phát ra trên “đường lên” thư viện giữa mùa thi. Chỉ cần bạn đến muộn 5 phút thôi thì xin mời “Go home!”.

Lại chuyện chiếm chỗ. Chuyện gì chứ chiếm chỗ thì chúng ta gặp rất nhiều trong đời sống. Nhưng đến nay, thuật ngữ này đã du nhập vào giới sinh viên. Đến sớm, chen lên thư viện là một hình thức chiếm chỗ. Chiếm chỗ không những cho mình mà còn cho “người quen”. Th. một nữ sinh vừa hổn hển chạy lên thư viện chưa kịp thở thì đã loay hoay lục túi sách lấy 4 quyển sách rải ngay ngắn trên 4 chỗ. Một lát sau: “Chị ơi, chỗ này có ai ngồi chưa ạ!?” Th. trả lời: “Có rồi bạn ạ! Các bạn ấy đi ra ngoài”. Người chậm chân nọ đành bước đi, mắt cứ dán vào những bàn khác hòng tìm kiếm một chỗ trống. Phần Th. thì chờ bạn mãi. Đến tận giữa giờ chiều mới thấy 3 cô bạn của Th. kéo đến cười hoan hỉ. Hoá ra Th. nhận chỗ cho “sách ngồi”.

Khi hỏi một số sinh viên lý do tại sao lại chọn thư viện là nơi dừng chân dịp này thì phần lớn các bạn thừa nhận là lên đây để học bài và tìm tài liệu chuẩn bị cho kỳ thi. Uý (ĐHKHTN) bảo: “Lên thư viện để tra tài liệu cho kỳ thi”. Còn Dung (ĐHKHXH&NV) thì tâm sự: “Lên thư viện học cho có phong trào, ở nhà học một mình buồn ngủ lắm”... Trái ngược với những lý do trên thì có một số lý do rất sinh viên. Thành (ĐHKHTN) thừa nhận rằng mình lên thư viện để “phờ lớt gơn” (tán tỉnh gái - tiếng lóng của sinh viên), cậu bạn ngồi bên cạnh tên Tuân thì tủm tỉm: “Lên thư viện để bố mẹ bảo là chịu khó chứ học hành gì!”. Còn Hoài (ĐHKHXH&NV) thì gãi đầu: “ở phòng nóng lắm, mình tìm chỗ ngủ cho mát lại không tốn tiền điện”, trong khi đó cô bạn M của tôi lại lên thư viện chỉ để “được gần chàng”…

Theo tôi, lên thư viện để học thì thật đáng hoan nghênh. Nhưng lên thư viện với một số lý do như kể trên thì có cần thiết không? Và có đáng để xếp hàng chờ đợi rồi chen nhau đến mức đứt dép, trầy da chân không? Tại sao không đưa nhau đến công viên hoặc nơi công cộng nào đó để bày tỏ tình cảm mà lại ở thư viện? Đứa bạn tôi bảo: “Ngốc! Trông cậu thế mà ngốc. Họ khôn lắm đấy cậu ạ! Họ tính nước “nhất cử lưỡng tiện” mà...” Tôi ngơ ngác bởi không thể hiểu nổi. Có lẽ tôi ngốc thật… Thiết nghĩ thư viện là không gian “đa năng” như vậy thì các trường sẽ chẳng phải bao giờ cần một đội ngũ tiếp thị với khẩu hiệu “Ai ... thư viện đi!”.

 Phạm Thị Thủy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 183, ra tháng 5/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :