Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
“Trăng mật” của người Tày
Cũng giống các dân tộc khác, người Tày ở Tây Bắc rất coi trọng, cầu kì trong những nghi lễ hôn nhân và họ có một quan niệm rất nhân văn về đêm tân hôn, hay tuần trăng mật.

Ðám cưới của người Tày ở bản khi đã được định sẵn, người già chọn ngày tốt, người trẻ lo chuẩn bị lễ cưới sẽ diễn ra rất tưng bừng, náo nhiệt. Khi về nhà chồng, của hồi môn quan trọng nhất của sơn nữ Tày là càng nhiều chăn hoa thêu thổ cẩm càng tốt. Trong đám cưới tại nhà trai, tất cả thanh niên đến dự phải mang bằng hết chăn hoa của cô dâu ra đắp để lấy lộc. Ðó là thời điểm các chàng trai có cơ hội tiếp cận những cô gái mình thích đồng thời “dụ” bằng được cô dâu ra khỏi buồng cưới và đẩy chú rể đến bên cạnh, dồn họ vào giữa, cùng đắp một chăn, từ đó bắt đầu ca hát. “Hình ảnh” của đám cưới truyền thống ấy sẽ diễn ra như sau: giữa nhà là thanh niên uống rượu, đắp chăn mới; trên gác là các cụ già, hút thuốc đàm đạo chuyện đời; dưới bếp là các cô, các bà chế biến món ăn phục vụ khách,…

Ðám cưới xong, cô dâu lại quay về nhà mình và phải đợi cho đến những ngày mùa, chọn một buổi chiều tốt, bên nhà trai sẽ cử người sang đón con dâu mới về để làm việc. Ngay cả đêm hôm ấy, chú rể cũng chưa được phép “động phòng”. Sáng sớm hôm sau, đôi vợ chồng trẻ chủ động dậy thật sớm để lên nương, họ mang theo cơm nắm, xôi gà và rất nhiều thứ lỉnh kỉnh vào trong núi và được phép đến tận tối khuya mới về. Những ngày sau cũng thế, đôi vợ chồng trẻ đi từ sáng đến tận gần khuya, cô dâu mới cũng dần bạo dạn, thân mật hơn với nhà chồng. Tuy nhiên, hết ngày mùa, người con dâu lại được đưa về nhà mẹ đẻ. Khi nào có kết quả sau những lần lên nương riêng với chồng của cô gái được khẳng định bằng việc mang bầu thì cô sẽ được làm lễ chính thức mang họ nhà chồng. Buổi lễ ấy cũng diễn ra rất trang trọng, thầy Tào làm phép, múa hát, chiêng trống ầm ầm, nhà chồng mổ lợn, đồ xôi, mời cả bản đến dự và từ bữa đó cô con dâu không quay về nhà cha mẹ đẻ nữa.

Ðã có người đặt câu hỏi rằng, vậy đêm tân hôn của chàng trai, cô gái Tày ấy là khi nào? Xin trả lời, nó diễn ra ở những ngày hai người lên nương cùng nhau. Thực ra họ không phải lên nương, họ mang theo cơm nắm, xôi gà, mang theo nhiều thứ để về với núi rừng, để trò chuyện với nhau, tìm hiểu nhau và yêu nhau. Họ trải lá rừng làm giường, lấy ánh trăng làm nến, lấy cây cỏ làm hoa và họ bắt đầu yêu nhau. Họ yêu nhau có sự chứng giám của núi rừng, có linh khí của đất trời, có ánh trăng làm đẹp,… Ðó là sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên một cách tuyệt vời.

Người già ở bản bảo rằng, trong quan niệm ngàn đời về hôn nhân của người Tày, điều quan trọng nhất là người con dâu phải chứng tỏ được mình là sơn nữ với khả năng làm vợ, làm mẹ và lao động hòa thuận bên chồng. Và chính phong tục về buổi tân hôn hay tuần trăng mật lứa đôi nguyên sơ giữa đại ngàn là niềm tự hào của đồng bào Tày từ bao đời. Phong tục ấy giúp họ tìm được hạnh phúc đích thực của mình.

 Trương Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan