Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Lênh đênh phận ngư chài
Cuộc sống sông nước bấp bênh, nhiều dân chài dưới chân cầu Gián Khẩu (Gia Viễn, Ninh Bình) muốn lên bờ cũng không có việc làm.

>>> Bản tin số 258 (pdf)

>>> Lênh đênh phận ngư chài (pdf)

Những chiếc thuyền đánh cá xuất hiện trên dòng sông Đáy, đoạn qua cầu Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình đã có từ lâu nhưng tập trung, đông đúc nhất từ đầu năm 2009 đến nay. Hầu hết những ngư chài ở đây đều đến từ vùng quê Điềm Khê, xã Gia Trang ngoài ra còn có những hộ dân chài đến từ xã Vĩnh Thủy (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Theo những hộ dân xóm chài thì ngày trước thôn Điềm Khê, xã Gia Trang là một HTX vận tải đường thủy. Khi nền kinh tế bao cấp không còn, HTX vận tải đường thủy Điềm Khê tan rã. Người dân Điềm Khê bao đời sống bằng thuyền bè giờ thất nghiệp, không có đất sản xuất nên phải phiêu bạt đây đó kiếm kế sinh nhai tận trong Nam, ngoài Bắc. Không ít người đành bỏ cửa nhà để tìm đến những khúc sông Đáy dưới chân cầu Gián Khẩu kiếm ăn.

Dân chài trên dòng sông Đáy đoạn qua cầu Gián Khẩu có cuộc sống lay lắt, tạm bợ. Tất cả mọi sinh hoạt đều trong những “căn nhà” thuyền nổi rộng chừng 6m2. Thậm chí, nguồn nước ăn uống cũng lấy từ dòng sông này. Để có một chiếc thuyền chui ra, chui vào, tránh mưa nắng mỗi hộ ở đây phải bỏ ra từ 13-15 triệu đồng. Những ngư chài ở dưới chân cầu Gián Khẩu hầu hết đều tuổi đời còn trẻ, độ 20-30. Họ làm đủ nghề từ chài lưới, đăng, đó, đánh bắt cá bằng kích điện nhưng có lẽ vất vả nhất, tốn thời gian nhất vẫn là nghề lú. Trên khúc sông này, bèo, rác rất nhiều nên sau mỗi lần thu lưới, ngư chài phải tốn không ít thời gian xử lý đống bèo, rác bám vào.

Anh Trần Văn Thế, quê Điềm Khê, (xã Gia Trung, huyện Gia Viễn) có vợ và con gái mới 3 tuổi chèo đò đưa tôi tham quan một vòng xung quanh xóm chài cho biết: “Cuộc sống xóm chài là vậy. Ngày làm không đủ, có khi chúng tôi lại phải làm việc cả đêm. Mò mẫm giữa sông sâu, nước xiết rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng không làm thì không biết lấy gì để kiếm kế sinh nhai, đành phải cố gắng bám trụ với sông nước thôi. Có ngày thu lưới về cũng được tiền trăm nhưng có hôm tối mịt mới về mà cũng chỉ được có 30-40 nghìn đồng”. Cứ sau mỗi đêm về, được mớ cá, mớ tôm nào, những người vợ của ngư chài lại mang lên chợ gần đó bán lấy tiền mua gạo, mớ rau đắp đổi qua ngày.

Những chiếc thuyền của mỗi hộ gia đình đa phần nay đây mai đó trên dòng sông Đáy. Thuyền chài neo đậu thường xuyên tại bến thì chỉ có 15-20 chiếc nhưng khi có gió bão, trời động mới tập trung về neo đậu lên tới 40-50 chiếc. “Khi mưa to, lũ lên nhanh quá thì mình tìm những vũng kín, có nhiều cây cối để neo đậu thuyền bè, nếu có sự cố gì xảy ra thì còn tránh vào nhà dân trên bờ kịp”, anh Nguyễn Hữu Huy, (37 tuổi) người cao tuổi nhất xóm chài cho hay.

Trong số những thuyền chài ở đây, khó khăn nhất có lẽ là đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Lai và chị Trần Thị Nga. Gia đình mấy đời sống trên thuyền nên giờ anh cũng tiếp tục nối nghiệp cha làm nghề chài lưới. Tuy mới 28 tuổi đời nhưng anh đã có thâm niên 20 năm sống với nghề sông nước. Cuộc sống vất vả nên trông anh cứng cỏi và dạn dày hơn so với tuổi. Tình yêu của vợ chồng anh cũng bắt đầu trên sông nước. Hiện giờ, anh chị vừa phải làm lụng để nuôi con trai đầu mới hơn 4 tuổi vừa phải chăm sóc bố mẹ già yếu. “Ngày đó, gia đình mình khó khăn lắm nên cũng chẳng giúp được gì. Vợ chồng lấy nhau rồi tự làm ăn, vay mượn để ra đây “dựng nhà riêng”. Chài lái mà đã xuống thuyền thì đâu cũng như nhau cả thôi, không được gần nhà, gần cửa đâu! Vất vả lắm! Nghề này muốn làm được thì lúc nào cũng phải có ít nhất hai người chứ một mình thì không thể đảm đương nổi”.

Đặc biệt, vì bố mẹ “đầu tắt mặt tối” suốt ngày nên không ít cháu nhỏ sinh ra trên thuyền đến tuổi vào mẫu giáo không có điều kiện đến trường. Theo anh Lai, hiện ở trong xóm chài có 12 đứa trẻ từ 4-5 tuổi không được đi học mẫu giáo. Anh phân trần: “Không cha mẹ nào lại không muốn con mình học để kiếm cái chữ thoát nghèo nhưng vợ chồng tôi quanh năm sông nước, nghề thuyền chài kiếm ăn bỏ miệng còn chưa đủ thì lấy đâu mà cho con cái đến lớp. Chỉ đến lúc 6 tuổi hoặc mùa đông đến, các cháu mới được đưa về quê ở với ông bà. Nhà chài nào có điều kiện thì con cái mới được đi học còn không đành chấp nhận mù chữ mà thôi”.

Trong xóm chài này, cô đơn chắc không ai bằng chị Trần Thị Lợi (35 tuổi). Khác với những hộ dân chài trong xóm, công việc của chị hằng ngày là chèo đò đưa khách sang sông. Không có ai thân thích, bao năm sông nước, chưa có một ngày, chị nghĩ đến chuyện về quê. Vì bị viêm phế quản nặng, hiện giờ chị đang phải điều trị ở bệnh viện. “Bà con dân chài chúng tôi ai mà chẳng mong muốn được lên bờ, có công ăn, việc làm ổn định cho con cái có điều kiện được học cái chữ. Giờ còn trẻ thì còn làm được nhưng những lúc ốm đau thì không biết trông cậy vào đâu. Cuộc sống dân chài như chúng tôi đây thì không biết đến bao giờ mới thành hiện thực khi mà về quê không có việc gì làm”, chị Trần Thị Nga (25 tuổi), vợ anh Lai nói giọng buồn rầu.

 

 Duy Ngợi - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   |