Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Bảy mươi ngày đêm sống cùng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (Hồi ức về chiến tranh)
Chiến tranh giờ đây đã lùi xa. Những dấu vết của nó đang ngày ngày bị xoá đi trên mảnh đất thân yêu của chúng ta, sự sống đang trở lại hồi sinh. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận đó là chiến tranh mãi mãi để lại nỗi u hoài trong lòng người...

Một người dù bình thường đến đâu, nhưng đã chạm phải cái vị đắng của chiến tranh đều mẫn cảm với thời gian. Con số: ngày, tháng, năm thường gợi cho người ta những nỗi buồn. Câu chuyện tôi sắp viết ra đây chỉ là một trong hàng triệu triệu thí dụ mà thôi .

Năm 1967 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc diễn ra ngày một ác liệt. Lúc ấy chúng tôi đang học năm thứ hai của trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh thì có lệnh đi phục vụ chiến đấu. Khoá tôi chia ra thành nhiều tổ, tôi nằm trong danh sách 10 người được bổ sung vào Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 932 làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau mỗi lần máy bay Mỹ đánh phá khu vực ngoại vi Hà Nội. Qua buổi giao quân ở làng Ô Cách, huyện Gia Lâm chúng tôi lại chia về các tiểu đội. Cũng từ hôm ấy vấn đề ăn ở, đi lại, làm việc của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào một người con gái. Đấy chính là người Tiểu đội trưởng mới tròn 20 tuổi. Thú thực từ ngày còn đi học phổ thông đến nay tôi chưa bao giờ đứng “dưới trướng” phụ nữ, lần này tình thế bất khả kháng nên trong lòng không vui. Tôi còn biết thêm trong tiểu đội tôi có tới tám cô gái hết sức nghịch ngợm. Chỉ mới nghe “tứ quái” đã ghê, nay lại còn "bát quái”! May cho tôi tiểu đội cũng còn thêm hai người bạn cùng giới, gọi là có chỗ để gửi gắm bầu tâm sự những lúc vui buồn. Nếu không chẳng biết cuộc đời sẽ ra sao?

Nhớ lại cái đêm đầu tiên tiếp xúc với hai anh bạn là Thanh và Tân ở cùng nhà. Lúc đầu thấy các cậu ít nói và tỏ ra rất "lễ phép" nên tôi sinh ngại. Sau khi bóc bao thuốc lá Tam đảo ra mời và hỏi chuyện từng người thì thấy hai chàng này cũng chẳng đến nỗi nào. Thanh trông dáng người mảnh khảnh Tân thì lại hơi lùn, tuy trình độ văn hoá cả hai chỉ hết lớp 7 nhưng nói chuyện rất có duyên. Những thông tin bổ ích về Đội TNXP từ hai cậu cứ thế hé mở ra dần. Bấy giờ tôi đã hiểu: số 9 là số hiệu Trung đoàn, số 3 là Tiểu đoàn và số 2 chính là Đại đội chúng tôi. Điều làm tôi vừa thú vị, vừa bất ngờ là: đội TNXP 932 mang tên Hà Nội, nhưng thực ra 100% là người Thái Bình và có tới 80% là hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu. Nói chung họ còn rất trẻ chỉ trong độ tuổi từ 18 đến 23, có người còn cười đấy khóc đấy, có người nũng nịu thủ trưởng như con nít. Đội mới thành lập được hơn một năm thì suốt cả năm ngoái đã phải lăn lộn ở chiến trường Nam Ngạn - Hàm Rồng, tháng tư vừa rồi mới chuyển về Hà Nội. Chiến công của đội có mấy lần được nêu trên mặt báo Nhân dân và Quân đội. Điều thú vị nhất của tôi có lẽ là được nghe Thanh kể một cách say sưa về người Tiểu đội trưởng của mình. Tên cô là Thắm cùng quê với Thanh ở xã Đông Dương, huyện Đông Hưng Thái Bình

Hồi còn học cấp III của huyện Thắm học rất giỏi, ai cũng nghĩ Thắm thi đại học thể nào cũng chắc ăn, thế mà cô không thi lại làm đơn xung phong đi bộ đội. Quân đội lúc đó chưa tuyển nữ, cô thất vọng. Đùng một cái Đội thanh niên xung phong về tuyển quân, cô là người đứng đầu bảng về sức khoẻ và trình độ văn hoá, thế là trúng tuyển. Ngay những ngày đầu đứng trong đội Thắm đã tỏ ra rất tháo vát, nhanh nhẹn. Nhưng qua thử lửa ở Hàm Rồng mới càng thấy rõ bản lĩnh của cô. Theo cách nói của Thanh, Thắm là người gan lỳ tướng quân, coi cái chết cứ nhẹ như lông hồng. Trong trận ném bom rải thảm bằng B52 của Mỹ ở Thanh Hoá, một mình cô đã cứu được ba thương binh trong lúc bom rơi, đạn nổ. Cô được Trung đoàn tuyên dương khen thưởng.

Tôi ngồi nghe Thanh nói mà như nuốt từng lời, thấy vậy cậu càng có thêm cảm hứng. Thanh tiếp tục: "Chính trong trận bom B52 đó có hai chiến sĩ hy sinh, một là cô gái út của Đại đội, một là Tiểu đội trưởng tiểu đội hai. Đồng chí Trung đội trưởng ngay lúc ấy đã chỉ định Thắm lên thay chỉ huy tiểu đội. Chôn cất liệt sĩ xong thật không ngờ một bầu không khí ảm đạm bao trùm lên toàn đội. Ngoài Thắm và số đông các chiến sĩ nam còn vững tinh thần, hàng ngày vẫn ra hiện trường san lấp hố bom, tu sửa ụ pháo phòng không cho bộ đội. Riêng số nữ hầu hết nằm ở nhà khóc sướt mướt suốt ngày, đến bữa cũng không buồn ăn. Mấy ngày sau có 5 người làm đơn xin về nhà. Ban chỉ huy Đại đội cử người xuống động viên, thuyết phục để họ nghĩ lại, song không có kết quả. Nhưng đến khi có quyết định chuẩn y cho 5 người trở về địa phương thì cả 5 đều lên xin Ban chỉ huy cho được ở lại. Thế mới biết con gái đôi khi chỉ mềm yếu nhất thời chứ tinh thần của họ vẫn rất đáng nể...”. Thanh càng nói càng kích thích sự tò mò của tôi. Tôi muốn biết nhiều, biết nhiều hơn nữa những con người mà ngày mai đây tôi sẽ sát cánh với họ. Nhưng Thanh đã dừng lại, bởi đêm đã khuya và hơn nữa Thanh còn có ý dành cho tôi cái quyền tự khám phá.

Sau một ngày rưỡi nghỉ trọn vẹn, chiều hôm sau chúng tôi đã phải xuống hiện trường. ấy là một ngày thượng tuần tháng 6/1967. Khoảng sáu giờ chiều có bốn chiếc xe quân sự đến đón chúng tôi tới Nhà máy xe lửa Gia Lâm vừa bị đánh phá lúc rạng đông. Đến cổng, trình lệnh xong xe chạy thẳng vào tận trung tâm nhà máy. Một cảnh tan hoang, đổ nát đập ngay vào mắt chúng tôi. Nhà xưởng cái thì xập, cái thì bay cả mái chỉ còn lại những bức tường gạch tróc hết vôi vữa. Đây, đó ngổn ngang những chiếc đầu máy bị đánh bật ra khỏi đường ray - chiếc nghiêng, chiếc ngửa. Khoảng không gian tương đối rộng có lẽ trước đây là vườn hoa, sân chơi của các cháu mẫu giáo con em cán bộ công nhân nhà máy thì nay chi chít những hố bom. Có một điều khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ là dưới chân tháp cấp nước, một chiếc đầu máy xe lửa gần như nguyên vẹn vẫn đứng sừng sững biểu tượng của sự bất diệt. Điều đáng nói là ở chỗ nó tồn tại trong một cái thế tưởng chừng không thể, bởi cách nó chỉ mươi mét về phía trước và phía sau có hai hố bom như hai cái giếng, đất đá tung lên lấp kín cả đường ray. Chiếc đầu tàu thần kỳ này hoá ra lại trở thành mục tiêu phấn đấu của cả đại đội chúng tôi. Đồng chí chỉ huy lúc giao nhiệm vụ đã nói: "Bằng bất kỳ giá nào chúng ta cũng phải san lấp hố bom, giải phóng đường ray trong đêm nay để kéo chiếc đầu tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi trời sáng”. Một không khí lao động hết sức khẩn trương và im ắng. Ngoài tiếng cuốc, tiếng xẻng va chạm vào đá không có ai nói một câu nào. Thật là điều khó tưởng, nó ngược hẳn với những điều tôi thường đọc trên báo nào là: "tiếng hát át tiếng bom", nào là "câu hò còn vang vọng suốt đêm khuya"… Nếu có thì ở đâu đó, lúc nào đó chứ ở đây thì không. Công việc đào đất, xúc đá làm với tốc độ rất căng thẳng. May mà tôi có sức vóc thể thao chứ không khó lòng chịu đựng nổi. Năm tiếng đồng hồ trôi đi tôi bỗng thấy xuất hiện một cảm giác không bình thường: buồn ngủ. Nhiều khi tôi đã phải dùng nghị lực để khống chế bản năng của mình. Rất may lúc đó kẻng nghỉ giải lao nổi lên. Cũng như mọi người tôi nhận xong cái bánh mỳ bồi dưỡng đêm rồi tìm chỗ tựa lưng đôi chút. Nhưng thật tai hoạ, từ sau cái lúc nhai xong chiếc bánh hai mắt tôi díp lại không tài nào mở ra nổi. Thế rồi cứ thế gục mặt xuống thiếp đi. Không biết giấc nồng kéo dài được bao lâu thì tôi bỗng giật nảy người bởi một tiếng quát:

- Này đồng chí nào kia, tại sao lại ngủ lúc đang giờ làm việc?

Mở mắt ra tôi thấy đó là một cô gái mặc đồng phục mầu cỏ úa buộc chiếc khăn gần kín cả mặt. Chưa biết cô là ai, chức vụ gì nhưng tôi rất xấu hổ và thực lòng xin lỗi. Tôi theo chân cô ra chỗ mọi người lao động. Một giọng nữ đã cất lên:

- Đồng chí Tiểu đội trưởng lên Ban chỉ huy nhận lệnh mà sao kiếm đâu ra chiến lợi phẩm đằng sau thế?

Tiếng nói khác tiếp luôn:

- Trông cũng được ra phết!

Thế rồi họ phá lên cười. Thắm tỏ vẻ nghiêm nghị:

- Nỡm nào! Nhìn lại xem, đồng chí này bị đau bụng tao dẫn đến y tá xin thuốc về đấy! Lúc này tôi mới biết đó là Thắm và cô đã chữa tội cho tôi. Trong bụng tôi thầm cảm phục nàng.

Từ lúc có Thắm không khí lao động như được tiếp thêm sức mới: sôi nổi, vui nhộn hẳn lên. Thắm động viên mọi người hát hò. Có một giọng nữ the thé nổi lên hưởng ứng ngay: "Ơi hò… Cây xanh thì lá cũng xanh, em đây đã hát thì anh cũng phải hò… chứ ớ hò". Chờ một chút, không thấy ai lên tiếng đáp lại cô ta lại hò tiếp: "Ơ hò… Chẳng hay anh là thứ chi chi, nghe em hò vậy mà chẳng nói gì là sao... ơi hò."

Tôi biết họ đang móc máy mình, nhưng chưa biết phải làm gì. Hò như họ tôi không hò được mà nói thì thật vô duyên. Biết sự lúng túng của tôi Thắm đành lại phải can thiệp. Với cung cách của người lãnh đạo cô nói:

- Này thôi, sinh viên người ta không biết hò như mình đâu, họ chỉ hát mà hát lại phải đệm đàn nữa. Vậy bây giờ ta hãy cho chịu đến hôm sinh hoạt Đội, mọi người đồng ý không?

Thế là tất cả đều đồng thanh:

- Đồng ý.

Tôi được Thắm cứu cho một bàn thua trông thấy. Một lần nữa lại chịu ơn cô. Như còn sợ tôi bị lẻ loi Thắm hay tìm kiếm những hòn đá to rồi hô:

- Đồng chí sinh viên đâu lại đây giúp sức nào?

Tôi lại gọi thêm hai "mạnh thường quân"nữa cùng xúm lại vần tảng đá. Tiếng "Hai - ba", tiếng hò dô vang động cả góc trời đêm? Thời gian lao động cứ thế trôi đi êm ả. Ba giờ sáng đường ray đã thông suốt, chúng tôi bàn giao hiện trường cho đội công nhân hoả xa tiếp tục công việc chuyển tàu.

Ngày… tháng 6 năm 1967 là ngày đối với tôi có lẽ khó quên, nó ăn sâu vào trong tiềm thức như một kỷ niệm buồn. Lần đầu tiên tôi chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Chuyện xảy ra vào khoảng 1 giờ chiều, một tốp máy bay F4 của Mỹ từ hướng đông nam tiến thẳng vào trận địa pháo phòng không ở giữa cánh đồng Yên Viên đánh phá. Pháo của ta bắn lên dữ dội nên chúng hoảng sợ ném chệch toàn bộ số bom ra ngoài. Đến 15 phút sau chỉ có một chiếc F105 đột ngột bay từ hướng tây đến cắt một chùm bom rồi đi thẳng. Một quả bom đã rơi trúng vào ụ pháo giữa lúc các chiến sĩ còn đang tạm nghỉ lấy sức. Cả khẩu đội không còn một ai. Khi chúng tôi có mặt nhìn thấy các mảnh thi thể vung vãi khắp nơi. Có người không còn hình thù gì nữa. Những chiến sĩ trong đơn vị pháo đang nhặt nhạnh xương thịt đồng đội bọc trong những tấm ni lông cho vào áo quan để tổ chức truy điêu. Nhiệm vụ chính của chúng tôi vẫn là tu sửa lại các ụ pháo để chuẩn bị cho những trận đánh mới có thể còn quyết liệt hơn. Trong những giây phút bi thương đó tôi nhìn thấy Thắm vẫn với vẻ mặt kiên nghị, sắc lạnh như một con người đã quá quen với sự mất mát. Nước mắt cô hình như không chảy ra ngoài mà lặn vào trong. Sau ngày ấy Đội TNXP 932 được chuyển xuống ở một xã thuộc huyện Cẩm Bình tỉnh Hải Dương. Chúng tôi quen gọi xã này là Đầm Sen bởi ở đó có một cái đầm rất lớn, vào giữa mùa hạ sen nở rộ toả ra mùi hương ngan ngát trên suốt dọc đường đi vào làng. Từ hôm xuống đây Thanh và Tân càng tỏ ra gắn bó với tôi hơn. Sự khác nhau về trình độ không còn là rào cản ngăn cách tình cảm giữa ba đứa. Vì thế mà chúng tôi có những giờ phút vô cùng thoải mái, chẳng cần ý tứ gì . Có lúc tôi hỏi thật họ: Có bao giờ các cậu thấy ân hận khi bước chân vào đội TNXP này không? Chẳng ngần ngại Tân trả lời ngay: Có chứ! Những lúc nhìn thấy cảnh chết chóc nhiều hay gian khổ quá thấy ân hận, nhưng đến lúc khác lại quên ngay. Tân còn tâm sự: cái tháng đầu tiến sao nhớ nhà, nhớ quê đến ra riết, ngày nào cũng khóc gọi U và chỉ cầu mong có ai đó làm giấy bảo lãnh xin cho về. Đến tháng thứ hai mới quen dần. Còn bây giờ trên cho về phép một tuần chỉ ba ngày là muốn đi ngay vì nhớ đồng đội không chịu nổi. Tôi lại hỏi:

- Tân và Thanh có nghĩ ngày mai mình sẽ như thế nào không?

- Nghĩ gì hở anh?

- Chẳng hạn làm gì khi chiến tranh kết thúc ấy?

Sau khi hiểu câu hỏi của tôi Tân trả lời:

- Em chẳng có ước vọng gì lớn mà đôi lúc chỉ thèm được ngồi bên mâm cơm với đầy đủ gia đình, mùa hè chan bát canh cua nấu với rau tập tàng ăn với cà muối là đời thú vị lắm rồi.

Còn Thanh nguyện vọng có vẻ cao hơn một chút:

- Em nghĩ sau chiến tranh nếu còn sống sẽ về quê lấy vợ. Hai vợ chồng làm ruộng, chăn nuôi, lúc rỗi đánh tôm đánh cá ở sông. Quê em có con sông Trà Lý chảy qua, mùa nước cạn có rất nhiều cua cá. Hồi còn ở nhà lắm khi đánh cá ăn chẳng hết phải phơi khô ăn dần. Đấy mong là mong thế thôi chứ anh bảo ước vọng gì.

Nghe họ nói tôi cứ thấy mủi lòng thế nào. Thật là những tâm hồn trắng trong, không gợn một chút vẩn đục của sự toan tính riêng tư. Trong đầu họ hầu như chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Chiến đấu vì Tổ quốc. Hết giặc quay về đúng nơi xuất phát của mình. Lúc bấy giờ bảo có những con người như thế dễ mấy ai tin. Nhưng gần đây thì hẳn không còn ai nghi ngờ nữa khi xem phóng sự về những chiến sĩ xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập hồi 1975. Rõ ràng đó là những con người bẵng xương bằng thịt, trong chiến đấu họ dũng cảm hy sinh, nhưng khi cởi cái áo lính ra là thanh thản trở về với cuộc sống đời thường không màng chi đến danh lợi. Họ để lại sau chức vụ, công trạng như một kỷ niệm của những ngày đã qua. Tuy tôi không đi theo Tân và Thanh đến ngày cuối cùng, nhưng chắc cũng làm được như vậy.

Những ngày ở Đầm Sen nếu như không phải là chiến tranh có lẽ là những ngày rất đẹp đối với chúng tôi. Riêng cái bến nước được xây bên đầm đã cho tôi những kỷ niệm nhớ đời. Nước ở đây trong mát đến tuyệt vời, đứng trên bờ nhìn thấy cả đàn cá tung tăng bơi lội, nhìn thấy cả những ngó sen dưới đáy sâu đội bùn vươn lên. Trời nóng bức đến mấy, khi chạm người xuống nước đều phải rùng mình. Bởi thế, nơi đây thường xảy ra "cuộc chiến giữa bên nam và bên nữ mỗi khi chiều xuống. Chiến tranh bãi tắm tuy quyết liệt nhưng phần thắng bao giờ cũng thuộc về phái yếu. Sau đó Đại đội đã phải phân chia giờ tắm. Từ lúc chia giờ có thời điểm bến lại bỏ không nhất là đầu chiều. Tôi đã chọn giờ đó ra tắm thế mà ai ngờ một cô gái còn nhanh hơn. Thoáng qua tôi biết ngay là Thắm, cô đã tắm xong và đang giặt chiếc áo cuối cùng. Chậu để quần áo của Thắm bị sóng đánh cứ lờ lững trôi xa. Thắm cố rướn người kéo lại, nhưng quá đà chân không bám được bậc ngã xuống vùng nước sâu. Lúc đầu tôi tưởng Thắm biết bơi không dám lại, nhưng thấy cô chới với tôi vội vàng nhảy xuống kéo Thắm vào bờ. Lúc Thắm đứng trên bậc bến vuốt nước, lần đầu tiên tôi được ngắm thân hình nàng trong bộ quần áo ướt sũng bó sát lấy người. Quả thực em rất đẹp, hai má đỏ ửng vì trải qua cơn sợ hãi, vừa vì xấu hổ trước người bạn khác giới của mình… Bốn mắt nhìn nhau và em nở nụ cười thay cho điều muốn nói. Trong bao nhiêu năm tháng sau này, mỗi lần nghĩ về Thắm tôi đều nhớ đến nụ cười đó. Thậm chí đến cả bây giờ khi Thắm đã đi xa, nhưng nụ cười đó mãi vẫn là một kỷ niệm đẹp mà tôi lưu giữ. Vào những ngày cuối tháng 6 giặc Mỹ đánh phá rất ác liệt vào các nhà ga xe lửa, các cầu cống trên các đường quốc lộ quan trọng của ta. Chúng muốn làm tê liệt hệ thống giao thông, cắt đứt mọi sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ của Đoàn TNXP 932 là phải giải phóng các nhà ga và làm thông suốt con đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Công việc bao giờ cũng bắt đầu từ 12 giờ đêm cho đến sáng. Cứ như vậy chúng tôi có mặt hết ga Cẩm Giàng lại đến Cao Xá, hết Cao Xá lại đến Hải Dương. Ngót 2 tháng trời với những đêm liên tục mất ngủ, nhất là những đêm làm việc căng thẳng dưới làn pháo sáng của giặc nên sức khoẻ của tôi giảm đi nhanh chóng. Tôi rất khâm phục những người bạn TNXP, hình như họ không biết mệt là gì và hình như ban đêm là thuộc về họ. Trong lúc tôi buồn ngủ đến díp mắt thì họ vừa làm vừa hát hò vui vẻ (Vẫn cái điệu hò nghe rất lạ tai không biết của địa phương nào, lúc đầu tôi không thích, song nghe nhiều nó cũng quen). Có một lần vì mệt quá tôi chui vào gầm một toa xe chở hàng bị đá lấp hết lối đi để chợp mắt một chút sau rồi lại ra làm. Nhưng giấc ngủ cứ chìm sâu thậm chí kẻng báo động bên tai mà không hề hay biết. Một đoàn kiểm tra của Đại đội đi tới thấy tôi nằm dưới toa tàu họ gọi ra phê bình nhắc nhở vì cái tội không rời sân ga khi báo động. Chuyện ấy đương nhiên Thắm cũng bị phê bình liên đới. Khi gặp tôi Thắm nói:

- Từ ngày mai em sẽ có cách chống buồn ngủ cho anh.

Quả thực những đêm sau Thắm đã đem lại cho tôi một bình tông nước đun bằng những tảng cơm cháy (đó là thứ cà phê của người lính chiến) và không biết cô đào đâu ra được thuốc lá mà mỗi đêm đem lại cho tôi đúng một điếu vào cái thời điểm buồn ngủ nhất.

Có một đêm trời tối đen như mực, chúng tôi đang san lấp hố bom ở ga Cao Xá, chừng khoảng một giờ rưỡi nghe có tiếng máy bay phản lực ầm ỳ từ xa. Không chờ kẻng báo động, mọi người đều chạy tản về mọi phía. Riêng tôi còn đang do dự chưa biết chọn hướng nào thì Thắm đã chạy lại nắm tay tôi kéo đi. Ra khỏi khu sân ga chừng năm, sáu chục mét gặp một cái rãnh thuỷ lợi khô khốc cô ấn tôi nằm xuống lòng rãnh. Còn cô nằm trên bờ. Thú thực lúc ấy trái tim tôi như mách bảo điều gì. Bao nhiêu hình ảnh đẹp về Thắm bỗng lần lượt lướt qua trong óc tôi. Tôi rất muốn nói với Thắm những điều có cánh, và nhất là muốn kéo Thắm sát lại phía mình, nhưng cuối cùng tôi không đủ dũng cảm nên chỉ nói thì thào qua hơi thở gấp:

- Em xuống đi, trên bờ nguy hiểm lắm!

Tôi tưởng Thắm sẽ hiểu và làm theo ý tôi, ai ngờ bằng cái giọng bình thản Thắm hỏi:

- Anh có sợ chết không?

Tôi chưa biết ý Thắm là gì nên cứ nói theo những gì tôi nghĩ:

- Chết thì ai chẳng sợ, nhưng có điều chết như thế nào thôi?

Thắm nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Đấy chính em muốn nói đến điều ấy. Trong chiến tranh có khi chúng ta không chết bởi bom đạn Mỹ mà chết vì sự yếu đuối trong tình cảm, chết vì dư luận người đời mà không bao giờ thanh minh nổi!

Lúc này tôi đã hiểu em, tôi im lặng. Tiếng máy bay phản lực cũng nghe xa dần, kẻng báo yên nổi lên. Thắm chạy vụt về vị trí cũ hoà vào trong bóng tối.

Thấm thoắt đã hơn 2 tháng trôi qua, ngày trở về trường của tôi đã sắp đến. Nếu như những gì đối với tôi hôm trước còn là sự chịu đựng, thì nay đã trở thành một nỗi đam mê, những gì hôm trước còn là xa lạ nay bỗng trở nên gần gũi thân thương vô cùng. Tôi không muốn thời gian trôi nhanh, bởi nó đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải xa mãi mãi những con người đã cùng nằm gai nếm mật. Nhất là tôi không muốn rời xa người Tiểu đội trưởng yêu quý của tôi, người mà tôi sẵn sàng bầu làm chỉ huy suốt đời.

Cái gì phải đến nó đã đến. Hôm chia tay là một ngày đầy nước mắt. Đứng trước đội viên của mình, cứng rắn như Thắm mà có lúc bật lên tiếng khóc, nói năng không thành lời. Bữa ăn cuối cùng lại càng buồn hơn, một bữa ăn tươi, thế mà chẳng ai muốn đụng đũa. Người nọ gắp cho người kia, rồi lại lặng lẽ nhìn nhau…

Bữa cơm kết thúc, tôi khoác chiếc ba lô lên vai, Thắm và đồng đội tiễn chân tôi ra đến tận cổng làng. Tôi nắm chặt tay từng người, nghe mọi người cầu chúc những lời tốt đẹp. Riêng Thắm chỉ có một câu ngắn ngủi: "Anh về! Em chờ thư anh!". Ngày qua tháng lại, tình cảm của tôi và Thắm ngày càng sâu nặng. Có một lá thư vào giữa tháng 8/1967. Thắm báo cho tôi tin vui, em đã được cấp trên cho đi học Đại học Xây dựng. Những ngày chờ đợi tôi thấy tràn trề hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi lại lấy thư ra đọc. Dòng thông điệp cuối cùng em viết: "Hôm em về Hà Nội, anh nhớ đón em ở chân cột đồng hồ nghe không!”. Câu chữ như một mệnh lệnh quân sự, thế mà nó cứ nhảy múa trong đầu tôi.

Thật không ngờ chỉ mấy ngày sau đó tôi nhận được tin dữ từ Bưu điện chuyển đến: Một quả bom bi định mệnh đã giết chết em rồi. Tôi bàng hoàng và không tin nổi ở mắt mình.

Đúng vào ngày em hẹn, tôi vẫn đến chân cột đồng hồ chờ em, nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn chỉ thấy dòng người xa lạ hối hả qua lại, chỉ thấy cỗ máy cũ kỹ đủng đỉnh điểm nhịp thời gian. Còn em… tôi đã mất em thật rồi.

Hè 2005

 Nguyễn Văn Khác* - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :