Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Hồn rối nước
Chả hiểu đã bao đời rồi, nụ cười của cái “anh cu Tễu” ấy làm mê mẩn những thế hệ người Việt. Từ sau mành đi ra, đôi chân “anh cu” dường như không chịu dừng một chỗ, và đôi tay thì cứ khoát lên khoát xuống, vung vung vẩy vẩy… chừng hào hứng lắm. Nghe đầu nghe đuôi mới biết Tễu vốn là tiên đồng trên thiên cung, vì lỡ tay đánh vỡ chén lưu ly, bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới…

Trước mắt tôi là rối

Thế là "tiên đồng Tễu” lận đận long đong, tìm xuống rơm rạ đất đai, đi vào hơi thở ruộng đồng ao chuôm… để mà lo cái "sự rối". Lần nào ra trước bàn dân cũng vậy, Tễu cười tươi quá, cười say quá, cứ như là "anh cu" quên mất cái hạn đi đày đã qua từ mấy trăm năm nay. Kể cũng phải! Làng mạc quê mùa nhưng tình người nồng ấm, chẳng hơn gấp mấy lần cái chốn thiên tiên ăn sung mặc sướng nhưng lúc nào cũng phải cung kính, khuôn phép kia à! Anh Tễu bị đuổi xuống đây đúng là sướng như tiên! Sướng hơn tiên.

Từ sau màn bật cờ hội, rồi Tễu giáo trò, người xem được sống trong không khí huyền ảo, được hoà trong những cảm xúc trào dâng bởi lòng yêu chốn quê mùa đồng đất, yêu những người, những cảnh hàng ngày vẫn rất quen xung quanh ta, vậy mà chợt toả sáng, thiêng liêng, quý giá vô ngần. Lòng nước ẩn chứa bao điều bí mật, để từ đó, những trò rối nước: múa rồng, múa phượng, múa tiên, múa sư tử, những mục đồng chăn trâu thổi sáo, những nhi đồng hý thuỷ, đấu vật, đua thuyền,… kéo con người ta về với sự hồn nhiên, thuần phác của ngàn năm quê hương - lúc nào cũng vẫn ngọt ngào tươi mới. Các cụ mình xưa thật khéo dụng mặt nước ao hồ hầu như có ở bất kỳ làng quê nào để dựng thuỷ đình, diễn trò rối những lúc nông nhàn, những khi hội hè, việc làng, việc đám… Trong tiếng xênh phách, sáo, nhị, trong những làn điệu chèo, điệu dân ca đằm thắm…, những con rối gỗ sơn son thếp vàng, đủ sắc màu rực rỡ xanh đỏ… làm việc, vui đùa, chính là hồn quê phản chiếu trên mặt nước long lanh giát bạc, hân hoan, sống động đến không ngờ.

Như tôi được nghe thì xưa đồng bằng Bắc Bộ có nhiều phường rối nước lắm. Từ Thái Bình đến Hà Tây…, lớp lớp nghệ nhân truyền đời nối nghiệp giữ cái nghề rối như giữ ngọn lửa tâm hồn bền lâu của gia đình, của dòng họ, của cả làng, cả xã. Các cụ nghĩ ra tận mấy trăm trò. Bây giờ khảo sát, sưu tầm cũng chưa được hết, chỉ có 17 trò rối tiêu biểu, đặc sắc nhất là vẫn hay được Nhà hát múa rối Trung ương, nhà hát múa rối Thăng Long biểu diễn phục vụ các bạn nhỏ, phục vụ khách du lịch nước ngoài và lưu diễn khắp nơi, mang theo loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc mà chỉ riêng Việt Nam mới có.

Thật lạ, thật riêng khi khách quốc tế được xem những con rồng uốn lượn, phun nước, phun lửa; đôi loan phượng vờn nhau cho tình yêu nở ra phượng con; đàn cá chép vượt vũ môn tung mình hối hả…. Tất cả đều bằng gỗ, đều sôi động trên những lớp sóng dồn dập, nhiều lúc bắn tung toé trong ánh đèn nhiều màu rực sáng thành muôn sao sa. Tôi đã được xem đoàn chèo quê lụa diễn rối nước tại Nhà thuyền Hồ Tây trong lễ khai trương Showroom sản phẩm công ty Siêu thanh - đại lý phân phối của tập đoàn Ricoh chuyên máy ảnh, máy văn phòng lừng danh Nhật Bản. Các vị khách xứ hoa đào hôm ấy, ai cũng ngồi xem chăm chú. Đấy là tinh hoa của nền văn minh lúa nước, cũng như chèo, rối nước là của riêng Việt Nam.

Hoà thanh

Rối là trò, chèo là tích. "Tích dịch ra trò, trò gò vào tích". Các cụ mình bảo vậy! Mà đúng thật, khi ta xem diễn rối nước trên nền nhạc chèo, trong tiếng hát chèo, nói chèo… thấy sao mà hay, mà hợp thế. Chất Folklore trong rối và chèo dường như là một, tính hội hè đình đám, tính sinh hoạt, dân giã nơi luỹ tre, gốc đa của "hai nhà ấy" lẫn trong nhau, hiều hoà, nhuần nhị. Mà như trên vừa nói, cái hồn quê thuần phác, giản dị ấy chính là cái đích muôn thuở mà cả rối lẫn chèo đều hướng tới, đều phản ánh và cũng khiến người xem rung động. Tích chèo cổ với trò rối cổ đều là những sản phẩm nghệ thuật khuyết danh, được những người con tinh anh của làng mạc cùng nhau nhào nặn, thêu dệt. Vậy thì cớ gì mà rối không đi với chèo!

Hà Tây là đoàn chèo đầu tiên trong tất cả các đoàn chèo nước mình thành lập đội rối. Anh chị em "nhà chèo" hát khớp quá. Lúc cấy cày, tiếng ca khoan thai, ngọt ngào; khi hai vợ chồng nhà nọ đuổi đánh con cáo để giành lại vịt, tiếng hò hét, quát tháo hối hả; điệu chèo tàu Đan Phượng - Hà Tây được đưa vào trò đua thuyền, vừa hợp về lời, về nhịp, vừa gợi lên một cách tài tình cái riêng, cái độc đáo của rối nước Hà Tây: “Mang thuyền ra đến hải hà - Góp lòng dốc sức ta ra chơi thuyền… Huầy dô dô huầy…". Tôi lại nghĩ, chắc rối Nam Chấn - Nam Định, Nguyên Xá - Thái Bình, Hải Phòng và những tỉnh khác, thể nào chả có những kiểu trình diễn riêng - nhưng cũng đều Sáng tạo cái riêng nhưng không đi chệch quỹ đạo. Nhạc chèo, hát chèo là phần "hồn", thân rối, máy rối là phần "xác". Để trò rối khi nào cũng sống động, cũng lung linh, khi thực khi ảo, có bao giờ phần “hồn” rời đi phần “xác”... - như lời trưởng đoàn chèo Hà Tây - Trần Quang và nghệ sĩ Chu Lượng - Nhà hát múa rối Thăng Long.

Hành trình của gỗ

Mà chỉ cái phần "xác" thôi - làm được ra cũng là "đại sự". Anh Vũ Quốc Bảo - họa sĩ thiết kế tạo hình của Nhà hát múa rối Trung ương cho tôi biết cái hành trình nhọc nhằn của gỗ sung.

Phải là gỗ sung, vì nó nhẹ nên dễ nổi và thoát nước, có độ dẻo và nhiều thớ xoắn nên đóng đinh rất chắc. Chặt khúc rồi đục phá, để khổ tự nhiên rồi đục chi tiết, nghệ nhân tạo một con rối thô. Hình thù ấy được đánh giấy ráp rồi bó - tức là quét lớp sơn mỏng rồi bọc vải xô ngoài mộc. Xong thì đến hom - trộn đất phù sa với sơn ta để quyệt, mài nhẵn con rối. Lại một nươc sơn lót và mài tiếp để làm vóc - công đoạn này là phủ loại sơn đen xì khắp con rối. Xen kẽ giữa những lượt ấy là phơi khô trong nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Thời tiết "thuận" thì nhanh, mà "trêu cợt" thì người làm rối phải chịu khổ. Tốt nhất vào tháng Ba âm lịch trở ra. Như thế là bốn, năm nước sơn mỏng rồi còn gì.

Vậy nhưng chưa hết, khi đã có vóc đen mới được thếp: thật khéo léo, thật “rón rén”, người thợ dán bạc lên thân rối - những lá bạc mỏng dính, đặt lên lòng bàn tay, thở một cái là có thể bay được. Phủ thêm một lớp sơn trong, một lớp sơn tổng hợp nữa làm dung môi pha màu, người thợ lên màu cho rối. Sau cùng phủ một lớp sơn Nhật.

Ngày trước các cụ hay dùng sơn ta, loại này thì bền nhưng hơi xỉn. Người làm rối bây giờ biết tìm tòi, pha chế để con rối càng thêm long lanh, dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ phản chiếu trên gương nước, trò rối càng thêm huyền ảo. Được rối rồi, người ta mới tô điểm, nhấn nhá, vẽ các đường nét mà ra mi là quan trọng nhất - tức là thể hiện đôi mắt cho có hồn. Nghệ nhân giỏi phải là người ra mi giỏi. Các cụ bảo, nhìn mắt rối, biết nó đẹp hay không.

Sau đấy, người thợ - người cha nhẫn nại lắp máy, gắn dây và sào cho rối gỗ thân yêu. Khoan lỗ, rút dây, đưa máy vào trong bụng rối để nấp trong mành, diễn viên có thể cầm sào, kéo dây điều khiển cho rối qua lại, vung vẩy, "thổi" vào cơ thể rối nguồn sống để rối cử động, nói năng với bao sướng vui. Nhưng phải căn chỉnh cho cân xứng. Không khéo thì lệch rối, các công đoạn từ đầu miệt mài đến giờ hỏng bét cả.

Gói tròn lại thường là 5 tháng bền bỉ để hoàn thành một gánh 132 rối gỗ cho 17 trò truyền thống. Thỉnh thoảng hội lễ thì không sao, chưa diễn liên tục như Nhà hát múa rối Thăng Long là vài tháng lại cần một bộ rối mới. Con rối cứ thế được làm suốt tháng. Những nụ cười theo nhau hiện trên mặt gỗ, quanh năm.

Tạm khép cửa mành

Chẳng bao giờ tôi quên được những chuyện ấy. Cũng như tôi vẫn thường nhớ đến hình ảnh những anh chị em ngồi bên cạnh bể rối nước di động, áo the khăn xếp với những trống, phách, sáo, nhị…, họ hát, nói như thể chính mình đang tưng bừng trên mặt nước kia. Tôi nhớ khi kết thúc chương trình, những nụ cười rạng rỡ từ sau mành hiện ra, những diễn viên từ đầu tới cuối buổi diễn dầm mình trong nước, khom người nâng sào điều khiển rối, mùa nóng cũng như mùa lạnh. Tất cả những người ấy, chuyện ấy, là hồn rối chứ ai. Chú Tễu yêu người, yêu chuyện quá, nên không về trời nữa, ở lại lo làm rối cho nụ cười nhân gian cứ trẻ, cứ hồn nhiên mãi…

 Nguyễn Quang Hưng - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :