Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Thư từ Goteborg: Xa ngàn cây số, ngày nào tôi cũng về thăm lại trường xưa
“Xa Tổ quốc đã lâu. Mà ngỡ mình còn trên đất mẹ. Đêm Bắc Âu phủ dày tuyết trắng. Nhớ quê nhà, mở Internet, tôi về thăm…”

Một người bạn vốn cũng là nữ sinh viên của ĐHTHHN (cũ) cùng gia đình di cư sang Thụy Điển từ 1987 vẫn thường lui lại chỗ tôi chơi. Goteborg, một thành phố sạch, thanh bình và hiện đại nhưng xa lạ và hình như hơi ngược với tính cách của những người quen sống trong quan niệm "láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau". Chúng tôi thường ngồi hàng giờ bên nhau, nghĩ về quê hương, xứ sở, nhắc lại những kỷ niệm của một thời sinh viên Văn khoa sôi nổi, trẻ trung, mộng mơ đến lạ lùng và bao giờ kết thúc câu chuyện, bà ấy cũng thở dài, chép miệng: "Chẳng biết ĐHTHHN của chúng mình giờ thay da đổi thịt ra sao nhỉ?". Một lần bà đến, vui vẻ và nhanh nhẹn như cô nữ sinh năm nào. Không mang ghế ra ngồi ngoài hành lang, bà kéo tôi đến trước màn hình vi tính: "Ông rất muốn về thăm ĐHTHHN của mình ngày ấy và là thành viên của ĐHQGHN bây giờ phải không…? Tôi chỉ cho ông trang web này nhé! Ông gõ đi: www.vnu.edu.vn ; phải lần mò mãi tôi mới tìm được ra nó đấy!…”.

Vậy mà đã gần một năm, kể từ ngày tôi bắt đầu truy cập trang web này, và cũng là ngần ấy thời gian người bạn gái đồng niên vĩnh viễn đi xa. Tuổi già thường hay cả nghĩ, trong trái tim bà ấy hai tiếng Việt Nam cùng cụm từ ĐHTHHN và bạn cũ, người xưa luôn đau đáu ngay cả những giây phút cuối đời…

Các con tôi có lần ngạc nhiên hỏi rằng: Sao bố không vào những trang web hay và thú vị hơn mà lại say sưa với www.vnu.edu.vn hay news.vnu.edu.vn đến vậy? Tôi im lặng, không phải vì tôi không có câu trả lời mà bởi có giải thích thì chúng cũng không hiểu nổi. Đó là thói quen, là điều tôi thích, chỉ cần tâm niệm như vậy là đủ. Vốn gắn bó với mái trường ĐHTHHN từ khi còn là một cậu học trò quê mùa lơ ngơ đến Thủ đô, giờ đây ở xa tôi càng yêu, càng nhớ nó. Việc duy nhất tôi có thể làm là ngày nào cũng mở trang web ấy, để ngắm, để đọc và để biết về sự đổi thay của nó mỗi ngày. Thói quen ấy thật bình thường, đơn giản cũng giống như mỗi buổi sáng mở cửa ra tôi gặp phố. ĐHQGHN, mỗi khi trên màn hình hiện ra dòng chữ ấy, tôi lại ngồi lặng mất một lúc, để mặc cho những kỷ niệm xưa ùa về, nhoi nhói nơi ngực trái. Thời gian, vâng, vòng xoáy ấy đã không cho tôi có dịp được trở lại quê hương Việt Nam, được đặt chân lên nền sân 19 Lê Thánh Tông rợp bóng cây, lên những giảng đường của ngôi trường vẫn là ĐHTH ngày xưa nhưng giờ đã đổi tên, đã "lớn", đã đẹp hơn rất nhiều. Cách trở về duy nhất của tôi bằng bàn tay nhấp chuột, di con trỏ trên màn hình cùng với trí tưởng tượng, hình dung xen lồng cũ - mới. Mỗi lần đọc được một thông tin mới, một sự kiện vừa diễn ra “bên nhà", ở bên trời Tây cách xa hàng ngàn cây số tôi xúc động đến trào nước mắt. Xa đấy, mà gần đấy, cảm ơn nhiều lắm news.vnu.edu.vn, cảm ơn những phóng viên, những kỹ thuật viên thực hiện trang web ấy, chính họ đã cho tôi đôi mắt diệu kỳ để nhìn về Tổ quốc, để biết rõ được từng sự đổi thay của một cái tên hằng in sâu trong trái tim tôi: ĐHTHHN ngày xưa và là ĐHQGHN bây giờ. Bạn chắc khó mà tưởng tượng được, mỗi khi giao diện của trang web được mở ra, tôi như nhập tâm hồn vào đó - trên một chuyến bay ảo giác để trở về…

Tôi có một cảm giác thật hạnh phúc sau khi gõ cụm www.vnu.edu.vn và được bước vào trang chủ. Dòng chữ ĐạI HọC QUốC GIA Hà NộI hiện lên khiêm nhường, gọn gàng mà trang trọng, bắt mắt. Nằm bên trái màn hình là bức ảnh chụp tòa nhà điều hành ĐHQGHN sừng sững, uy nghiêm trên một quảng trường rộng, cùng những tán cây xanh, xanh và xa hơn là nền trời bồng bềnh mây trắng. Một cảm giác yên bình, thanh sạch và thoải mái từ từ xâm chiếm tôi. Từng thư mục cụ thể của từng phần được sắp xếp một cách khoa học ngay ở đầu trang: Những thông tin về tuyển sinh; những dịch vụ cho sinh viên mới nhập trường ở từng địa điểm, từng cơ sở đào tạo; những thư mục về danh bạ điện thoại và Email của tất cả các phòng, ban, các trường, các khoa, bộ môn trực thuộc ĐHQGHN; phần tìm kiếm các thông tin, dữ liệu thuộc mọi lĩnh vực;…Bao giờ cũng vậy, một tin tức nổi bật được hiển thị ở chính giữa trang có ảnh, đính kèm bên cạnh là những thông tin quan trọng, cần quan tâm khác. Chỉ cần nhấp chuột vào mục giới thiệu chung, tôi đã nhận được những thông tin cơ bản và chung nhất về ĐHQGHN với cơ chế quản lý, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, phục vụ trực thuộc, về đội ngũ cán bộ, sinh viên. Những khi tò mò, muốn tìm hiểu về những công trình nghiên cứu khoa học cơ bản trên mọi lĩnh vực từ khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật, khoa học tự nhiên và công nghệ đến ngoại ngữ tôi lại di chuột vào trang của Tạp chí khoa học, ở đó cung cấp đầy đủ tất cả. Tôi đọc say sưa từng đề bài, từng bài viết mặc dù lĩnh vực đó tôi không hiểu nhiều. Gặp vấn đề gì chưa thông hoặc mới có, khiến mình thắc mắc, tôi tìm đến với mục hỏi - đáp, đặt câu hỏi bằng thư điện tử và muộn nhất cũng chỉ một ngày sau đã có lời phúc đáp. Bất cứ một vấn đề thuộc lĩnh vực gì có liên quan tới ĐHQGHN, khi tôi hỏi đều được trả lời, vậy là dù ở rất xa hằng ngày tôi vẫn có cơ hội để trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp nơi quê nhà. Càng khám phá tôi càng phát hiện ra những điều thú vị bên trong một trang web của một đơn vị cực kỳ phong phú và hấp dẫn. Cũng giống như tòa nhà có rất nhiều phòng rộng, trong mỗi phòng được phân ra thành những ngăn nhỏ, mỗi ngăn chứa hàng trăm thông tin thuộc một lĩnh vực đã được sắp xếp. “Trang news.vnu.edu.vn đâu có thua kém gì những trang web của các trường đại học nổi tiếng ở Thụy Điển…”- GS. William Clevơsơn (ĐHTH Goteborg, một người yêu Việt Nam và nói Tiếng Việt rất giỏi) có lần tâm sự với tôi như vậy. Ông đặc biệt quan tâm đến trang tin tức - sự kiện bởi ở đó ông có thể tìm hiểu rất nhiều điều về các giáo sư, những nhà giáo uy tín của ĐHQGHN thông qua hai chuyên mục là: Một thế kỷ con người & sự kiện và Chân dung nhà giáo. Một lần đến nhà ông chơi, tôi bắt gặp ông đang trầm ngâm đọc bài viết về GS. Lê Văn Thiêm của Laurent Schwarts (GS Toán học Pháp) trên trang www.vnu.edu.vn . Ông cười và đưa cho tôi xem một tập bài về các nhân vật như GS. Trần Đình Hượu, GS. Trần Đức Thảo, NGND.GS Nguyễn Thạc Cát, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Nguyễn Tài Cẩn cùng một số chân dung nhà giáo khác mà ông đã cất công sưu tầm, in lại từ trên mạng. "Tôi mong muốn một ngày nào đó được đến Việt Nam, được gặp mặt trực tiếp những nhân vật mà tôi hằng yêu mến. Tôi rất cảm phục họ, đọc những bài viết về họ tôi hiểu thêm về nhân cách và đức độ của đất nước các bạn… ", ông vừa rót nước mời tôi, vừa nói chậm rãi như bộc bạch với chính mình. Hóa ra đâu chỉ có riêng chúng tôi, những Việt kiều sống ở xa mà bạn bè ở khắp nơi cũng thật quan tâm đến Tổ quốc mình, con người mình, tự nhiên tôi liên tưởng trang www.vnu.edu.vn như một nhịp cầu văn hóa thời công nghệ thông tin.

Dịp cuối tháng 10 vừa rồi, nhân có việc tôi rẽ qua Paris (Pháp), đến thăm một người bạn đồng hương, đồng khóa năm xưa, giờ đã trở thành ông chủ của một công ty thức ăn gia súc lớn. Những tưởng công việc kinh doanh đã làm anh quên mất quá khứ, vậy mà tôi lầm. Trong câu chuyện hàn huyên sau nhiều năm xa cách, anh vẫn kể rất nhiều về bạn cũ, trường xưa, về thông tin của những người nay ai còn, ai mất. Rồi anh vỗ vai tôi, nói như reo: "Ông biết tin gì chưa, trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) nơi có Khoa Văn học của tụi mình vừa mới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đấy. Tôi đọc tin và xem ảnh qua trang web mà vui quá. Bây giờ Trường đã khang trang và đẹp lắm rồi. Cả KTX Mễ Trì nữa chứ! Đã bấy nhiêu năm mà nhìn qua ảnh, Nhà văn hóa vẫn cổ kính và uy nghi như thế… Mà ông đã biết địa chỉ trang web ấy chưa nhỉ?”. Rồi chẳng kịp để tôi trả lời, anh kéo tôi đến bên bàn máy, giảng giải tỉ mỉ từng bước: Khi vào trang chủ www.vnu.edu.vn rồi thì nhấp chuột vào trang Bản tin ta sẽ có các thông tin chung nhất về các hoạt động của ĐHQGHN ; để biết tin tức và sự kiện trong tháng, trong năm ở ĐHQGHN thì nháy vào những thư mục Tin tức và sự kiện ; muốn biết cuộc sống của học sinh, sinh viên ở đây bây giờ khác ngày xưa ra sao thì link vào trang học sinh, sinh viên, còn muốn tìm hiểu về các hoạt động của ĐHQGHN chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương sẽ có hẳn một mục lớn riêng ở góc dưới trang bên trái,…Tôi mỉm cười nhưng vẫn lặng im nghe anh giảng giải coi như mình chưa biết gì về trang web này, lòng cảm thấy vui vui vì hóa ra chúng tôi đều giống nhau cả.

Một tuần sau chuyến đến Paris, chiều ấy tôi nhận được điện của anh, anh rủ tôi bay về Việt Nam vào đúng dịp ĐHQGHN kỷ niệm 100 năm ĐH Đông Dương, anh bảo rằng đã rủ được 7 người bạn khác cùng về, và giao cho tôi nhiệm vụ phải thông tin để những người bạn đồng niên, đồng khóa ở Hà Nội được biết. Tôi hào hứng nhận lời dù biết rằng sức khỏe dạo này của mình không được tốt. Tối đó, tôi viết thư gửi về Việt Nam, và không quên lý giải cho bạn bè biết rằng tại sao ngần ấy thời gian ở xa Tổ quốc như vậy, nhưng chúng tôi ở bên này vẫn nắm rất rõ những thông tin ở quê nhà. Mở trang web: www.vnu.edu.vn, tôi ngồi ngắm hồi lâu dòng chữ ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, trong lòng lại trào dâng một cảm xúc khó tả…

 Văn Trương Minh (chuyển ngữ) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :