Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Tìm hồn Việt ở bảo tàng nhân học...
Tôi theo bước chân thầy đến thăm Bảo tàng Nhân học của Trường ĐHKHXH&NV và thật ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc Việt Nam đang được lưu giữ, bảo tồn và trưng bày ở đây...

Bên cạnh nhiệm vụ trực tiếp đào tạo và phục vụ đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành khoa học xã hội - nhân văn, Bảo tàng Nhân học còn là một “thế giới cổ vật”, nơi cung cấp những tư liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa các vùng miền…

Nơi sưu tầm những chứng tích thời gian

Trước khi đến thăm, tôi đã được nghe giới thiệu về Bảo tàng Nhân học. Đây là bảo tàng đầu tiên của một trường đại học và là một trong những mô hình của phương thức gắn đào tạo với thực tế. Nơi đây đã sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hàng chục bộ hiện vật của nhiều nền văn hóa khảo cổ học Việt Nam từ các thời kỳ Tiền, Sơ và Lịch sử thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam. Có thể kể đến một số hiện vật tiêu biểu như bộ sưu tập công cụ đá của văn hóa Hòa Bình gồm trên 2000 hiện vật; bộ sưu tập đồ gốm, đồ đá, đồ đồng của văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn trên lưu vực sông Hồng; bộ sưu tập đồ gốm, đồ trang sức bằng đá và cả bằng thủy tinh của văn hóa Sa Huỳnh; bộ sưu tập hiện vật gốm văn hóa Champa thành Trà Kiệu, Cổ Lũy; bộ sưu tập gốm và vật liệu xây dựng, kiến trúc thành Luy Lâu; những mẫu vật gốm sứ, vật liệu xây dựng, trang trí, kiến trúc thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn; bộ sưu tập gốm sành miền Trung thế kỷ 17 - 19;… Mỗi bộ sưu tập ở đây đều được ghi chú rất rõ ràng, cụ thể về thời gian xuất xứ, cũng như niên đại của nó. Tôi đặc biệt bị cuốn hút khi thăm quan khu vực trưng bày những hiện vật liên quan đến lĩnh vực Dân tộc học, Hán Nôm, lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là những công cụ sản xuất và trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc H’mông, Dao, Xaphó, Dáy, Mường, Kinh…

GS. Phan Hữu Dật - người đã hiến tặng những bộ sách quý giá cho Bảo tàng Nhân học

Khách đến thăm Bảo tàng, ai cũng trầm trồ trước cách thức bài trí, phân khu vực trưng bày vừa khoa học vừa đảm bảo tính thẩm mỹ ở đây. Các hiện vật, mẫu vật được trưng bày theo hướng phục vụ nghiên cứu và đào tạo trong giai đoạn hội nhập văn hóa quốc tế mà vẫn bảo tồn được tính phong phú, đa dạng cùng những nét đẹp độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Không đơn lẻ, khô cứng, các mẫu trưng bày được sắp xếp và thể hiện lồng ghép với những hình ảnh về kỹ thuật, kỹ nghệ cũng như quá trình chế tác và các lễ nghi,… từ đó làm nổi bật được mối quan hệ giữa hiện vật với hiện vật, giữa hiện vật với môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đối với các hiện vật, sản phẩm khảo cổ học liên quan đến các vấn đề như nguồn gốc loài người, vết tích người cổ, các nền văn hóa, các giai đoạn văn hóa khảo cổ học trên lãnh thổ Việt Nam được trưng bày theo khu vực và giai đoạn qua các mô hình cụ thể đã được sưu tầm tại một số địa điểm khai quật tiêu biểu. Ngoài ra, mẫu vật sẽ được trưng bày theo từng chủ đề thể hiện mô thức sống của con người, ứng xử giữa con người với thế giới tự nhiên, xã hội trong từng bối cảnh văn hóa cụ thể. Bên cạnh việc trình bày hiện vật khảo cổ học theo mô hình truyền thống căn cứ vào từng dân tộc hay nhóm ngôn ngữ giống như các bảo tàng khác, ở Bảo tàng Nhân học còn trưng bày theo từng lĩnh vực đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh như mộ táng, nhà ở, ngành nghề thủ công… được tổ chức kết hợp với một chủ đề trọng tâm xuyên thời gian. ở một số khu vực của Bảo tàng, việc trưng bày khảo cổ học còn được tổ chức theo các địa điểm khai quật, phục dựng lại quá trình làm việc tại hiện trường của các nhà khảo cổ học, quá trình phân tích hiện vật sau khi khai quật và những thực nghiệm liên quan. Những hoạt động sống của con người, như tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất đã tồn tại trong quá trình lịch sử lâu dài như được tái hiện một cách sống động thông qua những công cụ sản xuất của từng phương thức canh tác, chẳng hạn các công cụ đánh bắt cá, các công cụ hái lượm, thậm chí đi sâu vào các loại câu, các loại chài lưới, đó, các loại cung tên hay các loại bẫy… chúng được trưng bày lồng ghép vừa theo dân tộc, vừa theo công dụng.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Nhân học cũng chú trọng thể hiện những di sản văn hóa phi vật thể ẩn chứa trong từng hiện vật thuộc các lĩnh vực Khảo cổ học, Dân tộc học, Lịch sử văn hóa,… Chẳng hạn để biết về hoạt động tôn giáo chúng ta sẽ nhìn vào các công cụ phục vụ đám cưới, đám ma, lễ hội. Tìm hiểu về văn hóa ẩm thực chúng ta sẽ căn cứ vào các kiểu bếp, đồ dùng, dụng cụ chế biến, món ăn, cách thức ăn uống, nghi thức, nghi lễ… TS. Lâm Thị Mỹ Dung - Giám đốc Bảo tàng Nhân học cho biết: “Chúng tôi thu thập, bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản này bằng những phương pháp và kỹ thuật hiện đại. Ngôn ngữ các dân tộc được trưng bày dưới dạng chữ viết biểu hiện trong những văn bản từ cổ chí kim như chữ Thái, chữ Khơme, chữ Chăm, chữ Nôm Dao, Nôm Tày, chữ của người H’mông, Êđê, Giarai hay lịch sử ra đời của chữ phổ thông,… Bảo tàng Nhân học cũng chú ý giới thiệu các biểu tượng thông báo như ta leo (dân tộc Thái), các loại cờ báo giờ, cầm canh hay trống, mõ, tù và…”.

TS. Lâm Thị Mỹ Dung đang giới thiệu về bảo tàng trong ngày khai trương

Ngoài phần trưng bày thường trực, hàng năm, Bảo tàng Nhân học còn định kỳ hoặc không định kỳ tổ chức các triển lãm báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ học hàng năm, kết quả khảo sát điền dã, thực tập thực tế dân tộc học, lịch sử văn hóa Việt Nam, văn hóa dân gian… của giáo viên và sinh viên.

Giá trị nhân văn giữa Bảo tàng Nhân học…

Sẽ có hàng ngàn lượt khách đến thăm, sẽ có hàng trăm sinh viên đặc biệt là sinh viên Khoa Lịch sử sau khi ra trường còn nhắc đến Bảo tàng Nhân học này, bởi chỉ cần nhìn những hiện vật được trưng bày nơi đây, họ cũng đã phần nào mường tượng được về những bước đi và vóc dáng văn hóa của dân tộc mình. Bảo tàng Nhân học đặt ở ĐHKHXH&NV, không có gì hợp hơn điều đó…” - Tôi còn nhớ lời nói của một thầy giáo già khi vừa bước chân vào gian trưng bày. Đúng như tên gọi của mình, Bảo tàng Nhân học muốn cung cấp cho người xem những kiến thức cơ bản nhất về quá trình hình thành các nền văn hóa cũng như sinh hoạt của con người để hướng tới những giá trị cao đẹp, nhân văn hơn.

Cũng theo TS. Lâm Thị Mỹ Dung thì ngay từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng Nhân học đã, đang và sẽ liên kết với các khoa, bộ môn, các trung tâm và phòng ban nghiệp vụ của Trường ĐHKHXH&NV cũng như với một số bảo tàng cả ở Trung ương và các địa phương tổ chức những đợt dã ngoại, thực tế nhằm tuyên truyền, giáo dục và nghiên cứu các giá trị văn hóa cho giảng viên, sinh viên. Trong tương lai, để đáp ứng được nhu cầu sưu tầm, trưng bày những hiện vật tiêu biểu phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, Bảo tàng Nhân học rất cần sự hỗ trợ về mọi mặt của các cơ quan chuyên môn, tổ chức xã hội và cá nhân, đặc biệt là sự hợp tác, giúp đỡ của các nhà giáo, nhà nghiên cứu và quản lý, những người sưu tập tư nhân cũng như những sinh viên tâm huyết với công việc nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc…

 Trương Huyền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :