Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Anh mãi là một “Lê Anh Xuân” của Khoa Lịch sử
Chiều 28/11/2005, chúng tôi, một nhóm sinh viên khoá 18 Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN), từ Hà Nội bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để đưa tiễn một người bạn học cùng khoá về nơi an nghỉ cuối cùng…

Anh là PGS.TS Lê Văn Quang - Phó hiệu trưởng, Phó bí thư Đảng uỷ, Trưởng bộ môn Quan hệ quốc tế Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.

Anh sinh ngày 15/1/1955 trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu truyền thống hiếu học ở thôn Kiều Mộc, xã Tân Đức, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Tháng 10/1973, anh thi đỗ vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, điều tưởng như mơ đối với cậu học trò nghèo quê lụa; bởi tuổi thơ của anh chỉ gắn chặt với những công việc vất vả của nhà nông, cùng bố mẹ, anh em lo toan cuộc sống gia đình, và bởi, suốt 10 năm học phổ thông, ngày nào anh cũng phải đi bộ 15 km để tới trường…

Vào học Khoa Lịch sử (thời đó được “mệnh danh” là “Khoa lãnh tụ”), chúng tôi được các giáo sư đầu ngành của nền sử học Việt Nam trực tiếp giảng dạy. Với tư chất thông minh, ham học hỏi Lê Văn Quang đã lao vào học tập, nghiên cứu để tích luỹ kiến thức cho mình. ở Khoa Lịch sử lúc đó, nói đến anh là nhắc đến một sinh viên thông minh, học giỏi toàn diện; một con người trầm tính nhưng thẳng thắn, trung thực; một thanh niên cần kiệm và nhân hậu…

Năm 1978, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Lịch sử Thế giới, mặc dù được một số cơ quan tại Hà Nội tiếp nhận về công tác, nhưng Anh đã chọn cho mình con đường đi khó khăn hơn - vào nhận công tác tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ngay từ những năm đầu giải phóng (nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM). Là một cán bộ trẻ, được Khoa phân công làm giáo vụ, anh đã bỏ nhiều công sức sắp xếp chương trình, quan hệ mật thiết với các thầy, cô ở Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội để mời các thầy, cô vào thỉnh giảng.

Năm 1981, Lê Văn Quang trúng tuyển nghiên cứu sinh nước ngoài với kết quả xuất sắc. Năm 1986, anh theo học tại Khoa Phương đông, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrat, bốn năm sau anh bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ với đề tài “Phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam á đầu thế kỷ XX”.

Trở về Trường năm 1991, 5 năm sau Lê Văn Quang được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Lịch sử. Tháng 2/2002, anh được nhận học hàm Phó giáo sư Sử học; cũng từ năm này anh được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng, được cử giữ chức Phó bí thư Đảng uỷ (khoá III) của Nhà trường. Là một thầy giáo rất tâm huyết với nghề, anh luôn trăn trở để xây dựng một phương pháp sư phạm mẫu mực. Mấy năm gần đây, mặc dù rất bận vì công việc quản lý nhưng anh vẫn dành thời gian cho công tác giảng dạy, hướng dẫn luận văn và nghiên cứu khoa học. Anh đã hướng dẫn thành công 3 luận án tiến sĩ (trong đó có 2 luận án được nhận giải thưởng Phạm Thận Duật của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và 8 luận văn thạc sĩ.

Là một người chuyên nghiên cứu về lịch sử thế giới, hơn mười năm trở lại đây anh đã công bố nhiều công trình nghiên cứu giá trị của mình: “Quan hệ quốc tế ở Đông Nam á trong lịch sử (Trung Quốc - Triều Tiên - Nhật Bản) - 1993; “Lịch sử Vương quốc Thái Lan” - 1995; “Lịch sử Nhật Bản” - 1998; “Lịch sử thế giới hiện đại (1917 đến nay)” - 1998; “Lịch sử quan hệ quốc tế từ 1917 đến 1945” - 2002.

Đến nay, mặc dù sự nghiệp nghiên cứu còn đang dang dở, nhưng anh đã kịp xuất bản 5 công trình nghiên cứu dày dặn, là đồng tác giả và đồng chủ biên của nhiều đầu sách khác; công bố hơn 30 báo cáo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước; chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp trường; tham gia và chủ trì nhiều hội thảo khoa học các cấp… Có thể nói, anh đã dồn tất cả tâm lực của mình cho công việc, cho sự phát triển của nhà trường, nhưng trong cuộc sống đời thường anh lại rất ít quan tâm đến mình.

Nhà anh ở trong một ngõ nhỏ của đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Con đường dẫn vào nhà anh mấp mô, gồ ghề như chính cuộc đời anh. Với cương vị của mình, hàng ngày công việc ngập đầu, nhưng đến bữa ăn trưa anh thường chỉ nhờ nhân viên văn phòng mang cho một suất cơm từ căng tin nhà trường như bữa trưa hôm ấy, ngày 25/11 (bữa trưa cuối cùng trước khi anh mất). Công việc và cường độ làm việc đã không cho anh thời gian để chăm lo cho sức khoẻ của chính mình, mặc dù đã từ 2 năm trước anh biết trong mình đang mang một căn bệnh… Để rồi đến 7 giờ 30 phút ngày 26/11, anh đã vĩnh viễn xa chúng tôi.

Vẫn biết rằng “Sinh là hữu hạn, tử là bất kỳ”, song, sự ra đi của anh là quá đột ngột. Cũng biết rằng khi ra đi, trong lòng anh còn có điều chưa thật thanh thản nhưng xin anh cứ yên lòng, bởi bên anh luôn có các thầy, cùng những đồng nghiệp ở Hà Nội và luôn có các đồng nghiệp, cùng những học trò thân yêu ở thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà suốt 25 năm qua anh đã gắn bó và dốc hết tâm lực cho sự phát triển của Nhà trường. Còn với chúng tôi, những cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh mãi là một “Lê Anh Xuân” của Khoa Lịch sử giữa thời bình, bởi anh đã làm việc, phấn đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp “trồng người”.

Hà Nội, 1/12/2005

 Phạm Hương Lan - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :