Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Đón Tết trên Mã Đảo
Câu chuyện cách đây đã 25 năm, vừa đúng một phần tư thế kỷ. Hồi đó, đoàn chuyên gia giáo dục của Đại học Tổng hợp Hà Nội được cử sang giảng dạy tại Madagascar, một đảo lớn trên Ấn Độ Dương, nằm ở phía Tây Nam lục địa châu Phi...

Đoàn có 5 giáo sư thuộc các ngành Triết học, Sử học và Toán học được phân công giảng dạy ở thủ đô Antanarivo (thường gọi tắt là Tana) và thành phố Fianarantsoa.

Madagascar rộng hơn 500.000 km2, với khoảng 10 triệu dân, vốn là thuộc địa của Pháp từ cuối thế kỷ XIX, đến năm 1960 thì tuyên bố độc lập. Cư dân nơi đây, nhất là những người ở thành phố chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Pháp. Trong trường đại học đều dạy và học bằng tiếng Pháp. Họ đón năm mới theo Tết dương lịch.

Tuy sống ở nơi xa xôi “cùng trời cuối đất”, chúng tôi vẫn nhớ về Tết âm lịch, ngày tết truyền thống của dân tộc. Càng gần đến Tết càng nhớ nhà da diết. Nhất là hồi đó chưa có phương tiện thông tin hiện đại như bây giờ. Mỗi bức thư theo đường bưu điện phải mất vài ba tháng mới nhận được. Cho nên, tin tức quê nhà thật là hiếm hoi và đáng quý biết bao. Nhóm chúng tôi ở thủ đô, may mắn là gần Đại sứ quán ta nên còn có nơi đi lại để thăm hỏi tin tức trong nước.

Giờ ở Mã Đảo chênh so với giờ trong nước khoảng 3 tiếng đồng hồ. Từ buổi tối 30 Tết âm lịch, chúng tôi tụ tập về Đại sứ quán để ăn bữa cơm Tết. Chỉ có 3 người thuộc nhóm chuyên gia chúng tôi cùng 8 cán bộ, nhân viên sứ quán và một số bà con Việt kiều. Chị Thảo - Đại sứ phu nhân đã lo cho bữa cơm Tết này từ trước đó rất sớm vì nhiều thứ phải đặt mua ở Paris gửi sang. Bữa cơm thật thịnh soạn, đầy đủ, có cả bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán... Trong không khí đầm ấm, chúng tôi nâng ly chúc mừng năm mới, kể lại nhiều kỷ niệm, chia sẻ nỗi nhớ nhà. Nhất là vào đầu những năm 80, kinh tế trong nước đang gặp muôn vàn khó khăn nên ai cũng ao ước không biết đến khi nào nhà mình có được bữa cơm như thế này?

Chúng tôi cố đợi đến khoảng 3 giờ sáng, tức là giao thừa ở nước nhà. Đúng giờ đó, từ chiếc radio vang lên tiếng pháo nổ. Pháo nổ vang rền, báo hiệu xuân đã về trên Tổ quốc thân yêu. Chúng tôi lắng nghe bài chúc tết của Chủ tịch nước. Một lần nữa, chúng tôi mở sâm banh để chúc mừng sức khoẻ và hạnh phúc. Trong tiếng nói cười mừng năm mới, ai cũng cố giấu đi giọt nước mắt nhớ nhà. Nghe tiếp chương trình ca nhạc đầu xuân, cho đến gần sáng, chúng tôi mới chia tay ra về.

Đối với Mã Đảo, ngày Tết năm đó là một ngày làm việc bình thường nên chúng tôi vẫn giữ giờ giảng theo đúng thời khoá biểu, mặc dầu phía bạn gợi ý để các giáo sư Việt Nam được nghỉ ngày Tết dân tộc. Buổi sáng lên lớp, buổi chiều chúng tôi đi thăm mấy gia đình Việt kiều. Người Việt ở đây không nhiều, thường là các cụ già đã 60 - 70 tuổi. Hồi còn trai trẻ, các cụ là những thanh niên bị thực dân Pháp bắt lính đưa sang Châu Âu hoặc đến các thuộc địa của Pháp ở Châu Phi. Khi nước nhà độc lập, các cụ đấu tranh đòi hồi hương. Nhưng trên đường về, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều người không về được, một số ghé lại ngụ cư thành dân trên đảo. Các cụ thường mở cửa hàng ăn Việt Nam với những món ăn mà tên gọi trở thành quen thuộc với người dân bản địa như nem, phở, mì xào…

Chúng tôi dự bữa cơm Tết của một gia đình, quả là một bữa cơm “quốc tế”. Cụ ông là người Việt, cụ bà là người bản địa Mangat, các con mang 2 dòng máu. Nhưng khi trưởng thành, những người con trai, con gái đi du học rồi lấy vợ người Pháp, chồng người Anh, đưa các cháu về thăm ông bà chỉ còn bập bẹ được vài từ tiếng Việt. Thế là 3, 4 thứ ngôn ngữ trộn lẫn vào nhau trong bữa cơm Tết trên Mã Đảo thật là vui nhộn. Trong mỗi gia đình, các cụ ông chỉ còn là “thiểu số”, song cái phong cách Việt vẫn rất đậm nét trong cách ứng xử, trong câu chuyện giao tiếp, trong tình cảm quê hương của con cháu các cụ.

Chúng tôi đi thăm tượng đài kỷ niệm người anh hùng dân tộc Jean Ralaimongo trên một ngọn đồi phía Tây Bắc thành phố. Nhân dân Mangat rất tự hào về ông - người chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Ông chính là người bạn, một cộng tác viên gần gũi của Nguyễn ái Quốc trên tờ báo “Người cùng khổ” xuất bản ở Paris vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Ngay buổi đầu tiên đón đoàn chúng tôi, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước bạn đã nhắc đến sự kiện này, coi đó như mốc mở đầu của quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với người dân trên Mã Đảo. Chính phủ Madagascar đã cho xây dựng Công viên Hồ Chí Minh trên đại lộ Ralaimongo nằm bên hồ ngay trung tâm thủ đô. Nơi đó, ngày nay đã đặt bức tượng Bác Hồ với dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bằng tiếng địa phương.

Thời gian trôi qua nhanh, song đây là một kỷ niệm thật khó quên mỗi khi đón xuân về trong lòng Tổ quốc thân yêu.

2006

 Hồng Dương - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :