Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
“Ngày ba mươi Tết, thịt treo trong nhà...”
Đây là một ý trong bài ca dao xưa giễu anh chàng thầy bói quen thói nói dựa: “Số cô chẳng giàu thì nghèo. Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà. Số cô có mẹ có cha. Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông...”

1. Nói như vậy có khác nào bảo “mặt trời mọc ở đằng Đông”, hay “hai cộng hai bằng bốn”, hay “trời không mưa thì nắng”... Đó là những chân lý hiển nhiên của cuộc đời. Và phán như thế thì ai mà chẳng phán được, cần gì đến ông thầy bói cho tốn công, tốn của?

2. Nhưng có một câu mà chỉ có logic đời thường người Việt chấp nhận và hiểu rất rõ: “Ngày ba mươi Tết, thịt treo trong nhà”. Theo lẽ thường đồng hướng trong các câu khác thì có thể suy luận ra ẩn ý của câu này là: “Bất luận thế nào, dù giàu hay nghèo đến mấy, thì hầu như tất cả mọi gia đình (người Việt) đều có một món chế biến từ thịt (thường là thịt lợn), thời gian muộn nhất phải có là ngày ba mươi Tết, ngày cuối cùng của năm (âm lịch)”.

Tất nhiên, bây giờ, câu nói này có thể làm cho nhiều người (nhất là lớp trẻ) ngạc nhiên. ừ! Đúng! Thịt - một thức ăn bổ, nhiều chất đạm, chất béo và là một thực phẩm khá đắt. Nhưng đâu có phải khó kiếm và càng không phải là một món hàng giá trị tới mức phải đợi đến Tết mới dám mua? Với khả năng thu nhập và mặt bằng giá cả hiện nay, người ta có thể có món thịt (đủ loại gà, lợn, bò, dê...) bất cứ lúc nào họ muốn. Và cần gì treo trong nhà nhỉ? Tủ lạnh để đâu? Vừa gọn, vừa tiện, vừa bảo quản an toàn, lại lịch sự. ở những gia đình khá giả, thích chơi sang, chẳng nói gì đến thịt, chứ nếu mà có “gan giời, trứng trâu” họ cũng sẽ mua ngay. Họ còn than thở suốt ngày vì bọn trẻ lười biếng chẳng chịu ăn thịt nữa kia!

3. Nhưng nếu ngược dòng lịch sử không xa, ta sẽ thấy điều này hẳn là rất có ý nghĩa với cội nguồn cuộc sống cộng đồng nông thôn Việt Nam xưa. Trong tâm khảm thẳm sâu của người Việt, cái Tết mang đậm một quan niệm rất quan trọng và vô cùng thiêng liêng. Tết là thời điểm đặc biệt để con cháu hướng về quê hương bản quán, tổ tiên ông bà, anh em chòm xóm. “Dù ai đi đâu làm đâu. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ” (Nguyễn Khoa Điềm). Ngày Tết ý nghĩa và thân thương là thế, là thời điểm đoàn tụ và sum họp. Và ngày Tết cũng là lúc con cháu tất bật lo sắm sửa những thức ngon vật lạ, hoặc ít nhất là những sản vật có sẵn trong vườn nhà để cúng bái gia tiên cùng gia thần. Sau lễ bái, là đến lượt con cháu gia đình cùng hưởng thụ. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có từ ăn Tết (cùng chơi Tết, vui Tết...), nghĩa là thưởng thức các món ăn một cách đủ đầy với chất lượng cao nhất: “Làm như ba ngày mùa để đâu cho hết? Ăn như ba ngày Tết lấy gì mà ăn?” Các món ăn như giò (giò mỡ, giò nạc, giò thủ, giò lòng, giò bì,...), nem, ninh, mọc, bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh khúc, bánh khảo... là những món đặc biệt chỉ có đến Tết mới có cơ hội sắm sanh đầy đủ. Phần vì không có thời gian để chế biến kỹ càng, phần vì khó khăn, không bao giờ một nhà có thể kiếm ngay một lúc là xong.

4. Đúng thế! Ngày xưa, người ta chuẩn bị Tết ròng rã suốt cả một năm trời. Đỗ xanh tháng năm, gạo nếp tháng mười (đỗ xanh thu hoạch vào tháng năm, tháng sáu còn gạo nếp cái phải đợi sang vụ mùa - tháng mười - mới chính vụ). Lá dong trồng sẵn ở vườn nhà, sang thu là người ta bắt đầu chăm sóc, tỉa cành, bắt sâu để tháng chạp thu hoạch. Gốc cây hay củi gộc tre đánh sẵn, bổ phơi khô trên gác bếp. Thế là có thể yên tâm với nồi bánh chưng rồi. Còn món thịt lợn thì hiếm hơn nhiều. Do nuôi lợn khá tốn. Bèo rau có thể sẵn nhưng cám thì quá ít. Thóc cao, gạo kém nên lo gạo cho người ăn cũng đã méo mặt. Lợn gà cũng đói theo. Hồi đó cũng chẳng có lợn lai, thức ăn công nghiệp hay thuốc tăng trọng như bây giờ. Nên nhà nào nuôi được một vài con lợn “trỗn” (giống lợn ỉn, đã thiến để vỗ béo) nặng năm, sáu chục cân là đã trường vốn lắm. Thường chỉ ba bốn chục cân là mấy nhà có thể chung nhau “đánh đụng” được rồi. Một góc lợn, tính ra quãng hơn chục cân “hơi” đã là quá sang, đủ một gia đình lo mọi món ăn Tết như: giò nạc, giò mỡ, giò thủ, nấu đông và còn rán mỡ nước để ra Giêng ăn dần. Ai về nông thôn ngày ấy vào quãng 27 đến 30 Tết, đến đêm là đã nghe tiếng lợn kêu eng éc inh tai. Rồi tiếng rì rầm người bàn tán. Tiếng kỳ cạch dao thớt. Tiếng giã giò thùm thụp khắp mọi nhà. Nó lan toả khắp nơi y như một “công trường” tấp nập và đượm không khí ẩm thực rất đặc biệt. Trong không khí heo may se lạnh của những ngày giáp Tết, nhìn cảnh khói bếp thơm bay trong từng căn nhà trong xóm nhỏ, hương thơm của các món ăn lan toả đâu đây, ta mới thấy hết sự ấm cúng ý vị của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Và bước vào gian bếp, đập vào mắt ta là các loại giò bó chắc bằng mo nang hay lá chuối treo san sát. Dù nghèo mấy thì trong bếp cũng có mặt dăm ba thứ. Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà chính là thế. Đó là hình ảnh cái Tết quen thuộc ngàn đời của dân Việt Nam ta. Thật khó tưởng tượng ra cảnh đến tận ngày này, ở một nếp nhà nào đó của người Việt mà bếp vẫn lạnh tanh, trên nhà thì bàn thờ ông bà, ông vải vẫn im lìm không hương khói.

5. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Theo tín ngưỡng phồn thực, sự no đủ của ngày đầu tiên trong năm là dấu hiệu cho sự thịnh vượng, làm ăn phát tài phát lộc của cả năm. Vậy thì ai mà chả muốn? Để thiếu, để đói trong những ngày này là sẽ bị “rông”, nghĩa là làm ăn khốn khó suốt năm đấy. Tết Nguyên đán là một lễ hội trọng đại của nhiều nước phương Đông trong đó có Việt Nam ta. Song từ cội nguồn dân tộc, nó lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa về tín ngưỡng, về phong tục, về văn hoá... mà chỉ có những người dân Việt Nam, vốn gắn liền với văn hoá lúa nước và cuộc sống cộng đồng làng xã mới thể hiện hết cái hay, cái đặc sắc của riêng mình. ở đó, ta đọc thấy sự giao cảm hài hoà nhất về đất trời, thiên nhiên, khí hậu và con người Việt Nam. “Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà. Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên” (Ca dao).

 Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :