Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Tín ngưỡng dân gian, tính nhân văn trong mâm ngũ quả ngày Tết...
Theo phong tục từ xa xưa để lại, một năm đi qua, người Việt Nam ta đón rất nhiều cái tết (tết được đọc trệch của từ tiết mà ra), nào là Tết Thượng nguyên, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Trùng thập…

Nhưng Tết Nguyên đán (nguyên = đầu, đán = sớm) là cái tết cổ truyền đầu tiên và lớn nhất của người Việt ta. Nghi lễ trang trọng nhất trong mấy ngày tết là thờ cúng tổ tiên. Lễ vật dâng cúng ngoài bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ thì cũng không thể thiếu được mâm ngũ quả được đặt trang trọng ở chính giữa bàn thờ. ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày tết thật là sâu sắc… Trước hết, đây là những sản vật nông nghiệp, thành quả lao động dâng cúng tổ tiên, trời đất, thần linh - những thế lực siêu nhiên đã phù hộ cho mưa thuận, gió hoà, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Nhưng sâu xa hơn cả trong việc dâng cúng hoa quả là gìn giữ, phát huy truyền thống đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Chọn bày mâm ngũ quả còn thể hiện trình độ thẩm mỹ, sự xếp đặt khéo léo của người xưa với màu vàng của bòng, bưởi, màu xanh của chuối tiêu, màu đỏ của cam, quýt, màu trắng của lê được xếp thành khối tròn đầy đặn, nở nang trên chiếc mâm bồng sơn son, thếp vàng. Không chỉ đẹp mắt, mỗi thứ quả còn lặng lẽ toả hương thơm ngát suốt ngày đêm làm cho không khí ngày Tết thêm vui tươi, tràn đầy sức sống…

Mâm ngũ quả (năm thứ quả) được bày trong ngày tết của mỗi gia đình mà không gọi là lục quả, thất quả đại diện cho hàng chục loại trái cây gắn liền với quan niệm của triết học cổ xưa của nền văn hoá phương Đông. Đó là vũ trụ được tạo nên bởi 5 yếu tố vật chất: Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ (kim loại - gỗ - nước - lửa - đất). Vì thế, trên mâm ngũ quả ngày Tết, ở giữa mâm là quả bòng hoặc bưởi có màu vàng tượng trưng cho thổ nằm ở trung ương. Các hành khác vây quanh hành thổ có thể là: quả chuối xanh tượng trưng cho mộc, cam quýt đỏ hồng tượng trưng cho kim. Ngày nay, người ta còn bày thêm cả quả sung, đu đủ để cầu mong cuộc sống vật chất luôn được no đủ, sung túc. Con số 5 của mâm ngũ quả theo tượng số học phương Đông là con số sinh. Trong 9 số tự nhiên từ 1 đến 9 nó đóng ở trung tâm Lạc thư (Lạc thư: Vua Đại Vũ nhà Hạ (2205 - 1766 TCN) sau khi trị thuỷ thành công đã nhìn thấy rùa vàng trên sông Lạc, trên mai rùa ghi các số khoanh tròn biểu thị các con số từ 1 đến 9) (còn gọi là ma phương - hình vuông kỳ lạ). Trong hình vuông kẻ 9 ô, đặt 9 con số, nếu ta cộng 3 con số theo chiều dọc, chiều ngang, chiều chéo đều được tổng là 15. Và kỳ lạ là đem tổng cộng số ở bất kỳ chiều nào đem chia trung bình cho 3 thì kết quả bằng chính số 5 ở trung tâm Lạc thư.

Hẳn con số 5 là con số tốt đẹp, con số dương, cho nên Tết đến, Xuân về nhà nhà đều mong muốn có Ngũ phúc lâm môn (5 điều phúc: Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Minh) đến nhà. Con người trong xã hội tồn tại, phát triển trong mối quan hệ Ngũ thường (trong Tam cương ngũ thường) không thể thiếu được 5 điều: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Rồi thì ngọn cờ ngũ hành (cờ năm màu) bay trong hội làng mùa xuân. Chỉ ngũ sắc (5 màu) nước ngũ vị hương là những đồ dùng, vật dụng quen thuộc, là kinh nghiệm đúc kết trải đời mang có khi còn mang đậm yếu tố tâm linh của con người từ xưa đến tận hôm nay…

Mâm ngũ quả - con số 5 kỳ diệu, con số thiêng trải qua thời gian hàng ngàn năm đã thấm sâu vào đời sống văn hoá, tâm linh của người Việt Nam trở thành một mỹ tục trường tồn. Trong xôn xao, náo nức của ngày Tết đến, xuân về, mâm ngũ quả - một hương vị tết tinh khiết, thiêng liêng không thể thiếu trong gia đình người dân Việt Nam…

 Nguyễn Văn Khánh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :