Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Tết âm lịch ở một số nước trong khu vực
Tết Nguyên đán không chỉ được đón đợi ở Việt Nam mà ở cả một số quốc gia trong khu vực. Phải có dịp tham dự những cái Tết của nhiều dân tộc khác nhau, bạn mới nhận thức được sâu sắc về ý nghĩa nhân sinh của mốc thời gian định kỳ hàng năm ấy...

Bạn sẽ cảm nhận được giữa những môi trường, những cộng đồng dân cư sống chẳng bao giờ giống nhau nhưng những cái Tết, những sinh hoạt văn hoá cộng đồng thì bao giờ cũng đến với người ta từ một con đường rất chung. Con đường ấy bắt nguồn từ thế giới tâm linh, từ văn hoá ứng xử truyền thống có tự ngàn đời...

Triều Tiên: Các cơ quan, công sở ở Triều Tiên cho cán bộ, nhân viên... nghỉ làm việc 3 ngày đầu tiên của tháng 1 dương lịch để ăn Tết tây. Tuy nhiên phần lớn người dân ở đây vẫn giữ phong tục đón Tết theo lịch âm. Người dân đón Tết âm lịch rất tưng bừng, đến thăm bạn bè, tặng quà, chúc tụng, đi tảo mộ, thắp hương khấn lạy ông bà, tổ tiên...

Tết âm lịch ở Đài Loan

Malayxia: Tết âm lịch của người dân Malayxia kéo dài tới hơn nửa tháng. Ngoài những món ẩm thực mang đậm dấu ấn riêng, họ còn tham gia tổ chức các trò chơi như múa sư tử, múa rồng trong hội, đốt pháo để xua đuổi tà ma, điều xấu...

Singapore: Tết âm lịch ở Singapore thường rất tưng bừng, náo nhiệt cũng bởi lý do là người dân sinh sống trên lãnh thổ Singapore chiếm 3/4 là người Hoa. Lễ hội đón mừng năm mới ở đất nước này thường bắt đầu từ ngày 5/12 đến 15/1. Nét độc đáo trong ngày Tết là hội chợ xuân ở hai bên bờ sông với các quầy bán vé cho các điểm vui chơi. Những chương trình ca nhạc rầm rộ thường thu hút hàng nghìn khán giả.

Thái Lan: Tuy người Thái không chọn ngày Tết âm lịch là ngày lễ hội chính thức nhưng ở khắp nơi trên đất nước này không khí Tết vẫn khá tưng bừng. Trong các hoạt động đón Tết, rộn ràng và quan trọng nhất là những cuộc múa lân, múa rồng - con vật được coi là biểu tượng linh thiêng tối cao của quyền uy và sự thịnh vượng.

Đài Loan: Về thời gian, Tết âm lịch ở Đài Loan có sự chênh lệch so với Tết nguyên đán ở Trung Quốc đại lục, thường bắt đầu từ ngày 16 tháng chạp cho tới ngày 15 tháng Giêng. Người Đài Loan quan niệm rằng mọi vấn đề thuộc về năm cũ phải giải quyết trong năm cũ chính bởi thế mà người ta rất coi trọng việc trả mọi nợ nần trước khi đón năm mới. Người Đài Loan sẽ đến thăm nhau trong ngày Tết, tặng nhau những phong bao lì xì đỏ, cầu chúc nhau năm mới hạnh phúc, phát tài.

Ông đồ - Ảnh: Bùi Tuấn

Hồng Kông: Vào những ngày Tết, nhịp sống quay cuồng của xã hội Hồng Kông tạm lắng xuống, thay vào đó là các lễ hội tưng bừng để đón chào năm mới. Người Hồng Kông trong ngày Tết sẽ trở về với những nét truyền thống dân gian của người Trung Quốc. Các phong tục cũ trong ngày lễ Tết được khởi xướng lại, các khoản nợ nần cũng được thanh toán trước khi giao thừa đến để tránh mất “giông”. Bạn bè thăm viếng nhau nói chuyện năm cũ, hướng chuyện năm mới. Họ trao nhau những món quà và lời chúc truyền thống “năm mới phúc lộc đầy nhà”... Trẻ em và thanh niên chưa có gia đình háo hức đón nhận phong bao lì xì gọi là “tiền hên”, “tiền may mắn”. Năm mới, theo phong tục thì mọi thứ trong nhà phải sạch sẽ, sáng sủa, tươm tất. Người Hồng Kông đi may sắm, sửa sang tóc, mua quýt, mua hoa đào, mua những chậu quất trĩu quả vàng như những đồng tiền vàng. Hai màu sắc được coi là thịnh nhất trong ngày Tết đó là màu đỏ và màu vàng kim bởi nó là biểu tượng cho hạnh phúc và sự thịnh vượng...

 Nhất Huy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 191, ra tháng 1/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :