Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại
Trong một vài thập kỷ trở lại đây, du lịch đã trở thành nguồn thu đáng kể đối với một số nước đang phát triển. Tuy nhiên, sự xuất hiện của khách du lịch phương Tây cũng với sự thương mại hóa các dịch vụ của người dân bản địa, đôi khi lại dẫn đến sự mất dần những bản sắc văn hóa vốn có.

                    Luang Phabang, Lào

 Khi ánh mặt trời dần ló lên bên dòng Mê-kong, thì cũng là lúc các bước chân lặng lẽ của các hòa thượng bắt đầu bị quấy rầy bởi hàng trăm khách du lịch, ùn ùn kéo đến để xem cuộc hành hương buổi sáng của họ.

"Họ đến rồi! Họ đến rồi!." Người hướng dẫn viên gào to qua loa. "Nhanh lên! Nhanh lên!"

Các hòa thượng xuất hiện, một hàng dài bất tận trong bộ áo màu da cam, bước nhanh trong yên lặng, tay cầm bát ăn xin và đám đông khách du lịch thì xúm lại quay phim, chụp ảnh và cho thức ăn.

Luang Phabang, thành phố sương mù với nhiều chùa chiền nằm gọn trong miền núi trung tâm Lào, là một trong nhưng nơi cuối cùng còn giữ được nét văn hóa nguyên sơ tại một đất nước đang phát triển với tốc độ chóng mặt.

Hiện nay, có một nghịch lý là khi người ta càng cố gắng giữ gìn những giá trị văn hóa xưa để phục vụ cho các khách du lịch đến thăm quan, thì chính những giá trị ấy lại càng mất đi bản chất thực của nó.

Cũng giống như nhiều điểm du lịch tương tự trên toàn thế giới, thành phố có tuổi đời 700 năm này đang dần trở thành bản sao của chính nó, với những nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, dịch vụ mát-xa, tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích du lịch.

"Hãy nhìn, họ trèo lên xe buýt. Và họ nhìn các nhà sư như thế những con khỉ hay những con bò. Đúng là một vở kịch." - Nithakhong Somsanith, một nghệ nhân thêu nói.

Là trung tâm Phật giáo, vẻ tĩnh lặng ở Luang Phabang hấp dẫn rất nhiều du khách nhưng chính điều này cũng dẫn đến việc hủy hoại các giá trị của nó "Các nhà sư không còn không gian để đi lại và tĩnh tâm." Somsanith nói thêm.

Được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995, mọi hoạt động xây dựng, cải tổ ở đây đều được kiểm soát rất chặt chẽ nhằm bảo tồn các khu phố nhỏ trong các khu đô thị cổ xưa.

"Vấn đề là ở chỗ họ chỉ bảo vệ được phần xác, còn phần hồn thì không." - Gilles Vautrin, một chủ nhà hàng người Pháp, người đã sống ở đây gần một thập kỷ cho biết. "Thành phố rồi sẽ chỉ còn toàn là những bảo tàng và khách sạn. Khách du lịch có thể thích điều này nhưng chắc chắn các cư dân ở Luông Phabang thì không."

Hình ảnh các hòa thượng đi hành khất vào các buổi sáng dường như đã trở thành biểu tượng vĩnh cửu cho thành phố có tới 34 ngôi chùa này. Nhưng giờ đây, khi họ đi xuống những phố trung tâm như phố Sisavangvong chẳng hạn, họ sẽ phải len qua đám đông khách du lịch và những người bán hàng rong, luôn miệng chào hàng "Đô la! Đô la!"

Phía trước, các nhà sư đang đi ngang qua các nhà hàng Pizza Luang Phabang, quấy rượu Liquenr Pack Luck, cửa hàng kem Đức, quán cà phê, bánh ngọt, dịch vụ Mat-xa Spa và quấy bar Tatmor.

"Những cảnh tượng này thật khó chịu, nhưng nó mới chỉ là một phần của thảm họa" - Rik Ponne, một chuyên gia chương trình của Unesco tại Băng Cốc bình luận.

"Sức chứa của Luang Phabang chỉ có hạn. Do vậy, chính phủ Lào cần xem xét đến chính sách hạn chế số lượng khách du lịch." - Ponne nói tiếp.

Nhưng quả thực, đây sẽ là một quyết định vô cùng khó khăn đối với một trong những nước nghèo nhất Châu Á này, nơi mà du lịch đã trở thành nguồn thu ngoại tệ chủ yếu.

Nhưng đúng như Unesco đã khuyến cáo từ năm 1994, nếu các bước không được kiểm soát một cách chặt chẽ, Luang Phabang có thể sẽ trở thành "một thành phố du lịch nơi các biển quảng cáo đồ uống giải khát sẽ chiếm lĩnh hết các cảnh quan, nơi tiếng còi xe buýt sẽ lấn át tiếng cầu kinh trong các chùa chiền, và cũng là nơi cư dân thành phố phải đóng vai những kẻ ngoài rìa."

Hiển nhiên là dân số thành phố sẽ bị giảm sút bởi người ta sẽ dọn đến nơi khác ở để dành nhà của mình làm nhà hàng hay khách sạn.

"Bạn sẽ không thấy nhiều gia đình sống quây quần bên nhau, bởi người ta đã chuyển hết ra ngoại ô để ở." - Vilath Inthasen, 25 tuổi, một cư dân địa phương là người quản lí của quán cà phê Sắc Màu nói.

Vilath trước kia đã xuất gia trong 8 năm liền  và cũng như nhiều cư dân khác, anh đã sử dụng quãng thời gian này để chuẩn bị cho công việc sau này ở trong thành phố.

"Nếu bạn đi tu, bạn có thể học tiếng Anh để sau này làm việc cho ngành du lịch. Phần lớn những người đang làm cho các nhà hàng đều đã từng đi tu." - Anh nói tiếp. Trong khi sự thay đổi mang lại công việc và tiền bạc, nó cũng làm thay đổi cách sống của mọi người. "Tôi sợ nền văn hóa của chúng tôi sẽ bị mai một." Anh nói trong tiếng cưa ầm ĩ vọng ra từ phía nhà hàng xóm. "Bây giờ thì các quán bar đều có thể mở cửa đến tận nửa đêm. Bình thường ở Lào, chúng tôi không bao giờ làm thế."

Nỗi lo lắng về sự mất dần các giá trị văn hóa đang trở nên rất gay gắt, bởi Luông Phabang không đơn thuần là một công trình kiến trúc, kiểu như đền thờ Angkor ở Cam-pu-chia.

"Không có gì thật sự nổi bật ở đây. Kiến trúc thành phố thì bình thường, rất bình thường; kiến trúc chùa chiền cũng không tinh xảo. Điều làm nên vẻ đẹp ở Luang Phabang chính là sự gắn kết của tất cả các yếu tố lại với nhau. Đó là không khí của thành phố, cuộc sống thường nhật với chùa chiền và sư sãi." Rampon, một kiến trúc sư tự do kiêm chuyên gia tư vấn của thành phố cho biết. "Luông Phabang sẽ không còn là Luang Phabang nếu không khí này bị mất đi."

Cũng như các nước láng giềng Việt Nam, Cam-pu-chia và My-an-ma, chiến tranh trong suốt nhiều thập kỷ ở đây đã kìm hãm sự phát triển cũng như cướp đi rất nhiều di tích lịch sử.

Là nước nghèo và nằm trọn trong đất liền, với dân số gần 6,5 triệu, Lào đã bị chiến tranh phá hủy suốt những năm 60 và 70 của thập kỷ trước, liền sau đó họ lại bị cô lập về kinh tế.

Luông Phabang được mô tả là  thành phố mà dường như "thời gian đang dừng lại", đói nghèo và khắc nghiệt đến nỗi mà quá khứ như nán lại ở nơi đây.

Đói nghèo và sự bảo tồn luôn đi kèm với nhau, Rampon bình luận.

"Nghịch lí ở chỗ khi Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới một phần để giúp giảm tình trạng đói nghèo, nhưng giảm đói nghèo kèm theo đó là đánh mất các di sản. Nếu bạn muốn bảo tồn các di sản, bạn phải chấp nhận sự đói nghèo."

 

                  Người Mông ở SaPa phố!

"Xa cái nương, cái rẫy đã lâu, giờ về lại chắc chẳng làm nổi đâu! Sống ở phố, ngày đi bán hàng rong, đêm về ngủ nhà trọ, không được tự do như ở bản ngày trước nhưng gặp nhiều người lạ, thấy đèn điện đẹp, nhà đẹp, thế cũng được!" - mấy người phụ nữ Mông bán hàng lưu niệm ở lối lên đỉnh Hàm Rồng (thị trấn Sa Pa, Lào Cai) đều cùng chung một câu trả lời khi được hỏi. Sức hút của đô thị du lịch đã kéo không ít đồng bào Mông, Dao hạ sơn. Họ đa phần không có trình độ, nghề nghiệp mưu sinh dựa vào những mặt hàng lưu niệm bán cho khách thập phương với cả vốn tiếng Anh bập bõm học được ở "trường đời". Họ mặc váy áo Mông, đeo vòng tay, vòng cổ và vấn khăn Mông nhưng đa phần nói tiếng Anh và tiếng Kinh để bán hàng.

Người Mông ở SaPa có thể thông thạo chỉ bạn đến từng địa chỉ giải trí, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu ở thị trấn nhưng nhiều người trong số họ sẽ ngấp ngứ hoặc biết rất ít về các phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc mình. Bạn sẽ nhận được thái độ thân thiện dẫn đường hoặc chụp ảnh cùng nếu hào phóng mở ví mua một món hàng lưu niệm hay trả công bằng tiền cho họ. Người Mông về phố mưu sinh đem theo cả con cái, cứ 5 em bé thì may lắm có 1 em được đi học còn đa phần phải làm công việc đeo bám khách để bán hàng. Nhìn những bóng người nhỏ bé, đứng ngồi vạ vật theo những lối đi, tôi bỗng chạnh lòng tự hỏi: "Có còn không những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mông trên mảnh đất này?"...

 

 

 Ảnh: Bùi Tuấn - Phạm Hiệp - - Trương Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 206 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :